Chó Saint Bernard - loài quốc thú độc đáo của Thụy Sĩ

Saint Bernard là một địa danh lịch sử lâu đời của Châu Âu nhưng ngày nay càng trở nên nổi tiếng hơn nhờ một giống chó quý hiếm của Thụy Sĩ

Thánh Bernard. Trích tranh J.Fouquet, musée Condé, Chantilly

Saint Bernard – một địa danh lịch sử

Núi Saint Bernard cao hơn 2000 mét nằm trên đất Thụy Sĩ, cách Geneva chừng 200km về phía Nam, thuộc dãy An-pơ (Alps) hiểm trở ngăn cách bán đảo Italia với lục địa châu Âu. Chính quyền chỉ cho phép du khách đến thăm từ tháng 7 đến tháng 9, là lúc đường không bị phủ kín băng tuyết. Tới đây ai cũng nhớ lại hai vị anh hùng có công khai phá con đường vượt núi này.

Năm 58 trước CN, Julius Caesar (Xê-da), một trong 3 người đứng đầu đế quốc La-mã, cho mở con đường qua núi Saint Bernard, sau đó ông dẫn quân vượt dãy An-pơ chiếm gần hết miền Tây và Nam châu Âu, đem lại phương thức sản xuất tiên tiến cho xứ này. Ngày ấy Italia đã tiến sang chế độ nô lệ, có nền nông nghiệp, khoa học kỹ thuật và chính trị phát triển cao hơn so với đại lục châu Âu còn ở vào thời kỳ xã hội nguyên thủy. Hơn 1800 năm sau, hoàng đế Pháp Napoleon mở rộng con lộ này, dẫn đại quân vượt dãy An-pơ tiến xuống phía nam, bất ngờ giáng cho quân địch một trận tiêu diệt chiến. Con lộ Saint Bernard đã làm cho tên tuổi Ceasar và Napoleon lừng lẫy năm châu, từ đó nền văn minh phương Tây hình thành.

Trên núi có một hồ nước nhỏ, trước là ranh giới Thụy Sĩ với Italia nhưng bây giờ ranh giới ấy chẳng còn nữa. Nước hồ soi bóng pho tượng giáo sĩ Saint Bernard, tay chống gậy, vạt áo tung bay, tựa như ông đang lần bước đi tìm các nạn nhân bị tuyết vùi. Tu viện cổ rêu phong vẫn hiên ngang đứng trên đỉnh núi, cạnh một khách sạn nhỏ 3 tầng mới xây.

Chó Saint Bernard

Saint Bernard – tên một loài chó nổi tiếng

Nói đến Saint Bernard, ngày nay người ta thường chỉ biết đó là tên một giống chó – loài “quốc thú” riêng của Thụy Sĩ có bộ lông nâu xen trắng, từng lập nhiều công trạng lưu truyền trong sử sách. Du khách tới đây đều muốn tận mắt thấy loài chó Saint Bernard dáng to đẹp và vẻ hiền lành. Trẻ em nào nhát lần đầu thấy chúng đều khóc thét lên, vì chúng to quá chừng ! Một con Saint Bernard trưởng thành cao tới 70 cm, nặng 70-100 kg, trông như con bê ! Chúng ăn khỏe kinh khủng nên chả mấy ai dám nuôi.

Vùng núi Saint Bernard hàng năm 9 tháng băng tuyết phủ kín, khách bộ hành dễ đi trệch ra khỏi đường và rơi xuống vực tuyết sâu rồi chết do không thoát lên được. Thế kỷ XI sau CN, linh mục Bernard người Thụy Sĩ dầy công xây dựng trên đỉnh núi một tu viện nhằm cứu người gặp nạn và nuôi một loại chó chuyên dùng vào việc ấy. Vị linh mục nhân ái sau khi chết được phong thánh, gọi là Saint (Thánh) Bernard. Núi này vì thế gọi là núi Saint Bernard, loài chó nuôi ở đây cũng được gọi theo tên ấy.

Chó Saint Bernard nổi tiếng về tài đánh hơi lần ra dấu người, tìm thấy nạn nhân thì sủa và kéo họ lên với một sức khỏe kinh khủng và tinh thần tận tụy đến cùng. Có nạn nhân vừa thấy con vật khổng lồ này đã ngất đi vì sợ.

Chó Saint Bernard ngày nay không còn vẻ oai phong như xưa, vì nhiều năm nay chúng chỉ dùng làm vật trưng bày; vả lại chúng đều bị nhốt. Trước đây chúng vẫn được thả rông để du khách ngắm nghía vuốt ve, nhưng vì thấy nói chúng hiền lành nên có khách nghịch ngợm trêu chọc, khêu gợi bản tính hoang dã của chúng, khiến cho có lần lũ chó tức giận cắn chết một cô bé. Ngày nay việc cứu người bị tuyết vùi được giao cho loài Alsace – một chủng bec-giê Đức thường dùng trong quân đội, cảnh sát và dẫn đường cho người mù hoặc canh nhà. Chó Alsace nhanh hơn chó Saint Bernard to con nhưng chậm chạp.

Tu viện có nuôi chó con, phần lớn để bán với giá cao, chỉ giữ lại một số ít làm giống hoặc để trưng bày.

Có nhiều huyền thoại về giống chó kỳ lạ này. Nổi tiếng nhất là chuyện 3 chú chó có tên Bali. Đầu thế kỷ XIX, “Bali đệ nhất” phục vụ 12 năm trên núi, từng cứu được 40 nạn nhân. Khi “về hưu”, nó được đưa về thủ đô Bern chăm sóc cho đến khi chết, xác được nhồi bông và bày ở Viện bảo tàng lịch sử Thụy Sĩ. “Nghĩa trang chó” tại Paris có dựng bia kỷ niệm chạm hình vẽ nó đầu ngẩng cao hiên ngang, lưng cõng một chú bé hai tay thân thiết ôm lấy cổ nó; bên dưới viết: “Con vật này đã cứu được 40 người, nhưng khi cứu người thứ 41 thì nó hy sinh”. Do “Bali đệ nhất” công trạng hiển hách nên về sau chó Saint Bernard nào đẹp nhất, hùng dũng nhất đều được gọi là “Bali”. “Bali đệ nhị” và “Bali đệ tam” đều nổi tiếng dũng cảm và đều hy sinh khi làm nhiệm vụ. “Bali đệ nhị” rơi xuống nước khi chạy trên lớp băng mỏng mặt hồ, nước ngâm lâu làm hỏng mất bộ lông. “Bali đệ tam” rơi xuống vực tuyết trên đường đi cứu người, được nhồi bông làm thành tiêu bản bày trong tu viện.

Trong hơn 200 năm tu viện tồn tại, tổng cộng có khoảng 2000 người được loài chó Saint Bernard cứu sống. Nhờ sự cứu giúp của chó và của các tu sĩ mà suốt từ năm 1790 đến năm 1810, không một binh sĩ nào bị chết vì tuyết vùi nữa, kể cả 250 nghìn lính Napoleon hành quân qua đây.

Mỗi nước đều có một con vật tiêu biểu: Thái lan có voi, Anh có sư tử, Australia – chuột túi, Nga – gấu ... Chó Saint Bernard là con vật được người ta ưa thích nhất, vì chúng làm nên những câu chuyện có thật tiêu biểu cho một truyền thống tinh thần đạo đức tốt đẹp đáng ca ngợi.

Nguyễn Hải Hoành (tổng hợp từ báo chí nước ngoài)