"Bệnh sĩ"

Hình tượng biểu đạt hơn cả cho căn bệnh này chính là hình ảnh chiếc xe @ Tàu chễm chệ trên thửa ruộng còn chủ nhân đang gò lưng chạy sau đít con trâu.

Trong khi giá xăng dầu leo thang, thế giới còn phải tiết kiệm, nông dân ta thi nhau chạy đua vũ trang mua xe, mua ti vi màn hình phẳng, mua máy giặt các loại.

Mua xe chỉ để chạy rông giữa đường, mua ti vi để xem cho sướng cái mắt, cho hơn cái tivi thằng Tèo xóm Đoài.

Trong khi đó, thời gian nông nhàn rông dài, không chịu đi làm, không chịu bỏ thì giờ rỗi đi học nghề, nghĩ đến chuyện làm giàu.

Miệng thì nói bệnh sĩ chết trước bệnh tim nhưng mắt thì lim dim cưỡi @ Tàu đi thăm ruộng.

Triết lý chết vinh còn hơn sống nhục nghe chừng không hợp với tôi. Đâu cũng thế, sự sống của con người là quan trọng nhất.

Của mình đã quan trọng, của con mình, bố mẹ mình, vợ yêu của mình, càng quan trọng hơn.

Vinh quang đi kèm với sự sống thì hay hơn nhiều. Chứ chết đi còn biết gì nữa. Coi thường mạng sống của mình nên tai nạn giao thông nhiều cũng vì lẽ ấy.

Bệnh sĩ khác rất nhiều với câu chuyện biết giữ sĩ diện, có lòng tự trọng. Bệnh sĩ là một dạng ảo tưởng về quyền lực, về vị trí xã hội.

Điều này phản ánh nhận thức không đầy đủ về thực tế xã hội, niềm tin văn hoá đang bao quanh. Cốt lõi là niềm tin đặt không đúng chỗ, thước đo văn hoá sai lệch.

Tự trọng nghĩa là hiểu mình đang đứng nơi đâu trên cõi đời này, tiếng nói của mình có trọng lượng hay là không, do đó có nên nói hay là không.

Tôi từng chứng kiến nhiều người rất thích răn dạy con cháu trong khi mình lại là một người không xứng đáng nói những điều ấy. Niềm tự trọng được xác lập khi ta hiểu rõ mình là ai và hành xử có văn hoá với vị tri đó.

Tôi từng sống trong gia đình có đạo và thấy họ sống chân thành. Phải chăng khi niềm tin văn hoá được xác lập, con người ta sống thật với chính mình hơn?

Hàn Sĩ Huy (theo ThoibaoViet)