Chia sẻ của người chụp ảnh Đại tướng từ năm 1972

Chụp ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ năm 1972, sau này Đại tá Trần Hồng được ông chọn là người chụp ảnh riêng. Đại tá Trần Hồng đã chụp và trân trọng lưu giữ hàng ngàn bức chân dung Đại tướng, trong đó có nhiều bức toát lên vẻ bình dị thường ngày của một thiên tài quân sự. Đau buồn trước sự ra đi của Đại tướng, Đại tá Trần Hồng tâm sự với Báo Người Lao Động:

[navy]Đại tướng Võ Nguyên Giáp: "Nếu không có chiến tranh tôi sẽ hạnh phúc với nghề giáo" - Ảnh: Trần Hồng[/navy]

Tôi luôn bị day dứt và ám ảnh bởi những khoảnh khắc trong cuộc sống đời thường của Đại tướng. Là vị tướng lừng danh, được cả thế giới biết đến, được nhân dân cả nước tôn kính nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn sống giản dị, trong bữa ăn cũng như sinh hoạt. Ông dân dã trong từng bữa ăn tới mức thời tôi là trung tá cũng nghèo lắm mà thấy bữa ăn của mình còn sang hơn bữa cơm của Đại tướng.

Sau này càng đi nhiều, càng có dịp gần gũi với Đại tướng tôi càng hiểu ra đức tính cần kiệm với ông là một phong cách, một điều gì đó tự nhiên. Ông theo Bác Hồ từ những năm đầu cách mạng gian khó, hoàn cảnh khổ cực nào cũng đã trải qua nên ông đồng cảm và luôn chia sẻ với đồng bào, chiến sĩ.

Tôi nhớ có lần về thăm Nghệ An, lãnh đạo tỉnh bố trí Đại tướng nghỉ ở khách sạn Phương Đông lớn và sang trọng bậc nhất thành phố Vinh. Khách sạn này phục vụ các bữa ăn kiểu buffet với nhiều sơn hào hải vị nhưng trong khẩu phần ăn của mình Đại tướng thường chỉ chọn các món khoai, sắn.

Một phần là ông thích những món đó nhưng đó cũng là một đặc điểm, một bản chất của người học trò Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông không sống khác được.

[navy]Một bữa trưa của Đại tướng và phu nhân - Ảnh: Trần Hồng[/navy]

Chắc ít ai hình dung rằng, bữa trưa của Đại tướng và phu nhân, bà Đặng Bích Hà, có khi chỉ có chút cơm trắng và 2 quả trứng luộc. Ông nhường bà và bà lại nhường ông. Họ cứ đẩy qua đẩy lại như vậy suốt bữa ăn.

Trong sinh hoạt thường ngày ông tiết kiệm từng hạt gạo cũng như trong chiến tranh ông quý từng giọt máu của người chiến sĩ. Ông là vị tướng từ nhân dân mà ra và chiến đấu cả đời vì nhân dân nên ông sống như bao người dân bình thường nhất.

Đại tướng chơi đàn sau này đã gợi cảm hứng cho nhiều nhạc sĩ. Bên cây đàn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thể hiện rõ sự nhân văn của ông. Không ai muốn nghe âm thanh của bom đạn, tất cả đều chỉ muốn được nghe âm thanh của hoà bình. Một vị tướng đạt đến tột đỉnh của vinh quang như ông nhưng ông luôn nói: “Nếu không có chiến tranh tôi sẽ hạnh phúc với nghề giáo”.

[navy]Mạnh Duy ghi, NLĐ[/navy]