Đại hội Nho học thế giới lần thứ nhất

Đại hội Nho học thế giới lần thứ nhất do Bộ Văn hoá Trung Quốc và chính quyền tỉnh Sơn Đông chủ trì đã khai mạc trọng thể ngày 27-9-2008 tại thành phố Khúc Phụ, quê hương Khổng Tử. Tới dự có 172 đại biểu, trong đó có nhiều chuyên gia, học giả của 86 cơ quan nghiên cứu Nho học từ 22 nước và vùng lãnh thổ như Hàn Quốc, Singapore, Mỹ, Hong Kong, Macau, Đài Loan...

Trong lời khai mạc, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội TQ Hứa Gia Lộ phát biểu: Nho học là tư tưởng học thuật do các bậc tiên triết TQ cách đây 2500 năm đề ra nhằm giải quyết các vấn đề nhân sinh và xã hội; ngày nay, khi cuộc khủng hoảng xã hội loài người đang trở nên ngày một gay gắt, thế giới cần tới một nền văn hoá đa nguyên, cần tới Khổng Tử, cần tới Nho học.

Thứ trưởng Bộ Văn hoá TQ Châu Hoà Bình đọc diễn từ nói: Nho học là tài sản tinh thần quý giá của dân tộc Trung Hoa cống hiến vào kho tàng tư tưởng của loài người. Khổng Tử là thánh nhân văn hoá. Trong lịch sử, Nho học vừa giữ được đặc điểm tinh thần nhân ái, hài hoà lại vừa mang dấu ấn văn hoá của các thời đại; nó phát triển với tư thế mở, tiếp tục cống hiến quan trọng cho sự tiếp nối hình thái văn minh thế giới. Nho học chú trọng cách vật chí tri, thành ý, chính tâm, chú trọng tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Nghiên cứu Nho học sẽ có lợi cho việc đối thoại giữa truyền thống với hiện đại của thế giới ngày nay, có lợi cho việc giao lưu và hoà nhập văn minh phương Đông với văn minh phương Tây. Thế giới hiện nay đang lại một lần nữa xảy ra những biến đổi lịch sử mãnh liệt; phương thức sản xuất, lối sống và phương thức tư duy của mọi người cũng đang có biến đổi sâu sắc. Nho học không ngừng đổi mới nên có phản ứng trước sự biến đổi đó. Tại Đại hội này, Nho học của thế kỷ XXI nên nói lên tiếng nói thời đại phù hợp với sự phát triển lịch sử và với lợi ích của loài người.

Lễ khai mạc đại hội

Phó Chủ tịch tỉnh Sơn Đông Hoàng Thắng phát biểu: cùng với ngọn lửa Olympic Bắc Kinh bừng cháy, cùng với sự trình diễn hoàn toàn mới của văn minh Trung Hoa, nền văn hoá truyền thống ưu tú Trung Hoa với đại diện là Nho học đang truyền bá rộng khắp năm châu. Đại hội này sẽ bắc cây cầu văn hoá giúp các nhà nghiên cứu Nho học khắp thế giới giao lưu và đối thoại với nhau, qua đó tăng cường tình hữu nghị giữa nhân dân các nước, đảy mạnh hoà bình và phát triển.

Giám đốc Viện nghiên cứu nghệ thuật TQ kiêm Chủ nhiệm Trung tâm bảo vệ di sản văn hoá phi vật chất TQ Vương Văn Chương nói: trong nền văn hoá truyền thống TQ thì văn hoá Nho học với đại diện là tư tưởng Khổng Tử có ảnh hưởng lâu đời nhất, sâu rộng nhất, đặc biệt là hệ thống giá trị hình thành bởi sự hoà hợp tư tưởng của các vị tiên triết Nho học nhiều đời, chứa đựng ý thức sinh mệnh và mối quan tâm nhân văn thâm hậu, những tư tưởng đó không những đã thúc đảy sự phát triển nền văn minh TQ mấy nghìn năm mà còn ảnh hưởng tới tiến trình lịch sử của thế giới, có sức mạnh tinh thần vượt qua lịch sử và biên giới. Trong bối cảnh thế giới đa nguyên ngày nay, dưới xu thế hoà nhập, hội tụ của văn hoá thế giới, chúng ta nên dùng thái độ học thuật kính trọng lẫn nhau, bao dung và bình đẳng để kết hợp sự nghiên cứu Nho học với các nền văn hoá khác trên toàn cầu, học tập lẫn nhau, thừa nhận sự dị biệt và đa dạng văn hoá, cùng nhau thúc đảy sự phát triển và phồn vinh của văn hoá đa nguyên thế giới.

Nhiều học giả đến từ các nước và vùng lãnh thổ đã đọc tham luận và tham gia các hoạt động phong phú trong ba ngày Đại hội.

Tại Hội nghị Nho học quốc tế do Bộ Văn hoá TQ và tỉnh Sơn Đông tổ chức hồi tháng 9 năm ngoái, các đại biểu đã thông qua kiến nghị mỗi năm một lần họp Đại hội Nho học thế giới trong dịp lễ hội văn hoá Khổng Tử Khúc Phụ vào tháng 9 hàng năm. Tôn chỉ của Đại hội là: tổ chức hoạt động nghiên cứu Nho học trên phạm vi thế giới; thúc đẩy sự phát triển theo chiều sâu các hoạt động đó; kế thừa, phát huy văn hoá truyền thống ưu tú của TQ; xúc tiến đối thoại và giao lưu giữa các nền văn minh khác nhau của loài người; tăng cường hiểu biết và lòng tin giữa các dân tộc. Đại hội do Viện Nghiên cứu nghệ thuật TQ, Sở Văn hoá Sơn Đông, Quỹ Khổng Tử TQ, chính quyền thành phố Tế Ninh và Học viện Nghiên cứu Khổng Tử đồng tổ chức. Cơ quan thường trực của Đại hội gọi là Ban Thư ký đặt tại Học viện Nghiên cứu Khổng Tử.

Đại hội Nho học thế giới lần thứ nhất là một sự kiện quan trọng trong lĩnh vực học thuật quốc tế, nó sẽ tạo ra một sân chơi quốc tế hoá việc nghiên cứu, giao lưu và hợp tác về nghiên cứu Nho học. Nhiều năm nay, tại TQ đã xuất hiện một phong trào khôi phục văn hoá truyền thống, gần đây phát triển thành “Cơn sốt Quốc học” với đỉnh cao là sự ra đời “Hiện tượng Vu Đan”– bà Vu Đan giáo sư trường Đại học Sư phạm Bắc Kinh thuyết trình hàng tuần trên đài truyền hình trung ương hồi cuối năm 2006 về “Thu hoạch đọc Luận Ngữ” và “Thu hoạch đọc Trang Tử” thu hút hàng chục triệu người xem, sau đó hai cuốn sách cùng tên của bà được phát hành ngót chục triệu bản. Tuy vậy, phong trào nói trên cũng gặp không ít trắc trở vì có không ít ý kiến bất đồng trong việc đánh giá Khổng Tử và học thuyết Nho giáo của ông. Năm 2007, học giả Lý Linh xuất bản cuốn “Chó không nhà – Tôi đọc Luận Ngữ”, nói Khổng Tử không phải là thánh nhân mà chỉ là một người bình thường được vua chúa phong kiến tô son điểm phấn; và ví Khổng Tử như một “Chó không nhà” tức người lang thang trong nỗi lòng cô đơn. Sách nói trên của Lý Linh được giới học giả và xuất bản TQ bình chọn là sách hay nhất năm 2007; nó đã gây ra một cuộc tranh cãi ồn ào. Thực ra đây chỉ là sự tiếp diễn cuộc đấu tranh dai dẳng giữa cái gọi là phái theo chủ nghĩa bảo thủ văn hoá với phái theo chủ nghĩa tự do, hoặc phái Sùng Nho với phái Phản Nho (trước đây còn có phái chủ nghĩa Mác, nay không thấy lên tiếng). Thực chất là vấn đề đánh giá vai trò của Nho giáo – học thuyết từng bị phong trào Tân Văn hoá do Lỗ Tấn, Hồ Thích đứng đầu đả phá thậm tệ, coi là vật cản con đường tiến bộ của TQ. Nho giáo cũng bị Nhật Bản thời Minh Trị từ bỏ, bị Phan Châu Trinh và các sĩ phu Đông Kinh Nghĩa Thục Việt Nam phê phán mạnh, dù trước kia nó từng có ảnh hưởng cực lớn đối với các nước này. Gần đây trên mục “Các bài giảng lịch sử” (Historic Lectures, còn gọi Reith Lecture) của đài BBC, sử gia Anh Quốc nổi tiếng Jonathan Spence thuyết trình nhiều kỳ về Nho học của TQ, trong đó có đưa ra một số ý kiến phê phán, chẳng hạn quan điểm coi thường phụ nữ của Khổng Tử ...

Với những lý do nói trên, có thể thấy việc quảng bá Nho học trên phạm vi thế giới chắc hẳn sẽ đòi hỏi những cố gắng rất lớn.

Nguyên Hải