Cái đầu trọc

Abarisio ra phố, bảo là đi cắt tóc. Hai tiếng đồng hồ sau, anh về nhà với cái đầu cạo trọc nhẵn thín.

Chị vợ gào lên :
-“Lại dở trò gì thế, Abarisio ? Thế này thì còn ra cái bộ dạng gì hả, trời ơi là trời ?”

Anh chồng không thay đổi nét mặt: “Mốt mùa hè đấy !”

- “Mùa hè cũng được, mùa đông cũng được, đầu tóc anh thế này thì từ nay đừng bao giờ nghĩ đến chuyện bảo em đi ra phố với anh !”

Abarisio xoa xoa cái đầu nhẵn thín của mình: “Chúng mình cứ đi xem sao. Em thay quần áo nhanh lên, chuẩn bị đi xem phim với anh !”

Thấy vợ quay người đi, anh chồng gõ tay xuống bàn giục: “Nhanh lên nào! Chỉ có 10 phút thay quần áo thôi đấy!”

Chị tròn mắt sững sờ: lấy nhau 10 năm nay, lần đầu tiên thấy chồng nói với mình bằng cái giọng hách dịch như thế. “Anh nói kiểu gì thế hả ?”, chị vặn lại.

Anh chồng vẫn không chút nào tỏ ra yếu đuối:

- “Nói kiểu gì mặc xác tôi ! Dù tôi không còn đầu tóc nữa thì hôm nay chúng mình vẫn nhất thiết phải cùng đi xem phim !”

- “Được thôi, đi thì đi. Nhưng phải đợi khi nào rạp chiếu bóng tắt đèn mới vào đấy.”

Abarisio không đùa chút nào. Đây là lần đầu tiên trong 10 năm nay anh cố gắng giành quyền làm chủ gia đình. Trước đây, mọi việc của anh, từ để đầu tóc kiểu gì, mặc chiếc sơ mi hoặc áo vét nào, thắt cái cà vạt nào, đi đôi giầy nào, thậm chí đôi tất nào, cũng đều do vợ quyết định tuốt tuồn tuột. Cách đây ít lâu, một người bạn luật sư bảo anh, trong gia đình chồng phải làm chủ chứ đứng bao giờ để vợ làm chủ. Hôm nay là ngày anh cho rằng nên bắt đầu thay đổi cách sống của mình. Thế là Abarisio đến hiệu cắt tóc bảo ông thợ cạo trọc đầu cho mình. Anh đắc ý cười thầm.

Lần đầu tiên trong 10 năm nay, chị hạ thấp giọng tranh luận với chồng : “Abarisio này, em thấy hình như con người anh đã thay đổi rồi phải không ? Theo em thì lão thợ cắt tóc đã cạo sạch cả bộ tóc lẫn cách xử sự có văn hoá của anh rồi đấy.”

“Từ hôm nay trở đi, anh tự trông nom đầu tóc của mình, không cần em quản lý nó nữa. Anh... là như thế đấy, đầu trọc lông lốc, muốn đi đâu thì đi. Nếu em còn là vợ anh, còn muốn dùng họ của anh [1], thì mỗi khi ra ngoài phố em đều phải đi cùng với anh, hiểu chưa?”

Chẳng biết làm thế nào, chị đành theo chồng ra đường. Họ lên một chiếc ta xi. Chị xấu hổ ngượng chín người chỉ muốn chui xuống đất, mấy lần định quay mặt đi, nhưng Abarisio cứ luôn miệng gọi “Em thân yêu của anh!”, lại còn thân mật ôm lấy vợ. Đã lâu lắm chẳng thấy anh ta làm như thế, ít nhất là khi ra đường.

Hai người đến rạp chiếu bóng. Hãy còn sớm, họ đành đứng trong phòng chờ. Anh ra vẻ tỉnh bơ, còn chị thì luôn cảm thấy người xung quanh đang cười mình khoác tay một lão ngố đầu trọc lông lốc.

“Em đi mua gói kẹo nhé, lập tức quay lại ngay thôi.” Chị vợ bảo chồng thế, rồi biến mất trong đám người đang lũ lượt ra ra vào vào.

Mãi chẳng thấy vợ quay lại, Abarisio đành đứng ngây người chờ tiếp. Ai nấy cứ tưởng anh là một pho tượng trọc đầu.

Chờ đã khá lâu, Abarisio sốt ruột vào trong rạp xem phim một lúc, nhưng vì mải lo nghĩ chuyện vợ đi đâu không thấy quay lại nên anh xem phim mà chẳng hiểu gì sất. Cuối cùng, anh bỏ ra phố, gọi ta xi về nhà.

Chị vợ đang nằm thườn thượt trên giường khóc rưng rức, trùm kín trong chiếc chăn: “Abarisio, anh về đấy à ?”

Anh chồng chẳng nói chẳng rằng đi vào phòng ngủ, kéo chiếc chăn ra. Bỗng dưng anh lùi lại mấy bước, định thần hít một hơi dài : trời ơi, thì ra cô ta cũng cạo trọc đầu rồi !

Chị thút thít: “Ngày – mai – anh - đi – xem – phim – với - em, rõ - chưa?”

Abarisio chẳng nghe thấy gì hết, anh hoa mắt ngã vật xuống sàn nhà./.

Nguyên Hải dịch qua bản Trung văn

Nguồn : “Văn hào Thế giới”

[1phụ nữ Bra-xin sau khi cưới phải lấy họ của chồng, bỏ họ cũ của mình