Bà Huyện Thanh Quan (1805-1848)

Nữ sĩ tên thật là Ngô Thị Hinh (các tài liệu trước đây ghi là Nguyễn Thị Hinh), sinh năm 1805 (Ất Mùi), quê làng Nghi Tàm, huyện Từ Liêm, nay thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội, thường được gọi theo chức vụ của chồng là Bà Huyện Thanh Quan. Bà thắm duyên với Lưu Nguyên Ôn (Lưu Nghi), một nho sĩ người làng Nguyệt Áng, huyện Thanh Trì, làm Tri huyện Thanh Quan (Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) thời vua Minh Mệnh.

Bà là một học giả và nhà thơ nổi tiếng với những vần thơ điêu luyện, chuẩn mực về niêm luật và giàu nhạc điệu. Nhờ vậy mà thời kỳ theo chồng vào làm việc ở Huế, bà được vua vời vào triều làm Cung Trung giáo tập để dạy công chúa và các cung nhân. Cũng ở Huế, bà đã giao thiệp và để lại ấn tượng sâu sắc với nhiều kẻ sĩ.

Năm 1847, sau khi chồng mất, bà đưa bốn con nhỏ từ Huế về sống tại quê nội ở làng Nghi Tàm.

Bà Huyện Thanh Quan mất sớm (năm Mậu Thân 1848), hưởng dương 43 tuổi.

TÁC PHẨM

Bà sáng tác khá nhiều thơ Nôm, nhưng không may đa số bị thất lạc, chỉ còn lại mấy bài đã trở thành kinh điển như: Chiều hôm nhớ nhà, Thăng Long thành hoài cổ, Chùa Trấn Bắc, Qua đèo Ngang, Tức cảnh mùa thu.

Dưới đây xin đăng lại những bài đó:

Chùa Trấn Bắc

Trần Quốc hành cung cỏ dãi dầu
Khiến người qua đó chạnh lòng đau
Dưới hồ sen rớt hơi hương ngự
Trên vách rêu in nếp áo chầu
Sóng lớp phế hưng coi đã rộn
Chuông chùa, kim cổ lắng càng mau
Người xưa cảnh cũ còn đâu tá
Ngơ ngẩn lòng thu khách bạc đầu.

Chùa Trấn Quốc năm 1940

Tức cảnh mùa thu

Thấp thoáng non tiên lác đác mưa
Khen ai khéo vẽ cảnh tiêu sơ
Xanh um cổ thụ tròn xoe tán
Trắng xóa trường giang phẳng lặng tờ
Bầu giốc giang sơn say chấp rượu
Túi lưng phong nguyệt nặng vì thơ
Cho hay cảnh cũng ưa người nhỉ
Thấy cảnh ai mà chẳng ngẩn ngơ.

Qua đèo Ngang

Bước tới đèo Ngang bóng xế tà
Cỏ cây chen lá đá chen hoa
Lưa thưa dưới núi tiều vài chú
Lác đác ven sông chợ mấy nhà
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia
Dừng chân đứng lại trời non nước
Một mảnh tình riêng ta với ta

Thăng Long thành hoài cổ

Tạo hóa gây chi cuộc hí trường?
Đến nay thấm thoát mấy tin sương
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt
Nước còn cau mặt với tang thuơng
Ngàn năm gươm cũ soi kim cổ
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường

Chiều hôm nhớ nhà

Chiều trời bảng lảng bóng hoàng hôn
Tiếng ốc xa đưa lẫn trống đồn
Gác mái ngư ông về viễn phố
Gõ sừng mục tử lại cô thôn
Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi
Dặm liễu sương sa khách bước dồn
Kẻ chốn chương đài, người lữ thứ
Lấy ai mà kể nỗi hàn ôn.