6262 Giam pagoda

Chùa Giám (Nghiêm Quang Tự)

Hải Dương


Chùa Giám được xây lại vào thế kỷ XVII, là nơi danh y Tuệ Tĩnh từng tu hành. Tên chữ: Nghiêm Quang Tự. Xếp hạng: di tích quốc gia (1974). Vị trí: xã Tân Sơn, X676+VC, Cẩm Giàng, Hải Dương, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 43 km (hướng 3 h)

Từ Hà Nội du khách tới thị trấn Như Quỳnh rồi đi thẳng theo tỉnh lộ TL385, qua thị trấn Cẩm Giàng lại đi tiếp TL388 thêm 4km, đến Tân Sơn rẽ phải vào đường làng vài trăm bước thì nhìn thấy tam quan chùa Giám. Lưu ý rằng hiện nay GoogleMaps đánh dấu vị trí chùa sai lệch về phía đông nam đến hơn 3 km, không rõ vì sao.

Lược sử

Chùa Giám là một công trình kiến trúc Phật giáo tương truyền có từ thời Lý, xây dựng lại cuối thế kỷ XVII và trùng tu vào đầu thế kỷ XX. Tiền thân vốn là chùa Nghiêm Quang Tự nằm trên một cánh đồng phía đông huyện Cẩm Giàng, nơi thiền sư Tuệ Tĩnh từng hành nghề thuốc cứu người. Sau hơn 6 thế kỷ tồn tại, ngôi chùa cũ đã xuống cấp rất nhiều và bị đe dọa phá hủy bởi bom đạn, cho nên tới tháng 4-1970 phải dời đi gần 7 km và dựng lại theo kiến trúc nguyên thủy tại vị trí hiện nay, cách Văn miếu Mao Điền ở phía tây nam chừng 4 km.

Tam quan chùa Giám. Ảnh ©2015 NCCong

Thời đó đang có chiến tranh, việc tháo rời và di chuyển khối kiến trúc lớn cùng các pho tượng được bảo đảm cẩn thận nhưng chỉ thực hiện bằng phương tiện thô sơ, để hoàn thành phải mất tới 7 tháng trời. Ròng rã mãi đến năm 1975 công trình xây lại ngôi chùa Giám tại thôn Tân Sơn, xã Cẩm Sơn mới được hoàn chỉnh, đúng lúc hòa bình trở về Việt Nam.

Trụ trì chùa Giám hiện nay là sư thầy Thích Thanh Lương. Trước tình hình nhiều hạng mục bằng gỗ của chùa hiện nay bị xuống cấp nghiêm trọng, sư thầy và các Phật tử đang gắng sức tổ chức quyên góp để có thể trùng tu, sửa chữa, tiếp tục sự nghiệp bảo tồn di sản lịch sử và văn hóa của những người đi trước.

Năm 1974, chùa Giám được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hoá quốc gia.

Tiền đường chùa Giám. Ảnh ©2015 NCCong

Kiến trúc

Trước cổng tam quan khá khiêm tốn của chùa Giám có đề 3 chữ Hán “Quán Tự Tại”. Sau tam quan là một sân gạch cũng không thuộc loại lớn rồi đến hồ nước hình chữ nhật, hai bên có các hàng cây xanh ven lối đi lát gạch. Du khách có thể hoặc rẽ trái sang thăm nghè Giám cạnh gốc đa cổ thụ, hoặc vòng qua hòn non bộ đến sân tiền đường rồi đi dọc theo bức tường dài phía bên phải để vào chùa trong.

Chùa Giám mang phong cách nghệ thuật kiến trúc thời Lê Trung hưng với mặt bằng hình “nội Công ngoại Quốc”. Khu chùa chính có tường vây kín xung quanh và cửa ngách thông sang nhà Tăng. Tiền đường thấp nhưng khá rộng, gồm 5 gian 2 dĩ, kết nối với hậu cung theo hình chuôi vồ. Các vì chạm hoa lá, các bức cốn và cửa võng chạm quần long cầu kỳ. Bên gian hữu mạc có treo một quả chuông cổ.

Trong chùa Giám. Ảnh ©2015 NCCong

Sau hậu cung là một cột hương bằng đá cổ, rồi đến ngôi nhà phẩm xây trên nền cao, rộng gần 8m2 và cao trên 10m, gồm 3 tầng với 12 mái rất đẹp. Bộ khung nhà bằng gỗ, trên lợp ngói vẩy cá, các đầu đao uốn cong, phía dưới có các mảng gỗ được chạm khắc tinh xảo, bên trong đặt tòa Cửu phẩm Liên hoa nổi tiếng độc đáo.

Song song bên ngoài chính điện và nhà phẩm là 2 dãy hành lang tả hữu với mái cũng thấp, gồm 11 gian thờ tượng 18 vị La Hán chen lẫn các tấm bia đá cổ. Hậu đường không sâu nhưng rộng 7 gian, trong đó đặt các ban thờ Thiền Sư Tuệ Tĩnh, thờ Mẫu và thờ sư Tổ. Tại gian hữu cũng có treo một quả chuông cổ.

Bên hữu khu chùa chính có một vườn tháp mộ trầm mặc. Bên tả là sân cây cảnh với các dãy nhà Tăng, nhà khách, nhà thọ trai kề liền nhau thành hình thước thợ. Từ đây nhìn vào chùa chính chỉ thấy những phần mái cao và bức tường rất dài. Phần lớn diện tích của khuôn viên ngôi chùa Giám rộng lớn được che phủ bởi những tán lá cây xanh mát mẻ.

Hành lang chùa Giám. Ảnh ©2015 NCCong

Di sản

Chùa Giám còn giữ được rất nhiều pho tượng Phật giáo và 2 chuông đồng lớn cùng 15 tấm bia đá mang niên đại từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX. Hai gian bên của nhà tiền tế dựng tượng hai ông Hộ pháp đứng canh. Trên chính điện có các tượng Phật và tòa Cửu Long (Thích Ca sơ sinh) với tượng các vị Bồ tát, Quan Âm tống tử và Thập Điện Diêm Vương đặt ở xung quanh.

Bức tượng đồng tạc hình Phật A Di Đà được đúc năm 1712 do Thái phi Trương Thị Ngọc Chử[1] và vài người khác dốc lòng công đức. Năm 1717, nhà chùa từng cho đúc một pho tượng Quan Âm thánh vị với 24 cánh tay và năm 1775 xây dựng điện Thiên Đế, những việc này cũng do một số cung tần và quý tộc thời ấy quyên góp tiền của mà thành.

Tượng Quan Âm chùa Giám. Ảnh ©2015 NCCong

Đặc biệt phải kể đến tòa tháp Cửu phẩm Liên hoa bằng gỗ màu đỏ sẫm, gồm 9 tầng hình lục giác. Mỗi tầng gắn 18 tượng Bồ tát bằng đồng ngự và 54 cánh sen nổi, chạm khắc những họa tiết sinh động. Toàn bộ kết cấu đặt trên một trụ gỗ lim. Tòa tháp này tuy nặng tới 4 tấn nhưng một người lớn vẫn có thể dùng tay đẩy cho xoay tròn. Trước kia tòa Cửu phẩm xuống cấp nghiêm trọng và 145 pho tượng nhỏ trên đó bị mất trộm. Năm 1997 được nhà nước đầu tư kinh phí, nhà chùa đã cho đảo ngói và tu sửa tòa cửu phẩm.

Ngày 13 tháng Hai âm lịch hàng năm, chùa Giám tổ chức lễ hội rước tượng Tuệ Tĩnh. Trước tiên là đội rước hoa và múa lân rồng, biểu diễn thể thao, rước hồng kỳ. Đi sau có đội trống, đội siêu đao, chấp kích, bát bửu, rồi kiệu thuốc Nam, đoàn tế nam, nối bước là đoàn tế nữ. Tiếp theo là đoàn cung nghinh kiệu Tuệ Tĩnh, tượng của Ngài được đặt trên đòn bát cống, có lọng che hai bên. Cuối cùng là đoàn tăng ni với các Phật tử, bô lão, dân làng và những người khách từ bốn phương về tham dự.

Cửu phẩm liên hoa chùa Giám. Ảnh ©2015 NCCong

Di tích lân cận

Chú thích
[1]Bà Trương Thị Ngọc Chử (張氏玉杵, 1666–1750): vợ Tấn Quang Vương Trịnh Bính, sinh ra chúa Trịnh Cương (鄭棡, 1686–1729), 33 tuổi thì góa chồng. Từ vũ họ Trương, nơi thờ bà ở Như Quỳnh, Hưng Yên là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia từ năm 1992, trong có treo bức hoành phi “Lam Sơn Vọng Phiệt” do vua Lê Dụ Tông tặng năm 1726 kèm theo 5 đôi câu đối.

6262 Giam pagoda ©NCCông 2016