Anh Bửu
(Ghi theo lời kể của Bà Hoàng Thị Kim Oanh, phu nhân GS Tạ Quang Bửu)
Tôi xuất thân trong một gia đình ba đời làm giáo học, gia đình đông con, rất vất vả, phải trồng hoa để thêm thu nhập.
Tai họa đổ xuống gia đình tôi khiến tôi trở thành chị cả của năm đứa em thơ. Chị gái tôi bị xe tải của hãng Cư Dương đâm phải trong một lần đi đưa thư cho anh chị em Hướng đạo [1] ở Hà Nội. Chị mất lúc 23 tuổi, để lại bốn người con còn quá nhỏ. Anh trai tôi là sinh viên bơi chuyên nghiệp không may đã đập phải đá ngầm và mất tại sông ở Sơn Tây.
Cậu [2] tôi dạy học ở trường Hàng Than, Hà Nội. Tôi cùng mẹ lo toan mọi chuyện trong gia đình.
Năm 1942, tôi theo cậu, mợ [3] vào họp Căng [4] Bạch Mã ở Huế. Gia đình tôi được hướng đạo sinh mời vào ở tại nhà anh Tạ Quang Bửu, phố Kho Rèn, gần nhà thờ Phú Cam nghỉ qua đêm. Tối đó, cậu tôi cùng anh Bửu đi họp trù bị để chuẩn bị cho cuộc họp ở Bạch Mã. Do tò mò, tôi muốn biết xem gia cảnh của anh Bửu ra sao. Anh sống một mình, không có người giúp việc, đồ đạc cũng rất đơn giản, sách vở được xếp gọn gàng trên các giá sách. Tối hôm đó, khi tôi xuống bếp lấy nước uống cho mẹ, quay lên tôi bất ngờ gặp anh Bửu ở ngưỡng cửa. Cái cảm giác thẹn thùng lúc đó đánh dấu thứ tình cảm đặc biệt của cô gái 17, 18 tuổi như tôi dành cho anh. Sáng hôm sau, gia đình tôi lên xe đi Bạch Mã, anh Bửu có đi tiễn. Lúc xe chuyển bánh, tôi bùi ngùi chào anh, thật đáng tiếc đúng lúc đó anh lại cố tình ngước lên nhìn tờ áp phích cạnh đó để tránh nhìn cảnh xe chuyển bánh.
Trên Bạch Mã, anh chị em hướng đạo sinh đã bố trí cho gia đình tôi một chỗ ở rất tử tế. Vì là con Cụ Hoàng Đạo Thúy, lại có chút nhan sắc nên tôi được một số anh em chưa lập gia đình để ý, tôi trốn biệt không tiếp ai. Có anh em tỏ ý thân tình quý mến nhưng sợ tôi là con Cụ Thúy nên chưa dám đặt vấn đề ngay.
Đến tháng 10 âm lịch năm đó, anh Bửu đặt vấn đề xin cưới.
Trong gia đình tôi có những ý kiến khác nhau. Cậu tôi ưng anh Bửu, mợ tôi lại ưng anh Dinh. Anh Bửu nghèo, đen và xấu, anh Dinh là bác sĩ lại đẹp trai. Anh Bửu quyết triển khai sớm việc cưới hỏi. Bố anh mất khi anh còn nhỏ, bà mẹ bị lòa, lúc đó đang ở Thanh Hóa với người em của anh Bửu là Tạ Quang Đạm. Thấy con trai lớn mời mẹ ra Hà Nội hỏi vợ, bà mừng quá thu xếp ra ngay.
Ra Hà Nội, mẹ anh Bửu phải ở nhà anh Ngụy Như Kon Tum, người bạn học thân nhất của anh ở Hà Nội. Anh Bửu trong tay lúc đó chả có gì để lo cho cưới hỏi. Cậu tôi rất thương anh Bửu, động viên tôi sớm nhận lời lấy anh. Cậu tôi hơi lo vì sợ anh Bửu thuộc tổ chức không lấy vợ và anh mới ở Tây về nên không biết anh có theo đạo hay không. Bạn bè anh Bửu mừng cho anh vì anh đã 32 tuổi lấy được vợ trẻ, người Hà Nội mà lại là con gái Huynh trưởng Hoàng Đạo Thúy. Mẹ anh cũng rất mừng, bà nhắc nhở tôi phải luôn trang điểm để đẹp hơn.
Đám cưới chúng tôi tổ chức ngày 16/10/1942 tại Hà Nội. Cậu mợ tôi mời các hướng đạo sinh đến ăn một bữa thật ngon, không rượu, không thuốc lá, không đi bằng ô tô.
Khi gia đình tôi đưa anh Bửu đi chào họ hàng, làng xóm, ai cũng bảo anh trông đen mà lại không giàu. Họ thấy làm lạ vì sao tôi không lấy con ông lý trưởng hoặc con các ông lớn khác trong làng Hướng đạo.
Anh Bửu rất quý và tôn trọng anh Nguyễn Sĩ Dinh, người đã từng có một thời gian dài ngưỡng mộ và theo đuổi tôi. Anh Bửu nói anh Dinh là một con người lịch sự, một hướng đạo sinh tốt.
Mẹ anh Bửu coi anh Tôn Thất Tùng như anh em ruột thịt với anh Bửu. Cưới xong, anh Bửu đưa tôi về Huế sinh sống. Tôi ở Huế có qua lại chơi với một số gia đình: gia đình cụ Hồ Đắc Khải, gia đình anh Tôn Thất Hoàng, anh Hanh, chị Lan Huê. Ngoài ra tôi có học nấu ăn, làm bánh. Học trò, bạn bè của anh Bửu rất thích ăn cơm và bánh tôi làm.
Năm 1944 gia đình tôi rất hạnh phúc khi tôi sinh cháu gái đầu lòng Quỳnh Giao.
Rồi Nhật đảo chính Pháp. Anh Bửu thôi không làm ở nhà đèn nữa. Bọn Lãnh sự Nhật lân la sang nhà tôi nắm tình hình xem anh Bửu làm gì, ở đâu.
Trong thời gian ở Huế nhờ ở gần nhà với mấy anh em hướng đạo sinh mà tôi thấy vui hơn. Tôi biết đâu là các học trò và các hướng đạo sinh đều làm cách mạng cả. Chỉ đơn giản thấy họ tốt, hồn nhiên nên khi họ cần gì là mình giúp, họ thiếu gì là mình cho.
Một buổi sáng nghe tin Bảo Đại thoái vị trên loa truyền thanh Huế tôi liền mua một lá cờ 5 xu tiền bấy giờ, bế con theo đoàn người tuần hành, đến cửa Thượng Tứ lại quay về. Chồng đi ra Bắc, một nách ôm con nhỏ, tôi chỉ biết im lặng chờ đợi.
Sau đó ít hôm tôi nhận được điện của anh Bửu. Mừng quá tôi liên hệ xe hơi để ra Hà Nội gặp chồng và cậu mợ tôi. Các anh trong đó định bố trí tôi đi cùng Vĩnh Thụy, tôi ngại đi với Vua, sợ phiền hà. Trước đó anh Bửu đã từng dạy Bảo Đại học bơi chứ có xa lạ gì. Sau đó mẹ con tôi cùng anh Tôn Thất Thiện, vợ con anh Phan Anh, thuê một xe, 7 ngày mới ra tới Hà Nội. Đến Hà Nội, chúng tôi ở nhà anh Tôn Thất Tùng, không có đồng nào dắt túi, ngày hai bữa cháo rau dền, chỉ có bé Quỳnh Giao thỉnh thoảng được bát cơm. Lúc đó anh Bửu ở cạnh bên Bác Hồ, kháng chiến khó khăn, anh Bửu gầy và yếu hơn trước nhiều. Tôi cố dành dụm mỗi tháng 5 đồng để anh Bửu uống cà phê của xe đi rong.
Cậu tôi lên chiến khu, mẹ tôi đi sơ tán. Thời gian gia đình tôi ở phố Hàng Vôi, chúng tôi có khỏe ra chút ít. Đến khi Pháp đánh Hàng Bún, mẹ con tôi theo cậu tôi lên trường Lục Quân Sơn Tây. Hàng ngày tôi làm việc xúc gạo vào vựa cho anh em, may vá quần áo cho bộ đội. Trong thời gian ở trường Võ Bị Sơn Tây, tôi đi bán mắm muối ở Quảng Oai. Thấy vợ con quá khổ, anh không cho tôi đi bán mắm muối nữa, anh không thể yên tâm làm việc khi thấy tôi gửi con để đi bán mắm muối. Rồi một lần theo xe đến Bình Ca, xe bị cháy, mẹ con tôi phải trú dưới gầm cầu, đói rét và sợ hổ. Nghe nói vợ con gặp nạn, anh Bửu tìm đến thăm rồi về ngay đêm đó.
Năm 1947, mẹ con tôi ở nhà của cục Quân chính.
Ngày 10/7/1947 tôi làm đơn xin nhập ngũ, việc này khiến anh Bửu yên tâm hơn về 2 mẹ con. Tôi vào đơn vị quân chính do anh Phan Tử Lăng làm cục trưởng. Cuộc sống kháng chiến tuy thiếu thốn nhưng rất vui vẻ, vì lúc đó tôi là quân nhân chứ không phải chỉ vì là vợ anh Tạ Quang Bửu. Tôi được phân công làm các công tác dân vận, tăng gia trồng rau, cung cấp hoa quả, sàng sảy gạo, làm đồ ăn dự trữ cho quân đội. Tôi đi làm nhưng lúc nào cũng cõng con gái trên lưng, rất mệt nhưng thấy phấn khởi vì cuộc sống có mục đích của mình.
Năm 1949, tôi sinh thêm 1 cháu trai. Do ăn uống đói, không đủ quần áo ấm nên cháu sưng phổi nặng, may có sự giúp đỡ của đồng đội và bác sĩ nên cháu đã qua khỏi trận sưng phổi đó. Lúc đó bác sĩ Nguyễn Tăng Ấm đã tận tình chữa trị cho cháu. Cuộc sống thiếu thốn nhưng rất vui, bữa cơm toàn độn khoai sắn, có rau dưa, có măng chua nấu với con tép ở ao chuôm. Khi anh Nguyễn Chánh ở Trung ương qua thăm, thấy tình cảnh gia đình mẹ con tôi, anh về thưa với Bác Hồ, Bác cho đón 3 mẹ con tôi lên. Bác cho 3 con ngựa về chở 3 mẹ con tôi, lúc đó trong nhà chỉ có 2 ống trám đen, 2 quả bí đỏ to bằng 2 cái nón, áo quần để trong túi may bằng vải màn. Về đến Khẩu Đưa (Định Hóa, Thái Nguyên) ai cũng cười vì chúng tôi chẳng có gì mà phải 3 ngựa đi đón.
Khi anh Bửu đi họp ở Geneve, vì sợ lộ nên anh chỉ bảo là lên Trung ương và lần này sẽ đi khá lâu. Tôi đã làm một ít ruốc để anh ăn thêm. Mấy tháng sau khi anh về đến gốc thông đầu nhà thì tôi cũng nhận được tất cả thư từ anh gửi trước đó. Gia đình tôi quây quần một bữa cơm đoàn tụ tại căn nhà lá trên đồi, bữa đó có con gà tự chăn nuôi và có rất nhiều rau.
Sau đó anh Văn [5] đưa gia đình tôi về ở cạnh nhà anh ở gần Bộ Tổng, cho lính bồng súng bảo vệ Anh Bửu.
Trên chiến khu Việt Bắc tôi có thêm 2 cháu trai là Vinh và Chính, về Hà Nội tôi có thêm cháu trai là Nghĩa, cháu gái là Mai. Quang, Vinh, Chính, Nghĩa là tên Bác Hồ đặt cho bốn cháu trai của tôi.
Sau năm 1954, mẹ con tôi ở nhà anh Thanh Phong một thời gian, lúc về Hà Nội, da dẻ chúng tôi đẹp đẽ hơn nhiều. Cuối cùng chúng tôi được về ở nhà 36 Hoàng Diệu, nơi đó đã gắn liền với bao kỉ niệm của gia đình tôi.
Kỷ niệm 20 năm ngày mất của GS Tạ Quang Bửu.
Hà Nội tháng 8 năm 2006
{{Hoàng Thị Kim Oanh}}