Đọc hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Ảnh: Bìa cuốn sách bản tiếng Việt

Vào một đêm sao sáng đầy trời của mùa thu vàng Bắc Kinh, tôi đã vinh dự được nhận từ tay bà Đặng Bích Hà, phu nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một cuốn sách dầy cộp (sách dày 476 trang – ND). Đây là cuốn “Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử” (dịch sang Trung văn là Điện Biên Phủ - Lịch sử đích tiêu điểm) hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Bí thư Quân uỷ Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, phản ánh về đại thắng Điện Biên Phủ.

Trường Chinh, Hồ Chí Minh, Trần Canh, La Quý Ba. Nguồn: QGPTQ

Trường Chinh, Hồ Chí Minh, Trần Canh, La Quý Ba. Nguồn: QGPTQ

Trong bìa phụ còn có bút tích và chữ ký của chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp, với nét chữ rất rắn rỏi. Tấm thịnh tình và ý đẹp của vị tướng lão thành từ xa xôi ngàn dặm tặng sách, khiến tôi vô cùng cảm kích.

Chiến dịch Điện Biên Phủ là một trận đánh có ý nghĩa quyết định trong cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp của Việt Nam. Bằng trải nghiệm trực tiếp chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, với những tài liệu nguyên thuỷ, toàn diện và phong phú nắm chắc của ông, vị tướng quân lão thành đã trình bầy tái hiện không khí tráng liệt của chiến dịch Điện Biên Phủ khi ấy.

Là một độc giả Trung Quốc, điều làm cho tôi sâu đậm hứng thú là trong sách lần đầu tiên ông công bố một số sự thật lịch sử về sự phối hợp chặt chẽ về quân sự của hai nước vì thắng lợi của chiến dịch, đặc biệt là sự sát cánh kề vai chiến đấu với quân đội nhân dân Việt Nam của Đoàn Cố vấn quân sự Trung Quốc do đồng chí Vi Quốc Thanh làm trưởng đoàn, trên chiến trường Điện Biên Phủ.

Là một nhà lãnh đạo thế hệ tiền bối của Đảng và Nhà nước Việt Nam duy nhất còn mạnh khoẻ và nhân chứng của lịch sử hữu nghị sâu đậm của hai nước Trung Việt, từng câu nói của ông đều có tiếng vang, đây cũng là chỗ khiến cho mọi người cảm thấy cảm động nhất.

Nguồn tin tình báo quý báu

Mùa thu năm 1950, sau khi giành được thắng lợi lớn trong chiến dịch tiến công quân đội Pháp dọc biên giới Trung Việt, quân đội nhân dân Việt Nam đã từng bước nắm được quyền chủ động trên chiến trường Bắc Bộ. Khi ấy, quân Pháp co vòi lại vùng đồng bằng Sông Hồng, đồng thời tăng thêm binh lực cố thủ vùng Tây Bắc.

Những trận đánh sau đó, nên đánh như thế nào, Trung ương Đảng Việt Nam đã tiến hành nghiên cứu thận trọng tỷ mỷ. Xem xét khả năng cơ động của quân đội Pháp ở vùng đồng bằng Sông Hồng mạnh, trái lại, lực lượng phòng giữ của quân Pháp tại vùng Tây Bắc tương đối yếu, hơn nữa vùng này lại là vùng xung yếu thông với Lào và Trung Quốc, đồng thời từ sau lưng cạnh sườn cũng tạo thành mối uy hiếp nghiêm trọng đối với Khu Giải phóng, đại bản doanh của cơ quan đầu não của Trung ương Đảng Việt Nam, vị trí chiến lược rất quan trọng, thế là Trung ương Đảng Việt Nam đánh giá vùng Tây Bắc là trọng điểm tiến công.

Chính trong những ngày khẩn trương náo nức chuẩn bị tiến công vùng Tây Bắc, Trung Quốc đã cung cấp cho Việt nam kế hoạch tác chiến bí mật của Nava, Viên chỉ huy quân đội thực dân Pháp tại Đông Dương, đồng thời lệnh cho đồng chí Vi Quốc Thanh đang ở Bắc Kinh hoả tốc trở lại Việt Nam, hiệp tác giúp đỡ tác chiến.

Về sự kiện này, trong sách miêu tả như sau:

“Hạ tuần tháng Chín năm 1953, các đồng chí Trung Quốc chuyển cho ta một bản kế hoạch Nava với cả bản đồ, do cơ quan tình báo của bạn thu thập được.” (trang 17), “Đồng chí Vi Quốc Thanh về nước mới sang, cùng tôi lên Khuổi Tát gặp Bác. Sau khi nghe trình bày kế hoạch của địch, Bác nói: “Nava rất nhiều tham vọng, muốn giành chiến thắng lớn về quân sự. Địch muốn chủ động, ta buộc chúng phải lâm vào bị động. Địch muốn tập trung quân cơ động thì ta có kế hoạch buộc chúng phải phân tán mà đánh!” (trang 19)

Cùng bàn kế lớn

Nhằm bảo đảm thắng lợi cho chiến dịch, Đoàn Cố vấn quân sự Trung Quốc đồng tâm hiệp lực với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, xây dựng phương án tác chiến hay nhất.

Trong sách viết rằng:

“Tôi và đồng chí Vi Quốc Thanh nhất trí mở những cuộc tiến công nhằm vào những chiến trường hiểm yếu mà địch yếu, hoặc tương đối yếu, nhưng lại không thể bỏ, là cách tốt nhất buộc địch phải phân tán lực lượng. Cũng nhất trí về hướng Lai Châu, hướng Trung và Hạ Lào.” (trang 20).

Vì vậy, ông và các đồng chí trong Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc nghiên cứu xây dựng kế hoạch tác chiến tiến công quân địch từ nhiều phía, để buộc chúng phân tán binh lực, không cho quân địch tập trung binh lực ở vùng đồng bằng.

“Tôi và anh Thái cùng bàn bạc với các đồng chí cố vấn xây dựng kế hoach đánh địch ở nhiều hướng buộc địch phải phân tán đối phó, nhằm trước hết là phá thế tập trung binh lực của địch ở đồng bằng.” (trang 23)

Ý hợp tâm đầu

Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Trường Chinh, La Quý Ba, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng (THX)

Mọi công tác chuẩn bị đâu vào đấy, Đoàn Cố vấn quân sự Trung Quốc cử đồng chí Mai Gia Sinh, Cố vấn tham mưu cùng với Phó Tổng tham mưu trưởng Việt Nam Hoàng Văn Thái đi lên Tây Bắc trước. “Đoàn Cố vấn Trung Quốc rất tán đồng chủ trương và kế hoạch tác chiến Đông Xuân của ta chọn Tây Bắc là hướng chính. Đoàn cử đồng chí Mai Gia Sinh, Cố vấn tham mưu, cùng đi trước với anh Thái.” (trang 47)

Tiếp theo sau, ngày 26 tháng 11 năm 1953, Cơ quan chỉ huy tiền phương của Bộ Tổng tư lệnh Việt Nam xuất phát. Ngày 5 tháng 1 năm 1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đồng chí Vi Quốc Thanh cũng khởi hành cùng ra phía trước.

Trên đường bôn tập ra tiền tuyến, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng đồng chí Vi Quốc Thanh thường xuyên trao đổi ý kiến. Trong sách đại tướng Võ Nguyên Giáp viết rằng: “Dọc đường, tôi tiếp tục theo dõi sự chuyển quân của các đơn vị trên các mặt trận, đặc biệt chú trọng những diễn biến mới ở Điện Biên Phủ. Tôi thường xuyên thông báo tình hình mới ở các chiến trường với anh Vi Quốc Thanh. Giữa chúng tôi tiếp tục có những cuộc trao đổi ý hợp tâm đầu. Anh Vi và tôi đều thống nhất cách tốt nhất để giải quyết tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là tiến hành tiêu diệt dần từng trung tâm đề kháng.” (trang 86-87).

Phối hợp mật thiết

Tình hình chiến trường trong nháy mắt thiên biến vạn hoá, phương châm tác chiến mà Trung ương Đảng Việt Nam dự định là “đánh nhanh giải quyết nhanh”.

Nhưng, sau đấy Nava, Tư lệnh quân Pháp cảm thấy, nếu Điện Biên Phủ nhanh chóng thất thủ, tình thế tất nhiên sẽ nguy hiểm đến sự an toàn của Lu-ăng-bra-băng, Thủ đô Lào, thế là nhanh chóng tăng thêm binh lực cho Điện Biên Phủ.

Xem xét đến tình hình mới, Trung ương Đảng Việt Nam thay đổi phương châm tác chiến “đánh nhanh giải quyết nhanh” đã dự định thành “đánh chắc tiến chắc”.

Đoàn Cố vấn quân sự Trung Quốc tôn trọng ý kiến của phía Việt Nam, đồng thời phối hợp mật thiết. Trong sách, đại tướng Võ Nguyên Giáp thuật lại một đoạn về vấn đề này như sau:

“Sáng ngày 26 tháng 1 năm 1954, Văn phòng thông báo cuộc họp Đảng uỷ Mật trận.

Trước cuộc họp, tôi bảo đồng chí Hoàng Minh Phương, trưởng đoàn phiên dịch của Bộ, chuẩn bị cho tôi gặp ngay đồng chí Trưởng đoàn Cố vấn quân sự.

Đồng chí Vi Quốc Thanh ngạc nhiên nhìn nắm ngải cứu trên trán tôi. Đồng chí ân cần hỏi thăm sức khoẻ, rồi nói:
- Trận đánh sắp bắt đầu. Đề nghị Võ Tổng cho biết tình hình tới lúc này ra sao?

Tôi đáp:
- Đó cũng là vấn đề tôi muốn trao đổi với đồng chí Trưởng đoàn. Qua theo dõi tình hình, tôi cho rằng địch không còn trong trạng thái lâm thời phòng ngự, mà đã trở thành một tập đoàn cứ điểm phòng ngự kiên cố. Vì vậy không thể đánh theo kế hoạch đã định…

Tôi nói tiếp ba khó khăn lớn của bộ đội, rồi kết luận:
- Nếu đánh là thất bại.
- Vậy nên xử trí thế nào?
- Ý định của tôi là ra lệnh hoãn cuộc tiến công lại theo phương châm “đánh chắc tiến chắc”.

Sau giây lát suy nghĩ, đồng chí Vi nói:
- Tôi đồng ý với Võ Tổng. Tôi sẽ làm công tác tư tưởng với các đồng chí trong đoàn cố vấn.” (trang 107-108)

Cùng ăn Tết vui vẻ

Mùa xuân năm 1954, các đồng chí trong Đoàn Cố vấn quân sự Trung Quốc ăn tết tại mặt trận biên thuỳ Tây Bắc Việt Nam. Về chuyện này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có dành riêng miêu tả một đoạn trong sách: Nói rằng khi các đồng chí Trung Việt quây quần bên nhau, mọi người muốn nói nhiều nhất đến chuyện làm thế nào để cho cuộc kháng chiến của Việt Nam sớm giành được thắng lợi.

Ông viết rằng:

“Tôi sang lán đồng chí Vi Quốc Thanh chúc tết Đoàn Cố vấn quân sự Trung Quốc vì sự nghiệp kháng chiến của nhân dân Việt Nam phải tiếp tục ăn một cái tết ở ngay mặt trận, xa Tổ quốc, xa gia đình, và báo tin thắng lợi trên các chiến trường. Đồng chí Vi vui vẻ chúc mừng năm mới cùng những thắng lợi mới của quân và dân ta. Đồng chí cho biết: Sau khi được phân tích rõ về chỗ mạnh chỗ yếu của địch và ta, các cố vấn đều nhất trí với chủ trương thay đổi phương châm chiến dịch. Mọi người đều biểu thị quyết tâm đồng cam cộng khổ, đem hết trí tuệ và năng lực giúp bộ đội Việt Nam giành toàn thắng. Đồng chí đã đề nghị Quân uỷ Trung ương và Bộ Tổng tham mưu Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc gửi sang gấp những tài liệu tổng kết kinh nghiệm chiến đấu mới nhất ở Triều Tiên, nhất là kinh nghiệm xây dựng trận địa và chiến đấu đường hầm, kể cả cuốn sách Thượng Cam Lĩnh, để bộ đội Việt Nam tham khảo.” (trang 136)

Trong sách Đại tướng Võ Nguyên Giáp đề cập đến, tiến công Điện Biên Phủ là một trận công kiên chiến, quân đội nhân dân Việt Nam ngoài việc tổng kết kinh nghiệm mà mình có được, còn đã học tập kinh nghiệm của Trung Quốc, đặc biệt là kinh nghiệm của chiến dịch Hoài Hải. Ông còn nói rằng, để tiến công Điện Biên Phủ, Trung Quốc còn giúp đỡ huấn luyện bộ đội lựu pháo tại Vân Nam.

Hương thơm muôn thuở

Từ hạ tuần tháng 3 năm 1954, quân đội nhân dân Việt Nam bắt đầu phát động công kích quân địch ở Điên Biên Phủ, đến thượng tuần tháng 5 đã tiêu diệt hoàn toàn quân địch cố thủ. Đại thắng Điện Biên Phủ đã tỏ rõ khí thế hào hùng của nước thuộc địa nhỏ yếu, làm chấn
động thế giới.

Ngay từ năm 1948, Trung ương Đảng Việt Nam đã yêu cầu Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc cử nhân viên cố vấn quân sự sang Việt Nam hợp tác giúp đỡ công tác. Song, khi ấy cuộc chiến tranh giải phóng của nhân dân Trung Quốc còn đang ở vào thời khắc then chốt trước trận quyết chiến chiến lược, nhất thời chưa thể thoả mãn yêu cầu này của Đảng Việt Nam.

Hồ Chí Minh và Đoàn Cố vấn TQ

Cho đến sau khi cách mạng Trung Quốc thắng lợi, đầu năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh bí mật sang Trung Quốc và Liên Xô, cùng những người lãnh đạo hai nước bàn việc viện trợ Việt Nam kháng chiến chống Pháp. Mãi đến khi này, nguyện vọng của Đảng Việt Nam yêu cầu Đảng Trung Quốc cử nhân viên quân sự hợp tác giúp đỡ công tác mới được thực hiện.

Đoàn Cố vấn quân sự Trung Quốc do ngành quân sự Trung Quốc điều động những cán bộ có tài tổ chức nên, dưới sự lãnh đạo chỉ huy của Trưởng đoàn là đồng chí Vi Quốc Thanh, Chính uỷ Binh đoàn 10 của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, đã đến Việt Nam từ tháng 8 năm 1950, ở lại một lèo 5 năm, cho đến khi cuộc chiến tranh chống Pháp của Việt Nam thắng lợi mới trở về nước.

Thời gian bốn năm chục năm đã trôi qua, song những bông hoa hữu nghị Trung Việt đâm chồi đua sắc trên mảnh đất biên thuỳ Tây Bắc Việt Nam mà trước đây ít người được biết, lại nở rộ không tàn, hương thơm mãi mãi đến ngày nay.

Từng câu chuyện hữu nghị nặng tình nồng ấm quý báu như gia bảo của tình bạn chiến đấu hai nước Trung Việt năm xưa được một vị tướng lão thành kể lại trong hồi ức của ông, chẳng phải là những minh chứng tốt đẹp nhất hay sao?

Hồng Tả Quân (Trung Quốc). Bài đăng Báo điện tử QĐND.

VŨ PHONG TẠO giới thiệu và dịch theo Báo điện tử Trung Quốc www.163.com