ĐIỂM LẠI VÀI NÉT VỀ XUNG ĐỘT GIỮA PALEXTIN VỚI IXRAEN

Israel

Tranh bên: Phép lạ của chúa Ki Tô ở xứ Palextin

Mối hiềm khích xung đột giữa người Arập với người Do Thái có lịch sử lâu đời, phức tạp, xoay quanh vấn đề quan trọng nhất : mảnh đất hiện nay người Ixraen ở có phải là của họ hay là của người Arập Palextin ? Ngoài ra nó cũng liên quan đến tôn giáo, đến việc người Do Thái bị người theo đạo Ki Tô ở nhiều nước hắt hủi, xua đuổi.

Cách đây 5000 năm, người Do Thái được gọi là người Hêbrơ (Hebrew). Theo Kinh Thánh, khi bộ lạc này đang sống du mục trên bán đảo Arập thì được Thượng Đế trao cho mảnh đất Canaan – phía Tây giáp Địa Trung Hải, phía Đông giáp sông Gioocđan và Biển Chết, phía Bắc giáp dãy núi Hecmôn biên giới với Libăng; phía Nam giáp bán đảo Sinai. Về sau xứ Canaan được gọi là Palextin; người Arập sống ở đây được gọi là người Palextin. Vào khoảng giữa thiên niên kỷ III và II trước công nguyên (tr. CN) người Do Thái đến Canaan định cư. Năm 1710 tr. CN, do nạn đói, họ tạm lánh sang Ai Cập. Năm 1251 tr. CN họ trở về Canaan lúc này đã bị người Philistin chiếm. Hai bên đánh nhau, người Do Thái thắng và xây dựng vương quốc Do Thái ở Canaan. Tại đây có cả người Arập sống chung, nhưng người Do Thái chiếm đa số trong suốt 1600 năm (1000 tr. CN - 636). Thời kỳ 1000 - 597 tr. CN, vương quốc Do Thái phát triển phồn vinh, tuy có những thời gian bị người Asua, Babylon, Ba Tư, Hy Lạp, Ai Cập và La Mã xâm lược. Vương quốc thời vua Solomon (1000 tr. CN) có địa giới như trong hình 1.

Năm 168 tr. CN, đế quốc La Mã chiếm nước này trong 6 thế kỷ và đổi tên là Palextin Giuđêa (Judea Palestine) theo cách gọi của người Philistin. Người Do Thái bắt đầu phân tán sống lưu vong ở nhiều nước khác. Sau khi đạo Ki Tô ra đời, người Do Thái bị các tín đồ Ki Tô giáo nhiều nơi hắt hủi xua đuổi, họ lại về Palextin định cư.

Năm 637, người Arập chiếm xứ Palextin. Trong 1300 năm tiếp sau, tiếng Arập và đạo Islam (Hồi giáo) chiếm ưu thế ở xứ này, nhưng người Do Thái vẫn tồn tại như một dân tộc thiểu số; quan hệ giữa 2 dân tộc này không căng thẳng. Thời gian 1099-1291, xứ Palextin bị Thập tự quân Ki Tô giáo chiếm; họ ngược đãi, tàn sát người Do Thái ở đây nhưng vấp phải sự chống đối của người Arập và Do Thái. Năm 1291, người Mameluk theo đạo Islam đánh đuổi Thập tự quân rồi cai trị Palextin. Từ năm 1517, xứ này bị đế quốc Ottoman của Thổ Nhĩ Kỳ cai trị trong 4 thế kỷ; người Do Thái tiếp tục bị ngược đãi. Tuy vậy họ vẫn tiếp tục từ châu Âu, chủ yếu từ Nga, di cư về Palextin. Thời gian 1880-1914 có 60 nghìn người Do Thái đến đây; họ mua đất của người địa phương với giá cực cao để sống trên mảnh đất Kinh Thánh nói là của họ. Năm 1909 họ xây dựng một thành phố mới là Tel Aviv. Năm 1914 ở Palextin có 500 nghìn người Arập và 90 nghìn người Do Thái.

Thời kỳ thuộc Anh

Năm 1917, sau khi thắng cuộc chiến tranh với Thổ Nhĩ Kỳ, nước Anh chiếm vùng Trung Đông, trong đó có xứ Palextin. Trong Tuyên ngôn Balfour, Anh hứa ủng hộ lập nhà nước của người Do Thái trên xứ này; điều đó đã kích thích chủ nghĩa Phục quốc Do Thái (Zionism, đòi lập nhà nước Do Thái) phát triển. Tổ chức Zionism đưa lên Hội nghị Hoà bình Pari (từ tháng 1 đến 6.1919) bản đồ yêu cầu lãnh thổ của họ, nhưng bị bác bỏ. Năm 1920 Hội Quốc Liên thừa nhận Anh được quyền uỷ trị xứ Palextin. Người Do Thái khắp nơi đẩy mạnh di cư về đây. Thời gian 1920-1925, Quỹ Dân tộc Do Thái chi 1 triệu đồng bảng Ai Cập mua đất vùng thung lũng Jezreel để định cư. Năm 1928 xứ Palextin có 590 nghìn người Arập và 150 nghìn người Do Thái.

Lo ngại trước dòng người Do Thái đến ngày một tăng, từ năm 1920 người Arập ở Palextin bắt đầu tấn công họ; người Do Thái tổ chức tự vệ. Cảnh sát Anh ngăn cấm hai bên đánh nhau, nhưng không thành công, vì hai cộng đồng này sống xen kẽ nhau.

Sau năm 1917, người Do Thái ở châu Âu ủng hộ cách mạng Nga, vì thế họ bị xua đuổi, tàn sát ngày một nhiều, nhất là sau khi Hitle lên cầm quyền ở Đức (1933). Họ phải di cư sang các nước khác.

Chỉ trong 3 năm kể từ 1933, người Do Thái ở Palextin đã tăng từ 230 nghìn lên 400 nghìn, bằng 1/3 số người Arập, và đến năm 1940 đã gần bằng nhau, tuy người Do Thái có rất ít đất (xem hình 3). Người Arập càng tăng cường tấn công người Do Thái và phá ruộng vườn nhà cửa của họ. Cảnh sát Anh ngăn cấm và đàn áp các cuộc xung đột, nhưng bị người Arập đánh trả.

Năm 1937, Chính phủ Anh kiến nghị tách Palextin ra làm 2 nước, một của người Arập, một của người Do Thái, riêng hành lang từ Jerusalem đến Jaffa sẽ do Anh kiểm soát. Người Do Thái miễn cưỡng tán thành, người Arập phản đối đề nghị này. Xung đột leo thang; người Do Thái kháng cự ngày càng mạnh và dần dần thắng thế.

Sở hữu Do Thái năm 1947

Tháng 11.1947, Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) quyết định tách Palextin thành 2 nhà nước, một của người Arập, một của người Do Thái, lập Liên minh Kinh tế 2 nước này, theo đó Jerusalem là khu vực quốc tế và vẫn có một số khu định cư của người Do Thái nằm trong vùng đất chia cho người Arập, nghĩa là vẫn sống xen kẽ nhau. Người Do Thái tán thành, người Arập phản đối quyết định trên. Tháng 5.1948, quân đội Anh rút khỏi Palextin.

Ngày 14.5.1948, nhà nước Ixraen của người Do Thái tuyên bố thành lập. Quân đội Ai Cập, Gioocđani, Xyri và Libăng lập tức tiến công Ixraen, nhưng vấp phải sự chống trả mạnh. Năm sau, Ixraen ký hiệp định ngừng bắn riêng với các nước Arập; theo đó, Gioocđani chiếm phía Tây sông Gioocđan, Ai Cập chiếm dải Gaza; không bên nào bảo đảm sự tự trị của người Palextin. Thời gian 1951-1956, các nhóm khủng bố Palextin được các nước Arập giúp đỡ ra sức tấn công Ixraen. Liên Xô tăng cường ảnh hưởng tại Trung Đông bằng việc viện trợ quân sự cho các nước Arập. Mỹ cũng thay dần vai trò của Anh, Pháp tại vùng này và viện trợ mạnh cho Ixraen. Tháng 10.1956, Ixraen xâm phạm vùng Sinai của Ai Cập. Quân đội Anh, Pháp can thiệp giúp Ixraen. Ngày 6.11, LHQ tổ chức ngừng bắn giữa hai bên dưới sự giám sát của Lực lượng Khẩn cấp LHQ.

Năm 1964, Tổ chức Giải phóng Palextin PLO ra đời với nòng cốt là lực lượng Phata của ông Arafat, nhằm đấu tranh chống lại sự chiếm đóng của Ixraen. Trụ sở của PLO mới đầu đặt ở Gioocđani, nhưng sau một cuộc nội chiến đẫm máu, PLO bị trục xuất, phải chuyển sang Libăng, rồi các nước Arập khác. Năm 1974, LHQ công nhận PLO là đại diện của nhân dân Palextin.

Tháng 5.1967, theo yêu cầu của Ai Cập, Lực lượng LHQ rút khỏi Sinai. Sau đó Ai Cập chiếm dải Gaza và phong toả cảng Akaba của Ixraen. Ngày 5.6.1967, Ixraen tiến hành cuộc “Chiến tranh 6 ngày”, chiếm dải Gaza, bán đảo Sinai sát kênh đào Suez, khu Đông Jerusalem, cao nguyên Golan của Xyri và vùng Bờ Tây sông Gioocđan. Cuộc chiến kết thúc ngày 10. 6 theo các thoả thuận ngừng bắn do LHQ thu xếp. Ixraen chiếm được một vùng đất rộng của các nước đối địch.

Ngày 6.10.1973, Ai Cập và Xyri tấn công Ixraen. Quân đội Ixraen phản công thắng lợi, vượt qua kênh Suez. Ngày 24.10, hai bên ngừng bắn và Lực lượng Gìn giữ Hoà bình LHQ tiến vào khu vực này. Theo Hiệp định ký ngày 18.1.1974, Ixraen rút quân ra khỏi bờ Tây kênh Suez. Tháng 11.1977, Tổng thống Ai Cập Sadat thăm Jerusalem. Ngày 26.3.1979, Ai Cập và Ixraen ký Hoà ước kết thúc cuộc chiến tranh kéo dài 30 năm. Năm 1982, Ixraen trả lại bán đảo Sinai cho Ai Cập.

Để trả đũa các phần tử khủng bố người Libăng, tháng 3.1978 Ixraen tấn công nước này. Về sau, tuy Ixraen có rút quân ra khỏi Libăng nhưng vẫn giúp đỡ các lực lượng vũ trang Ki Tô giáo ở đây chống lại các nhóm vũ trang đạo Ixlam.

Tháng 6.1981, máy bay Ixraen ném bom phá huỷ Lò phản ứng nguyên tử của I-rắc ở gần Bátđa. Một năm sau, Ixraen lại tiến vào Libăng, phá trụ sở của PLO, khiến PLO phải chuyển sang nước khác. Quân Ixraen tiến vào Tây Beirut sau khi Tổng thống mới bầu của Libăng là Bashir Gemayel bị ám sát ngày 4.9.1982. Năm 1988, PLO tuyên bố thành lập nhà nước Palextin độc lập trên Bờ Tây sông Gioocđan và dải Gaza (bị Ixraen chiếm từ 1967). Ixraen và Mỹ phản đối tuyên bố này. Người Palextin nổi dậy chống lại sự chiếm đóng của Ixraen. Bạo lực lại leo thang.

Bản đồ hiện nay

Sau cuộc chiến tranh vùng Vịnh (đầu 1991), tháng 9.1993, PLO tuyên bố thừa nhận quyền tồn tại của Ixraen và Ixraen thừa nhận PLO là đại diện của người Palextin. Ngày 13.9, hai bên ký thoả thuận về quyền tự trị có hạn chế của người Palextin ở vùng Bờ Tây và dải Gaza. Ngày 25.7.1994, Ixraen và Gioocđani ký tuyên bố chấm dứt chiến tranh 46 năm giữa 2 nước. Được Tổng thống Mỹ Clinton đạo diễn, ngày 23.10.1998, lãnh tụ Palextin Arafat và Thủ tướng Ixraen Netanyahu ký thoả thuận, theo đó, Ixraen đồng ý trả thêm đất Bờ Tây cho Palextin theo chính sách “đổi đất lấy hoà bình”. Ngày 24.5.2000, Ixraen rút quân khỏi Libăng. Tháng 6.2001, Sharon (theo đường lối cứng rắn) làm Thủ tướng Ixraen. Người Palextin tăng cường đánh bom tự sát giết dân thường Do Thái. Ixraen đánh trả bằng vũ khí hiện đại và bao vây trụ sở làm việc của ông Arafat. Hai bên đều có thương vong, phía Palextin chết nhiều hơn. Tháng 6.2003, Tổng thống Mỹ G.W.Bush gặp Sharon và Thủ tướng Palextin Abbas, đưa ra sáng kiến “Lộ trình Hoà bình” khu vực Trung Đông, ủng hộ việc thành lập nước Palextin độc lập. Tuy lãnh đạo hai bên thoả thuận ngừng bắn, nhưng các phần tử quá khích của hai bên vẫn tiếp tục chiến đấu theo kiểu “hòn đất ném đi, hòn chì ném lại”.

Sau khi ông Arafat qua đời, trong cuộc bầu cử ngày 9.1.2005, ông Abbas theo đường lối ôn hoà lên lãnh đạo Cơ quan Quyền lực cao nhất của Palextin. Dư luận thế giới hoan nghênh kết quả này. Với cố gắng của ông Abbas, tình hình căng thẳng ở Trung Đông đang giảm đi rõ rệt. Palextin và Ixraen bắt tay nhau. Hy vọng về nền hoà bình lâu dài trên mảnh đất Palextin đang nhen lên mạnh hơn bao giờ hết, mối hiềm khích lịch sử giữa 2 dân tộc Arập và Do Thái có vẻ như đang đi đến hồi kết. Tuy vậy, quá trình này sẽ lâu dài và vô cùng gian nan, vì còn phụ thuộc vào Mỹ và nhiều thế lực khác. Khó khăn nhất là ông Abbas chưa kiểm soát được các lực lượng vũ trang Palextin quá khích; rất có thể họ bất ngờ phá hoại mọi cố gắng của ông.

Nguyễn Hải Hoành