Đàn Nam Giao & lễ tế Giao (VIII)

Toàn cảnh đàn Nam Giao ở Huế

Bia miệng nhắc chuyện phá đàn

Giai đoạn nước nhà chia cắt, chiến tranh ác liệt, di tích đàn Nam Giao hầu như hoang phế. Rừng thông bao quanh bị đạn bom đốn gục một phần, phần khác thì bị thiên hạ tha hồ đẵn làm chất đốt. Thỉnh thoảng, nơi này vụt có chút sinh khí khi các đoàn thể Hướng đạo, Gia đình Phật tử, Thanh sinh Công, Du ca, hoặc các lớp sinh viên, học sinh đến du ngoạn, dựng lều, nổi lửa trại, bày trò chơi lớn. Cũng có vài ký giả, văn nghệ sĩ, nhà giáo, nhà nghiên cứu ghé tới đây quan sát thực địa để khơi nguồn cảm hứng cũng như để phục vụ đề tài liên quan. Trường hợp Huỳnh Hữu Hiến viết bài Đàn Nam Giao in trên tập san Lành Mạnh số 64 (Huế, 1962), Bửu Kế soạn bài Lễ tế Giao đăng tạp chí Đại Học số 37 và 38 (Huế, 1964), Lê Văn Hoàng thực hiện luận văn cao học Sự tích đàn Nam Giao năm 1972 là mấy ví dụ.

Năm 1975, Tổ quốc thống nhất. Hòa bình mới tái lập, bước đầu kiến thiết, cả nước gặt hái lắm thành công song cũng gặp không ít sự cố đáng tiếc, nhiều phen do hừng hực nhiệt tình mà lại thiếu hiểu biết thấu đáo. Với cố đô Huế, một trong những sự cố như thế là việc xâm hại di tích đàn Nam Giao. Trong sách Huế – triều Nguyễn: một cái nhìn (NXB Thuận Hóa, Huế, 2004, tr.126), Trần Đức Anh Sơn phản ánh: “Sau ngày miền Nam giải phóng, trên nền Viên đàn, chính quyền cách mạng đã dựng lên một đài tưởng niệm liệt sĩ để ghi nhớ công ơn những người con đã hy sinh vì dân vì nước. Khu Trai cung trở thành nơi đặt máy xay xát của Công ty Lương thực Thành phố Huế. Trong vòng tường cổ kính rêu phong, người ta đã dựng nên những nhà kho kiên cố, to cao sừng sững, che lấp những bờ nóc, đầu đao chắp hình rồng phụng đã bị chiến tranh làm cho sứt mẻ, què quặt. Trong dư luận nhân dân xuất hiện một câu ca dao bày tỏ sự bất bình về việc đàn Nam Giao bị biến dạng một cách kinh ngạc”.

Ca dao gì vậy nhỉ? Câu hát dân gian kia, mãi tới nay dân Huế vẫn truyền khẩu làu làu thế này:
Trần Hoàn cùng với Bùi San,
Hai thằng hợp tác phá đàn Nam Giao!

Nhân vật thứ nhất trong câu ca chẳng phải ai xa lạ, chính là nhạc sĩ Trần Hoàn. Hồi ấy, từ miền Bắc vào Trường Sơn rồi về tiếp quản Huế năm 1975, Trần Hoàn làm Tỉnh ủy viên kiêm Ty trưởng Văn hóa tỉnh Thừa Thiên, qua năm 1976 còn hợp nhất với hai tỉnh Quảng Trị cùng Quảng Bình thành tỉnh Bình Trị Thiên. Các di tích lịch sử – văn hóa trong tỉnh, đương nhiên do Ty này quản lý, mà trách nhiệm cao nhất giao phó cho tác giả nhiều ca khúc quen thuộc như Sơn nữ ca, Lời người ra đi, Nắng tháng ba, Mùa xuân nho nhỏ (phổ thơ Thanh Hải), Lời ru trên nương (phổ thơ Nguyễn Khoa Điềm), v.v. Còn nhân vật thứ hai là ai? Là bí thư tỉnh ủy Bình Trị Thiên hồi bấy giờ, tức cấp trên trực tiếp của Trần Hoàn. Cả hai nay đã ra người thiên cổ, nhưng xét vụ phá đàn Nam Giao thì dương thế vẫn “cái quan định luận” cho tới giờ vẫn chưa xong.

Thực hư câu chuyện thế nào?

Năm 1975, sau ngày đất nước thống nhất, ngay trên sân đình Nghinh Lương, trước Phu Văn Lâu, một đài liệt sĩ cao chừng 3,5m được bộ đội nhanh chóng dựng lên bằng vật liệu tạm (tôn với gỗ), sơn đỏ, kẻ chữ bằng sơn vàng: “Tổ quốc ghi công”. Tác giả thiết kế công trình kia là trung tá Hồng Khang, trưởng phòng Doanh trại quân khu IV bấy giờ. Năm 1977, đài liệt sĩ kia bất ngờ bị một bàn tay nào đấy giật mìn phá vỡ tung. Hầu tránh dư luận bất lợi, ngay trong đêm, lực lượng quân đội và công an được điều đến Nghinh Lương đình để dọn dẹp hiện trường, đồng thời nhanh chóng dựng lại đài liệt sĩ y như cũ trước bình minh. Tuy nhiên, đầu tháng 11-1977, có tin từ văn phòng tỉnh ủy: “Ngày thành lập quân đội nhân dân 22-12 sắp tới, đồng chí Bùi San sẽ không đến đài liệt sĩ ở Phu Văn Lâu để đặt vòng hoa vì địa điểm đó thiếu an ninh. Vậy cần phải có một đài liệt sĩ mới tại một địa điểm mới!”. Lập tức, đại diện các cơ quan, ban, ngành của tỉnh tập trung họp khẩn tại trụ sở Ty Thương binh và Xã hội – đơn vị chịu trách nhiệm đầu tư xây dựng các công trình loại này. Nhiều địa điểm trong phạm vi thành Huế được đề xuất. Song rốt cục, thật bất ngờ đối với bao người, vị trí được “trên” duyệt là… đàn Nam Giao ở Thủy Xuân!

Đàn Nam Giao nhà Nguyễn bị cải tạo thành đài liệt sĩ, do kiến trúc sư Nguyễn Quý Quyền thiết kế, một kiến trúc sư khác mang họ tên Nguyễn Văn Đoái – lúc ấy là Phó ty Xây dựng tỉnh Bình Trị Thiên – đôn đốc thi công. Đó là một trụ gạch, ốp đá rửa, cao khoảng 10m, dựng chính giữa Viên đàn! Chỉ sau một tháng xây dựng, tới ngày thứ năm 22-12-1977, đài liệt sĩ ở đàn Nam Giao được khánh thành với sự hiện diện của bí thư Bùi San. Từ thời điểm ấy, câu ca dao phản ánh vụ phá đàn Nam Giao bắt đầu truyền tụng mạnh mẽ trong dân gian, vượt khỏi phạm vi thành Huế, vượt khỏi ranh giới tỉnh Bình Trị Thiên cực kỳ lẹ làng.

Đầu xuân Quý Dậu 1993, tổng biên tập tạp chí Kiến Trúc Và Đời Sống là kiến trúc sư Nguyễn Trọng Huấn cho đăng bài viết của chính mình trên số đặc biệt Tết năm đó: bài Ông Trần Hoàn và… “món nợ” đàn Nam Giao. Qua bài viết, với tư cách đồng chí lâu năm của Trần Hoàn, kiến trúc sư họ Nguyễn muốn lên tiếng minh oan cho bạn khi nêu chứng cứ ngoại phạm: thời gian xảy ra sự cố phá đàn Nam Giao, Trần Hoàn không có mặt tại Huế mà sang công tác tít tận Liên Xô. Bài báo kể rằng tháng 12-1992, gặp Nguyễn Trọng Huấn tại TP.HCM, Trần Hoàn – bấy giờ làm Bộ trưởng Văn hóa Thông tin – phân bua:
– Mình có liên quan gì đến “cái đàn liệt sĩ” ấy đâu. Hồi ở nhà bàn, mình đang đi Liên Xô. Lúc về, việc đã xong rồi!

Ngần ấy thông tin, xét cả chứng lẫn lý, e chưa đủ sức thuyết phục. Dẫu đáp phi thuyền du nguyệt điện chăng nữa, thủ trưởng vẫn phải chịu trách nhiệm đối với công việc cơ quan mình, nhất là trong thời đại viễn thông phát triển. Vả lại, với tư cách Trưởng ty Văn hóa Bình Trị Thiên, Trần Hoàn từng can thiệp kịp thời và hiệu quả khi biết kế hoạch dời lăng Tuy Lý Vương ở Phường Đúc để lấy đất xây trụ sở cho một công ty lâm nghiệp cơ mà. Song le, cũng theo Nguyễn Trọng Huấn, “việc ông Trưởng ty Văn hóa Trần Hoàn bố trí Xí nghiệp truyền thanh và Xí nghiệp in của tỉnh vào làm việc và sinh sống ngay trong Đại Nội đã gây nên những tác hại khó khắc phục cho nhiều năm sau” (bđd, tr.8).

Vụ phá đàn Nam Giao gây xôn xao dư luận mãi, còn bởi lẽ: đàn Nam Giao là chốn vẫn được dân chúng tôn là quan trọng nhất, linh thiêng nhất trong quần thể di tích của vương triều Nguyễn, mà cái độc đáo vô song của đàn này – kể cả Thiên đàn Bắc Kinh cũng khó sánh nổi – chính là mấy phiến đá thanh cực kỳ đặc biệt đã bị hủy hoại hoặc bị khuân đi đâu chưa rõ khi người ta cạy sàn Viên đàn để dựng lên đấy một khối “tân cổ cưỡng duyên” (chữ dùng của kiến trúc sư Nguyễn Trọng Huấn). Phiến đá kia độc đáo thế nào? Nhiều bậc bô lão ở Huế bảo rằng nhờ xếp đặt theo một phương pháp “bí truyền”, đá ấy có tác dụng đặc biệt là khuếch đại âm thanh tương tự máy tăng âm hiện đại, do đó xưa kia nhiều người đứng xa vẫn nghe rõ mồn một tiếng nhà vua mỗi dịp tế Giao dù thời đó chẳng có micro và ampli (?).

Chưa tìm thấy tài liệu khả tín nào ghi nhận đặc tính kỳ lạ của mấy phiến đá thanh lát Viên đàn. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng loại vật liệu “có một không hai” ấy từ đầu thập niên 1960 từng bị Ngô Đình Cẩn phái thuộc hạ tới bê về Phủ Cam để xây lăng thân phụ là Ngô Đình Khả. Chi tiết này rất đáng ngờ. Vì lăng cụ Khả hiện còn nguyên trạng bên cạnh giáo đường Phủ Cam, gần ngã ba Thánh Giá, chẳng tồn tại dấu hiệu gì chứng tỏ ý kiến đó có cơ sở.

Dẫu sao, nhận thấy việc tùy tiện cải biến một công trình cổ như đã nêu là sai lầm trầm trọng nên mùa thu năm 1992, chính quyền tỉnh Thừa Thiên – Huế quyết khắc phục: chuyển đài liệt sĩ đến địa điểm khác thích hợp, trả lại vai trò di tích lịch sử – văn hóa cho đàn Nam Giao và giao Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế nhiệm vụ bảo vệ, lập hồ sơ, luận chứng kỹ thuật phục vụ công tác trùng tu. Tạp chí Huế xưa và nay số 2 (tháng 2-1993, tr. 36) hân hoan loan báo: “Ngày 15-9-1992, UBND Thừa Thiên – Huế có một việc làm hợp lòng người, trước hết là người dân xứ Huế và du khách đến Huế: khôi phục đàn Nam Giao”.

Thế nhưng, vì hoàn cảnh khó khăn, suốt thời gian dài tiếp đấy vẫn chưa thể trùng tu đàng hoàng mà trái lại, khu vực đàn Nam Giao có khi được dùng làm… bãi tập lái ô tô, lúc thì trở nên vận động trường cho cán bộ công nhân viên liên cơ thi đấu, lúc lại biến thành thao trường của bộ đội biên phòng!

Như thế, chuyện phá đàn Nam Giao là sự thật, không thể phủ nhận. Tấm “nghìn năm bia miệng” còn nguyên vẹn sờ sờ, bất chấp ai đó cố tìm mọi cách để tiêu hủy hay che giấu. Ấy là kinh nghiệm đắt giá, là bài học thấm thía cho muôn đời về việc đối xử với di sản lịch sử – văn hóa của tiền nhân.

Di tích bây giờ

Tuy nhiên, phát biểu rằng đàn Nam Giao triều Nguyễn “đã bị phá hủy và được khôi phục” e dễ gây ngộ nhận. Thực tế, di tích này chỉ bị phá một phần, hư hỏng nặng nhất là nền Viên đàn. Xét tổng thể, nếu sánh với tất cả đàn Nam Giao khác của Việt Nam – trong đó có Giao đàn nhà Hồ vừa được phát hiện ở huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa – vẫn có thể khẳng định rằng đàn Nam Giao triều Nguyễn ở cố đô Huế vẫn còn tương đối vẹn nguyên hơn hẳn.

Theo quyết định số 2890-VH/QĐ do Bộ Văn hóa ban hành ngày 27-9-1997, đàn Nam Giao nhà Nguyễn ở xã Thủy Xuân (nay thuộc phường Trường An) đã được xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia, tức sau đàn Nam Giao nhà Tây Sơn ở xã Thủy An cả chục năm. Trước đấy, ngày 11-12-1993, đàn này đã nằm trong danh mục 16 tài sản “có giá trị toàn cầu nổi bật” thuộc quần thể di tích vương triều Nguyễn được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Ngày 18-6 rồi 2-7-1994, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế tiến hành mở các hố thám sát tại khu vực này. Mãi gần thập niên sau, tháng 8-2003, Trai cung mới được trùng tu bước đầu.

Trước mùa Festival Huế 2004, chuẩn bị thực hiện lễ hội Nam Giao, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho lắp thêm đèn chiếu sáng về đêm ở khu vực đàn tế, lại rào lưới thép đan mắt cáo tứ phía tạm thay vòng tường đá thuở xưa từng bao bọc khuôn viên di tích này. Mấy tháng liền, Trai cung lại bị sử dụng sai chức năng khiến thiên hạ đàm tiếu: nơi vốn dành cho vua tĩnh tâm trước khi tế trời đất, bỗng dưng bị biến thành… chuồng voi! Khiếm khuyết ấy đã được chỉnh sửa.

Chuẩn bị thực hiện lễ hội Nam Giao dịp Festival Huế 2004, đàn Nam Giao nhà Nguyễn lại được nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều giới quan tâm. Đầu năm 2004, tại Hội nghị tổng kết công tác quản lý bảo vệ di tích do Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế tổ chức, các cơ quan chức năng lên tiếng báo động: khu vực di tích ấy đang trở thành tụ điểm “xã hội đen”. Tháng 3-2004, báo Thừa Thiên – Huế cũng như trang web Net Cố đô cùng đăng bài Cảnh báo về tệ nạn xã hội ở đàn Nam Giao của Ngự Bình và Huy Hiển. Bài báo dẫn lời ông Lê Đình Sáu, trưởng phòng quản lý và bảo vệ di tích trực thuộc Trung tâm này: “Việc tụ tập hút chích [ma túy] ở đàn Nam Giao là chuyện có thật. Phòng đã nghe rất nhiều báo cáo của nhân viên về việc kim tiêm và các ống tiêm xuất hiện ở đàn. Thậm chí, nhân viên bảo vệ khi đi tuần tra còn bị nhiều thanh niên xấu ở đây đe dọa, đòi hành hung”.

Kỳ thực, lâu nay không chỉ là nơi “chích choác” của các con nghiện, khu vực đàn Nam Giao ở Huế về đêm còn là nơi trai gái lén lút hẹn hò hú hí “trên Bộc, trong dâu”, nơi “chị em ta” vụng trộm bán phấn buôn hương và cũng là nơi bọn côn đồ thường giở trò… trấn lột! Đây cũng là nơi mà thỉnh thoảng, những tay mê tín dị đoan dắt díu nhau đem lễ vật tới sì sụp cúng kiếng cực kỳ nhố nhăng!

Tháng 6-2005, Bộ Văn hóa và Thông tin phê duyệt dự án tôn tạo đàn Nam Giao với tổng kinh phí gần 3 tỉ đồng. Cổng tam quan phía bắc được phục chế ngay trước Festival Huế 2006 là một trong những hạng mục của dự án ấy.