"Đâu rồi sự nổi dậy của cánh tả?"

Nhà chính trị học Mỹ Francis Fukuyama, một người tiên phong của phái tân bảo thủ, cho rằng sự quá độ của Chủ nghĩa Tư bản và toàn cầu hoá sẽ gây nguy hiểm cho nền dân chủ phương Tây.

SPIEGEL: Thưa Giáo sư, sau khi Liên bang Xô-viết sụp đổ, ông đã tuyên bố rằng nền dân chủ tự do phương Tây trở thành hình thái xã hội duy nhất có khả năng tồn tại. Bây giờ thì ông lại lo, Chủ nghĩa Tư bản và toàn cầu hoá có thể phá hỏng nền dân chủ. Ông phải giải thích cho chúng tôi sự thay đổi đó.

Fukuyama: Chủ nghĩa tư bản là từ sai để sử dụng ở đây, bởi vì không có một từ nào khả dĩ thay thế chủ nghĩa tư bản nên đành sử dụng nó.

Cái mà chúng ta đang thực sự đề cập chỉ là tăng trưởng kinh tế và phát triển các xã hội kinh tế hiện đại. Một sự kết hợp của các yếu tố đang bắt đầu thách thức sự tiến bộ của chúng tại Hoa Kỳ. Chúng ta đã có rất nhiều thay đổi công nghệ thay thế cho lao động kỹ năng thấp và nhiều người trong các nền dân chủ phương Tây bị mất việc làm của họ.

SPIEGEL: Vì vậy các nước phương Tây như Mỹ và Anh đang phải quảng bá cho xã hội dịch vụ.

Fukuyama: Nhưng chính vì thế cũng tạo cho chúng ta nhiều vấn đề. Chúng ta từng nghĩ, toàn cầu hoá sẽ chỉ đưa chúng ta trở thành ông chủ, không cần tự sản xuất một cái gì, còn mỗi việc là đi mời chào các dịch vụ. Chúng ta đã hoàn toàn quên rằng, ở Mỹ, sở dĩ CNXH đã không trở thành đề tài lớn, chính vì lúc nào cũng có đủ người làm ăn phát đạt gia nhập tầng lớp trung lưu. Nay thì hết, vì những ngành nghề mà họ làm đã bị chúng ta giao phó cho các nước như Trung Quốc làm.

SPIEGEL: Những người hiện nay vẫn thuộc tầng lớp trung lưu mà vẫn có việc làm, thu nhập thực tế ít hơn cách đây 30 năm. Hai lưỡi của cái kéo thu nhập chưa bao giờ ngoác rộng xa nhau như bây giờ (Ý nói thu nhập của các tầng lớp có sự cách biệt lớn: ND). Nó có tác động gì tới cuộc sống cộng đồng trong xã hội chúng ta?

Fukuyama: Hoàn toàn đơn giản: Xấu cho nền dân chủ. Nếu thu nhập tương đối đồng đều, người dân có sự tin tưởng lẫn nhau – và sẽ không có một thiểu số tinh hoa có được đặc quyền quan hệ với các nhà chính trị để đạt được những lợi ích nhóm của họ…

SPIEGEL: …điều mà lâu dài sẽ giết chết nền dân chủ.

Fukuyama: Chính xác, một nền dân chủ mà không có tầng lớp trung lưu mạnh, sẽ bị nghiêng sang Chủ nghĩa Dân túy, dẫn đến tranh cãi và không thể có được quyết định đúng đắn rằng ai có quyền gì, nó sẽ bị tê liệt. Ở Mỹ, chúng ta đã thấy sự trở về của Chủ nghĩa Dân túy. Nó có vẻ thiên tả, nhưng thực tế hầu hết là thiên hữu. Nếu hỏi một thành viên Phong trào cực đoan Tee-Party, cảm nhận về Chính phủ như thế nào, thì cảm xúc của họ hoàn toàn rõ ràng: họ căm thù Chính phủ. Theo các nghiên cứu thì sự thăng tiến xã hội ở châu Âu gần đây đã có nhiều khả năng dễ dàng hơn ở Mỹ. Giấc mơ Mỹ, từ người rửa chén đĩa phấn đấu trở thành triệu phú, càng ngày càng đúng chính xác: chỉ là giấc mơ.

SPIEGEL: Vì vậy đề tài công bằng xã hội đã trở thành chủ đề chính trong vận động tranh cử?

Fukuyama: Vấn đề là, ở Mỹ sẽ bị đóng cho ngay cái mác chiến sĩ đấu tranh giai cấp, cho những ai đụng đến những vấn đề như vậy. Tổng thống Barack Obama vừa được nếm trải: trong bài phát biểu về tình hình quốc gia, ông đã đòi tăng thuế người giàu, lập tức được gắn ngay mác “Đảng viên Xã hội châu Âu”. Vì vậy rất khó có thể tạo ra được một phong trào cánh tả mạnh mẽ. Trong lịch sử nước Mỹ, cho đến nay chỉ có một lần thành công, đó là sau cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đầu thập niên 1930.

SPIEGEL: Cái gì chưa thành thì có thể sẽ thành: Cuộc khủng hoảng tài chính mới đây thường được so sánh với cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới.

Fukuyama: Nhưng đâu thấy cuộc nổi dậy nào của cánh tả? Cuộc khủng hoảng tài chính này khởi đầu từ Phố Wall, nó có thể xảy ra vì sự thanh tra thị trường tài chính đã bị gỡ bỏ một cách có hệ thống – đúng như các nhà tư tưởng cánh hữu Mỹ luôn đòi hỏi. Nó gây tác động rất xấu đến dân thường, trong khi các thành viên giàu có trong khu vực tài chính nhờ sự trợ giúp của Nhà nước lại trở nên những người được hưởng lợi từ khủng hoảng. Đến mức ấy mà không thấy sự nổi dậy đâu thì còn mong đợi gì? Tôi cũng đã chờ một cái kiểu như Tee-Party cánh tả.

SPIEGEL: Liệu phong trào Chiếm-Phố-Wall có phải là một tín hiệu?

Fukuyama: Không có. Tôi không cho phong trào đó thực sự quan trọng. Phần lớn những người đó vẫn là những người năm 1999 ở Seattle đã biểu tình phản đối tổ chức WTO. Chống Chủ nghĩa Tư bản nhưng không có chương trình gì mới.

SPIEGEL: Cái gì đã ngăn cản sự tổng động viên của một phong trào cánh tả mới?

Fukuyama: FED (Ngân hàng Lieen bang Mỹ) và Bộ Tài chính đã quyết định can thiệp vào cuộc khủng hoảng mới nhất và đã không để những biến chứng quái ác của thập niên 1930 xuất hiện, khi trên 20% người Mỹ thất nghiệp. Hồi đó, Tổng thống Franklin D. Roosevelt đã chia nhỏ các nhà bank lớn ra mà không ai dám phản đối vì sự nguy kịch đã rất lớn. Tôi tin là ngày nay các nhà bank lớn như Goldman-Sachs, Citigroup hay Bank of America cũng cần được chia nhỏ ra để khu vực tài chính được chấn chỉnh lại. Nó được chia thành các đơn vị nhỏ để khi nền kinh tế mà xấu thì nó có thể phá sản. Nó sẽ không còn “too big to fail”, điều mà hiện nay đã khiến nó dường như trở thành bất khả xâm phạm. Đáng tiếc là bước đi dũng cảm như vậy đã không xảy ra.

SPIEGEL: Đơn giản vì Tổng thống Obama không đủ khả năng thực hiện?

Fukuyama: Obama đã có một cơ hội lớn khi cuộc khủng hoảng bắt đầu, ngay tờ “Newsweek” khi đó cũng đã đưa tít “Giờ thì tất cả chúng ta đều theo đảng Xã hội”. Giá như khi đó ông ta quốc hữu hoá các nhà bank lớn rồi chia nhỏ và đem bán. Nhưng quan điểm toàn bộ của CP về những gì có thể làm và mong muốn làm vẫn còn bị định hình rất nhiều bởi nhu cầu của các ngân hàng lớn.

SPIEGEL: Nói cách khác: Obama và các cố vấn quan trọng nhất của mình như Bộ trưởng Tài chính Timothy Geithner – trước kia cũng đã từng là một nhà banker danh tiếng, cũng thuộc số 1% mà sự phản đối nhằm vào?

Fukuyama: Tất nhiên họ thuộc số 1% đó, và cùng với bạn bè của họ. Chef của Goldman-Sachs là Lloyd Blankfein trong thời kỳ khủng hoảng đã có hàng chục lần cố vấn cho Geithner. Điều đó cho đến nay vẫn ảnh hưởng tới các cuộc tranh luận tại Nhà Trắng.

SPIEGEL: Ông muốn nghiêm túc nói rằng, những người của Đảng Cộng hoà thì ít thân thiện với Phố Wall hơn?

Fukuyama: Tuyệt nhiên không. Phố Wall đã giữ chắc họ trong túi rồi. Nhưng có câu hỏi quan trọng hơn là: Tại sao các cử tri không giàu lại đi bỏ phiếu cho những người cánh hữu, mặc dù quyền lợi của họ hoàn toàn không được quan tâm? Điều đó có nguyên nhân từ tư tưởng chống lại nhà nước, có gốc rễ ăn sâu trong lịch sử nước Mỹ. Nhiều cử tri chỉ muốn Đảng Cộng hoà náo động chống lại tầng lớp tinh hoa – vậy là họ bỏ phiếu cho Đảng Cộng hoà, ngay cả khi qua đó, tầng lớp tinh hoa lại được lợi.

SPIEGEL: Tại sao Tổng thống Obama không thu phục được những cử tri thất vọng chán nản đó?

Fukuyama: Vì ông ta không đưa ra cho họ được viễn cảnh của một trật tự kinh tế mới nào. Obama chỉ luôn nói về sự quay trở lại với hình thức Nhà nước phúc lợi kiểu cổ điển tả khuynh, như là chúng ta vẫn đang sống hồi thập niên 70: nhiều nhà nước hơn, nhiều công đoàn hơn, toàn cầu hoá là xấu.

SPIEGEL: Vậy ông ta phải làm gì?

Fukuyama: Tôi không nói gì, vì ông đang làm việc cho một tạp chí của Đức: Nhưng mô hình kinh tế của Đức rất đáng là hình mẫu cho Mỹ. Điều mà nước Đức đã đạt được là, sản phẩm vẫn được sản xuất tại nước mình, và được phần còn lại của thế giới muốn mua. Qua đó các ông đã bảo vệ được tầng lớp trung lưu tốt hơn chúng tôi.

SPIEGEL: Chương trình nghị sự 2010 của Gehard Schröder có thể là hình mẫu cho cánh tả của Mỹ?

Fukuyama: Những người dân chủ-xã hội Đức đã làm cho thị trường lao động mềm dẻo hơn và nhà nước xã hội vẫn có khả năng cạnh tranh. Câu kinh cũ “nhiều nhà nước hơn” không còn tồn tại ở Đức theo dạng đó nữa. Đó là một thành tích – và điều tương tự hoàn toàn không có ở Ý hay Pháp, nó cũng là một trong nhiều nguyên nhân của cuộc khủng hoảng đồng Euro hiện nay.

SPIEGEL: Để bảo vệ giai cấp trung lưu, có cần một dạng mới của chủ nghĩa bảo hộ hay không?

Fukuyama: Nhẽ ra phương Tây không bao giờ được phép để cho Trung Quốc trở thành xưởng sản xuất của toàn thế giới. Người Trung Quốc đã khéo léo để các nước phương Tây đối chọi lẫn nhau nhằm để cho họ mua được công nghệ của phương Tây với giá cực rẻ. Nước nào cũng nghĩ: “Tôi có thể bị Trung Quốc đanh bại ở cuối đường, nhưng nếu tôi không làm ra tiền bây giờ, người khác sẽ hốt mất. Vì vậy, tôi làm kinh doanh với họ ngay cả nếu họ chơi trò gian lận với tôi”. Đáng lẽ chúng ta không được phép tỏ ra quá hèn nhát trước Trung Quốc như vậy.

SPIEGEL: Liệu còn có thể đảo ngược được xu thế đó không?

Fukuyama: Ít nhất thì ở Mỹ là quá muộn. Tất cả các ngành công nghiệp chế biến quan trọng từ lâu đã nằm trong tay Trung Quốc.

SPIEGEL: Nhiều nhà chính trị châu Âu tỏ ra bất lực với cuộc khủng hoảng nợ. Liệu các nhà chính trị ở các nước có nền dân chủ phương Tây có đủ khả năng lãnh đạo hay họ lại bị thị trường tài chính dẫn dắt họ đi?

Fukuyama: Sự lãnh đạo chính trị trở nên khó khăn, không phải chỉ do thị trường tài chính. Tất cả các nền dân chủ hiện đại đều có một căn bệnh: mỗi nhóm lợi ích chỉ biết đánh box vì quyền lợi của nhóm mình mà không thèm để ý đến xung quanh. Ông hãy nhìn sang Hy Lạp: Các dược sĩ, các bác sĩ, các KTS đã tự động đặt giá cho dịch vụ của mình và thu nhiều lợi nhuận. Đồng thời họ lại tìm cách trốn thuế. Vậy thì làm sao mà Nhà nước không bị phá sản.

SPIEGEL: Các nhà Kỹ Trị và cố vấn, những người không do ai bầu, bây giờ sẽ phá bỏ hệ thống bán đổ bán tháo của nước Hy Lạp. Như vậy có dân chủ hay không?

Fukuyama: Tôi
cược là Hy Lạp sẽ rời bỏ khu vực dùng Euro. Kiểu gì, dù có khéo léo đến đâu, thì dân Hy Lạp sau một thời gian sẽ coi sự can thiệp là sự ép buộc của một chính sách mà họ không muốn theo. Hay các ông tin rằng, người Hy Lạp muốn ngay lập tức trở thành người Đức?

SPIEGEL: Liệu Châu Âu trong cuộc cứu trợ tuyệt vọng đồng Euro này có còn dân chủ nữa không?

Fukuyama: Vậy đã có lúc có dân chủ rồi ư? Trong quá trình thống nhất châu Âu, tầng lớp tinh hoa đã luôn xác quyết moị sự. Chứng minh rõ nhất: Mỗi lần có nước nào trưng cầu dân ý mà kế hoạch thống nhất bị phủ quyết…

SPIEGEL: …thì cuộc trưng cầu dân ý đó lại được tiến hành lại.

Fukuyama: Chính xác, tầng lớp tinh hoa châu Âu luôn muốn nói với người dân thích bạo động là: “Ồ, các bạn đã chưa hiểu đúng, vậy chúng tôi lại phải trưng cầu dân ý lại, cho đến khi nào các bạn nhìn ra”. Ở hầu hết các nước châu Âu đã xuất hiện các đảng chống đối cánh hữu, từ Hungary cho tới Nauy, họ chống lại Liên minh Châu Âu, chống lại người nhập cư, chống lại tầng lớp tinh hoa châu Âu – và họ đã có kết quả bởi vì nhiều cử tri cảm thấy các nhà chính trị khác không đại diện cho họ.

SPIEGEL: Các hệ thống toàn trị ngày càng có vẻ được ưa thích hơn. Khi các doanh nhân Đức sang Trung Quốc về, họ đã ca ngợi ở đó mọi việc được quyết định rất nhanh chóng.

Fukuyama: Các doanh nhân Mỹ cũng nói vậy. Tất nhiên họ có ấn tượng khi thấy ở Bắc Kinh trong thời gian ngắn họ nhận được sự đồng ý để đầu tư một công trình đồ sộ. Nhưng trước tiên, các chính trị gia châu Âu và Mỹ có vẻ không có khả năng để được ra những quyết định tương tự.

SPIEGEL: Vậy thì mô hình toàn trị Trung Quốc cũng là một hình mẫu mới cho thế giới. Vậy nó mâu thuẫn một cách căn bản với luận cứ của ông, rằng dân chủ là một sản phẩm xuất khẩu bán chạy của châu Âu trong bài “Sự kết thúc của Lịch sử”.

Fukuyama: Phản đối: Mô hình Trung Quốc không thể là hình mẫu để áp dụng cho toàn thế giới. Hệ thống phương Tây của chúng ta lộ rõ những điểm yếu điển hình, nhưng mô hình Trung Quốc cũng không hoạt động. Nó cực kỳ thô bạo và vô đạo đức. Người dân có thể trong vòng giây phút bị cướp đoạt tất cả, mà không thể làm gì để chống lại được. Tham nhũng hiện diện khắp nơi, chỗ nào ở Trung Quốc bây giờ cũng thấy sự phản đối…

SPIEGEL: …nó lại khơi cho nhà cầm quyền nỗi lo sợ một mùa xuân Trung Quốc.

Fukuyama: Chừng nào kinh tế bắt đầu ngừng tăng trưởng, thì sự tức giận sẽ bùng phát. Không, nền dân chủ phương Tây vẫn là mô hình duy nhất có kết quả trên toàn cầu, mặc dù tất cả những khiếm khuyết của nó.

SPIEGEL: Thưa giáo sư, chúng tôi cảm ơn ông về cuộc nói chuyện này.

Nguồn: DER SPIEGEL 5/2012. Người dịch: L.T.N.