Chất lượng cán bộ y tế

Gần đây, xã hội vô cùng lo lắng trước những thông tin liên tiếp về tình trạng bệnh nhân gặp tai biến trong khi tiêm vắc xin, sinh đẻ, khám chữa bệnh ở các cơ sở y tế trong đó có nhiều vụ chết người, có cả sản phụ và trẻ em; tình trạng quá tải ở các bệnh viện trung ương mà một trong những nguyên nhân hàng đầu là người bệnh không tin vào trình độ chuyên môn của cán bộ y tế; những phản ứng căng thẳng giữa cán bộ y tế với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân… nhiều vụ trong số đó là do trình độ chuyên môn yêu kém của “người bệnh viện”.

Nói đến trình độ chuyên môn, người ta nghĩ ngay đến chất lượng đào tạo. Đó là một thực tế đáng giật mình.

Theo Bộ Y Tế lượng cán bộ y tế của ta thiếu rất nhiều. Hiện nay, mỗi năm nước ta đào tạo 6.500 bác sĩ, 2.800 dược sĩ, 5.000 cử nhân điều dưỡng, kỹ thuật y học, y tế cộng đồng và khoảng 5.100 cán bộ y tế có trình độ sau đại học nhưng so với nhu cầu vẫn như muối bỏ bể. Sự chệnh lệch giữa cung và cầu khiến cho việc đào tạo cán bộ y tế có trình độ trên đại học, đại học và cao đẳng kể cả các cấp học thấp hơn… trở thành một lĩnh vực đào tạo nóng, đầy hấp dẫn.

Giống như các ngành đào tạo kinh tế quốc dân, kỹ sư hàng hải viễn dương, quản trị-kinh doanh, tin học-điện tử, tiếng Anh, báo chí… trước đó, nhiều trường công lập và dân lập đổ xô xin được mở ngành đào tạo y, dược. Tính đến cuối 2012, cả nước có 26 trường đại học, 74 trường cao đẳng, 44 trường trung cấp và dạy nghề y, dược gấp hàng chục lần trước đó ít lâu nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu xã hội, nhất là khi các bác sĩ, được sĩ được mở phòng khám, mở cửa hàng thuốc (cũng có nghĩa là những cử nhân y dược có thể cho thuê bằng với giá trung bình hiện nay là 3 đến 4 triệu đồng/tháng).

Trước một ngành đào tạo có lãi như vậy, nhiều trường đại học đa ngành cũng lao vào tuyển sinh y dược dù không có đủ điều kiện cán bộ giảng dạy, không có bệnh viện thực tập hoặc bệnh viện thực tập quá xa, không đủ thiết bị và kể cả không có đủ sinh viên theo học. Trong khi trường đại học Y Hà Nội lấy điểm trúng tuyển là 27,5 điểm thì nhiều trường hạ xuống 14 điểm, ngang với điểm sàn để vét người học.

Trình độ đầu vào thấp, thày dạy thiếu, cơ sở vật chất thiếu, nơi thực tập thiếu… tất nhiên không thể đòi hỏi chất lượng đào tạo cao được. Đấy là đào tạo chính qui, ngoài ra còn các kiểu đào tạo khác thực chất là đánh trống nộp tiền, bằng thật kiến thức giả, bằng giả kiến thức giả. Cũng cần nói thêm rằng chế độ tiền lương, điều kiện làm việc, ảnh hưỡng xã hội và chế độ bồi dưỡng, nâng cao tay nghề không được chú ý đã khiến cho chất lượng đào tạo ban đầu đã kém, sau một thời gian hành nghề, trình độ anh chị em càng cùn mòn hơn.

Ai có trách nhiệm trước thực tế đó? Có thể nói cả bộ GD - ĐT và Bộ Y Tế , nói rộng hơn là cả xã hội. Nhưng sẽ là thừa nếu chỉ qui trách nhiệm rồi bỏ lửng, không tìm được lối thoát khả thi cho thực trạng này .

Thành Tâm, TNN