Bùi Viện (1839-1878)

Bùi Viện, hiệu Mạnh Dực, là một nhà cải cách và ngoại giao của Việt Nam cuối thế kỷ 19 dưới triều nhà Nguyễn.

Bùi Viện sinh năm 1839, quê quán làng Trình Phố, tổng An Hồi, huyện Trực Định, tỉnh Nam Định (nay là Trình Nhì, xã An Ninh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình), trong một gia đình nhà nho kiêm lương y bốc thuốc. Theo đòi bút nghiên, ông và người em là Bùi Phùng đều đỗ Tú tài năm Giáp Tý (Tự Đức thứ 17, 1864); qua năm Đinh Mão (1867), người em đỗ Cử nhân trước, còn ông thì đến năm Mậu Thìn (1868) mới đỗ CN.

Ngay sau khi đỗ, ông rời quê nhà vào Huế, tập văn tại quốc tử giám và ở trọ nhà Tế tửu (hiệu trưởng) Vũ Duy Thanh, tức Trạng Bồng. Nhưng hai lần thi hội năm 1868 và 1869 đều bị trượt. Trong thời gian này, ông được quen biết Lê Tuấn, quan Tham Tri bộ Lễ, người rất mến tài đức của nho sĩ họ Bùi.

Hồi đó ở miền Bắc có những biến loạn do quân Pháp, quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc và Cờ Vàng của Hàng Sùng Anh gây ra, cho nên vua Tự Đức mới phái Lê Tuấn ra Bắc dẹp loạn. Ông này quê ở miền Trung không hiểu gì nhiều về tình hình ngoài Bắc nên phải mang Bùi Viện theo làm Cố vấn.

Nhờ có Bùi Viện giúp sức nên không bao lâu Lê Tuấn thâu được nhiều kết quả tốt và cũng nhờ đó mà Triều đình biết tới tài cao chí lớn của Bùi Viện.

Sau đó ít lâu, Bùi Viện được Doãn Khuê (Uẩn?), đương giữ chức Nam Định doanh điền sứ, giao cho mở mang Ninh Hải tức Hải Phòng ngày nay. Năm 1873, trước khi vua Tự Đức buộc phải ký Hiệp ước Giáp Tuất (15-3-1874) nhượng bộ nhiều yêu sách của thực dân Pháp và nguy cơ mất cả nước đã nhỡn tiền, triều đình có chủ trương tìm kiếm những đối trọng khác ở nước ngoài để chấn hưng đất nước và cứu vãn họa xâm lăng.

1. Bùi Viện xuất ngoại

Công việc xuất ngoại thật nặng nề và nguy hiểm vì thời ấy đâu có sẵn tàu thuyền như bây giờ. Trước khi từ giã đế đô trên con thuyền nhỏ, sóng gió bập bềnh, Bùi Viện đã ghi lại mấy vần thơ như sau:
Thơ Bùi Viện

Dịch nôm:
Hổ tiếng người đời thánh,
Băng miền vượt biển khơi
Vừng hồng non ngự dọi
Mây trắng núi Côi phơi,
Cương thường thân gánh vác,
Sóng gió bước chơi vơi,
Phúc chúa trời yên ổn,
Dòng thu thẳng neo bơi.

(bản dịch của Phan Trần Chúc)

Tỏ lòng ái mộ bầy tôi hiền, vua Tự Đức đã dành cho Bùi Viện một buổi lễ bái trọng thể tại Thúy Vân Sơn và không quên dặn ông nên thận trọng trong cách xử sự đừng để ngoại quốc cười chê.

Từ giã nước nhà được chừng mười ngày, Bùi Viện đã tới Hương Cảng sau bao ngày chịu sóng gió ngoài biển khơi, trên con thuyền mong manh. Lúc này Hương Cảng đã ở trong tay người Anh khai thác và là nơi các tàu biển ngoại quốc tới lui tấp nập.

Hương cảng là một thành phố mới, nên không thiếu một tiện nghi gì. Bùi Viện đã được mắt thấy tai nghe nhiều sự kỳ lạ. Trong lòng vị nho sĩ họ Bùi nẩy ra những ý nghĩ mới mẻ là mong sao nước nhà bằng người và cần phải trau giồi kiến thức của mình tại nơi này, nơi tụ họp của các chính khách ngoại quốc.

Ông tìm đủ mọi cách để giao du cùng một số nhân sĩ Trung Hoa ở ngay Hương Cảng và từ Quảng Đông tới và cũng trong sự giao du này mà Bùi Viện đã gặp vị lãnh sự Hoa Kỳ.

Ngay từ buổi đầu, sự liên lạc đã diễn ra trong bầu không khí thân mật và hai người diễn tả ý tưởng của mình qua tiếng Trung Hoa, vì trước khi lên đường qua Hương Cảng, Bùi Viện đã nói được chút ít tiếng này, hơn nữa trong thời gian lưu trú xứ người, ông đã được dịp học nói thông thạo Hoa ngữ. Sự gặp gỡ này cũng là một việc mà Bùi Viện không ngờ tới, phải chăng là do thiên mệnh?

Bùi Viện nghĩ rằng ngoài Âu Châu ra, còn có Mỹ Quốc là môt nước giàu có và hùng mạnh, có thể giúp nước Việt Nam giành độc lập, và kiến thiết xứ sở. Không bỏ lỡ cơ hội, Bùi Viện tỏ bày cho lãnh sự Mỹ biết hiện tình của nước nhà và mục đích ông xuất dương để làm tròn bổn phận với tổ quốc vì: "Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách".

Biết Hoa Kỳ trước kia cũng đã phải khổ công tranh đấu giành độc lập, Bùi Viện càng tin tưởng vào sự giúp đỡ của người bạn cùng cảnh cùng thuyền, nên khi được biết Tổng thống Grant là người đã đem lại nền thịnh vượng cho Hoa Kỳ, nhờ một chương trình canh tân rộng lớn, Bùi Viện ngỏ ý muốn qua Hoa Kỳ một phen xem sao; vì như ông đã nhận định trông vào sự giúp đỡ của Trung Quốc thì nước này đã kiệt quệ lắm rồi, hơn nữa ngoại trưởng Lý Hồng Chương cũng đang ở trong tình cảnh "ốc không mang nổi mình ốc thì cọc rêu sao mà khênh cho được"!

Để thực hiện mộng qua du lịch Hoa Kỳ vì quốc sự, mùa đông năm gặp gỡ người bạn Hoa Kỳ, Bùi Viện thẳng đường đi Nhật Bản.

Từ Hương Cảng chẳng bao lâu thuyền đã đến Hoành Tân (Yokohama) và sau một thời gian nghỉ ngơi tại Phù Tang tam đảo, Bùi Viện thẳng đường đi Cựu Kim Sơn (San Francisco).

II. Bùi Viện đặt chân lên Mỹ Quốc

Bước chân đến thành phố phía tây Hợp Chủng Quốc, Bùi Viện theo sự chỉ dẫn của người bạn lãnh sự tìm kiếm vài kẻ thân tín để thăm rồi thẳng đường lên Hoa Thịnh Đốn. Kể ra cuộc hành trình của Bùi Viện cũng lắm gian nan vì đăt chân lên một nước xa lạ, đường lối không biết, ngôn ngữ bất đồng mà lại còn tìm cách để yết kiến với Tổng thống Grant thực không phải là điều dễ vậy. Tuy nhiên với tài năng của ông, Bùi Viện đã đạt được kết quả mình theo đuổi. Tính đốt ngón tay, ông đã lưu lại Hoa Thịnh Đốn đến một năm tròn và cũng để giải buồn trên đất lạ, ông đi thăm nhiều thị trấn khác của Hoa Kỳ. Cuộc du lịch này thực bổ ích cho ông vì ông được dịp nhận xét thật kỹ lưỡng những phong tục cùng tập quán mới, khác hẳn với Việt Nam và trước sự tiến bộ của nền khoa học Hoa Kỳ, ông càng thấy mình có trọng trách khi trở về phải mang lại một vài thắng lợi cho tổ quốc.

Chờ đợi mãi và cũng do sự vận động của người bạn Mỹ ở Hương Cảng, Bùi Viện đã được Tổng thống Ulysse Simpson Grant (1822 - 1885) thân tiếp một cách nồng hậu. Tổng thống Mỹ hứa sẽ giúp đỡ, vì nhận thấy tham vọng của người Âu Châu ở Á Đông quá rõ ràng, nhưng điều làm cho Tổng thống ngần ngại là cuộc viếng thăm của Bùi Viện không chính thức vì không có quốc thư. Thủ tục ngoại giao này rất cần thiết vì Tổng thống Grant căn cứ vào đâu để giúp đỡ một ngoại bang?

Thấy quốc thư là điều cần thiết, Bùi Viện cáo từ Tổng thống Mỹ trở về nước sẽ qua lần nữa với quốc thư hẳn hòi: nhưng tiếc thay trên đường về cố quốc, Bùi Viện được biết chính tình của Hoa Kỳ hồi bấy giờ không cho phép Hoa Kỳ trực tiếp giúp đỡ nước Việt Nam được.

Hy vọng của Bùi Viện tan như mây khói, sự thất vọng tràn ngập tâm hồn Bùi Viện. Nếu chuyến đi lần này mà có quốc thư có lẽ cục diện nước Việt Nam thời đó đã thay đổi hẳn.

Lại về Hoành Tân, Bùi Viện đuợc may mắn gặp người bạn sứ thần cũ, nhưng mặc dầu được bạn sốt sắng giúp đỡ, Bùi Viện cũng không làm được gì với vị Tổng thống, nên đành đáp tàu về nước, mang theo một mối sầu vô hạn.

Để ghi lại những cảm tình lai láng với người bạn Hoa Kỳ, cả hai đã ngâm vịnh với nhau trước khi ly biệt.

Bài Đường luật của Bùi Viện như sau:
Thơ Bùi Viện

Dịch nôm:
Tháng chín Hoành Tân nhấp chén chơi,
Trời Nam ngoảnh lại dạ khôn nguôi.
Ba đào hứng mới tan hồn mộng,
Đất nước tình xưa tít dặm khơi.

Lầu các coi chừng nay đổi mới,
Bồng hồ riêng thú đã bao đời.
Vui vầy ngại nỗi khi chia rẽ,
Thuyền đó bao giờ lại thả bơi.

(Bản dịch của Phan Trần Chúc)

Sứ thần Mỹ có mẹ là người Trung Hoa nên am thông Hán học, đã họa lại như sau:
Thơ sứ thần Mỹ

Dịch nôm:
Sắc liễu cầu Hoành sắp hết thu,
Cầm tay chia ngã dậm xa sầu.
Hoa thành ước cũ nên thăm hỏi,
Tiên đảo tình nay hết bạn bầu.

Ý khách vẩn vơ từ mấy độ,
Lòng người man mác đã bao lâu
Sáng mai nhớ chỗ xa nhau nhỉ,
Riêng lá thuyền con vượt bể sâu.

(Bản dịch của Phan Trần Chúc)

Rời cửa bể Hoành Tân, Bùi Viện lại theo đường về cố quốc và tới cửa Hàn. Dùng đường bộ, ông về Huế tâu vua Tự Đức rõ sự thể ra sao. Thất bại về ngoại giao, về đến cố quốc ông lại tiếp được tin mẹ mất và khi ông xin về thụ tang, vua Tự Đức cũng hiểu công đức của ông có ban rằng:
Văn ban của Tự Đức

Dịch nghĩa là:
"Trẫm với người tuy chưa có ân nghĩa gì cả mà đã coi việc nước như việc nhà không quản xa xôi, lo lắng. Qủy thần tất cũng biết vậy."

III. Bùi Viện tổ chức Hải quân Việt Nam

Hiện tình nước nhà hồi đó vẫn không có gì thay đổi. Ở Bắc Hà sự loạn lạc vẫn không hết, lại một lần nữa Bùi Viện ra công góp phần vào việc nước. Mặc dầu đã ngán cảnh mũ cao áo dài, nhưng vì giấc mộng cầu cứu Hoa Kỳ đã thất bại, nên ông cũng đành chịu tuân theo số mệnh.

Được phong là Thương Chính Tham Biện, ông đã nghiên cứu kỹ càng vấn đề dẹp bọn tầu ô thường dùng thuyền đi ăn cướp các thương thuyền trên mặt bể. Về phương diện này, có lẽ ông là người đầu tiên đã nghĩ đến việc thành lập một lực lượng hải quân hùng hậu khả dĩ đè bẹp địch. Đội tuần dương quân dưới quyền chỉ huy của Bùi Viện đã được dân chúng mến yêu, vì toàn thể đều được huấn luyện thông thạo. Cũng vì vậy nên nhà vua lại phong cho ông thêm một chức nữa khá cao quý là Tuần Tải Nha Chánh quản đốc, một chức ngày nay tương tự như Đô Đốc Hải quân kiêm hàng hải và thương mại.

Nói về cách tổ chức của Bùi Viện về thủy quân thời đó thì Tuần dương quân có hai đoàn chính là:

1. Thanh Đoàn gồm toàn người Tàu và do tướng Tàu chỉ huy. Đoàn này lập ra có mục đích lấy độc trị độc vì thủy thủ toàn là những hải khấu quy phục, nghề đi biển của họ sành sỏi hơn và họ biết cách đánh các đám giặc tầu ô một cách hữu hiệu.

2. Thủy Dũng gồm toàn người Việt và do tướng Việt chỉ huy. Ngoài hai đoàn này, Bùi Viện còn lập thêm một lực lượng hải quân gồm có 200 chiến thuyền đặt dưới quyền chỉ huy trực tiếp của ông và nhiệm vụ đã được quy định rõ ràng như sau:

"Đội hải quân này sẽ đi tuần khắp miền duyên hải nước ta, đồng thời họ phải làm cả ba việc: vận tải lương tiền của nhà nước, hộ vệ cho các nhà buôn và trừ diệt những giặc biển hiện đương hoành hành ở biển Đông Hải."

(Trích bản điều trần của Bùi Viện đệ lên vua Tự Đức)

Lương bổng của thủy quân, Bùi Viện cũng có chia ra rõ ràng từng bực trên dưới khác nhau đại khái như sau:
- Chánh và tòng cửu phẩm mỗi tháng 15 quan..
- Chánh và tòng bát phẩm mỗi tháng 18 quan.
- Chánh và tòng thất phẩm mỗi tháng 20 quan..
- Chánh và tòng lục phẩm mỗi tháng 22 quan.
- Chánh và tòng ngũ phẩm mỗi tháng 25 quan..
- Chánh và tòng tứ phẩm mỗi tháng 30 quan.

Các cấp dưới, lương bổng tuy kém, nhưng vẫn đầy đủ:
- Điển Ty 25 quan
- Xuất đội 22 quan
- Đội trưởng 20 quan
- Thư lại 12 quan
- Thủy binh thượng hạng 6 quan + 2 phương thóc
- Thủy binh trung hạng 4 quan + 1 phương gạo
- Thủy binh hạ hạng 2 quan + 1 phương gạo

Khi đội Tuần dương quân thành lập xong phải giao chiến với địch ngay và cũng bị thiệt hại nhỏ lúc đầu. Các chiến sĩ tử trận của lực lượng do ông tổ chức đều được chôn cất rất trọng thể và các quả phụ được triều đình nâng đỡ. Ông tự tay thảo văn tế và khi đưa linh cửu, các thủy quân đi kèm, võ khí tuốt trần trông sáng ngời và rất uy nghi!

Trong bài văn tế có những câu như sau, khiến ta thấy tuy cách gần một thế kỷ mà Bùi Viện đã có những sáng kiến thu phục lòng người bằng chiến tranh tâm lý:
Người sống ở đời,
Tiếng thơm là trọng.
Chết mà phải nghĩa,
Chết cũng như sống.
Thủy dũng đoàn ta,
Hào hiệp cùng lòng ...
. . . . . . .
Nói đến hai anh,
Lòng riêng rầu rĩ.
Vài tuần rượu viếng,
Một mối tình sâu.
Hồn thiêng phách sáng,
Chứng giám cho nhau.
Ô hô! thượng hưởng!

Nếu cứ theo đà trên, có lẽ chẳng bao lâu nước ta sẽ có một lực lượng thủy quân đáng kể, nhưng tiếc thay ngày mồng một tháng 11 năm Tự Đức thứ 31 (1878), Bùi Viện chết một cách bất ngờ. Tin đó như tiếng sét nổ, làm triều đình Huế vô cùng bối rối. Vua đã trông cậy vào tài đức của ông, nay mất ông chẳng khác nào triều đình mất một cánh tay đắc lực. Lòng thương tiếc của người đồng thời đã ký thác trong những câu đối viếng như sau:
Câu viếng của Nguyễn Tư Giản

Dịch ra là:
Kiếp sau chưa dứt niềm nhà nước,
Chí lớn đành đem gửi biển non.

Nội các tham biện Bùi Dị cũng có câu đối phúng như sau:
Câu viếng của Bùi Dị

Dịch ra là:
Thoi thóp sớ dâng còn để lại,
Vẫy vùng chí lớn vội đem đi.

Theo Phan Trần Chúc tiên sinh thì Bùi Viện tuy mất nhưng sự nghiệp của ông đáng làm gương cho hậu thế soi chung. Ra làm quan, căn nhà của ông vẫn chỉ là một căn nhà tranh bé nhỏ và sau mười năm tận tụy với quốc gia, căn nhà đó vẫn không được tu bổ chút nào, để rồi phải đổ nát xiêu vẹo dưới cơn gió bão. Đức tính liêm khiết của ông thật đáng ghi vào sử sách muôn đời.

Ngoài tài tổ chức thủy quân, ông là người Việt Nam đầu tiên qua Hoa Kỳ, tuy sứ mệnh không thành nhưng cũng đã khiến một cường quốc biết đến Việt Nam. Sự đáng kể hơn là hồi đó các phương tiện chuyên chở hãy còn thô sơ mà ông đã thực hiện được một chuyến vĩ đại như vậy, thật là một thành công rực rỡ vì nó đã mở đường cho sự bang giao thân hữu giữa Việt Nam và Mỹ Quốc.

Theo WikipediaHương Giang