Bỏ Trung Quốc mà đi

Trung quốc

Tỉnh Vân Nam, phía tây nam Trung Quốc, từ lâu đã là điểm xuất phát cho những người Hoa khao khát một cuộc sống mới ở hải ngoại. Ở đó, người ta có thể lẩn trốn khỏi Trung Quốc bằng đường bộ, băng qua những khu rừng trinh nguyên, hoặc có thể dùng đường thủy, xuôi dòng sông Lan Can tới khi nó biến thành sông Mekong, chảy quanh co vào Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.

Thế nên mỗi lần đặt chân đến đó, nơi đất đỏ le lói trong nắng, tôi trở nên bứt rứt; trí tưởng tượng của tôi náo loạn. Xét cho cùng sau khi bị bỏ tù bốn năm vì viết một bài thơ lên án nhà cầm quyền Trung Quốc đàn áp dã man những sinh viên phản kháng năm 1989, đơn xin xuất ngoại của tôi đã bị bác 16 lần.

Tôi cảm nhận sự xúi giục. Có sổ thông hành hay giấy tờ nhập cảnh hay không là điều không quan trọng. Có bao nhiêu tiền trong túi, đó mới là điều đáng nói. Bạn quăng bỏ điện thoại di động, cắt đứt mọi liên lạc với thế giới bên ngoài và lẻn vào một ngôi làng, nơi bạn có thể dễ dàng tìm được một nông dân hay một kẻ đưa đường sẵn lòng giúp bạn. Sau khi đã thoả thuận giá cả, bạn sẽ được đưa ra khỏi Trung Quốc bằng lối đi bí mật mà cả người lẫn ma cũng không biết được.

Mãi cho tới đầu năm nay, tôi vẫn băn khoăn cầm cự với ý định trốn đi. Thay vào đó, tôi chọn ở lại Trung Quốc, tiếp tục ghi nhận cuộc sống của những người ở nấc thang chót trong xã hội. Thế rồi, các cuộc phản kháng dân chủ lan tràn trong thế giới Ả Rập, và những thông tin kêu gọi những cuộc phản kháng tương tự ở Trung Quốc bắt đầu xuất hiện trên mạng. Vào tháng Hai và tháng Ba, mỗi chiều chủ nhật, đã có những cuộc tụ ôn hoà ở những trung tâm thương mại hay du lịch đông đúc ở vài chục thành phố. Nhà cầm quyền hốt hoảng dàn một cuộc biểu dương sức mạnh trên toàn quốc. Lính tráng mặc thường phục, mang súng đạn, đi tuần hành trên đường phố, sẵn sàng bắt những ai mà họ cho là đáng nghi ngờ.

Trong khi đó, mọi đề cập đến cuộc Cách Mạng Hoa Nhài ở Tunisia (ngay cả chữ hoa nhài) đều bị kiểm duyệt qua những nhắn tin mạng hoặc những công cụ truy tìm trên mạng. Công an bố ráp những luật sư, nhà văn và hoạ sĩ tranh đấu cho nhân quyền. Nhà vận động dân chủ Lưu Hiền Bân, người đã trải qua chín năm trong tù vì tiếp tay thành lập đảng Dân Chủ Trung Quốc, nhận thêm bản án mới 10 năm. Hoạ sĩ Ngải Vị Vịtích vào tháng Tư và bị đặt dưới sự canh chừng chặt chẽ của chính quyền từ khi ông được phóng thích vào trung tuần tháng Sáu.

Là một nhà văn lạc hậu, tôi hiếm khi lên mạng, và Mùa Xuân Ả Rập trôi qua ngoài tầm hiểu biết của tôi. Tuy nhiên, dù đứng bên lề, tôi vẫn không tránh khỏi bị công an xách nhiễu. Khi các viên chứa an ninh công cộng khám phá ra sách của tôi sẽ được xuất bản ở Đức, Đài Loan và Hoa Kỳ, họ bắt đầu điện thoại và ghé thăm tôi thường xuyên.

Vào tháng Ba, đám công an đóng chốt ngay bên ngoài căn hộ của tôi để giám sát mọi hành vi thường nhật của tôi. “Xuất bản sách ở phương Tây là vi phạm pháp luật Trung Quốc,” họ bảo tôi. “Hồi ký tù làm hoen ố thanh danh của hệ thống trại giam của Trung Quốc và cuốn ‘Thượng Đế Mầu Đỏ’ làm méo mó chính sách của đảng về tôn giáo và khuyến khích những giáo hội bí mật.” Họ nói, Nếu tôi từ chối không hủy bỏ hợp đồng với các nhà xuất bản Phương Tây, tôi sẽ bị luật pháp trừng trị.

Rồi thư mời của Salman Rushdie gửi đến, yêu cầu tôi tham dự Lễ Hội Những Tiếng Nói Thế Giới của Văn Bút Quốc tế ở New York. Ngay lập tức, tôi tiếp xúc với nhà cầm quyền để xin phép xuất ngoại và đặt vé máy bay. Tuy nhiên hôm trước ngày khởi hành, một viên công an gọi tôi đi “uống trà,” và thông báo cho tôi biết đơn của tôi đã bị từ chối. Nếu tôi nhất định đi ra phi trường, viên công an bảo tôi, họ sẽ làm tôi biến mất, hệt như Ngải Vị Vị.

Với một nhà văn, nhất là một người mong mỏi làm chứng nhân cho những gì đang xảy ra ở Trung Quốc, tự do ngôn luận và xuất bản quan trọng hơn cả chính mạng sống. Bạn thân của tôi, Lưu Hiểu Ba, khôi nguyên giải Nobel, đã phải trả một giá rất đắt cho những bài viết và sự đấu tranh chính trị. Tôi không muốn đi theo con đường của anh. Tôi không muốn trở lại nhà tù. Tôi cũng không mong muốn được vinh danh như “biểu tượng của tự do” bởi những người đứng ngoài những bức tường kiên cố của trại giam.

Chỉ bằng cách trốn khỏi nhà tù khổng lồ và vô hình có tên Trung Quốc tôi mới có thể sáng tác và xuất bản tự do. Tôi có trách nhiệm trình bày cho thế giới biết về nước Trung Quốc thực sự ẩn nấp phía sau ảo tưởng của cuộc bộc phát kinh tế – một nước Trung Quốc dửng dưng với sự phẫn uất âm ỉ của người dân.

Tôi giữ kín kế hoạch của mình. Tôi không theo đúng tập quán thông thường là xin phép viên công an. Thay vào đó, tôi gom áo quần, cây sáo Trung Quốc của tôi, một cái mõ Tây Tạng và hai trong số những cuốn sách được trao giải thưởng của mình, “Ghi Chép Của Một Sử Gia Vĩ Đại” và cuốn “Kinh Dịch.” Rồi tôi rời nhà khi công an không theo dõi, và lên đường đi Vân Nam. Mặc dù trời ở đó oi ả, tôi vẫn cảm thấy như con chuột cống mùa đông, nằm yên để dành năng lực. Tôi dành hầu hết thời gian với những người trên đường phố. Tôi biết nếu tôi cố tìm tòi, thế nào cuối cùng tôi cũng sẽ tìm được lối ra.

Với sổ thông hành và giấy nhập cảnh của Đức, Hoa Kỳ và Việt Nam, tôi bắt đầu thực hành ý định. Tôi tắt điện thoại di động sau khi đã vắn tắt liên lạc với bạn bè ở Phương Tây, những người đã sắp xếp kế hoạch. Vài ngày sau, tôi tới một thị trấn nhỏ ở biên giới, nơi tôi có thể nhìn thấy Việt Nam phía bên kia một con sông chảy xiết. Người đưa đường ở địa phương bảo tôi có thể thuê người nào đó lén đưa tôi qua sông, nhưng tôi từ chối. Tôi có sổ thông hành hợp pháp. Tôi chọn cách băng qua trạm kiểm soát trên cây cầu biên giới.

Trước khi trốn, người đưa đường đã sắp xếp cho tôi ở một khách sạn gần biên giới. Giữa những cơn mưa từng chập, tôi bập bềnh giữa mộng và thực và giật mình thức dậy khi có tiếng gõ cửa, để chỉ thấy một cô gái điếm run rẩy trong mưa tìm chỗ trú chân. Dù thông cảm, tôi cũng không thể giúp đỡ.

Vào 10 giờ sáng ngày 2 tháng Bảy, tôi đi bộ 100 bộ Anh về phía trạm biên phòng, sẵn sàng chuần bị cho điều tệ hại nhất, nhưng phép lạ đã xảy ra. Viên chức biên phòng xem xét giấy tờ của tôi, nhìn tôi một lát rồi đóng dấu lên sổ thông hành của tôi. Không ngưng nghỉ, tôi đến Hà Nội rồi đáp máy bay đi Ba Lan sau đó đến Đức. Khi tôi ra khỏi phi trường Tegel ở Bá Linh sáng ngày 6 tháng bảy, Peter Sillem, biên tập viên người Đức của tôi, đón tôi “Chúa ơi, Chúa ơi,” ông ta kêu lên. Ông vô cùng cảm động và không thể tin tôi đang thực sự ở nước Đức. Bên ngoài phi trường, không khí trong lành và tôi cảm thấy tự do.

Sau khi ổn định, tôi điện thoại cho gia đình và cô bạn gái, những người đang bị công an tra vấn. Bản tin về cuộc đào thoát của tôi lan rộng nhanh chóng. Một người bạn hoạ sĩ bảo tôi là anh đã đến thăm Ngải Vị Vị, người vẫn đang bị canh chừng nghiêm nhặt. Khi bạn tôi thông báo là tôi đã đáp xuống nước Đức một cách bí mật, đôi mắt Ngải Già tròn xoe. Anh hú lên với niềm nghi hoặc, “Thật không? Thật không? Thật không?”

Ngày 4-9-2011
Liêu Diệc Vũ
(Dịch: Hoàng Chính)