Bánh trung thu ế

Vào giữa trưa nắng chói chang, bà Nguyễn Thị Hạnh - chủ một quầy ki-ốt bánh trung thu trên vỉa hè tại một đường phố đông đúc ở Hà Nội - đứng thẫn thờ khi vẫn chưa bán được một chiếc bánh trung thu nào. Nỗi lo hàng ế ẩm, đồng nghĩa với khoản tiền thưởng của công ty sẽ “bốc hơi” theo đang tràn ngập trên khuôn mặt người phụ nữ đã ngoài 50 tuổi.

“Doanh số bán hàng năm nay chỉ bằng một nửa của năm ngoái. Thực sự tôi đã hết cách để đáp ứng chỉ tiêu doanh số của công ty áp xuống”, bà Hạnh buồn rầu nói.

Không chỉ riêng bà Hạnh u sầu vì bánh trung thu ế ẩm mà rất nhiều nhân viên đứng quầy khác cũng đang mong mỏi chào mời được khách ghé thăm. Trong một nỗ lực nhằm níu chân khách hàng, nhiều cửa hàng bánh kẹo, siêu thị đã treo biển khuyến mại, mua 2 bánh trung thu chiết khấu 1%, mua 20 bánh trở lên chiết khấu 5%, hay lời rao “Bánh Trung thu chiết khấu cực lớn” rải đầy trên mạng internet. Tuy nhiên, những chiêu thức này vẫn khó lòng kéo người đến mua nhiều hơn.

Theo Bloomberg, thái độ lạnh nhạt của người tiêu dùng Việt Nam ngay tại một trong những thời kỳ mua sắm bận rộn nhất trong năm chính là một bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy mức độ suy thoái của kinh tế Việt Nam đang ngày càng trầm trọng hơn.

Thực tế, thị trường bán lẻ Việt Nam đã bắt đầu có dấu hiệu chững lại từ năm 2004 đến nay, khi người dân áp dụng chính sách “thắt lưng buộc bụng”, cắt giảm tối đa việc mua sắm từ những đồ xa xỉ như xe hơi, tivi công nghệ cao đến những thực phẩm thiết yếu như thực phẩm, khiến các doanh nghiệp phải gồng mình chống đỡ gánh nặng nợ xấu.

Chị Lê Thị Hào - một công nhân thất nghiệp đang phải bán trái cây rong - cho biết: “Mọi người đang cố gắng cắt giảm bất cứ thứ gì có thể, gia đình tôi chỉ có thể đủ khả năng ăn thịt 10 ngày một lần”. Chị Trần Thị Hồng Mai - một kế toán viên có mức lương bị cắt giảm 40% vào cuối năm ngoái - đã buộc phải điều chỉnh thói quen xa xỉ trước đây như: thay vì đi ăn ngoài thì mang cơm hộp đi làm, thay vì mua các nhãn hiệu thời trang nước ngoài đắt tiền trước đây thì nay chỉ có thể bằng lòng với những gian hàng nhỏ lẻ ở địa phương. Trung thu năm nay, chị Mai cũng buộc phải mua bánh trung thu tại một ki-ốt đường phố - nơi rất dễ bị các thức bánh trái không rõ nguồn gốc xuất xứ thâm nhập dưới những bao bì bóng loáng. Chị chia sẻ: "Lúc này tôi chỉ có thể tập trung chi tiêu vào các mặt hàng thiết yếu như sữa và sách dành cho con cái”.

Nhận định về tình cảnh này, TS Alan Phan cho rằng: “Nếu người dân không chịu mở hầu bao, các doanh nghiệp sẽ không thể giải quyết được lượng hàng hóa đang chất đống trong kho. Khi đó, các khoản nợ xấu của ngân hàng cũng ngày càng tăng cao. Rõ ràng, sự sụt giảm của doanh số bán lẻ đang trở thành một nguy cơ lớn đối với nền kinh tế. Tăng trưởng GDP khó có thể đạt được theo mục tiêu đề ra của chính phủ trước tình trạng èo uột của thị trường hàng hóa bán lẻ”.

Số liệu thống kê của Bộ Tài chính cho thấy tăng trưởng kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2013 chỉ đạt 4,9%, thấp hơn mức tăng 4,93% của cùng kỳ năm 2012. Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF cho rằng năm nay sẽ là năm thứ 3 liên tiếp kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng dưới 6%. Trong đó, theo ước tính của TS.Alan Phan, doanh số bán lẻ sẽ chiếm khoảng 60% GDP.

Kể từ đầu năm 2012, Ngân hàng Trung ương đã 8 lần điều chỉnh lãi suất để hỗ trợ các doanh nghiệp vay vốn, đồng thời thành lập một công ty quản lý tài sản (VAMC) để giải quyết nợ xấu của ngân hàng. Tuy nhiên, số lượng các doanh nghiệp được tiếp cận với nguồn vốn vay của ngân hàng vẫn còn rất hạn chế. Trong vòng 8 tháng qua, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 6,5%, thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 12%.

Trong khi các doanh nghiệp đang gặp khó ở đầu vào - nguồn vốn - thì người tiêu dùng lại đang thắt chặt hầu bao trước tình trạng lạm phát tăng cao.Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng chi tiêu tiêu dùng cá nhân trong năm 2012 chỉ đạt 3,5%, giảm 1,2% so với mức 4,7% của năm 2011. Con số này thấp hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng chi tiêu tiêu dùng tại Malaysia và Indonesia với mức tăng lần lượt là 7,7% và 5,3% trong năm 2012. Kết quả khảo sát trên 500 hộ gia đình của công ty nghiên cứu thị trường TNS thực hiện vào cuối năm 2012 cũng cho thấy người tiêu dùng Việt Nam đang dần cắt giảm việc chi tiêu cho các đồ dùng thiết yếu như thực phẩm và giấy vệ sinh. Ngoài ra, 79% người tiêu dùng tham gia khảo sát cho biết sẽ chi tiêu ít hơn cho các sản phẩm chăm sóc gia đình trong năm 2013, trong khi 25% cho biết sẽ cắt giảm chi tiêu cho các sản phẩm tiện ích hoặc chuyển sang các sản phẩm giá rẻ hơn.

Thực ra, với những thông tin mô tả lại cách thức làm bánh chỉ nghe không đã thấy sợ, hay thỉnh thoảng lại kháo nhau mới bắt được mấy chiếc bánh trung thu bẩn đi cùng với không khí trung thu ngày càng nhạt nhòa, ngày trung thu trẻ con vẫn phải học, phụ huynh vẫn phải làm, cũng không còn nhiều người có bụng ăn như trước. Song nếu nhìn vào mật độ dày đặc của thực phẩm bẩn xuất hiện trên truyền thông Việt Nam, thì ăn bẩn cũng đã… quen bụng. Mỗi năm trung thu chỉ có một lần, diễn ra chỉ trong một ngày, nên trong suy nghĩ của đa số người tiêu dùng vẫn phải có cái bánh trông trăng cho có không khí. Thế nhưng, giá bánh “chính thống” thì quá đắt, bánh “truyền thống” thì chen lấn xô đẩy, lấy xong cái bánh cũng đã nhạt vị, lại sống giữa cái cảnh kinh tế hôm nay chưa biết ngày mai sẽ lệch dự báo bao nhiêu, cố nhiên người tiêu dùng cũng phải tính đến hầu bao của mình. Ai cũng biết, cũng được nghe, được khuyến cáo không nên mua những chiếc bánh không rõ nguồn gốc, nhưng năm nào những chiếc bánh “4 không” đó vẫn xuất hiện, đủ để thấy cầu thị trường không thiếu và nhà sản xuất vẫn thu được lợi nhuận.

Trung thu nay buồn hơn, khi chén trà đã nhạt vị, ngay cả cái bánh cũng phải nặng gánh nỗi lo kinh tế…

Vân Du, TNN (theo Bloomberg)