"49 chưa qua, 53 đã tới"


- Dân gian vẫn có câu "49 chưa qua, 53 đã tới" với hàm ý đó là hai "tuổi hạn" nặng nhất trong đời người. Vậy "tuổi hạn" là gì? Tại sao lại có quan niệm này? Có thật sự hai tuổi 49, 53 mang hạn nặng nhất? Có cách nào để hoá giải không?

Kỳ 1: Thực hư "tuổi hạn"

Theo quan niệm dân gian, mỗi người đều trải qua những "tuổi hạn" nhất định. Nhiều người vẫn tin rằng, vào năm "hạn" sẽ gặp những chuyện không hay, thậm chí là mất mạng. Thực hư câu chuyện này như thế nào?

Quan niệm về "tuổi hạn"

Cư sĩ Lương Gia Tĩnh, viện phó Học viện Phật giáo Việt Nam cho biết, trong Kinh điển Phật giáo không bàn đến và cũng không trực tiếp phủ định vấn đề phong thủy số mệnh như "tuổi hạn". "Mọi biểu hiện giàu - nghèo, thọ - yểu, rủi - may... ở đời này đều bị chi phối bởi 2 loại nghiệp lực do chính con người tạo ra. Thứ nhất là "nghiệp bản hữu", là thứ nghiệp do kiếp trước mình tạo ra, nó như hạt giống (chủng tử), gen, nhân... tốt hay xấu mà mình nhận ở đời này. Thứ hai là "nghiệp tân huân", là thứ nghiệp do chính mình tạo ra trong cuộc sống hiện tại thông qua việc làm (thân), lời nói (khẩu), suy nghĩ (ý)".

Tuy nhiên, ông Tĩnh cũng nhấn mạnh: "Từ xa xưa, các nước phương Đông coi vấn đề phong thủy số mệnh là một môn khoa học dự báo, là sự tổng kết kinh nghiệm từ trong thực tiễn lâu dài và là nét văn hoá đặc trưng. Vì thế, khi Phật giáo du nhập vào đã chịu ảnh hưởng không nhỏ. Nhiều nhà sư tinh thông tướng số và phong thủy, vận dụng kiến thức trên chỉ như là phương tiện, là biện pháp tối ưu để cải tạo hoặc bồi đắp thêm cái "nghiệp bản hữu" và tăng trưởng "nghiệp tân huân", tạo nên nghiệp tốt cho đời sau chứ không phải là cứu cánh. Xấu tốt đều do chính mình tạo ra và chịu trách nhiệm chứ không hoàn toàn do "tuổi hạn" quyết định".

- "Quan niệm "tuổi hạn" là tri thức kinh nghiệm, chưa được khoa học chứng minh. Tuy nhiên, ngay trong Vật lí học và Triết học hiện đại cũng thừa nhận có một loại "vật chất" gọi là "vật chất tối" (Dark matter) bên cạnh vật chất thông thường. Chúng ta không nhận biết được "vật chất tối" nhưng có thể khẳng định rằng chúng có thực, vì hiệu ứng chúng đem lại là có, không phụ thuộc vào cảm giác của chúng ta. "Tuổi hạn" cũng là một phạm trù như thế". (Lương Gia Tĩnh)

Còn theo GS Nguyễn Trường Tiến, chủ tịch Hội Cơ học đất và Địa kỹ thuật công trình Việt Nam, người thường xuyên nghiên cứu và quan tâm đến vấn đề này thì: "Tuổi hạn chỉ là quan niệm dân gian, bằng kinh nghiệm cuộc sống mà người ta đúc kết nên. Có thể đúng với đại đa số người này nhưng không đúng với một bộ phận người khác. Tuy vậy, nhìn chung quan niệm đó khá phổ biến trong xã hội".

Cách tính "tuổi hạn"

Theo GS Nguyễn Trường Tiến, có ba cách tính "tuổi hạn" hay còn gọi là "năm tuổi". Thứ nhất là theo chu kỳ 12 năm/lần (tương ứng với 12 con giáp), nghĩa là người ta sinh ra ở năm nào thì đúng 12 năm sau sẽ là "năm tuổi". Chu kỳ thứ hai là 9 năm/lần (tương ứng với số phong thủy của mỗi người cao nhất là 9). Chu kỳ 3 là 10 năm/lần (tương ứng với 10 can). Ở vào những chu kỳ đó, con người chắc chắn sẽ có sự thay đổi.

Ông Trần Ngọc Kiệm, chuyên gia phong thủy lại viện dẫn một cách tính khác. Đó là cách tính Cửu diệu tinh quân. Lấy hai số hàng chục và hàng đơn vị của tuổi mụ cộng lại với nhau rồi trừ cho 9. Nếu số dư là 1 và 4 có nghĩa là "năm hạn" của mỗi người, tương ứng với các sao La Hầu, Thái Bạch (nam) và sao Kế Đô, Thái Âm (nữ).

Ngoài hai cách tính trên, theo ông Lương Gia Tĩnh, phổ biến hơn cả vẫn là cách tính hạn Kim Lâu, Hoang Ốc và Tam Tai. Dân gian có câu: "Một, ba, sáu, tám Kim Lâu; Làm nhà, cưới vợ, tậu trâu thì đừng". Ở đây có hai cách hiểu: Cứ số hàng đơn vị của tuổi (tính theo tuổi âm lịch) là số 1, 3, 6, 8 (21, 23, 26, 28, 33...) thì năm đó là năm phạm Kim Lâu; Cách khác lại cho rằng, lấy số tuổi chia cho 9, nếu số dư là một trong các số trên là phạm Kim Lâu. Hoang Ốc là tính tuổi nếu vào các cung Địa Sát, Thụ Tử, Hoang Ốc thì không nên làm nhà hoặc các việc lớn.

Còn hạn Tam Tai là những người sinh năm Dần - Ngọ - Tuất thì hạn vào các năm Thân - Dậu - Tuất, Thân - Tí - Thìn thì hạn vào các năm Dần - Mão - Thìn, Tị - Dậu - Sửu thì hạn vào các năm Hợi - Tí - Sửu, Hợi - Mão - Mùi thì hạn vào các năm Tị - Ngọ - Mùi.

Có phải vào "tuổi hạn" thì toàn xấu?

Ông Kiệm dẫn chứng, từ xưa tới nay hễ nghe đến "tuổi hạn" là nhiều người nghĩ tới những điều xấu, không may đến với mình. "Thực tế không hoàn toàn như vậy. Theo từ điển Hán Việt thì "hạn" là vùng đất nguy hiểm, ranh giới, phạm vi quy định, kỳ hạn quy định, ngưỡng cửa... Ví dụ: Đến hạn lên lương, thăng quân hàm, nhận lãi tiết kiệm... "Tuổi hạn" cũng thế. Nó đánh dấu sự kết thúc của một quá trình này nhưng có thể lại là mở đầu của một quá trình khác. Nó không có toàn tốt hoặc toàn xấu mà thường xen kẽ theo kiểu trong rủi có may", ông Kiệm khẳng định.

Trên cơ sở đó, ông cho rằng, không nhất thiết vào "năm hạn" thì người ta không được làm việc lớn. "Khi gặp hạn sao xấu (La Hầu, Thái Bạch, Kế Đô, Thái Âm) thì vẫn có thể mua đất, xây nhà, sửa chữa nhà cửa, mua xe hoặc sắm tài sản có giá trị, thuyên chuyển công tác, xây dựng gia đình, sinh con... Tuy nhiên, cũng cần phải xem có sao Long Đức, Phúc Đức, thời vận của các thành viên trong nhà và lưu ý có các hạn khác đi kèm như Kim Lâu, Tam Tai, Hoang Ốc hay không", ông nhấn mạnh.

- "Trên thực tế, do thiếu hiểu biết nên nhiều người vẫn quy kết "hạn" là xấu. Thế mới có chuyện vào "năm tuổi" dù gặp "hạn" sao Mộc Đức, Thái Dương đều rất tốt nhưng nhiều người vẫn vất vả nhờ thầy cậy thợ giải hạn, lấy hết sao tốt đi thì còn gì là phúc nữa, chưa kể gây tốn kém tiền của. Đó là điều cần tránh!". (Trần Ngọc Kiệm)

GS Nguyễn Trường Tiến cũng đồng quan điểm khi cho rằng, quan niệm về "tuổi hạn" và những tốt - xấu đi kèm thuộc về đức tin của mỗi người. Do đó, không thể ngăn cấm, xoá bỏ nó. Ông lập luận "Cái quan trọng là mỗi người cần nhận thức đầy đủ, tỉnh táo để không bị lừa gạt bởi những trò mê tín dị đoan. Khi cơ hội đến mà không nắm lấy rồi đổ cho "tuổi hạn" thì hoàn toàn sai lầm".

Hải Bình (BEE)