Bàn về khái niệm MINH TRIẾT

Trích loạt bài viết bàn về khái niệm MINH TRIẾT do GS Tô Duy Hợp dành tham luận trong hội thảo về “Minh Triết – giá trị văn hóa nhân loại đang phục hưng”.

DẪN LUẬN

(01). “Khái niệm” với tư cách là đối tượng của Triết học, Logic học, Tâm lý học, Nhân học, Xã hội học, ….Trong tham luận này, khái niệm “Minh Triết” sẽ được xem xét chủ yếu dưới góc độ Logic học.

(02). Định nghĩa khái niệm là thao tác logic vạch rõ nội hàm của khái niệm; nghĩa là vạch rõ các dấu hiệu đặc trưng (thuộc tính, quan hệ) của đối tượng được phản ánh bởi khái niệm. Tuy nhiên, thao tác định nghĩa khái niệm (làm rõ nội hàm của nó) không tách rời khỏi thao tác phân chia khái niệm (làm rõ ngoại diên của khái niệm, tức là phạm vi của đối tượng được phản ánh bởi khái niệm đã cho).

(03). Một quan điểm lý thuyết về định nghĩa khái niệm: Đó là quan điểm cho rằng có 3 cấp độ của nội hàm khái niệm:

  • 1- Cấp độ thứ nhất: Định nghĩa sơ bộ, đơn giản bao gồm 2 thao tác, định danh (chiết tự) và khu biệt bằng cách loại trừ những đối tượng không thuộc phạm vi phản ánh của khái niệm đã cho;
  • 2- Cấp độ thứ hai: Định nghĩa cơ bản, bao gồm 2 thao tác, vạch rõ một số đặc trưng cơ bản hay chủ yếu của đối tượng được phản ánh và hệ thống hóa các đặc trưng đó (sắp xếp trật tự ưu tiên, phân biệt đặc trưng cơ bản nhất hay chủ yếu nhất);
  • 3- Cấp độ thứ ba: Định nghĩa đầy đủ, bao gồm 2 mức độ, mức độ ban đầu là xây dựng lý thuyết về đối tượng và mức độ tiếp theo là xây dựng hệ thống lý thuyết về đối tượng được khái niệm phản ánh.

ĐỊNH NGHĨA SƠ BỘ KHÁI NIỆM “MINH TRIẾT”

1.1. Định Danh

  • Minh là Sáng, Sáng Tỏ, Sáng Suốt, …
  • Triết là Khúc Chiết, Mạch Lạc, Rành Mạch, …
  • Minh Triết: – Theo nghĩa tổng hợp: Minh Triết là vừa sáng tỏ vừa khúc chiết, vừa sáng suốt vừa rành mạch, … – Theo nghĩa tích hợp: Minh Triết là Khôn Ngoan, Khôn Khéo, Thông Thái, Thông Tuệ, Giác Ngộ, …

1.2. Khu biệt

  • Trả lời câu hỏi: Cái gì không phải là Minh? Chẳng hạn như: Tù Mù, Mờ Mịt, Đen Tối, Hắc Ám, Huyền Ảo, Huyền Thoại, Huyền Hoặc, Hư Không, Hư Vô,…
  • Trả lời câu hỏi: Cái gì không phải là Triết? Chẳng hạn như: Hỗn Nguyên, Hỗn Độn, Hỗn Tạp, Rối Mù, Rối Tung, Rối Rắm, Rối Trí, Rời Rạc, Lộn Xộn, …
  • Trả lời câu hỏi: Cái gì không phải là Minh Triết? Chẳng hạn như: Mù Quáng, Mù Tịt, Lú Lẫn, Ngu Dốt, Ngu Muội, Ngu Si, Ngu Xuẩn, Ngu Ngốc, Ngu Đần, Đần Độn, Dại Dột, Dại Khờ, Bí Ẩn, Huyền Bí, Bí Rì Rì,…

II. ĐỊNH NGHĨA CƠ BẢN VỀ KHÁI NIỆM “MINH TRIẾT”

2.1. Đi tìm một số đặc trưng cơ bản

  • Minh Triết thuộc phạm trù “Tri Thức”: Minh Triết là năng lực hiểu biết sáng suốt (Thấu Hiểu, Thấu Suốt, Thấu Đáo, Thấu Lý); hơn thế nữa, Minh Triết còn là “Siêu Tri Thức”: Trong tháp thông tin theo nghĩa rộng, Minh Triết ở vị trí đỉnh tháp: 1- Dữ Liệu, 2- Thông Tin, 3- Tri Thức, 4- Minh Triết (Thông Thái, Thông Tuệ). Hơn thế nữa, Minh Triết là sự kết hợp hài hòa giữa Trực Quan sinh động và Tư duy trừu tượng, giữa Cảm Tính và Lý Tính, giữa Tri Thức và Hành Động (thống nhất Tri – Hành).
  • Minh Triết thuộc phạm trù “Kinh Nghiệm”: Minh Triết là nội dung tinh túy của Triết Lý; hơn thế nữa, Minh Triết còn là “Siêu Kinh Nghiệm” hay “Siêu Nghiệm”: Minh Triết là sự kết hợp hài hòa giữa Trực giác và Logic, giữa Kinh Nghiệm thông thường và Thực nghiệm khoa học, giữa Kinh Nghiệm và Lý Luận.
  • Minh Triết thuộc phạm trù “Lý Thuyết”: Triết Học là hình thái ý thức lý luận/khoa học khái quát nhất, cơ bản nhất của tư duy; theo ý nghĩa từ nguyên của nó (trong nền Văn Hóa Hy Lạp cổ đại) thì Triết Học là tình yêu Minh Triết, điều đó có nghĩa rằng Minh Triết trở thành đối tượng của Triết Học và Triết Học là Minh Triết được lý thuyết hóa/khoa học hóa; hơn thế nữa, Minh Triết còn là “Siêu Lý Thuyết”: Minh Triết không chỉ là tinh hoa của Triết Học (mà Triết học là tinh hoa của văn hóa bác học) mà còn là sự kết hợp hài giữa Lý Luận và Thực Tiễn, giữa Lý Thuyết và Thực Nghiệm khoa học.
  • Tóm lại, Minh Triết có bản tính kép: Tri Thức và Siêu Tri Thức, Kinh Nghiệm và Siêu Kinh Nghiệm, Lý Thuyết và Siêu Lý Thuyết. Từ “Siêu” ở đây có hàm ý là: 1- ở “Sau”, 2- ở “Trên”, 3- ở “Ngoài”, 4- “Vượt qua”, 5- “Bao hàm”, 6- “Vượt – Gộp”, …

2.2. Hệ thống hóa các đặc trưng cơ bản

  • Sắp xếp trật tự từ đơn giản đến phức tạp: 1- Tri Thức và Siêu Tri Thức, 2- Kinh Nghiệm và Siêu Kinh Nghiệm. 3- Lý Thuyết và Siêu Lý Thuyết. Có thể hình dung đây là hệ thống cấu trúc 3 “vòng tròn” đồng tâm: vòng trong cùng là Lý Thuyết/Siêu Lý Thuyết, vòng giữa là Kinh Nghiệm/Siêu Kinh Nghiệm, vòng ngoài cùng là Tri Thức/Siêu Tri Thức.
  • Đặc trưng cơ bản (hay chủ yếu) nhất của Minh Triết là gì? Giả Thuyết của tôi: Minh Triết là sự kết hợp hài hòa giữa Tri Thức và Siêu Tri thức, giữa Kinh Nghiệm và Siêu Kinh Nghiệm, giữa Lý Thuyết và Siêu Lý Thuyết cũng như giữa 3 cấp độ nhận thức/hành động nói trên.

III. ĐỊNH NGHĨA ĐẦY ĐỦ VỀ KHÁI NIỆM “MINH TRIẾT”

3.1. Câu hỏi 1: Đã có Lý Thuyết về “Minh Triết” hay chưa?

  • Nếu Triết Học là tình yêu Minh Triết, mà Triết Học là một loại hình tư duy lý thuyết, thì có thể nói rằng có Triết Học có nghĩa là có Lý Thuyết về Minh Triết. Và do cho đến nay đã có nhiều Triết Thuyết khác nhau, cho nên suy ra cũng có nhiều Lý Thuyết khác nhau về Minh Triết. Các khuynh hướng lớn trong lịch sử triết học, như Chủ Nghĩa Duy Vật, Chủ Nghĩa Duy Tâm, Chủ Nghĩa Khả Tri, Chủ Nghĩa Bất Khả Tri, Chủ Nghĩa Duy Cảm, Chủ Nghĩa Duy Lý, Chủ Thuyết Biện Chứng, Chủ Thuyết Siêu Hình,…đều là Triết Thuyết về Minh Triết[1].

3.2. Câu hỏi 2: Lý Thuyết nào trung thành với Minh Triết?

  • Các Triết Thuyết duy/vị cực đoan như Chủ Nghĩa Duy Vật máy móc hay Chủ Nghĩa Duy Tâm siêu hình…, thực chất là đi theo hướng tiếp cận đơn giản, quy giản, chia tách đối tượng chỉ phản ánh gần đúng đối tượng trong chừng mực có hạt nhân hợp lý; song kết quả đã xuyên tạc bản chất toàn vẹn của Minh Triết. Các Triết Thuyết biện chứng, thực chất đi theo hướng tiếp cận hệ thống, phức hợp, tiến hóa biện chứng vừa khắc phục hạn chế của các cách tiếp cận đơn giản, quy giản, chia tách đối tượng; vừa phản ánh gần đúng hơn bản chất toàn vẹn của Minh Triết. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế nhất định. Chẳng hạn như Chủ Nghĩa Duy Tâm biện chứng hay Chủ Nghĩa Duy Vật biện chứng tuy đã giảm trừ được hạn chế của quan điểm duy/vị, cực đoan song vẫn chưa giải phóng hoàn toàn khỏi duy/vị, quy giản, chia tách. Nghĩa là vẫn chưa với tới được bản chất toàn vẹn của Minh Triết.
  • Các lý thuyết khoa học cụ thể cũng có tình trạng tương tự như trong Triết Học. Đã có rất nhiều lý thuyết khoa học cụ thể đi theo tiếp cận đơn giản, quy giản, chia tách đối tượng, đóng góp vào việc xuyên tạc bản chất toàn vẹn của Minh Triết. Tuy nhiên, nhiều lý thuyết khoa học hiện đại, phi cổ điển hoặc hậu hiện đại đã chuyển đổi sang tiếp cận hệ thống, phức hợp, liên ngành, xuyên ngành, lai ngành để phản ánh gần đúng hơn bản chất toàn vẹn, biến hóa biện chứng của Minh Triết.

3.3. Câu hỏi 3: Liệu có thể xây dựng được một Lý thuyết trung thành nhất với Minh Triết hay không?

  • Tiếp cận phức hợp kiểu mới của Edgar Morin[2]: Chuẩn Thức Phức Hợp kiểu mới với 3 nguyên lý: 1- Nguyên Lý đối/hợp logic, 2- Nguyên Lý hồi quy tổ chức, 3- Nguyên Lý toàn ảnh. Chuẩn Thức Phức Hợp kiểu mới của Edgar Morin phản ánh khá trung thành bản chất toàn vẹn của Minh Triết. Tuy nhiên vẫn còn thiên vị tính phức hợp và chưa rõ kỹ thuật toàn đồ biện chứng đối tượng.
  • Tiếp cận khinh – trọng của Tô Duy Hợp[3]: Nguyên tắc khinh – trọng (phân biệt hoặc/và không phân biệt, điều chỉnh hoặc/và không điều chỉnh, thay đổi hoặc/và không thay đổi khinh – trọng) và hệ thống chuẩn thức khinh – trọng (bao gồm các loại chuẩn thức: 1- phân biệt khinh – trọng thái quá: CT1 và CT2 đối cực với nhau; 2- phân biệt khinh – trọng có mức độ: CT3 và CT4 đối trọng với nhau; 3- không phân biệt khinh – trọng với các mức độ cao – trung bình – thấp: CT5, CT6, CT7, CT8; 4- không có vấn đề phân biệt khinh – trọng: CT9; 5- điều chỉnh hoặc thay đổi khinh – trọng giữa các chuẩn thức nêu trên; quá trình thay đổi có thể liên tục hoặc gián đoạn, đơn tuyến hoặc đa tuyến, tuyến tính hoặc phi tuyến tính), tổng – tích hợp hạt nhân hợp lý của tất cả các quan điểm, kể cả quan điểm tư duy phức hợp kiểu mới của Edgar Morin.

KẾT LUẬN

(1)- Với cách hiểu về khái niệm “Minh Triết” nêu trên, tôi thấy có ít nhất 5 phương thức xây dựng và biến đổi Minh Triết trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng: 1- phương thức Sáng Tạo, 2- phương thức Xóa Bỏ – Thay Thế; 3- phương thức Kế Thừa – Cải Tiến, 4- phương thức Khôi Phục – Cách Tân, 5- phương thức đổi ngôi Khinh – Trọng. Như vậy, nhận định “Minh Triết – giá trị văn hóa nhân loại đang phục hưng” chỉ hợp lý trong phương thức thứ 4 chứ không có ý nghĩa cơ bản, toàn diện.

(2)- Ở nước ta, đã hơn 20 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của ĐCS Việt Nam – Đảng cầm quyền Nhà nước Việt Nam đương đại theo hướng đổi mới hệ tư tưởng Mác–Lê, điều chỉnh mô hình CNXH, đẩy mạnh ĐTH, CNH, HĐH và hội nhập quốc tế song về thực chất đất nước vẫn chưa thoát ra khỏi tình trạng xuyên tạc bản chất toàn vẹn, biến hóa biện chứng của Minh Triết. Bởi vì tư duy lý luận chính thức, chính thống vẫn tiếp tục tình trạng đeo bám Chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử; còn tư duy thông thường hàng ngày thì vẫn chưa ra khỏi tình trạng xung đột giá trị hiện tại và rối loạn định hướng giá trị tương lai….

(3)- Do đó, vấn đề không đơn giản chỉ là ở chỗ phục hưng Minh Triết mà quan trọng hơn là ở chỗ cần xây dựng một nền Minh Triết kiểu mới phù hợp với yêu cầu của Thời Đại mới (Thời đại toàn cầu hóa, chuyển đổi từ thế đối đầu, đối kháng sang đối trọng, đối thoại và hợp tác; thực hành kinh tế & xã hội tri thức và chuyển đổi dần sang kinh tế & xã hội minh triết) và bối cảnh đổi mới của Đất Nước (thực hiện chuyển đổi kép: từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường và từ xã hội truyền thống nông nghiệp – nông thôn nghèo nàn, lạc hậu sang xã hội công nghiệp – đô thị hiện đại giàu sang, tiên tiến; từ truyền thống đến hiện đại và từ hiện đại hóa kiểu cũ (cổ điển) sang hiện đại hóa kiểu mới (phi cổ điển, hòa nhịp với thời đại chuyển đổi dần sang kinh tế – xã hội minh triết)).

GS Tô Duy Hợp
Hội Xã hội học Việt Nam


[1] Cách phân biệt của F. Jullien trong sách: “Minh Triết phương Đông và Triết Học phương Tây” (Nxb Đà Nẵng, 2001) là không thực chất; bởi vì cái mà ông gọi là Minh Triết phương Đông thực chất là Triết Học phương Đông. Do vậy, ở đây thực chất là so sánh đặc điểm giữa Minh Triết phương Đông và Minh Triết phương Tây hay là giữa Triết Học phương Tây và Triết Học phương Đông.
[2] Xem, chẳng hạn, Edgar Morin, 2009. Nhập môn tư duy phức hợp. Nxb Tri thức. Hà nội.
[3] Xem, chẳng hạn, Tô Duy Hợp, 2007. Khinh – Trọng, một quan điểm lý thuyết trong nghiên cứu triết học và xã hội học. Nxb Thế giới. Hà nội.