Cầu sông Kwai và tuyến đường sắt tử thần (kỳ 3)

KỲ 2: MỖI THANH RAY, MỘT KIẾP NGƯỜI

Vẫy taxi từ Bangkok đi Kanchanbury, anh chàng tài xế người Thái có tên Melom ra giá 2500 bạt và hỏi luôn bằng một câu tiếng bồi: “Death railway anh Kwai river bridge?” (Đường sắt tử thần và cầu sông Kwai phải không?). Không đợi tôi trả lời, anh ta đã phóng xe vút ra đường cao tốc. Melom cũng như những tài xế taxi khác đã quá quen với những vị khách đến Kanchanbury như tôi, khi mỗi năm có đến 15 triệu du khách viếng thăm tuyến đường sắt tử thần.

Quá khứ không bị lãng quên

Kanchanabury nằm cách thủ đô Thái Lan 130 km về phía đông, 65 năm trước hoang vắng ra sao, chỉ còn biết qua những trang tư liệu thấm máu và nước mắt. Nhưng nay, con đường về tỉnh biên giới miền tây nước Thái là một xa lộ nườm nượp tám làn xe. Những bản làng nép dưới rừng thẳm của người Karen trong bộ phim Cầu sông Kwai nổi tiếng cũng đã hút bóng, trước mặt, Kanchanabury giờ đã là một đô thị sầm uất.

Nhưng vào thành phố thì dấu tích vùng đất của đệ nhị thế chiến hiện ra với những hàng me tây hai bên đường. Loài cây tán rộng theo chân thực dân này có khắp ngõ phố, với những thân cổ thụ xù xì được trồng từ đầu thế kỷ giúp tôi có cảm giác gần gũi như đang ở một đô thị vùng Nam Trung bộ quê nhà, nơi cũng trồng rất nhiều me tây.

Trên hầu khắp cầu vượt đều có biểu tượng của thành phố là mô hình cầu sông Kwai, cây cầu nổi tiếng trên tuyến đường sắt tử thần. Phía dưới biểu tượng ấy treo rất nhiều cờ của các nước có nhân công tham gia xây dựng. Từ cờ của những nước đồng minh Anh, Úc, Hà Lan... cho đến cờ của đất nước những người dân phu châu Á như Ấn Độ, Malaysia, Việt Nam... và cả cờ Nhật, đều được treo trang trọng, bình đẳng tung bay trong gió.

Melom nói, người Thái tri ân tất cả những ai đã đổ xương máu trên tuyến đường sắt tử thần. Họ không muốn có ranh giới của sự hận thù trong quá khứ len vào sự tưởng niệm. Nói rồi Melom chở tôi ngoằn nghèo qua nhiều con phố mang tên những quốc gia từ Anh, Nhật Bản, Trung Quốc... và cuối cùng đỗ lại con đường mang tên Việt Nam.

Đó là một con đường nhỏ, chỉ dài vài trăm mét với những nếp nhà nửa phố nửa quê có hàng rào hoa rất xinh xắn. Ở một khoảng cách không quá xa với đất nước, nhưng đứng trước tầm bảng hình con cá với dòng chữ : “VIETNAM ROAD”, lòng không khỏi bồi hồi. Có bao nhiêu người Việt trong số hơn 100.000 dân phu châu Á đã vùi xác ở đây? Không ai trả lời được, nhưng hậu thế đã không lãng quên họ!

Tốc độ đô thị hoá cực nhanh nhưng ở Kanchanabury vẫn có nhiều khuôn viên dành xây nghĩa trang và bảo tàng để tưởng niệm nạn nhân của tuyến đường sắt tử thần. Có đến ba bảo tàng, mỗi nơi là một pho sách về lịch sử bi thương của con đường. Lại vẫn như những con đường treo đầy cờ tôi thấy, người ta đặt cho bảo tàng lớn nhất ở đây là JEATH War. Chữ JEATH là tên những ký tự đầu tiên của các nước Nhật Bản, Anh, Úc, Thái Lan và Hà Lan những quốc gia đã tham chiến trên mảnh đất này. Đến đây, chỉ có sự tưởng niệm, không có chỗ cho những ký ức hận thù.

Giữa trung tâm thành phố là ba nghĩa trang các tù binh chiến tranh, nằm dưới tàn bóng mát cổ thụ, mỗi nấm mộ đều được lát đá hoa cương và trồng một cành hồng nhỏ cùng rất nhiều loài hoa khác. Ở đó tôi gặp cả những du khách Nhật Bản đến thăm viếng. Như nhiều khách phương Tây khác, họ cũng đứng lặng lẽ và trầm mặc. Dưới chân tôi và những con người ấy, ranh giới giữa đồng minh, phát xít hay thuộc địa đã bị xoá nhoà. Chỉ có mỗi nấm mộ là một câu chuyện bi thương và cảm động kể từ quá khứ, nhắc nhớ cho tất cả về giá trị của hoà bình.

Thành phố không biên giới

Người Thái đúng là bậc thầy về làm du lịch, sự trân trọng quá khứ của họ đã đưa Kanchanabury từ một vùng đất hoang vu trở thành tâm điểm du lịch của khách quốc tế khi đến Thái Lan.

Du khách gọi Kanchanabury là thành phố “Liên hợp quốc”. Bởi không chỉ có việc treo cờ và đặt tên đường sá, rất nhiều nhà hàng, khách sạn cho đến trạm xăng, bến xe hay chỉ một quán tạp hoá nhỏ cũng có thể mang tên một quốc gia có công nhân góp sức trên tuyến đường sắt tử thần này. Và dĩ nhiên khó có du khách nào cưỡng lại được việc một lần quá bộ bước vào. Vui vẻ móc hầu bao cho những món hàng và dịch vụ của chủ tiệm mang tên đất nước mình ở một nơi xa lạ.

Cảnh xây dựng cầu sông Kwai năm 1945

Gần 200 km đường sắt ở vùng giáp ranh giữa Thái Lan và Miến Điện đã được Chính phủ hai nước dỡ bỏ sau thế chiến thứ hai, bởi khi đó không ai muốn con đường tử thần này lại sẽ còn có hội tiếp tay cho những cuộc xâm lược. Nhưng nay trên đất Thái, những chuyến tàu với đầu máy hơi nước vẫn phì phò nhả khói chở du khách qua cầu sông Kwai, qua nhà ga Hintok, cầu Cỗ Bài và đèo Hoả Ngục.

Cầu sông Kwai, cây cầu bé nhỏ nhưng được cả thế giới biết đến điệu huýt sáo réo rắt và những hình ảnh bi tráng từ bộ phim của đạo diễn David Lean là nơi được du khách ghé thăm nhiều nhất ở Kanchanabury. Hai bên cầu những cánh rừng thâm u đã được thay bằng những dãy nhà hàng, khách sạn cao cấp. Không chỉ tái hiện những đoàn tàu hơi nước chạy xình xịch trên cầu, phía dưới sông Kwai những chiếc ca nô và thuyền kayak hay độc mộc tiếp tục đợi du khách cận cảnh những góc quay hồi hộp trong cảnh cuối cùng của bộ phim Cầu sông Kwai, khi cây cầu bị gài mìn.

Mỗi năm một lần, cứ vào cuối tháng 11 đến giữa tháng 12 lễ hội sông Kwai lại diễn ra. Đó là lúc du khách đổ về nhiều nhất và dành thời gian để xem hai suất biểu diễn anh sáng laze mỗi ngày. Tái hiện lại cảnh quân đội đồng minh dội bom phá hủy cầu, chấm dứt chuỗi ngày đau thương trên tuyến đường sắt tử thần.

Một cây cầu bé nhỏ những có rất nhiều thứ để khám phá, không chỉ trên chuyến tàu hơi nước hay buổi trình diễn ánh sáng từ lễ hội sông Kwai. Mà từ cả những vật nhỏ bé như con đinh ốc được gỡ từ tuyến đường ray ở Singapore đến những thanh tà vẹt được ra đời từ xưởng cơ khí của quân Nhật cũng đều là chứng tích sống động từ quá khứ. Đi trên cây cầu ấy không chỉ có khách du lịch mà còn có rất nhiều những cựu tù binh còn sống sót, họ lập thành nhiều nhóm nhỏ ở mỗi quốc gia và thường xuyên quay lại đây để hồi tưởng. Ở đó, khung cảnh và con người hình như vẫn đậm đặc nét thời gian nhưng không còn một ranh giới nào giữa phát xít và đồnh minh, giữa thiện và ác như 65 năm trước.

Vì thế một thành phố tỉnh lẻ bé nhỏ như Kanchanabury nhưng mỗi năm có đến gần 1,5 triệu du khách ghé thăm. Con số ấy làm câu chuyện kể từ tuyến đường sắt tử thần thêm một lần nữa để người ta phải nhớ. Không chỉ vì quá khứ thương đau mà cả cách người Thái Lan đã làm giàu mảnh đất của mình bằng tấm lòng với quá khứ.

Bộ phim Cầu sông Kwai đã đưa Kanchanabury lên bản đồ du lịch thế giới

Trước năm 1957, khi bộ phim Cầu sông Kwai chưa ra đời, Kanchanbury là một vùng đất gần như vô danh vớI khách du lịch. Nhưng bộ phim với tám đề cử giải Oscar đã kéo du khách nườm nượp đổ về vùng đất hoang vắng này của Thái Lan.

Bộ phim Cầu sông Kwai do đạo diễn người Mỹ David Lean thực hiện dựa trên tiểu thuyết cùng tên của tác giả người Pháp Pierre Boulle. Nội dung phim kể về một nhân vật có thật là trung tá Philip Toodsey, tù binh chiến tranh của lực lượng đồng minh. Ông chính là người chỉ huy nhóm tù binh đồng đội của mình xây dựng chiếc cầu qua sông Kwai theo mệnh lệnh của quân Nhật. Cảnh quay đẹp nhất, nhạc phim hay nhất, diễn xuất của vai nam chính hay nhất và đạo diễn cùng biên kịch cũng hay nhất... tám đề cử của giải Oscar đã đưa Kanchanabury nổi tiếng theo bộ phim.

Theo Nguyễn Viễn Sự (PL)

KỲ 1: Cuộc mộ phu tàn ác