Freak Show

Đằng sau chuyến thăm của thần đồng

Xem thêm: Một thần đồng văn học thế giới

Sự kiện thần đồng văn chương Mỹ Adora Svitak (Trâu Kỳ Kỳ) đến Việt Nam là một trong những đề tài nóng nhất, hơn cả cuộc thi hoa hậu rầm rộ trước đó.

Ngay từ lúc đặt chân đến sân bay Tân Sơn Nhất lúc nửa đêm ngày 12-11, Adora đã nhận được sự đón tiếp rất nồng hậu của người dân TPHCM. Tất cả minh chứng cho sự quý trọng tài năng, lòng hâm mộ văn chương nơi người dân TP.

Tuy nhiên, nếu sự hâm mộ của người dân là một điều tốt cho thấy văn hóa đọc luôn được tôn trọng thì với cô bé gái 10 tuổi Adora lại chưa hẳn là điều hay. Nhìn thân hình bé nhỏ của em trước bao nhiêu ống kính máy chụp ảnh, chứng kiến cảnh bé chìm khuất sau bàn đại biểu tại các cuộc giao lưu, có mấy ai nhớ ra rằng thực chất em vẫn còn là một cô bé.

Rất nhiều người lúc đầu khi nghe tin cô bé qua đã vội đến tham dự những buổi họp báo giới thiệu em để rồi sau đó phải thốt lên “tội nghiệp con bé, mới tí tuổi đầu mà áp lực nhiều quá”. Không áp lực sao được khi theo giới thiệu thì mỗi ngày cô bé 10 tuổi phải đọc 2-3 cuốn sách mà toàn loại triết học, văn học cổ điển, mỗi năm viết hàng trăm truyện ngắn, thơ với số từ lên đến hơn 300.000.

Đã vậy em lại còn phải tham gia các hoạt động xã hội như quảng bá sách, giao lưu, làm đại sứ văn hóa… Đành rằng em là thần đồng, nghĩa là “một đứa trẻ thông minh, khác thường, có năng khiếu đặc biệt” (Từ điển tiếng Việt-NXB Khoa học Xã hội 1988) nhưng cơ thể em vẫn là một bé gái, với khối công việc đồ sộ như vậy liệu tài năng có còn sức để phát triển trước áp lực nặng nề từ tâm lý đến thể xác hay cũng sẽ như nhiều thần đồng khác chịu cảnh “sớm nở tối tàn”.

Adora Svitak không chỉ đem đến Việt Nam một cuốn sách hay những bài học về đọc sách mà còn cả một kinh nghiệm về việc đối xử với các thần đồng sao cho các em có thể phát triển tài năng và sống có ích.

Còn nhớ trước đây, tại Trung Quốc đã báo động về hiện tượng khi mà các bậc phụ huynh ai cũng muốn con mình trở thành thần đồng nên cố gắng nhồi nhét cho con càng nhiều kiến thức càng tốt. Hậu quả rõ ràng, bởi trẻ em không phải ai cũng có khả năng đặc biệt như Adora, và nhu cầu thần đồng của các bậc phụ huynh đã đẩy các em đến với một áp lực quá lớn gây ra những hậu quả xấu nơi tâm lý của nhiều em. Ở Việt Nam, việc phụ huynh cho con trẻ học quá tải với mong muốn con mình thành “tài năng” không phải là hiếm. Và Adora vô tình trở thành một ngôi sao rực rỡ để nhiều phụ huynh cho con hướng theo.

Hỗ trợ, đối xử và hiểu rõ với những khả năng đặc biệt của trẻ em, đó mới chính là những gì cần rút ra từ chuyến thăm của một cô bé thần đồng.

TÂN TƯỜNG (SGGP)