Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều:

"Chỉ có con người là làm khổ con người"

Nguyễn Quang Thiều là tác giả của 8 tập thơ, 13 tác phẩm văn xuôi (tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện thiếu nhi), 3 tác phẩm dịch thuật. Ngoài giải thưởng Hội Nhà Văn Việt Nam năm 1993 cho tập thơ Sự mất ngủ của lửa, anh còn nhận được hơn 20 giải thưởng văn học khác trong và ngoài nước.

Không chỉ tài hoa và nổi tiếng với văn thơ, Nguyễn Quang Thiều còn là một nhà báo cự phách, một kịch tác gia sân khấu và điện ảnh... Người đàn ông thường tự nhận là mình "xấu trai" ấy luôn viết với sự vẫy gọi duy nhất bởi "nền tự do" của riêng anh.

- Làm thơ, viết văn, làm báo, dịch thuật, viết kịch bản, vẽ tranh... trong tất cả những lĩnh vực đó, anh say đắm nhất và tự tin nhất với lĩnh vực nào? Trong các danh xưng: nhà thơ, nhà văn, nhà báo, nhà biên kịch, dịch giả, họa sĩ, anh thích được gọi bằng danh xưng nào? Ở trong anh, giữa các "nhà" ấy có bao giờ xảy ra sự xung đột hay lẫn lộn?

- Thơ là thế giới mà tôi tìm thấy những cơn mơ và sự tự do của mình. Nhưng tôi không chọn lựa danh xưng nào trong những danh xưng mà chị đưa ra. Ai gọi tôi thế nào cũng được. Vì danh xưng lớn nhất của một con người là... con người.

Không ít văn nghệ sĩ thường nghĩ, có một cái gì đó giống như một sự xung đột hay sự mâu thuẫn giữa các thể loại của nghệ thuật trong cùng một con người sáng tạo ra nó. Đấy là một sai lầm. Bởi bản chất của mọi sáng tạo nghệ thuật là như nhau.

Chúng chỉ khác nhau về hình thức và ngôn ngữ thể hiện. Hơn nữa, mọi loại hình nghệ thuật mà tôi sáng tạo chỉ nhằm tìm đến nền tự do của tôi mà thôi. Đấy là nơi chốn duy nhất vẫy gọi tôi.

- Người ta bảo rằng anh là người tài hoa và thành công ở tất cả các lĩnh vực, từ thơ ca, văn xuôi, báo chí cho đến viết kịch bản, hội hoạ. Bản thân anh có cho rằng đó là một nhận định đúng?

- Tôi yêu tất cả những gì thuộc về vẻ đẹp sự sáng tạo. Làm gì tôi cũng say đắm, sự say đắm của tôi ẩn hiện trong cả một hoài bão được một tòa báo nào đó đề nghị viết. Cho dù bài báo đó có thể không hay. Nhưng thế nào là sự thành công?

Với tôi, trong khoảng 20 năm trở lại đây, tôi quan niệm sự sáng tạo là giải phóng mình chứ không bao giờ là sự nghiệp. Bởi vậy cụm từ thành công nhiều lúc trở nên hài hước.

- Anh là một cây bút nhận được rất nhiều giải thưởng văn học trong nước và ngoài nước. Nhiều tác phẩm của anh đã được dịch và phát hành ở nước ngoài. Có bao giờ anh thử lý giải vì sao mình lại được trao nhiều giải thưởng đến thế, vì sao tác phẩm của mình lại tạo được sức hút đối với độc giả trong nước và nước ngoài như vậy?

- Có lẽ tác phẩm của tôi đã chạm vào một nơi chốn nào đó mà nó có trong thế giới nội tâm của nhiều người. Nếu tôi viết về lòng hận thù thì hỏi có bao người cũng có lòng hận thù như tôi?

Nếu tôi viết về sự dị biệt của dân tộc này thì hỏi có bao dân tộc có cùng sự dị biệt ấy hay hiểu được sự dị biệt ấy?

Nếu tôi viết để lớn tiếng để dạy một bài học đạo đức cho độc giả thì hỏi có bao nhiêu độc giả chấp nhận sự dạy dỗ ấy và liệu tôi có đạo đức hơn bao nhiêu người.

Với tôi, nghệ thuật là sự khám phá đời sống và chia sẻ với con người. Sự tuyệt vọng của một con người và đôi khi là sự sám hối sẽ được chia sẻ, còn sự thù hận chắc chắn sẽ không được chấp nhận.

- Là người rất quan tâm và đặc biệt ưu ái đối với những nhà thơ trẻ, anh nhận xét gì về thế hệ những nhà thơ trẻ của chúng ta?

- Thông minh, hiểu biết, độc lập và tự tin. Họ chính là hy vọng của một nền văn học Việt Nam lớn. Nhưng một điểm rất yếu của họ là: họ chống lại cái cũ của người khác nhưng không chống lại được cái cũ của chính mình.

- Là người làm báo chuyên nghiệp, ở bất cứ tờ báo nào anh cũng tạo được sự kiện nổi đình nổi đám. Thế nhưng, con đường làm báo của anh cũng nhiều lận đận, bất ổn... Nhìn lại cả con đường dài làm báo, anh có thể nói gì về nghề báo của mình?

- Tôi duy nhất chỉ muốn làm nghề, nhưng những người quản lý tôi lại nghĩ tôi đang định làm điều khác. Sự lận đận, bất ổn nếu có của tôi sinh ra từ điểm này. Hình như tôi không giống quá nhiều người. Sự không giống luôn luôn làm cho tôi bị "lộ" ra.

- Đã từng phụ trách chuyên mục nhân vật trên báo An ninh Thế giới Cuối tháng, bản thân cũng là nhân vật thường xuyên được báo chí phỏng vấn, anh nghĩ gì về tác nghiệp của nhà báo trong việc phỏng vấn để xây dựng chân dung nhân vật?

- Phỏng vấn là một thể loại đặc biệt của nghề báo. Tôi đọc báo nước ngoài thấy họ làm phỏng vấn thật hay. Khi tôi đẻ ra loại phỏng vấn dài "dằng dặc" trên tờ An ninh thế giới Cuối tháng thì có một số người phản đối. Nhưng tôi và các đồng nghiệp đã thực hiện cách phỏng vấn này một cách xuất sắc.

Các nhà báo chúng ta mắc một lỗi vô cùng quan trọng trong phỏng vấn là: họ tự nguyện trở thành một người cầm micro cho người khác phát biểu cảm tưởng và rất hiểu lơ mơ về vấn đề họ phỏng vấn. Họ không biết phỏng vấn chính là nghệ thuật của sự phản biện.

Rất nhiều người đọc phỏng vấn mà không thấy câu cuối cùng: "Xin cảm ơn ông (bà)" thì nói người phỏng vấn thiếu văn hóa. Cách đọc như vậy chắc chắn là một người chưa biết làm báo.

- Anh đã từng tuyên bố: "Tôi luôn tìm cách phủ định chính bản thân mình của ngày hôm qua bằng những thử thách khác nhau..." Liên tục những cuộc hành trình "phủ định chính bản thân mình của ngày hôm qua..." có khiến anh cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi...?

- Phủ định chính bản thân mình chính là sự chuyển động. Nếu không chuyển động thì mọi vật đều bị huỷ diệt. Phủ định thì mới có khám phá.

Đời sống là sự khám phá không ngưng nghỉ. Nó chỉ tạo ra cho chúng ta niềm hứng khởi sống chứ không bao giờ làm ta mệt mỏi hay chán nản.

- Trong sáng tác văn chương và báo chí, điều thu hút tạo cảm hứng cho anh là tâm hồn và số phận của người phụ nữ chứ không phải nhan sắc của họ. Vậy trong đời thường cũng thế hay ngược lại?

- Trong đời thường, một phụ nữ không nhan sắc thì tôi không có cách nào làm cho người phụ nữ đó có nhan sắc. Nhưng trong tác phẩm, tôi có quyền tạo ra một phụ nữ nhan sắc.

- Anh đã từng nói: "Phụ nữ chỉ yêu những câu văn chứ không yêu con người thật của tôi". Thậm chí anh còn dẫn chứng một nữ độc giả đã gửi thư cho anh, nhắc đến câu nói của Mỵ Nương với Trương Chi đại ý "nghe tiếng hát của chàng lòng em mê đắm, nhưng khi nhìn thấy chàng em lại thất vọng". Chẳng lẽ anh cũng tự cho rằng ngoại hình của mình như chàng Trương Chi?

- Khi tôi ở tuổi mười tám đôi mươi, tôi rất buồn vì mình xấu trai quá. Tôi đã viết câu thơ: Tôi là con của Trương Chi. Nhưng ngoài 40 tuổi thì tôi không để ý nữa. Người Pháp có câu: "Những người đàn bà gặp nhau thì ngắm nhìn nhau, còn những người đàn ông gặp nhau thì nghe nhau. Nhan sắc là nhan sắc của người đàn bà, còn sự không nhan sắc là nhan sắc của người đàn ông".

- Thời kỳ vợ anh còn là người yêu của anh, mỗi khi anh viết xong một tác phẩm mới, cô ấy là người đầu tiên được đọc. Sau khi đã là vợ anh, tự dưng cô ấy không còn cái vinh dự là người đầu tiên được đọc tác phẩm mới của anh... Lẽ nào đây là sự khác biệt đáng buồn giữa tình yêu và hôn nhân?

- Không phải vợ tôi không còn cái vinh dự ấy nữa mà tôi đã biết thương vợ hơn.

- Người ta vẫn bảo rằng làm vợ văn nghệ sĩ thì khổ lắm... Anh có bao giờ làm khổ vợ mình?

- Thực ra trong cuộc đời này, chỉ có con người là làm khổ con người. Tôi cũng ở trong đám người ấy.

- Cảm ơn anh đã dành cho chúng tôi cuộc trò chuyện này. Mong rằng điều ước của anh sẽ thành hiện thực.

Theo Diễm Chi (Phụ Nữ)