Bí ẩn về những người vô cảm

Lý trí đã từ lâu được xem là thành tựu cao nhất của con người, ngược lại tình cảm lại bị coi rẻ như là ngu ngốc và không tin cậy được. Nhưng mới đây, các nhà nghiên cứu não nhận ra rằng xúc cảm cũng có trí tuệ riêng của nó - và có tầm quan trọng sống còn.

Elliot Smith từng là một doanh nhân thành đạt, nhưng một ngày nào đó cuộc sống của ông thay đổi hoàn toàn. Nó bắt đầu với những cơn nhức đầu và khó khăn trong tập trung tư tưởng, ngày càng trầm trọng thêm. Bác sĩ phát hiện trong đầu ông, ngay sau trán, có một khối u ung thư. Các nhà giải phẫu cắt đi khối u cũng như một phần của thùy trán, phần phía trước của vỏ não.

Ban đầu, lần giải phẫu này dường như đã thành công. Thế nhưng chẳng bao lâu sau đó người ta nhận thấy rằng Smith không còn như xưa nữa. Điều đó bắt đầu ngay từ buổi sáng: Ông chẳng buồn bước xuống giường, người ta phải hối thúc ông. Định thu dọn bàn làm việc, ông có thể trầm tư suy nghĩ hằng giờ rằng nên phân loại giấy tờ theo nguyên tắc nào. Ông bị cho thôi việc. Hôn nhân đổ vỡ. Cuối cùng ông lẫn lộn bất lực trong cuộc sống và phải được anh chị em chăm sóc.

Nhà thần kinh học Antonio R. Damasio biết đến người bệnh vào thời gian đó. Ông Elliot Smith không hề có bất cứ vấn đề nào về trí nhớ, vị bác sĩ khẳng định, và trí thông minh của ông cũng trên mức trung bình. Chỉ sau nhiều lần nói chuyện và khám nghiệm nhà thần kinh học mới biết rằng ông Smith không phải thiếu trí thông minh hay kiến thức mà thiếu một thứ khác, và đó có thể là nguyên nhân cho thái độ cư xử phi lý của ông: Người đàn ông này vô cảm.

Cảm xúc là một dạng "la bàn"?

Tình cảm, trong văn hoá phương Tây, không được đánh giá cao. Từ Platon qua Aristoteles cho đến những người của thời kỳ sau này, lý trí luôn được xem là vượt trội - ngược lại, tình cảm bị coi rẻ như là sơ đẳng, ngu ngốc, thú vật, không thể tin cậy được và nguy hiểm.

Trong vòng 20 năm vừa qua, sự đánh giá tình cảm này đã trải qua một biến đổi sâu sắc. Các nhà thần kinh học hiện đã kết luận rằng tình cảm không phải ngu ngốc và sơ đẳng mà có trí tuệ dưới hình thức riêng của nó. Chúng ta sẽ không hoàn hảo nếu như không có chúng. Hay nói ngắn gọn hơn: Không có cảm xúc thì con người không phải là con người.

Cảm xúc của chúng ta, như trường hợp của Smith đã chỉ ra, giống như một cái la bàn. Chúng chỉ cho ta phải cư xử theo hướng nào. Chúng cho ta cảm nhận được cái gì là tốt và cái gì là xấu cho chúng ta, và dẫn chúng ta đi trong cuộc sống.

Cảm xúc tạo khả năng cho chúng ta sống còn. Vì nếu khác đi, tổ tiên của chúng ta đã khó có thể sống còn được. Đặc biệt là các cảm xúc không dễ chịu như sợ hãi, ghê tởm hay đau đớn. Sợ hãi làm cho chúng ta cảnh giác với những mối nguy hiểm, ghê tởm nhắc nhở đến vệ sinh và cảnh báo thực phẩm đã thiu thối tức có thể bị ngộ độc; đau đớn làm cho chúng ta phải chăm sóc vết thương hay tránh không bị thương ngay từ đầu.

Thường chúng ta chỉ nhận thức được chức năng bảo vệ, cứu sống của cảm xúc khi chúng bất thình lình không tồn tại nữa. Thí dụ như bà Barbara Miller vì một bệnh di truyền mà không hề biết lo sợ. Bà lúc nào cũng vui vẻ và sốt sắng, ngay với người hoàn toàn xa lạ và vì thế thường hay bị lợi dụng. Bà Miller mất tính hoài nghi - đức tính giữ cho chúng ta không hoàn toàn tin tưởng vào tất cả mọi người xa lạ.

Cảm xúc đảm nhận một chức năng quan trọng sống còn, đã từ lâu người ta không còn hoài nghi về điều này nữa - nhưng như thế nào thì vẫn còn là câu đố. Các nhà khoa học chỉ biết rõ là không có một trung tâm nhất định cho cảm xúc, tình cảm của chúng ta được tạo nên bởi nhiều mạng lưới tế bào thần kinh phức tạp.

Được khám nghiệm tốt nhất là cảm tính sợ hãi. Nhà nghiên cứu não người Mỹ Joseph E. LeDoux đã khám phá được 2 "con đường sợ hãi" trong đầu. Một đường rất nhanh nhưng không chính xác, chủ yếu thông qua tiềm thức. Nó làm cho chúng ta giật bắn người và lùi lại khi gặp một vật giống như một con rắn trên đường đi. Thông tin của thị giác được truyền qua vùng não thalamus về hạch hạnh nhân, nơi tiết hoóc môn gây stress như adrenaline đặt cơ thể vào tình trạng báo động.

Đồng thời, vùng thalamus gửi thông tin thị giác qua một đường thứ hai về phần vỏ não thị giác, nơi phân tích có ý thức hình ảnh một cách chính xác hơn - nhưng cần thời gian lâu hơn. Nếu như xác định đấy chỉ là một cành cây, vỏ não sẽ thông báo đến hạch hạnh nhân để chấm dứt báo động.

Thí dụ về con rắn chỉ ra cho chúng ta thấy cảm xúc là gì và chúng "hoạt động" như thế nào. Như vậy, không chỉ những gì chúng ta suy nghĩ, mà cảm xúc cũng đóng vai trò quyết định với sự sống còn.

Hội chứng bí ẩn mang tên Cotard

Những người mắc phải hội chứng này tin rằng mình đã chết. Thỉnh thoảng họ lại lấy làm ngạc nhiên rằng tại sao mình chưa được chôn cất. Nguyên nhân gây ra hội chứng vẫn còn chưa rõ nhưng người ta phỏng đoán rằng ở các bệnh nhân này sự cảm nhận qua giác quan đã bị cắt lìa khỏi sự đánh giá cảm xúc trong não.

Hậu quả: Không có gì trên thế giới này, không một sự kiện, không một va chạm tiếp xúc, không một loại âm nhạc nào còn có bất kỳ một ý nghĩa về cảm xúc cho họ nữa. Họ không còn sống trải nghiệm nữa mà chỉ ghi nhận. Các nhà tâm lý học cho rằng đó chỉ là một sự tưởng tượng điên rồ, thế nhưng đối với những người mắc phải bệnh này thì sự điên rồ đó là sự thật cay đắng: Ai bị cắt đứt ra khỏi thế giới tình cảm, người đó bị cắt đứt ra khỏi cuộc sống.

Suy ngược lại thì điều đó có nghĩa là: Tôi cảm xúc, tức là tôi tồn tại.

Phan Ba (VE, theo GEO Kompakt)