Cổ học tinh hoa:

Đánh dấu thuyền tìm gươm

Có người nước Sở (1) đi đò qua sông. Khi ngồi đò, vô ý, đánh rơi thanh gươm (2) xuống sông. Anh ta vội vàng đánh dấu vào mạn thuyền, nói rằng:”Gươm ta rơi ở chỗ này đây”.

Lúc thuyền đỗ vào bến, anh ta cứ theo chỗ đánh dấu, lặn xuống nước tìm gươm.

Thuyền đã đi đến bến, chớ gươm rơi đâu thì vẫn ở đấy, có theo thuyền mà đi đâu? Tìm gươm như thế, chẳng khờ dại lắm ư!

(Theo Lã Thị Xuân Thu)

Lời bàn

Thanh gươm rơi xuống sông thì ở ngay chỗ rơi. Nếu muốn tìm thấy gươm, tất phải lặn ngay xuống chỗ rơi mà tìm. Chớ sao lại đánh dấu vào thuyền đợi đến lúc thuyền đỗ vào bến, mới lặn xuống bến tìm? Người tìm gươm này có khác nào như người đánh đàn sắt đem gắn cả ngựa lại, tưởng ngựa không di dịch được là các âm vận tự nhiên điều hòa được đúng! Than ôi! Người cố chấp bất thông, chỉ câu nệ biết giữ chặt một cái đã nắm chặt trong tay, chớ không hiểu nghĩa chữ “Thời” là gì?

(Theo “Cổ học tinh hoa” của Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân – NXB Trẻ)

(1) Một nước lớn thời Xuân Thu ở vùng Hồ Bắc, Hồ Nam (Trung Quốc) bây giờ.

(2) Tục xưa người ta đi đâu hay đeo gươm để thủ thân mà lại là giữ lễ nữa.