Bảo Đại thoái vị

Năm 1945, ai đã từng sống ở Thừa Thiên - Huế những ngày sôi sục của Cách mạng Tháng 8, chắc không thể nào quên được ngày 30/8, ngày thu lịch sử, ngày lễ tiếp nhận sự thoái vị của Bảo Đại.

Mới 7h sáng mà cả bãi đất rộng sau cột cờ thành nội đã chật cứng người với cả một rừng cờ đỏ sao vàng và biểu ngữ. Các đoàn người tấp nập đổ về từ các huyện Hương Trà, Hương Thuỷ, Phú Vang, Phú Lộc, Phong Điền, Quảng Điền và thị xã Huế. Từ cụ già cho đến các em bé thiếu niên ai cũng cơm đùm, cơm gói, tay xách nách mang, hân hoan trong bộ quần áo đẹp nhất của mình, cờ đỏ sao vàng trên tay đứng chờ giờ phút lịch sử - nhà vua thoái vị.
Lúc đó, Khởi nghĩa Tháng 8 đã thắng lợi trong phạm vi cả nước. Theo sự chuẩn bị của Ban tổ chức buổi lễ sẽ được tiến hành vào buổi chiều, nhưng do quá náo nức nhân dân đua nhau về đây từ sáng sớm. Tới hơn 4h chiều, phái đoàn thay mặt Chính phủ lâm thời mới ra mắt đồng bào Huế trên lầu Ngũ Phụng. Đoàn gồm các anh Trần Huy Liệu, Nguyễn Lương Bằng, Cù Huy Cận.
Bảo Đại từ trong điện Kiến Trung ra, đi theo có ông Phạm Khắc Hoè, Đồng lý Văn phòng của nhà vua, và Hoàng Tùng Đệ Vĩnh Cẩn (người hoàng thân bình nhật Bảo Đại đi đâu đều được đi theo cùng).
Chiều hôm ấy nắng đẹp, nền trời trong xanh. Ở giữa lầu Ngọ Môn đặt một chiếc micrô. Phái đoàn thay mặt Chính phủ Lâm thời đứng sang một bên, Bảo Đại và ông Phạm Khắc Hoè cùng hoàng thân Vĩnh Cẩn đứng một bên. Phía đằng sau, hai bên tả hữu có mấy vị quan trong triều chít khăn đóng đen, mặc áo dài đen, tay chắp trước bụng, đầu cúi nghiêng về phía trước, vẻ mặt buồn rầu. Bảo vệ xung quanh trên tầng lầu là đoàn chiến sĩ thanh niên tiền tuyến. Bảo Đại mặc áo đại triều - áo bào và khăn chít thêu rồng, chân đi giầy cườm. Trông ngài hôm đó khác hẳn với những ngày còn mồ ma thực dân Pháp, trước đảo chính Nhật, thường ngồi trên xe song mã bên cạnh viên đại uý sĩ quan tuỳ tùng.
Đúng 4h chiều, buổi lễ bắt đầu, Bảo Đại xin phép Đoàn ta cho nhìn thấy lần cuối cùng lá cờ vàng của triều Nguyễn. Ta chấp nhận. Rồi ông bắt đầu đọc chiếu thoái vị trước micrô. Cầm tờ tuyên cáo, tay ông run run, giọng đọc ngập ngừng từng đoạn.
Bảo Đại đọc xong, không hề có một tiếng vỗ tay, mặc dù có mấy vạn đồng bào đứng đông nghịt trên khoảng đất trải dài trước cửa Ngọ Môn. Bảo Đại lần lượt bưng hai tay, trao ấn kiếm của hoàng triều cho phái đoàn chính phủ lâm thời. Anh Trần Huy Liệu bưng chiếc quốc ấn bằng vàng, sao mà nặng thế? Chiếc quốc ấn nặng 8kg, được đúc từ thời Minh Mạng. Rồi nhà vua trao thanh quốc kiếm, cũng đưa cho anh Trần Huy Liệu, anh Liệu lại đưa cho anh Cù Huy Cận. Thanh quốc kiếm đựng trong một chiếc bao dát vàng nạm ngọc rất đẹp. Anh Cận rút ra xem rồi nói to với đồng bào dự mít tinh: "Thưa đồng bào, kiếm của nhà vua đã bị hoen gỉ".
Tiếp đó, anh Trần Huy Liệu, trưởng phái đoàn đọc lời tuyên bố của Chính phủ lâm thời. Nội dung bản tuyên bố ngắn gọn nhưng hùng hồn. Lời anh vừa dứt, một loạt súng thần công ở phía hai bên cột cờ vang lên, khói bay nghi ngút đầu miệng súng. Lá cờ vàng tượng trưng cho vương triều nhà Nguyễn được hạ xuống rất nhanh, nói cho dân chúng biết chế độ phong kiến hàng ngàn năm sụp đổ tan tành. Lá cờ đỏ sao vàng to, rộng từ từ kéo lên, phần phật tung bay trong gió lộng, trong tiếng vỗ tay và hoan hô của gần 6 vạn đồng bào: "Việt Nam độc lập muôn năm", "Chính phủ lâm thời muôn năm".
Nhìn Bảo Đại lúc đó có vẻ buồn buồn, lúng túng, đứng trầm tư một lúc rồi mới nói với đoàn: "Bây giờ tôi đã trở thành công dân của nước Việt Nam độc lập, xin phái đoàn cho tôi một vật gì đó làm kỷ niệm". Sau một phút hội ý, anh Cù Huy Cận gỡ trên áo chiếc phù hiệu cờ đỏ sao vàng do phụ nữ Huế thêu và uỷ ban nhân dân Cách mạng Thừa Thiên - Huế mới tặng anh, đem gắn cho Bảo Đại, rồi anh nói to với nhân dân dự mít tinh: "Đề nghị đồng bào hoan hô công dân Vĩnh Thuỵ của nước Việt Nam độc lập". Đồng bào đồng thanh đáp: "Hoan hô".
Buổi lễ kết thúc. Đoàn người rầm rập toả về các ngả trong niềm hân hoan rạo rực trước trang sử mới của đất nước.
Nguyễn Đình Khang, Thư viện Quốc gia (BEE)