Đàn ông Việt: mối lo ế vợ

Tỷ số giới tính khi sinh của nước ta hiện ở mức 111 trai/100 gái, tuy nhiên ở một số địa phương đã lên đến 130,7/100. Các chuyên gia không khỏi quan ngại, nếu cứ tiếp diễn tình trạng này thì hàng triệu nam giới Việt có nguy cơ… ế vợ và phải “nhập khẩu" cô dâu?

Càng giàu càng “chuộng” con trai

Ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) cho hay, không giống như câu cửa miệng dân gian “nhà nghèo đẻ lắm con”, một thực tế đáng lưu ý ở nước ta hiện nay là nhóm đối tượng có kinh tế khá giả lại đang có tỷ số giới tính khi sinh (SRB) cao nhất và mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) nặng nề.

Gia đình giàu có, cơ ngơi khang trang rộng rãi nhưng chỉ “khát” một “thằng cu” nối dõi tông đường, thừa kế tài sản đang là vấn đề khiến nhiều ông bố, bà mẹ “đau đầu”. Tâm lý “sính” con trai dường như đã thâm căn cố đế trong suy nghĩ của hầu hết các gia đình Việt Nam. Đây chính là nguyên nhân sâu xa của tình trạng MCBGTKS ở nhóm đối tượng này.

Theo thống kê của Tổng cục DS-KHHGĐ, nếu như nhóm đối tượng nghèo nhất tỷ lệ SRB chỉ là 105,2 trẻ trai/100 trẻ gái thì tỷ lệ này tăng dần ở nhóm đối tượng nghèo (107,5/100); trung bình (112,6/100); giàu (111,7/100) và giàu nhất là 112/100. Tâm lý “chuộng” con trai càng thể hiện rõ hơn nếu như cặp vợ chồng đó chưa có con trai trong lần sinh đầu.

Lý giải nguyên nhân của tình trạng trên, ông Tân cho rằng, càng người giàu càng có điều kiện tiếp cận dễ dàng với các công nghệ lựa chọn giới tính thai nhi trước khi quyết định sinh con. Nhóm kinh tế khá giả và người giàu thường muốn sinh ít con nhưng điều này lại mâu thuẫn với khao khát sinh được con trai. Áp lực có con trai để nối dõi tông dường và thừa kế tài sản đang đưa nhiều cặp vợ chồng đến việc lựa chọn giới tính cho đứa con sinh ra.

“Nếu không áp dụng các biện pháp can thiệp giảm thiểu tình trạng MCBGTKS thì đến năm 2015 SRB trung bình toàn quốc sẽ là 115/100 và duy trì mức đó trong nhiều năm liên tục. Như vậy, các địa phương vốn đã có SRB cao sẽ phải đối mặt với tình trạng MCBGTKS trầm trọng”- ông Tân nói thêm.

“Nhập khẩu" cô dâu liệu có là giải pháp?

Lại một lần nữa các chuyên gia lên tiếng cảnh báo về tình trạng MCBGTKS tại nhiều quốc gia trong đó có VN tại cuộc hội thảo “MCBGTKS: Giải quyết vấn đề và định hướng cho tương lai” diễn ra sáng nay 5.10 tại Hà Nội.

Bà Nobuko Horibe, đại diện Quỹ dân số LHQ ở VN cho hay, hiện toàn Châu Á đang thiếu hụt tới 117 triệu phụ nữ do hậu quả của tình trạng phân biệt giới khi sinh. Mặc dù MCBGTKS ở VN diễn ra muộn nhưng tốc độ gia tăng lại nhanh chóng, tác động đến cấu trúc dân số, tệ nạn buôn bán phụ nữ….

Đại diện VN, ông Tân cũng bày tỏ lo ngại: “SRB sẽ dẫn đến “thừa nam, thiếu nữ” trong độ tuổi kết hôn vào khoảng năm 2025-2030. Hệ lụy của vấn đề này rất khó lường, mà trực tiếp là phá vỡ cấu trúc gia đình, gia tăng thêm tình trạng bạo lực giới và tình trạng mãi dâm, buôn bán phụ nữ. Một bộ phận nam giới sẽ phải kết hôn muộn và không có khả năng kết hôn. Đó là chưa kể đến các biến thái mới của nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em gái và đặc biệt là nguy cơ “nhập khẩu" cô dâu….

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, giải pháp thu hút phụ nữ ở các quốc gia khác sẽ không đạt hiệu quả bởi nhiều nước trên thế giới cũng đang trong tình trạng mất cân bằng giới tính với mức chênh lệch lên tới 110-120/100 (vượt nhiều so với mức sinh học chuẩn là 104-106/100).

Được biết, để đối phó với tình trạng mất cân bằng giới tính này, hiện Tổng cục DS-KHHGĐ đang xây dựng Đề án can thiệp giảm thiểu MCBGTKS giai đoạn 2011-2020 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, áp dụng tại các tỉnh thành có tình trạng MCBGTKS trầm trọng.
Song, theo nhận định của ông Tân, dù can thiệp giảm thiểu tỷ số giới tính khi sinh bằng cách nào đi chăng nữa thì cũng không thể giảm ngay, giảm nhanh được. Bằng chứng là Hàn Quốc, 1 nước điển hình thực hiện thành công giảm thiểu MCBGTKS cũng phải mất đến gần 10 năm! Và như vậy, bài toán giảm thiểu tỷ số giới tính khi sinh ở VN chắc chắn sẽ còn khá nan giải?.

Quyết liệt giải quyết vấn đề mất cân bằng giới tính

Hiện, tình trạng MCBGTKS ở VN đã xảy ra ở 5/6 vùng kinh tế xã hội và 45/63 tỉnh, thành phố. Đáng báo động là Hưng Yên trên 130/100, Hải Dương 120/100, Hải Phòng 115/100, Bắc Ninh 119/100...

Phát biểu tại hội nghị sáng nay, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: VN sẽ có những giải pháp đồng bộ và đột phá, tập trung giải quyết vấn đề MCBGTKS một cách quyết liệt và có trọng điểm.

Can thiệp giảm thiểu tỷ số giới tính khi sinh sẽ có tác dụng giảm thiểu mức sinh, quay trở lại mức sinh bình thường. Nếu không có giải pháp can thiệp quyết liệt thì trong khoảng 15 - 20 năm nữa VN sẽ có nguy cơ “thừa” 2-3 triệu đàn ông ở lứa tuổi trưởng thành.

Dương Hải (LĐ)