273 Soc Son temple

Đền Gióng Sóc Sơn

sông Cà LồThánh Giónghuyện Sóc Sơn

Đền Gióng Sóc Sơn tương truyền có từ thời Lý. Thờ: Đức thánh Gióng. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1962), Di tích quốc gia đặc biệt (2014). Vị trí: thôn Vệ Linh, 7RRJ+VJ xã Phù Linh, Sóc Sơn, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 35km (hướng 12h). Trạm bus lân cận: Km26 quốc lộ QL3 (xe 15)

Lược sử

Có nhiều ngọn núi nằm trên 2 huyện Mê Linh, Sóc Sơn, tạo thành ranh giới tự nhiên giữa Hà Nội với các tỉnh Vĩnh Phúc, Thái Nguyên và Bắc Giang. Ngọn cao nhất là núi Hàm Lợn hay Chân Chim (462m), xưa gọi núi Độc Tôn, nơi đóng quân của "quận Hẻo" Nguyễn Danh Phương, người đã nổi dậy chống lại chúa Trịnh vào những năm 1740. Phía đông là núi Don, phía bắc có núi Tham Lam, núi Bà Tượng ở xã Ngọc Thanh, giáp Vĩnh Phúc và núi Lục Dinh. Ngoài ra còn có các ngọn Bàn Cờ, Cao Tung, Mũi Cày, Trảm Tướng...

Núi Vệ Linh cao 308m, còn gọi núi Mã, núi Đền hay núi Sóc, nay thuộc xã Phù Linh, cách huyện lỵ Sóc Sơn gần 4km về hướng tây. Tương truyền đỉnh núi Sóc là chỗ Thánh Gióng bay lên trời. Dưới chân núi có hồ nước và rừng thông bao quanh đền Trình, đền Mẫu, chùa Đại Bi, đền Thượng. Quần thể di tích hình thành từ thời Tiền Lê, đến nay đã trải qua 13 lần trùng tu. Đầu thế kỷ XXI được xây thành một khu du lịch văn hóa với tổng diện tích hơn 247 ha và có thêm chùa Non Nước cùng tượng đài Thánh Gióng.

Trong đền Trình. Photo NCCong ©2022

Bộ Văn hoá đã xếp hạng đền Gióng Sóc Sơn là Di tích quốc gia ngay từ đợt đầu tiên vào năm 1962. Sau này khu đền được đại trùng tu và nâng hạng lên Di tích quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 2408/QĐ-TTg ngày 31/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ.

Kiến trúc

Bên trái cổng vào Khu di tích là đền Trình, còn gọi đền Hạ, nơi người lên núi Sóc thường vào trình sơn thần. Tương truyền đền do đức vua Lê Hoàn cho tu sửa sau khi được sơn thần giúp đánh thắng giặc Tống năm 980. Đền ban đầu có hình “chữ Đinh”, sau này mở rộng thành hình “chữ Công”. Tiền đường gồm 5 gian, trong đặt 3 tấm bia đá và 1 pho tượng đồng tạc một vị thần đang ngồi, 2 tay đặt lên đầu gối, trên đỉnh mũ có khắc 3 chữ “Thánh Thần Vương”. Đồn rằng đó là vị sơn thần đã cho phép Thánh Gióng lên núi để bay về trời.

Trước chùa Đại Bi. Photo NCCong ©2022

Phía sau đền Trình là chùa Đại Bi với quy mô nhỏ nhưng có kiến trúc độc đáo. Đối diện chùa là đền Mẫu, nơi thờ Đức Mẹ của Thánh Gióng. Trước cổng đền có ghi dòng chữ “Phù Đổng danh truyền Thiên Thượng Mẫu”; bên sân là một giếng đá ong. Đền gồm hai nếp nhà 3 gian, bố cục mặt bằng theo hình “chữ Nhị”. Trong hậu cung đặt pho tượng Mẫu sơn son thếp vàng.

Du khách đi tiếp giữa những hàng cổ thụ sẽ đến ngôi đền Thượng. Trước cửa đền là các tượng linh thú. Đền có mặt bằng hình “chữ Đinh”, xây 2 tầng 8 mái với các đầu đao cong chạm trổ hình rồng. Toà đại bái 5 gian 2 chái được trang trí bằng nhiều câu đối, cờ, lọng, cửa võng… Hậu cung thờ một pho tượng bằng gỗ trầm hương, tạc Thánh Gióng khoác áo bào đỏ, bên cạnh đặt tượng 6 viên tùy tướng.

Trước đền Mẫu. Photo NCCong ©2022

Lễ hội

Lễ hội đền Sóc được tổ chức hàng năm từ mùng 6 đến mùng 8 tháng Giêng âm lịch, gồm các lễ: khai quang, rước kiệu, dâng hương, dâng hoa tre ở đền Thượng. Đêm mùng 5 diễn ra nghi lễ Dục Vọng để mời ông Gióng về dự với các lễ phẩm đã được 7 thôn đại diện cho 7 xã thành kính chuẩn bị từ trước. Sớm mùng 6 khai hội, dân làng và khách thập phương dâng hương, đúng nửa đêm có lễ khai quang, tắm tượng Đức Thánh Gióng.

Mùng 7 chính hội là ngày Thánh hoá theo truyền thuyết, nghi lễ chủ yếu gồm dâng hoa tre ở đền Sóc và chém tướng giặc. Hoa tre làm bằng những thanh tre dài chừng 50cm, đầu vót thành xơ và nhuộm màu. Sau lễ, tre được tung ra trước sân đền cho người dự hội lấy để cầu may. Trò chém một pho tượng diễn lại truyền thuyết Thánh Gióng dùng tre ngà quật chết tướng cầm đầu giặc Ân là Thạch Linh (đá thành tinh). Ngoài ra, trong hội còn có nhiều trò chơi dân gian như chọi gà, đấu cờ người, hát chèo, ca trù…

Trước đền Thượng. Photo NCCong ©2022

Di tích lân cận

Trên đỉnh núi còn có hòn đá Chồng tương truyền là nơi Thánh Gióng để lại áo giáp của mình trước khi bay về trời. Ngoài chùa Non Nước khá lớn ở gần đền Trình, năm 2010 đã khánh thành tượng đài Thánh Gióng trên đỉnh núi. Tượng đúc bằng đồng nguyên chất, cao 11m; độ vươn ra 16m, nặng 85 tấn, tạc hình Thánh Gióng cưỡi ngựa về trời. Nếu du khách không muốn leo bộ thì có thể dùng xe máy hoặc ô tô đi vòng từ chân núi lên tượng đài.

Không xa lắm, cùng trong huyện Sóc Sơn còn có những di tích khác:

©NCCông 2014-2019, Soc Son temple