Đặng Thái Sơn trả lời phỏng vấn của Elijah Ho (1)

Đặng Thái Sơn là người đã đoạt giải nhất tại cuộc thi piano quốc tế Fryderyk Chopin năm 1980 tại Warsaw. Trong những thí sinh tham dự cuộc thi năm đó có cả Angela Hewitt[1], Kevin Kenner mới 17 tuổi[2], và đáng chú ý nhất là nghệ sĩ piano gây tranh cãi Ivo Pogorelich[3], người Nam Tư. Với thắng lợi của mình, Đặng đã trở thành nghệ sĩ dương cầm gốc Á đầu tiên đoạt giải cao nhất tại một cuộc thi piano quốc tế lớn. Sinh năm 1958 tại Việt Nam – đất nước bị chiến tranh tàn phá, Đặng đã được nghệ sĩ piano Nga Isaac Katz phát hiện và đưa sang Nhạc viện Moscow để Vladimir Natanson và Dmitri Bashkirov đào tạo. Đặng đã trở thành ủy viên giám khảo tại hai cuộc thi Chopin gần đây nhất ở Ba Lan. Dưới đây là phần I của cuộc trò chuyện (gồm 3 phần) với Đặng Thái Sơn, diễn ra vào ngày 22 tháng 9, 2011 trong căn nhà xinh đẹp của ông ở Montreal, Canada.

Ông có thể mô tả mối liên hệ độc đáo của ông với Chopin?

Mối quan hệ của tôi với Chopin rất đặc biệt. Tôi ra đời trong chiến tranh ở Việt Nam, và khi tôi còn bé, chúng tôi đã phải sơ tán vào vùng núi. Tất nhiên vào thời đó không có điện, thậm chí còn khó khăn hơn nhiều để học tập âm nhạc và có được các bản nhạc. Vật chất và thông tin bị thiếu thốn đủ đường. Rõ ràng là không hề có các buổi hoà nhạc và băng đĩa. Đó là một thời kỳ hoàn toàn đen tối.

Nhưng đột nhiên, tôi đã gặp may với Chopin. Năm 1970, mẹ tôi được mời làm khách tham dự cuộc thi quốc tế Chopin ở Warsaw, đơn giản chỉ là một quan sát viên. Bản thân là một nghệ sĩ piano, bà đã mang từ cuộc thi về toàn bộ các tổng phổ và băng đĩa ghi âm các tác phẩm của Chopin.

Nhạc phẩm đầu tiên tôi được nghe trong đời mình, đĩa nhạc đầu tiên, là Chopin Piano Concerto giọng Mi thứ do Martha Argerich chơi. Và tôi đã bị ấn tượng rất mạnh. Tôi chưa từng được nghe bất kỳ âm nhạc nào của Bach, Mozart, Beethoven, mà duy nhất chỉ có âm nhạc của Chopin. Tôi bỗng dưng có điều kiện mới để học âm nhạc của ông. Tôi vẫn còn nhớ sự tiếp cận đầu tiên của tôi với âm nhạc của Chopin hồi tôi lên tám hoặc chín tuổi khi vẫn còn sống ở nơi sơ tán trong vùng núi.

Hồi đó tôi ở với mẹ tôi, và tôi lặng lẽ đọc các bản nhạc của ông, âm thầm trong bóng tối, dưới ánh đèn dầu. Mẹ tôi đã chơi một số giai điệu ngắn – các nocturne và mazurka. Tôi cảm thấy chúng rất đẹp và tôi đã đem lòng yêu thứ âm nhạc này. Tôi đã ngày đêm học âm nhạc của Chopin, và tôi đã cảm thấy âm nhạc của Chopin ngấm vào máu tôi từ đó.

Là nghệ sĩ piano châu Á đầu tiên giành giải nhất tại một cuộc thi piano quốc tế lớn, ông có gặp phải bất kỳ khó khăn, phân biệt đối xử trong quá trình tạo dựng sự nghiệp sau khi đoạt giải?

Lần đầu tiên đến Warsaw tham dự cuộc thi Chopin năm 1980, thực sự là tôi thậm chí đã không có tham vọng giành bất kỳ giải thưởng lớn nào, chứ chưa nói giải nhất. Khi đó tôi còn rất trẻ và tôi yêu Chopin, vậy thôi. Tôi muốn được đến Ba Lan tham dự sự kiện này, đơn giản là để bày tỏ lòng tôn kính với Chopin. Chỉ điều này thôi cũng đã thực sự là một niềm vui lớn đối với tôi rồi và tôi hoàn toàn không được chuẩn bị cho nhiều thứ khác. Ví dụ, tôi thậm chí đã không có một bộ cánh để biểu diễn trên sân khấu!

Trước cuộc thi Chopin, tôi chưa từng công diễn độc tấu (recital) lần nào. Cuộc thi đó thực sự đã là cuộc công diễn độc tấu đầu tiên trong đời tôi (cười). Trước cuộc thi đó, tôi chỉ là một sinh viên bình thường tại Nhạc viện Moscow. Chẳng ai biết tôi và tôi chưa từng tham gia bất kỳ một cuộc thi nào. Tôi chưa từng diễn với dàn nhạc. Và đó là lý do tại sao tôi đã không có một bộ quần áo biểu diễn (cười).

Thời đó, chỉ cần nộp đơn thi Chopin. Không cần phải gửi băng đĩa ghi âm. Sau này hội đồng cho tôi biết rằng đơn của tôi đã suýt bị bác bởi vì nó trống rỗng, trừ mỗi hai dòng – sinh tại Hà Nội, Việt Nam, và hiện học tại Nhạc viện Moscow (cười).

Nhưng cuối cùng, họ đã chấp nhận đơn của tôi vì hai lý do: 1) Đây là lần đầu tiên có một nghệ sĩ piano đại diện cho Việt Nam – để nối dài danh sách các nước có thí sinh tham dự cuộc thi này. Và 2) tôi là một sinh viên tại Nhạc viện Moscow, có nghĩa điều đó đảm bảo tôi không phải một tay nghiệp dư nào đó không biết chơi đàn (cười).

Nếu có bất kỳ loại phân biệt đối xử nào, thì điều đó chỉ xảy ra sau kết quả của cuộc thi Chopin, và có thể là phần nhiều là vì những lý do chính trị. Như bạn đã biết, tất cả đều đã được nghe nói về vụ xì-căng-đan với Ivo Pogorelich[4].

Martha Argerich đã rời bỏ hội đồng giám khảo sau khi Pogorelich không lọt được vào vòng chung kết cuộc thi, và khi đó vẫn chưa rõ ai sẽ là người thắng cuộc. Nhưng nhiều người lúc đó thực sự đã hiểu nhầm và tin rằng Martha Argerich đã bỏ ra về vì có sự cố giữa Pogorelich và tôi. Bà đã thực sự cư xử đẹp: sau khi quay về Geneva và được tin về kết quả của cuộc thi, bà đã gửi một công điện cho Hội đồng giám khảo ở Warsaw để chúc mừng tôi.

Ivo Pogorelich năm 1980

Có thể hồi đó Pogorelich còn là một biểu tượng của phương Tây, trong khi, xuất xứ từ Việt Nam, có thể tôi đã bị xếp vào phe cộng sản. Và tất nhiên, Ivo đi sang phương Tây biểu diễn dễ dàng, trong khi tôi đã có rất nhiều khó khăn về chính trị để đi từ nước này sang nước khác. Buổi biểu diễn đầu tiên của tôi tại Hoa Kỳ là vào năm 1989, chín năm sau cuộc thi; thời đó từng có một lệnh cấm vận chống Việt Nam.

Tôi hoàn toàn trong trắng và yếu ớt (cười). Tôi gặp nhiều khó khăn, mặc dù tôi không bao giờ chờ đợi bất cứ thứ khó khăn nào như vậy. Nhưng đối với tôi, điều quan trọng là tôi đã đi theo con đường của riêng mình, đã đi từ từ, và cố gắng leo dần lên. Tôi không bao giờ bận tâm về sự nổi tiếng mà luôn lưu tâm tới giá trị nghệ thuật, luôn cố chơi tốt hơn. Sau cuộc thi, tôi đã quay lại Nhạc viện Moscow để học tiếp.

Mỗi buổi biểu diễn của tôi tại phương Tây đều có nhiều rắc rối. Tôi phải được phép của chính phủ Việt Nam, phải qua Đại sứ quán Việt Nam tại Moscow, sau đó phải qua đại sứ quán nước khác, v.v. Để làm một visa vào thời đó thường mất hai tháng trở lên, và tôi đã mất cơ hội để tạo dựng cho mình một sự nghiệp vì những khó khăn chính trị đó.

Và trong những khó khăn đó có nhiều vấn đề rất kín đáo mà người ta chỉ có thể cảm thấy vì những lý do nào đó, nhưng có những lúc tôi đã cảm thấy điều đó. Một nhà phê bình ở Thụy Sĩ đã từng tỏ ra rất hẹp hòi. Nhận xét về lối tôi chơi Schubert và Chopin, ông ta nói “anh chàng này chơi piano theo lối dân châu Á ăn cơm bằng đũa.” Thực là rất tệ và bực mình khi đọc nhận xét này. Ông ta đơn giản chỉ khó chịu khi trông thấy một người Á châu chơi nhạc Tây. Đó có lẽ là lần duy nhất mà tôi cảm nhận một sự phân biệt chủng tộc thẳng thừng.

Bây giờ ta hãy chuyển sang một chủ đề hoàn toàn khác, ông suy nghĩ gì về kỹ thuật piano ngày hôm nay? Ông có cho rằng kỹ thuật piano đã được cải thiện hoặc sa sút kể từ thời kỳ Hoàng Kim của nghệ thuật chơi piano?

Tôi cho rằng đây là một câu hỏi khó – Tôi nghĩ rất khó mà so sánh. Cây đàn piano ngày nay đã hoàn toàn khác. Về mặt cơ học và cách thể hiện âm thanh, phần lớn kỹ thuật của Chopin – ví dụ, Etude giọng La thứ (Op.10 số 2) thật rất dễ chơi trên các piano cổ. Phím piano rất nhẹ. Nhưng đàn piano hiện đại ngày nay có phím quá nặng khiến chơi được kỹ thuật của Chopin thực sự là một thách thức lớn – mặc dù, cho đến giờ, các thí sinh tham dự các cuộc thi piano hiện nay không thấy có vẻ gì là bị ảnh hưởng bởi vấn đề này (cười).

Điều này có thể có nghĩa là các nghệ sĩ piano ngày hôm nay đã đạt một trình độ kỹ thuật tốt. Xã hội hiện đại có lẽ cũng ảnh hưởng đến tiến độ và tốc độ, tất cả mọi thứ đều nhanh hơn trước đây. Ngày nay, chúng ta sống với công nghệ kỹ thuật số, và chúng ta cũng bận tâm nhiều hơn với sự hoàn hảo kiểu kỹ thuật số (cười).

Năm mươi năm trước đây, chúng ta có thể lắng nghe các bậc thầy tuyệt vời cùng tất cả các note họ chơi sai, và điều này là chấp nhận được. Nhưng ngày hôm nay, tôi nghĩ không có nghệ sĩ piano nào có thể tồn tại mà lại chơi sai nhiều như vậy. Họ sẽ không có đất diễn.

Xem ông trong chơi tại các buổi hoà nhạc và trên Youtube, tôi thấy ông có một kỹ xảo rất độc đáo. Các ngón tay của ông rất linh hoạt. Điều này là do Trời sinh hay được học?

Tôi phải nói rằng đây là một điều điển hình cho trường phái Nga, trường phái đòi hỏi những ngón tay khoẻ, đóng vai trò chủ đạo. Người ta dường như hơi bị ám ảnh bởi điều này. Khi tôi vào học tại Nhạc viện Moscow, giáo sư của tôi nói với tôi rằng các ngón tay của tôi rất yếu, và ông nói rằng tôi phải tập cho ngón tay khoẻ lên. Và tôi đã chú ý rất nhiều để cải thiện điều này. May thay, điều này vẫn còn mang lại nhiều lợi ích.

Etude nào của Chopin là khó nhất cho tay ông?

Tôi phân chúng ra thành các nhóm (cười). Đó là những bản giọng La thứ Op.10 số 2, Op.25 số 11, các bản chạy quãng ba (Op.25 số 6), và chạy các quãng tám (Op.25 số 10). Về thể chất, mọi người đều được cấu tạo khác nhau. Nhưng đối với tôi, có lẽ là Op.25 số 8 (cười). Tôi chơi etude này quả có hơi không thoải mái lắm.

Năm nay kỷ niệm lần thứ 200 ngày sinh của Liszt. Đâu là sự khác biệt chủ chốt trong phong cách viết cho piano và hiệu ứng âm nhạc giữa Chopin và Liszt?

Về nhiều mặt, đây thực sự là một câu hỏi rất sâu sắc. Hãy làm cho dễ dàng hơn nhé (cười). Họ có vẻ giống nhau, cả hai đều lãng mạn, và cả hai đều cách mạng về mặt nào đó – tuy nhiên, họ cũng khác nhau như mặt trăng và mặt trời.

Với Chopin, piano bắt đầu có một linh hồn mới, một âm thanh mới, một chất thơ mới. Nhưng thực sự, chính bằng độ vang mới này mà Chopin đã tạo ra một cái gì đó hoàn toàn mới. Nói như vậy, chúng ta hàm ý rằng Chopin, bằng cách nào đó, đã cố gắng tìm ra những bí mật, khía cạnh rất thầm kín của cây
đàn piano. Âm nhạc của ông cho thấy ông hướng vào nội tâm nhiều hơn.

Liszt, ngược lại, đã làm cây piano kêu vang như một dàn nhạc – một dàn nhạc lớn. Và khi ta cố làm cho piano kêu vang như một dàn nhạc, cây đàn không thể vang một cách chủ quan hoặc thân mật như âm nhạc của Chopin nữa. Âm thanh của cây piano bây giờ trở nên ngoạn mục lôi cuốn hơn.

Cả Chopin và Liszt đều đã đem lại một kỹ thuật mới cho cây đàn piano, nhưng theo những cách khác nhau. Chúng ta đều biết rằng các etudes của họ là những thách thức rất khác nhau. Chopin đưa nhiều đòi hỏi về kỹ thuật âm thanh và các ngón tay, trong khi Liszt đã tạo ra một loại kỹ thuật chạy ngón (bravura) nghe như dàn nhạc.

Và tôi cũng nghĩ rằng đối tượng quan tâm ở đây cũng rất khác nhau. Với Chopin, âm nhạc luôn gắn với bi kịch rất cá nhân, luôn luôn nói về “tôi, tôi, tôi”. Ngược lại, với Liszt, một phần rất quan trọng trong âm nhạc của Liszt là sự tưởng tượng, trí tưởng tượng đóng vai chính trong âm nhạc của ông. Với Liszt, chúng ta có các khía cạnh bí ẩn, các khía cạnh tôn giáo, và những điều này rất quan trọng.

Elijah Ho là một cây viết về nhạc cổ điển, sống tại San Francisco (tiểu bang California). Anh từng là học trò của các nghệ sĩ piano nổi tiếng Ronald Turini, Jimmy Brière, và Đặng Thái Sơn. Anh cũng có bằng về văn học Anh, có niềm đam mê dành cho nghệ thuật biểu diễn, cuộc sống của các nhà soạn nhạc vĩ đại, và những câu chuyện huyền thoại được ghi lại của quá khứ.

Nguyễn Đình Đăng dịch (VNMusic)

(Xem phần 2)

Chú giải của người dịch:

[1] Angela Hewitt (sinh năm 1958) – nghệ sĩ piano Canada, giải nhất piano tại cuộc thi Gian Battista Viotti (1978), và đoạt giải tại nhiều cuộc thi khác như Bach competition (Leipzig, 1976), Schumann competition (Zwickau, 1977), Casagrande competition (Terni, 1976), Dino Ciani Competition (Milan, 1980), Casadesus competition (Clevaland, 1979). Sauk hi đoạt giải nhất tại cuộc thi piano quốc tế Bach tại Toronto năm 1985 – sự kiện độc nhất tưởng niệm danh cầm Glenn Gould, bà đã trở nổi tiếng toàn cầu. Bà được tặng thưởng huân chương quốc gia Canada (năm 2000) và Huân chương Đế chế Anh (năm 2006) .

[2] Kevin Kenner (sinh năm 1963) – nghệ sĩ piano Mỹ. Tại cuộc thi Chopin năm 1980 Kenner mới 17 tuổi và đoạt bằng danh dự. 10 năm sau (1990), Kenner lại dự thi Chopin và đoạt giải nhì (năm đó không có giải nhất). Trước đó, cũng trong năm 1990, Kenner đoạt giải 3 tại cuộc thi Tchaikovsky. Ngoài ra, Kenner còn đoạt giải tại một số cuộc thi danh tiếng khác. Năm 2010 Kenner được mời làm giám khảo tại cuộc thi Chopin.

[3] Ivo Pogorelich (sinh năm 1958) – nghệ sĩ piano người Croatia. Pogorelich học piano tại Nhạc viện Mocsow dưới sự hướng dẫn của nghệ sĩ piano người Gruzia, Aliza Kezeradze (1937 – 1996) – người đã trở thành vợ ông năm 1980 (Bà mất năm 1996 vì ung thư). Pogorelich từng đoạt giải nhất cuộc thi Casagrande năm 1978, giải nhất cuộc thi âm nhạc quốc tế tại Montreal năm 1980. Nhưng Pogorelich đã thực sự trở nên nổi tiếng vì không đoạt giải tại cuộc thi Chopin năm 1980. Sau khi Pogotrelich bị loại tại vòng ba cuộc thi này, danh cầm Martha Argerich – ủy viên hội đồng giám khảo – đã tuyên bố Pogorelich là thiên tài và rời bỏ hội đồng để phản đối. Giải nhất năm đó đã về tay Đặng Thái Sơn. Tuy nhiên xì-căng-đan với Pogorelich tại cuộc thi này đã đưa Pogorelich vào hàng các pianists nổi tiếng nhất thế gìới trong suốt 3 thập niên. Năm 1981 Pogorelich công diễn độc tấu tại Carnegie Hall ở New York, rồi tại London. Từ đó danh tiếng của Pogorelich vang khắp thế giới. Từ năm 1982 Pogorelich đã được hãng Grammophone mời thu âm, và đã thu một chương trình rất rộng bao gồm các tác phẩm từ Bach, Mozart, Scarlatti, Haydn, Beethoven, Brahms, Chopin, Liszt, tới Mussorgsky, Tchaikovsky, Scriabin, Rachmaninov, Ravel, Prokofiev. Năm 1986 Pogorelich thành lập quỹ bảo trợ các tài năng trẻ trong âm nhạc tại Croatia. Từ năm 1989 tới 1997 Liên hoan âm nhạc mang tên Pogorelich đã tạo cơ hội cho các nghệ sĩ trẻ biểu diễn cùng các nghệ sĩ nổi tiếng. Năm 1993, Pogorelich sáng lập “Cuộc thi piano độc tấu quốc tế” (International Piano Solo Competition) tại Pasadena, California với giải nhất lên tới 100 ngàn USD dành cho các tài năng trẻ. Pogorelich còn sáng lập quỹ tổ chức hoà nhạc từ thiện vào năm 1994 để giúp đỡ y tế cho nhân dân ở Sarajevo.

[4] Cuộc thi Chopin lần thứ X (1980) đã đi vào lịch sử các cuộc thi âm nhạc quốc tế vì xì-căng-đan xảy ra với Pogorelich. Phong cách biểu diễn và lối chơi Chopin của Ivo Pogorelich (khi đó 22 tuổi) đã khiến tranh cãi nổ ra trong hội đồng giám khảo. Hội đồng giám khảo chia làm hai phe, phe không chấp nhận lối chơi của Pogorelich và phe coi phong cách của Pogorelich là say mê, hoặc ít nhất là chấp nhận lối chơi này. Những người ủng hộ Pogorelich mạnh nhất gồm pianists Martha Argerich, Paul Badura-Skoda và Nikita Magaloff. Khi Pogorelich bị loại tại vòng ba, Martha Argerich, người tuyên bố Pogorelich là thiên tài, đã bỏ hội đồng giám khảo vì cho rằng bà cảm thấu xấu hổ đã ngồi trong hội đồng giám khảo. Nối gót bà, nghệ sĩ piano Nikita Magaloff (1912-1992) cũng bỏ hội đồng giám khảo. Theo Ivo Pogorelich, Ban phụ trách các cuộc thi quốc tế thuộc Bộ Văn hoá Liên Xô đã can thiệp vào các cuộc thi quốc tế như cuộc thi Chopin năm 1980 tại Warsaw để dàn xếp danh sách những người sẽ đoạt giải 1 năm trước khi diễn ra cuộc thi (Nghe phỏng vấn Pogorelich ngày 12/4/1999, từ phút thứ 7).