Đừng biến trường đại học công lập thành công ty cổ phần

Nếu các trường công lập được thực hiện cổ phần hoá theo chương trình chuyển đơn vị sự nghiệp công lập có thu thành công ty cổ phần, thì một mặt, đó là sự từ chối trách nhiệm của Nhà nước; mặt khác, sẽ biến trường ĐH thành một hội buôn.

Trách nhiệm nhà nước

Giáo dục ĐH đem lại những lợi ích nằm ngoài phạm trù kinh tế (theo nghĩa là có thể lượng định bằng các thước đo chi phí – lợi ích thuần túy). Lợi ích này không chỉ giới hạn trong mỗi cá nhân học viên mà lan toả ra toàn xã hội. Bởi vậy, nhà nước phải có trách nhiệm xây dựng hệ thống giáo dục ĐH.

Trách nhiệm này được thể hiện trên nhiều phương diện, từ việc xây dựng cơ chế điều tiết đến việc tài trợ. Tuy cách thức can thiệp có thể khác nhau, song bản chất và hình thức của sự can thiệp này luôn phụ thuộc vào triết lý giáo dục của mỗi quốc gia.

Một nền giáo dục ĐH muốn tạo ra những con người có trí tuệ và đạo đức sẽ không tương thích với một hệ thống giáo dục từ chương nhồi nhét, tước đoạt quyền tự do tư duy và sáng tạo của học viên.

Một nền giáo dục ĐH tôn trọng sự bình quyền về giáo dục cho mọi tầng lớp sẽ không thể dựa vào một hệ thống giáo dục với chi phí quá cao và phân biệt đối xử.

Một nền giáo dục ĐH tôn trọng sự đa dạng sẽ không thể có một hệ thống giáo dục với một mô hình duy nhất, và càng không thể dựa trên một hệ thống chương trình khung cứng nhắc.

Một nền giáo dục ĐH nhấn mạnh đến tính phổ cập và đại trà sẽ phải tạo điều kiện mở rộng hệ thống giáo dục và tăng khả năng tiếp cận với cơ hội giáo dục cho mọi tầng lớp dân cư.

Nếu các trường công lập được thực hiện cổ phần hoá theo chương trình chuyển đơn vị sự nghiệp công lập có thu thành công ty cổ phần, thì đó một mặt, đó là sự từ chối trách nhiệm của Nhà nước; mặt khác, sẽ biến trường ĐH thành một hội buôn, trong đó, hội đồng quản trị thay thế hội đồng trường, người có tiền chứ không phải người có tri thức sẽ quyết định những vấn đề quan trọng nhất của trường.

Những lệch lạc về mô hình như thế này tất yếu sẽ dẫn đến các lệch lạc khác về giáo dục đào tạo. Và kết quả cuối cùng có thể sẽ là các trường cổ phần hoá do chạy theo lợi nhuận, theo số lượng sẽ bỏ quên những giá trị xã hội, kiến thức nền tảng và làm giảm chất lượng giáo dục.

3 mục tiêu: Chưa thuyết phục!

Quy chế thí điểm chuyển đơn vị sự nghiệp công lập có thu thành công ty cổ phần có ba mục tiêu.

Thứ nhất là phát huy nguồn lực của các thành phần kinh tế trong việc cung ứng dịch vụ công, nâng cao chất lượng dịch vụ, đổi mới phương thức quản lý nhằm nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Rõ ràng, mục tiêu huy động nguồn lực của các thành phần kinh tế ngoài nhà nước vào giáo dục ĐH có thể được thực hiện bằng nhiều hình thức khác. Chẳng hạn như cho phép mở thêm các trường tư thục và nước ngoài, chứ không nhất thiết phải biến trường công thành công ty cổ phần.

Ở mức độ cơ bản hơn, với sự quá tải của hệ thống giáo dục như hiện nay – thể hiện ở tỷ lệ đỗ ĐH hiện nay chỉ vào khoảng 15% và tỷ lệ sinh viên/giáo viên từ 6/1 năm 1990 lên tới 31/1 năm 2006 – thì việc cải thiện chất lượng giáo dục đại học là nhiệm vụ gần như bất khả thi.

Không những thế, với cơ chế quản trị ĐH thiếu tự chủ, đặc biệt là về chương trình và nhân sự, thì dù muốn “nâng cao chất lượng dịch vụ và đổi mới phương thức quản trị” cũng khó có thể thực hiện trong phạm vi của một “vòng kim cô” chật hẹp.

Thứ hai, cổ phần hoá nhằm thực hiện tự chủ tài chính, hạch toán minh bạch theo nguyên tắc thị trường, đảm bảo hài hoà lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp, nhà đầu tư và người lao động trong doanh nghiệp.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, không nhất thiết phải biến trường ĐH công thành công ty cổ phần mới có thể đảm bảo được tự chủ và minh bạch tài chính ở các trường vì vấn đề thực sự nằm ở chỗ liệu các cơ quan quản lý giáo dục và các trường có thực sự muốn tự chủ và minh bạch hay không.

Thứ ba, cổ phần hoá nhằm tạo điều kiện nghiên cứu và triển khai ứng dụng các kết quả khoa học và công nghệ vào sản xuất, kinh doanh và thương mại hoá.

Mục tiêu này có thể đạt được nếu như các trường sau khi cổ phần hoá thực sự kết nối được với khu vực kinh doanh.

Khả năng này phụ thuộc vào tài năng và sự cởi mở trong tư duy của đội ngũ giáo sư và nhà nghiên cứu, và trên thực tế nhiều trường ĐH và viện nghiên cứu hàng đầu thế giới là của nhà nước.

Đồng thời, chưa có một trường (cả công và tư) của Việt Nam là trường ĐH nghiên cứu và có khả năng gắn kết một cách chặt chẽ với khu vực kinh doanh trong nước và quốc tế.

Nói tóm lại, khác hoàn toàn với việc cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, cổ phần hoá các trường ĐH công lập sẽ không giúp giải quyết các vấn đề cơ bản nhất của giáo dục ĐH Việt Nam. Không những thế, nó còn đặt lại câu hỏi về vai trò của nhà nước và tính công bằng.

Giải pháp cho tình trạng hiện tại

Những giải pháp sẽ được đề cập dưới đây đã được nói đi nói lại nhiều lần.

Những vấn đề lớn nhất của hệ thống giáo dục như triết lý, quản trị, sự quá tải của hệ thống, tính cạnh tranh và lương giáo viên cần phải được thay đổi.

Cụ thể, giáo dục phải hướng hệ thống giáo dục vào việc đào tạo ra những con người có tư duy độc lập, tự do, linh hoạt và sáng tạo.

Hệ thống quản trị ĐH cần tôn trọng tính tự chủ về học thuật, nhân sự, chương trình, tài chính, minh bạch và thực sự trọng thị nhân tài.

Sự quá tải của hệ thống sẽ dần dịu bớt do sự thay đổi về cơ cấu tháp tuổi dân số. Còn trong thời gian tới, có thể được giảm một phần nhờ chính sách thành lập các trường ĐH tư thục (chứ không phải biến các trường công lập thành công ty cổ phần).

Sự thiếu cạnh tranh (một cách lành mạnh) về nhân tài và tài chính trong hệ thống ĐH đã làm mất sức sống và giảm áp lực cải cách đối với các trường hiện tại.

Một cách để tăng cường cạnh tranh giữa các trường là thiết lập hệ thống phiếu giáo dục (education voucher).

Cuối cùng, chừng nào các nhà giáo và nhà nghiên cứu không thể sống bằng tiền lương một cách tương đối đầy đủ thì chừng đó không thể hy vọng có một nền giáo dục ĐH có đạo đức và chất lượng.

Miễn thuế thay vì cổ phần hoá

Hai vấn đề quan trọng khác ít được đề cập trong các thảo luận về giáo dục ở Việt Nam là tầm quan trọng của việc xây dựng một hệ sinh thái ĐH đa dạng và miễn thuế cho những đóng góp tài chính vào các trường.

Một hệ sinh thái ĐH đa dạng bao gồm các trường ĐH nghiên cứu, ĐH vùng, CĐ cộng đồng, trung tâm dạy nghề và các trường chuyên nghiệp.

Sự đa dạng này sẽ cung cấp cho người học nhiều lựa chọn khác nhau, qua đó thoả mãn nhiều nhu cầu đa dạng của nền kinh tế.

Đồng thời, cũng chính sự đa dạng này sẽ nâng cao tính bền vững và cạnh tranh lành mạnh của hệ thống giáo dục. Một mô hình thành công mà Việt Nam có thể tham khảo là hệ thống trường ĐH của bang California (Mỹ).

Đa dạng hoá các nguồn tài trợ cho các trường ĐH là một yêu cầu quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo đại học.

Các nguồn tài trợ có thể từ nhà nước, khu vực kinh doanh, các cá nhân và tổ chức thiện nguyện, và từ học phí.

Ở Việt Nam, còn có thêm các nguồn tài trợ nước ngoài mà gần đây nhất là khoản vay 520 triệu từ WB và ADB cho bốn dự án ĐH ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh và Cần Thơ.

Để kêu gọi nguồn lực tư nhân, nhà nước cần có cơ chế khuyến khích thích hợp cho những người muốn đóng góp vào các trường tốt. Chẳng hạn như miễn giảm thuế đối với các khoản đóng góp cho giáo dục, chứ không nhất thiết phải cổ phần hoá các trường công lập.

Vũ Thành Tự Anh [1]

Những câu hỏi về vai trò nhà nước và tính công bằng

- Giá đất của trường sẽ được tính như thế nào? Với mức giá đất trên trời như hiện nay, nếu tính đúng, tính đủ thì có lẽ không có một nhà đầu tư nào có thể kham nổi.

- Nếu tính giá đất thấp hơn giá trị thị trường thì những trường tư thục mới có được hưởng những ưu đãi như những trường cổ phần hoá hay không?
Học phí có tạo cơ hội ngang nhau cho mọi ứng viên hay chỉ dành riêng cho một nhóm con em nhà giàu?

- Tình trạng tiến thoái lưỡng nan giữa một bên là nâng cao chất lượng giáo dục, một bên là tính bình đẳng trong cơ hội giáo dục là bài toán mà cổ phần hoá các trường công lập không thể là câu trả lời khả dĩ.

[1Tốt nghiệp tiến sỹ tại Trường ĐH Boston (Mỹ); hiện là Giám đốc nghiên cứu của Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright (TP.HCM) và nhà nghiên cứu của Chương trình Châu Á thuộc Trường Quản lý Nhà nước Harvard Kennedy.