Báo điện tử của bạn đang ở đâu?

Hiện nay số lượng phát hành báo in đang rớt thê thảm (dù số lượng in đang được các báo giữ kín để lấy quảng cáo), nhiều toà soạn đã có cuộc “dịch chuyển” sang loại hình báo điện tử để níu kéo độc giả của mình. Câu hỏi đặt ra là, báo điện tử của bạn đang ở đâu và toà soạn của bạn muốn lọt vào Top nào trong làng báo điện tử Việt Nam thời gian tới?

Độc giả thì vẫn vào mạng mỗi ngày, ngoài thói quen truy nhập những trang “hot”, quen thuộc để tìm kiếm những thông tin cần thiết hoặc thoả mãn nhu cầu giải trí (xem phim, nghe nhac, chơi game, mạng xã hội…) thì họ muốn xem Top 10 báo điện tử hiện nay của Việt Nam là những “đại gia” nào? Trong khi Blog (web-log: nhật kí điện tử cá nhân) đang trở thành mốt, thu hút một lượng lớn người đọc, nên chăng từ 2011, Việt Nam cũng nên xếp hạng báo điện tử, coi đây là một chỉ số ICT cần được công bố hàng năm (!?)

Trước đây đã có lúc người ta lấy tiêu chuẩn xếp hạng của www.Alexa.com là tiêu chí đánh giá, có lúc người ta lấy www.baomoi.com làm mực thước để đo. Nhưng nhìn chung, mỗi báo điện tử đều có ban quản trị của mình và cũng nắm rất rõ số lượng người truy nhập mỗi ngày. Vậy lượng truy nhập muốn được coi là “lớn” và phổ biến phải có lượng khách truy cập nhất định là bao nhiêu mỗi tháng?

Đi tìm các tiêu chí đánh giá trên internet, phóng viên E-finance tham khảo một đánh giá của Pingdom - hãng chuyên cung cấp dịch vụ theo dõi và giám sát sự hoạt động của các website, máy chủ cho các tổ chức, doanh nghiệp trên khắp thế giới, tác giả của công bố báo cáo “Hiện trạng Internet toàn cầu” hàng năm – rất đáng để độc giả tham khảo. Theo Pingdom, năm 2010 Việt Nam đã lọt vào Top 20 nước đông người dùng internet nhất thế giới; Top 7 ở châu Á – Thái Bình Dương; chiếm tỷ lệ 35% tổng số người dùng Internet toàn cầu. Các quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc, Brazil, Việt Nam, Philippines và Nga là những “vùng đất màu mỡ” cho Internet phát triển…

Quay trở lại tiêu chí đánh giá website, Pingdom cho biết: một website muốn được coi là “lớn” và phổ biến đều phải có một lượng khách truy cập từ 1 triệu lượt trở lên mỗi tháng. Nếu muốn vươn ra toàn cầu, website của bạn cần phải đạt được số lượt người truy nhập cụ thể như sau: Để có thể lọt vào top 1.000 website lớn nhất thế giới, một trang web nào đó cần phải có ít nhất 4,1 triệu khách truy cập mỗi tháng. Để lọt vào top 500, website đó cần ít nhất 7,4 triệu visitor/tháng. Để lọt vào top 100, website đó cần ít nhất 22 triệu khách truy cập. Để vào được top 50 website hàng đầu thế giới, một trang web cần tối thiểu…41 triệu visitor. Để lọt vào top 10, con số visitor sẽ là 230 triệu/tháng.

Tuy vậy, các chuyên gia về web cũng cho biết, những con số so sánh này nhiều khi chỉ mang tính tương đối bởi thế giới web luôn xuất hiện sự “chồng lấn” (overlap) giữa các website vì mỗi visitor thường có xu hướng truy cập vào nhiều website trong mỗi phiên lướt web. Hơn nữa, con số 540 triệu lượt người truy nhập mỗi tháng của Google sẽ khó có báo điện tử nào theo kịp. Vì vậy, xác định mục tiêu để phấn đấu tức là bạn đã bước đầu nhận định được vị trí của mình…

Trở lại báo chí trong nước, theo thống kê của Bộ Thông tin & Truyền thông, tính đến tháng 12/2010: cả nước có 706 cơ quan báo in (trong đó có 76 báo TƯ, 102 báo địa phương, 528 tạp chí), 21 báo điện tử, 160 trang tin điện tử của các cơ quan báo in; 76 đài phát thanh, truyền hình với hơn 17.000 người được cấp thẻ nhà báo. Theo đánh giá chung của giới truyền thông, với đất nước đứng Top 20 truy nhập internet thì số lượng báo chí điện tử (21 báo điện tử đăng ký với Bộ Thông tin & Truyền thông, không tính các trang điện tử hoặc website tự phong là báo điện tử - PV) hiện quá ít.

Xu hướng báo in đang “chồng lấn” hoặc “lai” với báo điện tử đang là xu hướng có thật. Về báo in, theo một nhà báo kì cựu (xin giấu tên) cho biết: Nếu báo nào in và bán được khoảng 5.000 tờ/ngày đã thuộc vào Top 5 trong làng báo rồi. Nhiều báo khi in thì nhiều, nhưng thu lại báo ký gửi để cân ký bán giấy vụn. Lí do không bán được mà vẫn in là để lấy số lượng quảng cáo, mặc dù hiện tượng này đã giảm bớt khi năm 2010 giá giấy và giá in tăng cao, tuy nhiên số tờ báo sử dụng “chiêu” này không phải là ít.

Chính vì xu hướng đọc báo điện tử đang thay thế báo in, nên hầu hết các báo in lớn của Việt Nam hiện nay đều thành lập trang điện tử. Tuy mỗi toà soạn lại có cơ chế quản lý khác nhau: có đơn vị tách hẳn bộ phận báo điện tử với báo in, có đơn vị gộp chung…Hoặc cơ chế kiểm duyệt/đẩy bài viết; quản lý phóng viên… cũng hết sức khác nhau. Có toà báo chỉ có 1 phóng viên đại diện duy nhất bám mảng theo dõi thông tin, nhưng cũng có toà soạn đến chục phóng viên, mỗi phóng viên viết cho mục mình được phân công.

Nghĩa là đã có sự chồng chéo phóng viên báo in, báo giấy và đôi khi cả nhân viên quảng cáo cùng xuất hiện tại một sự kiện. Chính vì vậy, các chuyên gia đã từng cảnh báo, đã đến lúc cơ quan quản lý cần sắp sếp lại báo chí; các toà soạn cần sắp xếp quản lý phóng viên trước khi nghĩ tới mục tiêu xây dựng thương hiệu hoặc tự nhận mình là …báo điện tử, đứng trong “Top nọ, top kia”.

Ngoài ra, khi nói về vấn đề xếp hạng, nếu chiếu theo tiêu chí đánh giá báo điện tử của Pingdom tại Việt Nam thì không ổn bởi 2 lí do: Một là, chưa có đơn vị nào thống kê số lượng người truy nhập các báo điện tử Việt Nam để xếp hạng. Hai là, nếu so với các tiêu chí mà Pingdom đưa ra, báo điện tử Việt Nam chắc sẽ còn phải phấn đấu dài dài. Mặc dù các báo điện tử của Việt Nam hằng năm vẫn tự xếp hạng mình thuộc Top 2.000, Top 1.000 của thế giới; tuy nhiên số liệu kiểm chứng thì vẫn chưa có cơ quan nào đứng ra xác nhận.

Chưa nói đến tiềm lực (hạ tầng công nghệ, nhân lực có trình độ cao, tiềm lực tài chính…) hoặc các vấn đề về an ninh bảo mật, quản trị hệ thống. Thiết nghĩ, nhân dịp năm hết Tết đến, E-finance đưa ra vấn đề để chúng ta cùng “phiếm đàm” cho vui chứ cũng không dám “vơ đũa cả nắm” hay nói đến báo nào. Tuy nhiên, thực tại báo điện tử Việt Nam đang ở đâu, định hướng phát triển ra sao trong 5-10 năm tới và tầm nhìn để lọt vào Top 200 báo điện tử hàng đầu thế giới cũng là nhiệm vụ và mục tiêu các báo nên nghĩ tới…

Nguồn: Blog Ngân Khánh