Đàn Nam Giao & lễ tế Giao (V)

PXP

Bìa tập san Đô Thành Hiếu Cổ số đầu (1914)

“Bua ra Giao”: vài nghi vấn

Trong Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum (Từ điển Việt – Bồ – La) xuất bản lần đầu tại Roma năm 1651, giáo sĩ Alexandre de Rhodes (1591 – 1660) có đưa mấy từ tiếng Việt mà ngày nay nghe là lạ: “bua ra giao”. Nghĩa là sao?

Ngữ âm học lịch sử đã chứng minh rằng người Việt thuở xưa nói năng thường lẫn lộn phụ âm đầu v với b. Chẳng hạn phát âm vã thành bã; véo thành béo; vui thành bui; vua thành bua. Hiện tượng này cho tới bây giờ vẫn còn rơi rớt tàn dư trong một số phương ngữ, thổ ngữ ở nước ta. Và như thế, bua ra giao đích thị vua ra Giao, tức vua tới đàn Nam Giao cử hành lễ tế trời đất. Theo cách hiểu của A. de Rhodes thì đấy là “lễ của vua Bắc kỳ đầu năm rất lớn để cầu cúng trời và sau đó tự tay vua cày đất [?]”. Cũng năm 1651, A. de Rhodes dịch cuốn Tunchinensis histori của mình đã công bố năm 1642 ra tiếng mẹ đẻ với tiêu đề Histore du Royaume Tonkin (Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài) và ấn hành tại Lyon, Pháp.

Đến năm 1914, trong Bulletin des Amis du Vieux Hué (BAVH: tập san Đô Thành Hiếu Cổ) số ra mắt, chủ bút Léopold Cadière cho đăng bài Documents historiques sur le Nam-Giao (Sử liệu về Nam Giao) đã dẫn sách trên để hình dung lễ tế Giao của vua Lê từng tổ chức ở Đàng Ngoài. Biết rằng A. de Rhodes ghé vào cửa Bạng (Thanh Hóa) từ tháng 3-1627, tháng 6 năm đó tới Thăng Long, rồi bị trục xuất vĩnh viễn khỏi Đàng Ngoài từ tháng 5-1630, thì có thể xác định lễ tế Giao mà vị thừa sai Pháp gốc Tây Ban Nha từng chứng kiến và miêu tả đã diễn ra vào năm 1628, 1629 hoặc 1630. Ấy là giai đoạn vua Lê Thần Tông (Duy Kỳ) trị vì bên cạnh chúa Trịnh Tráng.

Theo đó, ngày mùng 3 Tết, các quan mặc triều phục và đeo thẻ bài nghiêm chỉnh, tề tựu đông đủ trước sân rồng, chuẩn bị phò vua dạo quanh kinh thành. Dẫn đầu đoàn là binh lính cầm gươm giáo sáng rực, mà quân số được A. de Rhodes ước tính lên tới 50.000 người (?). Tiếp theo là tướng lĩnh, quan lại, hoàng thân, quốc thích – thành phần này đều mang giáp, cỡi ngựa hoặc ngồi trên bành voi. A. de Rhodes viết: “Tôi còn nhớ tôi đã đếm trên 300 thớt voi”. Hiện diện trong đoàn ngự đạo còn có Thành Đô vương, tức chúa Trịnh Tráng (cầm quyền từ 1625 đến 1657), nhân vật được A. de Rhodes nhận xét không sai: “kẻ dưới vua nhưng toàn quyền cai trị”. Ngồi trên ngai vàng – cỗ ngai cao lớn có lót nệm màu vàng và che hai bên bằng màn lụa – do nhiều người gánh, vua Lê Thần Tông khoác hoàng bào, xuất hiện trước dân chúng. Sau vua là ông nghè, ông cống xếp hàng dài nối đuôi. Từ trong thành, đoàn ngự đạo tiến dần ra ngoại ô, đến một cánh đồng mênh mông. Vua rời ngai, bước xuống tế trời rất nghiêm trang, đoạn cầm “chiếc cày được trang trí rất nghệ thuật và sang trọng” để cày vài luống đất (?). Chúa Trịnh bấy giờ tiến đến bái lạy chúc tụng nhà vua, trân trọng hứa luôn trung thành với vua. Cả đoàn cung kính rạp mình sát đất, tung hô vạn tuế hoàng thượng, rồi phò vua lai triều. Đoàn ngự đạo hồi cung theo lớp lang, thứ tự như lúc đi.

Đọc đoạn trên, ắt nhiều người thắc mắc: tuân thủ cổ lệ, lễ tế Giao được các bậc vua chúa nước ta tổ chức vào mùa xuân, như các vua nhà Nguyễn vẫn thực hiện vào tiết trọng xuân (tháng 2 âm lịch), nếu không kể trường hợp đặc biệt thì bình thường hỏi ai chọn mấy ngày Tết Nguyên đán để cử hành tế Giao nhỉ? Xin thưa ngay rằng: có. Bằng chứng là Phạm Đình Hổ từng viết trong Vũ trung tùy bút (sđd) rằng “thời Lê, cứ trong ba ngày xuân đán, chọn ngày nào tốt thì làm lễ tế Giao” và “ngày xuân thủ thì vua mới ra dự lễ tế Giao”. Như thế, dưới triều Lê, tế Giao vào mùng 1, mùng 2 hay mùng 3 Tết được xem là chuyện bình thường.

Tuy nhiên, Phạm Đình Hổ cũng cho biết rằng đàn Nam Giao ở Thăng Long vốn được lập từ thời Lý, tới thời Lê thì trùng tu. Lê Quý Đôn cũng ghi điển chế về quy mô kiến trúc đàn Nam Giao và các nghi tiết tế Giao ban hành từ đời Lê Thánh Tông trong Kiến văn tiểu lục (sđd, tr. 58-59). Vậy hà cớ gì vua Lê Thần Tông không vào đàn Nam Giao để tế trời đất đàng hoàng mà lại ra tít ngoài đồng? Lễ tế ngoài đồng dịp năm mới với nghi thức vua đích thân xuống ruộng cày vài luống đất – hành động mang tính tượng trưng nhằm mục đích khuyến nông – hoàn toàn chẳng phải tế Giao mà lại là lễ Tịch điền. Lẽ nào vua Lê Thần Tông tự tiện gộp hai lễ làm một? Hay A. de Rhodes đã nhầm lễ nọ với lễ kia và L. Cadière chẳng phát hiện ra? Sự nhầm lẫn như thế không chỉ xảy ra một lần.

Lại nhầm lẫn đáng tiếc!

Như chúng tôi đã nhắc, vào thế kỷ XVII tại xứ Đàng Trong, ngay từ thời các chúa Nguyễn cầm quyền, đàn Nam Giao từng được thiết lập ở miền Hương Ngự. Nói cho thật đúng thì giai đoạn mới vào khai phá miền Hoành Sơn nhất đái vạn đại dung thân, hai vị chúa Nguyễn đầu tiên gồm chúa Tiên (Nguyễn Hoàng) và chúa Sãi (Nguyễn Phúc Nguyên) phải nương thời thế, chờ cơ hội, dù kiên quyết chống Trịnh nhưng bề ngoài vẫn xin thần phục vua Lê, tạm chịu chức quan trấn thủ vùng biên viễn nên chưa thể công khai tế trời đất với tư cách thế thiên hành đạo. Phải chăng đến đời chúa thứ ba, chúa Thượng (Nguyễn Phúc Lan), lúc thế lực chính quyền Đàng Trong đã vững mạnh, kế hoạch lập đàn và cử hành tế Giao mới khởi sự?

Chính thức nắm quyền bính từ năm Tân Mùi 1635 và qua năm sau, chúa Thượng quyết định dời thủ phủ từ Phước Yên (Quảng Điền, Thừa Thiên) vào Kim Long (Hương Trà, Thừa Thiên). Vài sách báo và website gần đây cũng viết rằng chúa Thượng cho lập đàn tế trời ngay tại Kim Long gần vương phủ, song chẳng chua xuất xứ thư tịch! Tra cứu Đại Nam thực lục tiền biên của Quốc sử quán triều Nguyễn, không thấy nhắc gì đến chuyện này. Bảng Trung hầu Nguyễn Khoa Chiêm (1659 – 1736) lưu lại cho hậu thế tác phẩm Nam triều công nghiệp diễn chí (bản dịch của Ngô Đức Thọ mang tiêu đề Trịnh – Nguyễn diễn chí do Sở Văn hóa thông tin Bình Trị Thiên xuất bản, 1986, tập I, tr.197) có câu: “Thượng vương lên nối ngôi, xuống lệnh đại xá thiên hạ, dựng đàn tạ ơn trời đất, yết cáo tiên vương ở nhà Thái miếu”. Ngần ấy hoàn toàn chưa đủ để suy luận về vị trí đàn tế của chúa Thượng. Vậy dựa trên cơ sở nào mà đoán định chúa Thượng từng dựng Giao đàn tại Kim Long, ngôi làng xinh xắn bên tả ngạn dòng Hương?

Chúa Hiền (Nguyễn Phúc Tần) nối ngôi từ năm Mậu Tý 1648 đến năm Đinh Mão 1687, vẫn chọn Kim Long làm thủ phủ. Từ đời chúa Nguyễn thứ tư này trở đi, vấn đề được sáng tỏ hơn đôi chút. Đại Nam thực lục (bản dịch của Nguyễn Ngọc Tỉnh – NXB Giáo Dục, Hà Nội, 2002, tập 1, tr. 88) chép sự kiện mùa xuân Quý Sửu 1673: “Chúa [Hiền] ngự về phủ chính Kim Long, tế cáo trời đất tôn miếu, gia phong các vị linh thần, mở tiệc lớn khao tướng sĩ, định công mà ban thưởng theo thứ bậc”.

Trong thời gian chúa Hiền cầm quyền, có một giáo sĩ người Pháp là Bénigne Vachet đã tới Đàng Trong lưu trú suốt 14 năm ròng (1671 – 1685). B. Vachet đã ghi lại những điều mắt thấy tai nghe bấy giờ ở Huế. Tài liệu ấy sau này, năm 1913, đăng trên tập san của Đoàn công tác địa chất Đông Dương, rồi được L. Cadière dẫn dụng trong bài Documents historiques sur le Nam-Giao (BAVH 1914, tlđd). Theo B. Vachet, sáng sớm tinh mơ mùng 1 Tết năm nọ, các ông hoàng, đức ông, quan võ, quan tư pháp cùng binh lính tới vương phủ phò chúa Nguyễn ra ngoài ruộng đồng. Toàn đoàn giữ im lặng cho đến khi mặt trời mọc. Chúa mặc đồ đen, đầu trần, rời khỏi ngai, bước ra vạt đất trống, quỳ xuống lạy trời chín lạy. Rồi chúa lên ngai. Cả đoàn lần lượt đến chúc tụng, vái tạ, chúc phúc và tung hô vạn tuế chúa. Kết thúc là những loạt súng lệnh đã đặt sẵn quanh dinh phủ nổ vang chào mừng.

So sánh với buổi lễ hơn bốn thập niên trước mà A. de Rhodes từng mục kích ở Đàng Ngoài, L. Cadière phân tích: “Từ lâu, những thắng lợi quân sự đã cho phép các chúa Nguyễn tự phong mình là vua thật sự và cũng chẳng lạ gì khi họ được giữ cái quyền chính đáng và thiêng liêng là tế trời. Ở Bắc, lễ tế gồm ba hành động khác biệt: vua tế trời, vua khai đất, rồi quần thần chúc Tết nhà vua. Ở Nam, Vachet chỉ nói tới lễ đầu và lễ cuối, mà không nhắc đến lễ tế nông. Có thể là một sự lãng quên của Vachet. Lễ Nam Giao thuở ấy diễn ra chính xác tại địa điểm nào? Thời điểm mà Vachet viết, phủ chúa đặt tại Kim Long. Vậy thì đồng ruộng lân cận làng Kim Long đúng là nơi tế trời thuở ấy”.

Thật ra, theo thiển ý chúng tôi, B. Vachet chẳng đãng trí, mà chính L. Cadière mắc nhầm lẫn vì đồng nhất lễ tế Giao với lễ Tịch điền. Và qua hồi ký của B. Vachet, hậu thế có thể thấy rằng chúa Nguyễn tế Giao vô cùng đơn giản, thậm chí không đắp đàn, mà chỉ cần khoảng đất bằng phẳng trên đồng ruộng gần vương phủ, lân cận làng Kim Long. Đã gọi “lân cận” tức… không phải Kim Long. Vậy địa điểm mà chúa Hiền tế Giao có khả năng là làng An Ninh kề trên hoặc làng Vạn Xuân kề dưới.

Nên nhớ Đại Nam thực lục (sđd, tr. 491), bộ Chính biên quyển XVI đệ nhất kỷ mở đầu bằng sự kiện: giữa cánh đồng làng An Ninh, hoàng đế Gia Long đã cho lập đàn tế cáo trời đất về việc đặt niên hiệu vào ngày mùng 1 tháng 5 năm Canh Ngọ (1802). Tháng 5 âm lịch là tiết trọng hạ.

(Còn nữa)