Bố cục ảnh, những điều nên biết

5 công thức kinh điển của bố cục

1. Mỗi bức ảnh chỉ nên có một chủ đề duy nhất với một vài điểm nhấn.

2. Không nên đặt chủ đề vào giữa tâm bức ảnh. Điểm nhấn không đặt giữa ảnh mà nên lệch ở khoảng toạ độ 1/3 rộng x 1/3 cao.

3. Đường chân trời (nếu có) không nên cắt ngang chính giữa mà nằm ở một phần ba phía trên hoặc phía dưới.

4. Luôn luôn cần dẫn ánh mắt của người xem đi từ ngoài vào bên trong hình ảnh.

5. Đường cong chữ S là một trong những bố cục được ưa chuộng nhất.

Cũng như vấn đề đúng sáng, độ nét, chi tiết - đó cũng là những cái đầu tiên cần được học- nhưng thực tế một tấm ảnh có đủ những cái trên chưa chắc đã đẹp, và một tấm ảnh đẹp chưa chắc đã cần tuân thủ những nguyên tắc trên. Biết bố cục, chụp đúng theo quy tắc về bố cục là khó - chụp theo kiểu phá bố cục mà đẹp được mới là khó hơn.

Yếu tố phụ trong bố cục

Phần trên đã nói qua về quan điểm bố trí chủ đề hay yếu tố chính của bố cục theo tỷ lệ vàng. Nhưng ngoài chủ thể ra các chủ đề phụ cũng không kém phần quan trọng, nó là yếu tố quyết định để so sánh, để hỗ trợ tôn nên vẻ đẹp của chủ thể. Như thể hiện bông hoa thắm tươi, chúng ta thường chụp với cành, lá hay những vật trang trí kèm theo... những thứ đó được coi như yếu tố phụ (thực ra để rạch ròi nhiều nhà nhiếp ảnh còn phân chia thành hai loại: yếu tố phụ và bối cảnh).

Các yếu tố phụ này được chi làm 4 loại:

(1) Tiền cảnh

(2) Hậu cảnh

(3) Bầu trời

(4) Đường chân trời

1. Tiền cảnh:

Tiền cảnh trong bức ảnh thể hiện sự gần gũi, tính phàm tục: Một cành hoa bé khi chụp phong cảnh, một khóm khoai trước chú vịt... Đôi khi ta phải dùng tiền cảnh để che bớt những vật phụ khác trông không đẹp trong bức ảnh.

Kỹ thuật "xử lý tiền cảnh":

- Tiến lại gần hay chúc máy, ngửa máy để lấy nhiều hay ít tiền cảnh.

- Dùng ống kính góc rộng làm tăng tiền cảnh hay ống kính tele làm giảm tiền cảnh.

- Dùng tiền cảnh để gióng khung hình cho ảnh. Chẳng thế mà các bạn có thể thấy rất nhiều ảnh dùng vòm cổng, ngưỡng cửa, cửa sổ các nhánh cây.. để gióng khu cho ảnh.

- Tạo sự tương phản giữa xa và gần thông qua đậm và nhạt, thường tiền cảnh tối, hậu cảnh sáng...

2. Hậu cảnh

Thực ra nếu đã xác định rõ chủ thể thì tất cả cái khác trong bức ảnh được gọi lại "hậu cảnh". Phân biệt chỉ mang tính tương đối. Ví dụ nếu chụp chân dung thì người đó là chủ đề chính, cây cối, nhà cửa ... phía sau là hậu cảnh. Điều tối kỵ theo quy tắc truyền thống là không được phép để chúng hoà trộn lẫn nhau, dẫn đến tình trạng cái tượng đằng sau như ngồi lên đầu người, cái cây đằng sau như mọc từ đầu người, cái bảng hiệu quảng cáo như sắp rơi xuống đầu người...

Kỹ thuật "xử lý hậu cảnh":

Chiếu sáng là cách hữu hiệu khi chụp dàn dựng, bất cứ thứ gì nếu được chiếu sáng đều sẽ nhạt hơn trong vùng tối. Nếu không phải lợi dụng các nguồn sáng chiếu qua khe cửa, lỗ thủng... (vì vậy biết hướng ánh sáng sẽ chẳng bao giờ thừa cả). Chụp phong cảnh nhiều khi phải đợi mây làm sậm hậu cảnh để làm nổi bật chủ đề chính...

Canh nét cạn cũng rất phổ biến để "cắt đuôi" hậu cảnh ra khỏi chủ thể, đây chính là cách sử dụng sự tương phản giữu mờ và tỏ. Canh nét cạn bằng cách:

- Tiến gần chủ đề

- Để khẩu độ mở lớn (1; 1.4; 2; 2.8...)

- Dùng ống tele...

Lia máy (panning) cũng là cách tạo tương phản giữa tỏ và mờ. Lia máy là cách chụp các chủ đề đang chuyển động với vận tốc tương đối ổn định. Người càm máy di chuyển máy theo sự di chuyển của chủ đề và bấm chụp. Lúc đó, chủ đề sẽ rõ nét trên một hậu cảnh mờ nhoè nhằm tạo ấn tượng di chuyển của chủ đề.

Theo http://www.photo.com.vn/Forums/