Cạnh tranh Trung - Ấn

Trung quốc

Trung Quốc đã cho các tàu chiến ra tuần tra tại Biển Đông

Báo Anh nói Ấn Độ lo ngại chiến lược tranh giành ảnh hưởng của Trung Quốc trong khi một tác giả có uy tín tại Delhi tiên đoán Bắc Kinh sẽ “tấn công Ấn Độ trước 2012”.

Bài phân tích “Fear of Influence” của James Lamont và Amy Kazmin trên tờ Financial Times 12/07/09 ghi nhận lo ngại từ nhiều giới chức cao cấp Ấn Độ về vành đai bao vây họ của Bắc Kinh ở vùng Nam Á.

Bức hình lớn trên trang báo mô tả cái mà giới quan sát đặt tên là Chuỗi ngọc (String of Pearls) gồm các điểm Trung Quốc sắp đặt để kiềm chế Ấn Độ.

Tính từ Hồng Kông bên phía Đông và Tây Tạng trên mặt Bắc, chuỗi các cứ điểm Trung Quốc kiểm soát gồm vị trí ở Miến Điện, Sri Lanka, Maldives, Seychelles và Mauritius ở phía Nam và chạy lên Pakistan ở phía Tây.

Giới chức quân sự Ấn được bài báo trích lời đặc biệt lo ngại việc Trung Quốc sử dụng cảng nước sâu ở Hambantota, Sri Lanka.

Vị trí này được giới quân sự Ấn Độ cho là “buồng lái thân hữu” (friendly cockpit) của Trung Quốc để kiểm soát các tuyến hải hành ở Ấn Độ Dương.

Họ cũng cho rằng sự trợ giúp về đạn được và phi cơ của Bắc Kinh dành cho Colombo là yếu tố quyết định để chính quyền nước này tiêu diệt hoàn toàn phe Hổ Tamil thời gian qua.

Ba mối bất hòa

Nhưng bài báo nói có ba nguyên nhân chính làm hai nước Trung Quốc và Ấn Độ bất hòa.

Thứ nhất, Trung Quốc đã ngăn không cho Ấn Độ vay tiền 2,9 tỷ USD từ Ngân hàng Phát triển Á châu (ADB) vì lý do tiền sẽ được chi vào dự án quản trị lũ lụt ở khu vực Đông Bắc của Ấn Độ đang tranh chấp với Trung Quốc.

Thứ nhì, việc chính quyền Bush ủng hộ chương trình hạt nhân dân sự của Delhi, sau nhiều năm cô lập Ấn Độ về công nghệ nguyên tử, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc khiến quan hệ hai bên lạnh đi.

Thứ ba, Ấn Độ đã tỏ thái độ bằng cách cấm hàng hóa Trung Quốc, cụ thể là đồ chơi trẻ em và máy điện thoại di động.

Ngoài ra, quân đội Ấn cũng tăng cường binh lính đến vùng Himalaya mà một phần vẫn đang tranh chấp với Trung Quốc.

Bên cạnh Sri Lanka, việc Trung Quốc hỗ trợ tập đoàn quân sự Miến Điện và vươn tay vào vương quốc miền núi Nepal cũng khiến Ấn Độ khó chịu.

Theo theo hai tác giả trên Financial Times, điều khiến quan hệ hai bên tách xa nhau chính là vì họ không thống nhất được điểm chung.

Về thể chế, Ấn Độ là một nền dân chủ đại nghị trong khi Trung Quốc có chế độ độc đảng.

Nhưng quan trọng hơn là về thái độ ngoại giao.

Bài báo trích lời cựu đại sứ Ấn tại Mỹ, Naresh Chandra nói:

“Bắc Kinh không mấy quan tâm vào việc lập đối tác với New Delhi để tạo dựng một đường hướng chung cho khu vực.“

“Tấn công trước 2012?”

Trong một bài báo khác đăng trên Times of India 13/07, một nhà nghiên cứu quân sự hàng đầu của Ấn Độ còn cho rằng Trung Quốc sẽ “tấn công Ấn Độ” trong khoảng từ giờ tới 2012.

Tác giả Bharat Verma, Chủ bút Tạp chí Quốc phòng Ấn Độ viết rằng “Trung Quốc sẽ mở một cuộc tấn công vào Ấn Độ trước 2012. Có nhiều lý do để Bắc Kinh tuyệt vọng dạy cho Ấn Độ bài học cuối cùng, và nhằm đảm bảo vị trí thống lĩnh tại châu Á”.

Ông Verma tin rằng lãnh đạo Trung Quốc sẽ không dám tấn công phe Phương Tây, gồm cả Nhật Bản mà đánh Ấn Độ để hướng dư luận ra khỏi các vấn đề nội bộ.

Các vấn đề này được ông cho là “thất nghiệp gia tăng, vốn tư bản rút đi, suy giảm quỹ dự trữ ngoại tệ và sự bất ổn, bất đồng chính kiến bên trong tăng lên”.

Nhưng có hai lý do nữa là Pakistan và Biển Đông khiến Trung Quốc xoay sang nhằm vào Ấn Độ.

Tác giả cho rằng liên minh truyền thống của Trung Quốc với Pakistan bị tan rã vì Pakistan nay gần như đã chìm đắm trong nội chiến, làm “mất đi lá chắn che chở Trung Quốc”.

Bên cạnh đó, liên minh Hoa Kỳ và Phương Tây với Ấn Độ sẽ tạo ra thế đối trong có sức nặng về công nghệ cao cấp hơn.

Ông Verma còn nói Trung Quốc còn hai lá bài nữa là Bắc Hàn và Biển Đông để tạo vị thế.

Nhưng dù “tăng cường hải quân để cưỡng ép các quốc gia chống lại lời tuyên bố chủ quyền ở Trường Sa” Trung Quốc sẽ “không dại gì mà tấn công liên minh Phương Tây”, nhất là khi chính Trung Quốc bị suy thoái.

Bởi vậy, ông kết luận Ấn Độ sẽ là mục tiêu để Trung Quốc “bắn một mũi tên trúng nhiều đích” (to achieve multiple strategic objectives).

Vị trí lãnh thổ Đông Bắc là nơi ông Verma tin rằng Trung Quốc chọn là "mục tiêu mềm" để đánh chiếm.

Theo ông, quân đội Ấn Độ không có sự chuẩn bị tốt về mặt bộ binh và giới lãnh đạo thì chưa rõ có "sẵn sàng chịu lửa chiến trận" hay không.

Quan điểm của ông Bharat Verma dù từ một tạp chí quân sự hàng đầu của Ấn Độ về khả năng Trung Quốc “tấn công Ấn Độ” cũng mới chỉ là ý kiến.

Theo tìm hiểu của BBC Tiếng Việt trong giới quan sát Nam Á thì giới chức quân sự Ấn Độ từng bày tỏ lo ngại về sự vươn lên của Trung Quốc về mặt quốc phòng.

Nay họ được các lãnh đạo dân sự yêu cầu không phát biểu công khai vì không có nhiệm vụ “làm chính sách ngoại giao” nên có thể đã chuyển các quan ngại này cho giới nghiên cứu quốc phòng.

Còn hai tác giả James Lamont và Amy Kazmin trên Financial Times cũng trích lời giới chức Ấn Độ nói hai nước không nhất thiết phải đối đầu.

Ông Kamal Nath, một thành viên cao cấp của nội các Ấn Độ được trích lời nói Trung Quốc và Ấn Độ “đi theo hai mô hình khác nhau nhưng không nhất thiết phải đối nghịch nhau trên con đường tìm kiếm tăng trưởng và quyền lực”.