Chèo

Chèo là đại diện tiêu biểu của sân khấu truyền thống Việt Nam. Đất chèo có gốc từ vùng châu thổ sông Hồng. Khởi đầu bằng hình thức trò nhại, trò diễn xướng dân gian từ thế kỷ X-XI, chèo dần dần trở thành một sinh hoại văn hóa của đa số làng quê Bắc Bộ. Sau mỗi lần vụ thu hoạch lúa, nông dân lại tổ chức các lễ hội để vui chơi và cảm tạ thần thánh đã phù hộ họ được mùa no ấm. Từ thiên niên kỷ thứ nhất trước Công nguyên, dường như họ đã biết biểu diễn các vở chèo đầu tiên trên sân đình.

Nhạc cụ chủ yếu của chèo là trống chèo. Chiếc trống là một phần của văn hoá cổ Việt Nam, người nông dân thường đánh trống để cầu mưa và biểu diễn chèo.

Trống chèo

Chèo bắt nguồn từ âm nhạc và múa dân gian, nhất là trò nhại từ thế kỷ thứ 10. Qua thời gian, người Việt đã chuyển các tích truyện ngắn của chèo dựa trên trò nhại thành những vở diễn trọn vẹn dài hơn.

Tương truyền lịch sử của chèo có một mốc quan trọng sau khi Lý Nguyên Cát là một diễn viên Kinh kịch phục vụ quan quân nhà Nguyên bị bắt làm tù binh rồi ở lại Việt Nam. Ông đã đưa nghệ thuật Kinh kịch của Trung Quốc vào chèo Việt Nam. Trước kia chèo chỉ có phần nói và ngâm các bài dân ca, nhưng do ảnh hưởng của nghệ thuật được Lý Nguyên Cát mang tới, chèo có thêm phần hát.

Vào thế kỷ 15, vua Lê Thánh Tông đã không cho phép biểu diễn chèo trong cung đình, do chịu ảnh hưởg của đạo Khổng. Do không được triều đình ủng hộ, chèo trở về với những người hâm mộ ban đầu là nông dân và nhiều kịch bản đã được lấy từ những truyện viết bằng chữ Nôm. Tới thế kỷ 18, chèo đã lan khắp vùng nông thôn Việt Nam và tiếp tục phát triển, đạt đến đỉnh cao vào cuối thế kỷ 19. Những vở nổi tiếng như Quan Âm Thị Kính, Lưu Bình Dương Lễ, Kim Nham, Trương Viên xuất hiện trong giai đoạn này. Đến thế kỷ 19, chèo chịu ảnh hưởng của tuồng, khai thác một số tích truyện như Tống Trân, Phạm Tải, hoặc tích truyện Trung Quốc như Hán Sở tranh hùng. Xưa kia phường chèo do một ông trùm cầm đầu đi diễn ở các thôn xã vào những dịp lễ, tết, hội hè. Sân khấu chèo xưa kia là hai chiếc chiếu trải ở giữa, khán giả ngồi vây ba mặt nên gọi là chiếu chèo hay chèo sân đình. Đầu thế kỷ 20, chèo được đưa lên sân khấu thành thị và trở thành hiện đại hơn với những chủ đề mới, tuy rằng một số vở chèo vẫn ra đời bằng cách dựa theo các truyện cổ tích, truyện Nôm như Tô Thị, Nhị Độ Mai...

(tổng hợp theo: wikipedia)