Chủ Nghĩa Duy Lý

Rationalism

Mies van der Rohe: German Pavillon, Barcelona, Taay Ban Nha

Chủ Nghĩa Duy Lý là một trào lưu kiến trúc phát triển từ nửa đầu thế kỷ XX do một Kiến trúc sư người Ý là Aldo Rossi khởi xướng. Các học thuyết của Chủ Nghĩa Duy Lý cho rằng Kiến trúc phải dựa trên những qui tắc hợp lý, giải pháp cho các vấn đề kiến trúc phải mang tính khả thi cao trên cơ sở của các phong cách thiết kế duy lý và trật tự lô gíc của thành phố. Kiến Trúc Duy Lý theo đuổi một phương pháp liên quan đến cái gọi là “lập luận có lý” (Rational Intellectual) trong thiết kế. Không những là sự kết hợp hết sức hài hoà của Kiến Trúc Công Năng với các khía cạnh về triết học, kinh tế, chính trị, xã hội. Chủ Nghĩa Duy Lý còn hướng tới sự hoàn thiện trong văn thể và các giá trị biểu tượng. Những luận điểm của Kiến Trúc Duy Lý gợi lại các nguyên tắc cơ bản của kiến trúc cổ mà đặc biệt là kiến trúc thời kỳ Phục Hưng, nó được bắt nguồn từ đó nhưng phát triển ở mức độ cao và hoàn hảo hơn.

Auguste Perret: căn hộ ở phố Franklin, Paris

Vitruvius - một Kiến trúc sư người Ý trong cuốn sách “De Architect” đã viết “kiến trúc cũng nên được coi như một ngành khoa học và cần được hiểu, nhận thức một cách duy lý”. Điều này cũng tương tự như sự phát triển của Chủ Nghĩa Phục Hưng, coi trọng tư duy lý luận trong nghệ thuật, những vẻ đẹp đúng đắn có cơ sở của Kiến Trúc Cổ Điển hơn là sự hoa lệ, mỹ miều của trào lưu Baroque vào thế kỷ XVIII. Trong cuốn sách “L’Architecttura della Citta” xuất bản năm 1966, Aldo Rossi nêu ra rằng Kiến Trúc Duy Lý là sự hỗn dung của những học thuyết duy lý và các tư tưởng phục hưng, là sự tiến hoá của Kiến Trúc Cổ Điển kết hợp với quan điểm của những năm 1920. Chủ Nghĩa Duy Lý cho rằng Kiến trúc là một bộ môn khoa học độc lập, vì thế nó cũng có các định luật, định lý, nó chịu ảnh hưởng những luật lệ của tự nhiên và có tính chất chính đáng hợp lý riêng của nó. Những nghiên cứu mang tính học thuyết và chính trị của Chủ Nghĩa Duy Lý khắc phục sự lìa xa, đưa đến sự kết dính hài hoà giữa con người và Kiến trúc. Tuy nhiên cũng chính vì lẽ đó mà một số nguyên tắc của Chủ Nghĩa Công Năng ít nhiều bị phủ nhận và thay vào đó là Chủ Nghĩa Hình Thức (Formalism) cụ thể hơn là Kiến trúc Duy Lý chối bỏ sự phân chia lao động và ủng hộ sự khôi phục lại của một xã hội thuần nhất. Chủ Nghĩa Duy Lý thế kỷ XX không thật sự khởi nguồn từ một học phái đặc biệt hay thuần khiết nào đó mà từ những niềm tin thông thường cho rằng mọi vấn đề phức tạp tồn tại trên thế giới này đều có thể được giải quyết theo từng lý do một cách hợp lý. Vì thế mà nó phản ứng lại với tư tưởng “Thuyết Lịch Sử” (Historicism) và trái ngược với Art Nouveau và Chủ Nghĩa Biểu Hiện (Expressionism). Lòng tin vào một xã hội tiến bộ hơn trong một thế giới hoàn hảo hơn chính là động lực thúc đẩy sự tìm kiếm một nền Kiến trúc tốt đẹp hơn, nền Kiến trúc này phải tạo lập từ các tập thể (Collectives) chứ không phải từ cá nhân (Individualism). Sự hiện diện của nền Kiến trúc này không chỉ hạn chế ở từng công trình riêng lẻ mà mở rộng trên hệ thống công trình, các thành phố và quy hoach đô thị. Nó không thể là Kiến trúc Dân Tộc mà phải là Kiến trúc Quốc Tế (International Style). Đấy là tiền đề dẫn đến năm luận điểm đặc trưng sau đây của Chủ Nghĩa Duy Lý:

1. Những khái niệm về quy hoạch đô thị, kiến trúc và thiết kế công nghiệp nhằm ấp ủ sự tiến bộ của xã hội và nuôi dưỡng một nền giáo dục dân chủ. Thiết kế không còn đơn thuần là sự tìm kiếm riêng rẽ của từng cá nhân về hình khối mà của toàn xã hội.

2. Cách ngôn kinh tế được ứng dụng cả vào sự sử dụng đất lẫn công trình kiến trúc. Điều này thể hiện ở ước mơ muốn thiết kế nhà ở với những nhu cầu thiết yếu nhất để mọi người đều có thể thuê được, trong bối cảnh của nền kinh tế bấp bênh những năm 1920-1930. Những căn hộ, toà nhà không đắt tiền, sự sử dụng đất hợp lý nhất, những hình thức kiến trúc đơn giản, nghiêm khắc, không trang trí rườm rà chính là nét riêng của Chủ Nghĩa Duy Lý.

3. Chủ Nghĩa Duy Lý là sự tham khảo và áp dụng mang tính hệ thống đến công nghệ công nghiệp, sự tiêu chuẩn hoá và các vật liệu co sẵn vào thiết kế môi trường, thiêt kế công nghiệp và quy hoạch đô thị. Đồng thời Chủ Nghĩa Duy Lý đưa ra một phương pháp luận đi ngược lại với các tư tưởng chính thời bấy giờ, nó cho rằng công nghiêp xây dựng cần phải đơn giản hoá, biến đổi theo phương thức bình thường quen thuộc. Tất cả các sản phẩm nên được thiết kế sao cho chúng có thể được sản xuất hàng loạt. Mặc dù trên thực tế điều này không được thực hiện hoàn toàn nhưng nó chính là phép ẩn ý của công nghiệp hoá.

4. Ưu tiên được dành cho quy hoạch đô thị hơn là cho kiến trúc công trình. Các giải pháp thiết kế mang tính toàn diện với quy mô lớn được coi trọng hơn các thiết kế nhỏ và chi tiết.

5. Sự hợp lý trong kiểu dáng kiến trúc là kết quả của sự phát triển có phương pháp từ những yêu cầu khách quan, được đặt trên các khía cạnh kinh tế, chính trị, xã hội, công năng và xây dựng. Hình khối của công trình là một tổng thể lô-gíc không có vẻ được thiết kế bởi ý nghĩ chợt nảy ra của từng cá thể mà bắt nguồn từ những tư duy có thể được điều khiển và chế ngự mang tính tập thể. Trên lý thuyết, tính thẩm mỹ được coi là thứ yếu, trái lại tính khả thi và hợp lý được nâng lên và chú trọng.

Le Corbusier: cung Quốc hội Penjab và Lharyana

Mặc dù bị phản đối nhưng Chủ Nghĩa Duy Lý nhanh chóng phát triển thành một phong cách đồng nhất, triệt để với những kiểu dáng rõ ràng và điển hình. Và mặc dù đi ngược lại với Kiến trúc chính thống, Chủ Nghĩa Duy Lý vẫn trở thành trọng yếu nhất trong các trào lưu nghệ thuật thời đó. Nó vươn lên trên cả học phái Bauhaus và nghệ thuật Avant-Garde thời kỳ đầu thế kỷ XX. Đặc điểm của Kiến trúc Duy Lý là dùng các vật liệu và kính trong các toà nhà. Bề mặt công trình thường có mầu trắng kín liền với những ô cắt mở rõ ràng, những lớp kính có dạng hình chữ nhật v.v. các ngôi nhà dân thường được thiết kế trên nguyên tắc vệ sinh. Mặt bằng tầng một thường được bố trí tạo không gian mở. Khoảng không gian ngăn cách giữa nội thất và ngoại thất không còn nữa. Các phần kết cấu và công năng được nhìn thấy rõ rệt còn các phần trang trí hoạc các chi tiết mang tính lịch sử bị huỷ bỏ.Sự ưu tiên cho mặt chính của toà nhà trong Kiến trúc cổ truyền không còn là yếu tố quan trọng nữa, trái lại tất cả các bộ phận đều được xử lý như nhau.

Mies van der Rohe: Crown Hall, Chicago, Mỹ

Các tác phẩm tiêu biểu nhất trong giai đoạn đầu thế kỷ XX phải kể đến các công trình của Auguste Perret, đặc biệt là căn nhà của ông ở phố Franklin, Paris (1902-1903) , ngoài ra còn một số công trình của Peter Behrens như nhà máy sản xuất tua-bin AEG, Berlin, Đức (1908-1909), của Le Corbusier như thiết kế cho toà nhà Steiner (1927) ở Viên, Áo . Các Kiến trúc sư khác đóng góp lớn vào khuynh hướng Duy Lý gồm: Tony Garnier, Antonio Sant’Elia và nhóm Kiến trúc sư người Hà Lan De Stijl. Thế hệ Kiến trúc sư thứ hai như Le Corbusier, Gropius hoặc Mies van der Rohe được coi là đại diện cho xu hướng tổng hợp xã hội với những giá trị thẩm mỹ học đặc trưng cho ba thập niên đầu của thế kỷ XX. Một loạt các công trình xuất hiện sau chiến tranh thế giới thứ nhất như các toà nhà cao tầng bằng kính và sắt của Mies van der Rohe (1919-1921), toà tháp Chicago Tribune của Gropius năm 1922 , hay dự án Ville Contemporaine của Le Corbusier cho các toà nhà chọc trời có mặt bằng hình thánh giá vào năm 1922 . Những năm cuối của thập niên 1930 các công trình Kiến trúc mọc lên khắp nơi nhưng tiêu biểu nhất vẫn là ngôi nhà German Pavillion ở Barcelona, Tây Ban Nha của Mies van der Rohe năm 1929. Sau đó Kiến trúc Duy Lý được đề cao, đạt được nhiều thành tựu khắp châu Âu và bắt đầu lan sang cả Mỹ. Tuy nhiên sự thay đổi chính trị và văn hoá ở Đức, Italia và Nga đã làm ảnh hưởng tới sự phát triển của nó ở những nước này. Chiến tranh thứ hai bùng nổ sau đó không lâu làm ngưng trệ gần như hoàn toàn các hoạt động thiết kế và xây dựng. Chủ Nghĩa Duy Lý cùng chung số phận với các trào lưu khác buộc phải gián đoạn. Chiến tranh thứ hai kết thúc đánh dấu một bước ngoặt mới, Chủ Nghĩa Duy Lý trở nên lờ mờ, những học thuyết của nó lão hoá không còn phù hợp với sự thay đổi to tát của lịch sử, xã hội và chính trị, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế mới. Một số ít công trình vẫn được xây dựng như toà nhà triển lãm Neue Nationalgalerie của Mies van der Rohe (1962-1968) nhưng bị cách biệt với thế giới Kiến trúc thời bấy giờ. Chủ Nghĩa Duy Lý mâu thuẫn nặng nề với nền Kiến trúc mới và cuộc khủng hoảng năng lượng bước sang một giai đoạn mới.