Đời quê trong mùa xuân Thơ mới

Thơ mới vốn đã “cũ” đi nhiều khi được đánh giá và nhìn nhận lại trong bấy nhiêu công trình, bài viết lớn nhỏ. Ấn tượng về Thơ mới cũng mờ dần bởi sự xuất hiện của các trào lưu văn chương sau này. Nhưng, như một quy luật của cuộc sống, trong những gì tưởng như quen thuộc, mòn vẹt nhất lại ẩn chứa những bí mật, những vùng quên khuất lấp bởi một sự đọc thiếu nào đấy. Thơ mới không ngoại lệ, còn đấy những tên tuổi tuy không nổi bật, những thi phẩm không nức tiếng nhưng chứa đựng kí ức một thời của những mảnh đời quê bình dị. Đặc biệt hơn cả là những khi xuân về.

Những người trẻ tuổi cầm bút của buổi tân thời thật ít ỏi. Văn hóa đô thị nuôi dưỡng tâm hồn những cái “tôi” tiểu tư sản vẫn đang lọt thỏm giữa bốn bề lề lối quê mùa. Nhưng, với mẫn cảm của nhà văn, các cây bút đã ý thức được việc cần ghi lại những phong tục bình dị của đời sống nhà quê khi ấy. Ghi và nhớ và khắc ghi trong lòng những gì gắn bó với người Việt bao đời:

Tiếng pháo nổ, rồi tưng bừng pháo nổ
Trên bàn thờ mâm cỗ đã bày xong.
Mẹ tôi đang châm dở nén hương vòng
Và xếp lại trái hồng mâm ngũ quả
Anh tôi cắt khoanh giò đang bóc lá.
Chị tôi bưng đĩa cá để lên mâm.
(Sáng mồng Một- Trần Trung Phong)

Những nghi thức ấy vẫn còn được lưu truyền đến ngày hôm nay, nhưng nhìn cách các thành viên trong gia đình quần tụ, cung kính mới thấy cái tầm nhìn của thi nhân. Trần Trung Phong dự cảm được sự phôi phai của những nề nếp nhà quê trước cuộc xâm lăng từ kinh kì. Rồi biết đâu một ngày những “mâm ngũ quả”, “nén hương vòng” sẽ bị người đời lai tạp hoặc làm cho qua quýt mà thấy tiếc cho cái ngày xưa tốt đẹp ấy biết nhường nào.

Không lạ lẫm như nhà thơ mới Trần Trung Phong, Đoàn Văn Cừ lâu nay chỉ được biết đến với Chợ tết được ngâm lại nhiều lần mỗi dịp Tết. Nhưng, nếu để chọn một thi phẩm phản ánh chân thực nhất đời sống nông thôn của những cái Tết đầu thế kỉ, khi xuất hiện những manh nha của thời đại công nghiệp thì phải là bài thơ Năm mới:

Cây đèn bóng dựng dưới trời đêm,
Chiếc vỏ chai cưa giả chụp đèn.
Ngọn lửa trong mưa vờn lấp loáng,
Gió lùa chùm khánh động “leng keng”
 
Vài lá đa xanh giắt mái nhà,
Để cầu phúc lộc đến đề đa.
Ngoài sân ấn quyết trừ ma quỷ,
Vôi vẽ hình tên nỏ trắng lòa.
Cây nêu-dấu Phật đuổi hung thần.
Cỗ mũ trên bàn cúng Táo quân.
Mùng bốn tết xong làm lễ tiễn,
Giấy tiền ông vải đốt đầy sân.

Mỗi thi phẩm về chủ đề này của Đoàn Văn Cừ hệt như một bức tranh. Ông chỉ vẽ bằng sự trân trọng những giá trị mà người dân giữ được, ông chỉ nể trọng những gì đúng với cốt cách người Việt. Tết của ông là dịp “điểm binh”các giá trị vật chất có khi đơn giản, có khi cầu kì nhưng đều toát lên một đời sống tinh thần sung túc từ trong nghèo khó, lấm lem quê mùa. Cũng nhờ có thế mà người đọc hình dung lại được một không khí Tết còn nguyên sơ, trong trẻo đến nhường nào.

Cũng viết về cảnh ngày xuân nhưng với nhãn quan tinh tế của mình, Anh Thơ nhận ra những nét đài các, sang quý. Nếu ở chiều xuân, cảnh thơ mĩ lệ với “cô nàng yếm thắm” đang lưng mải miết “cào cỏ ruộng sắp ra hoa” thì ở đây lại là một đời quê còn thô phác với những cử chỉ vụng về, ấp úng của người dân quê- một sự thay đổi khá lớn trong thơ bà mà người đọc có thể nhận ra:

Dọc đường cỏ ven sông cùng trảy hội
Những bà già lần hạt nhẩm cầu kinh,
Lũ con gái rộn ràng cười nói
Khoe hàm răng đen nhánh mắt đa tình
 
Cũng mấy cậu áo là, quần lụa mới
Tập lê giày như tập nhấc chân đi
Trong khi gió ngang đường tung phấp phới
Giải yếm đào cùng với giải khăn thi.

Chắc hẳn, khi một đời sống nông nghiệp thuần túy bao trùm xã hội Việt Nam đã rời xa, nhường chỗ cho thời đại công nghiệp thì cũng là khi chúng ta có đủ khoảng cách để ngắm nhìn lại mới thấy những gì đeo đẳng đến ngày hôm nay, nhân nhịn, kiên gan với thời gian của những câu đối, bánh chưng, khoanh giò… mới thật là Tết nhất, mới đúng là nguồn nước trong trẻo để tắm gội tâm hồn ta. Dường như các nhà Thơ mới đều giành một góc nhỏ cho mùa xuân. Từ Mùa xuân chín của Hàn Mặc Tử đến Mưa xuân của Nguyễn Bính; Xuân đầu của Xuân Diệu, Hương xuân của Phạm Huy Thông… Thế nhưng, nếu muốn tìm về với thơ xuân bình dị nhất thì phải là những thi phẩm nói lên những gì tinh tế và chân thực của đời quê nhất. Bởi lẽ, đó là điều chúng ta luôn muốn giữ gìn và trân trọng để có thể bổ sung vào hành trang của mình trên con đương đến với mùa xuân, trên hành trình chiêm nghiệm những giá trị còn tươi nguyên như lộc non chồi biếc mỗi độ xuân về. Ấy là những câu thơ tự biết cất giữ những giá trị nghệ thuật cho bản thân mình.

Phương Mai, VHQN