Chữa trị xơ gan bằng gừng gió

Củ cây gừng gió dùng điều trị bệnh xơ gan cổ trướng

Gừng gió ngày càng được nhiều bệnh nhân xa gần trong cả nước tìm để điều trị bệnh xơ gan cổ trướng. Khi dùng gừng gió phải có sự chỉ dẫn nếu không, rất dễ nhầm với các cây ngải, nghệ đen, nghệ vàng, riềng...

Nhận diện cây gừng gió

Hoa cây gừng gió

Vào năm 2000, khi hay tin ông Nguyễn Văn Quảng, sinh năm 1938, ở KV 5, phường Quang Trung, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định bị bệnh xơ gan cổ trướng đơn thuần (bụng to như bụng phụ nữ mang thai tháng thứ 8, bè, da niêm mạc vàng nhạc xanh) hết bệnh, chúng tôi rất ngạc nhiên vì đây là trường hợp hy hữu. Qua tìm hiểu được biết ông Quảng chữa được bệnh xơ gan cổ trướng bằng cây mai gan và theo ông, đã điều trị xơ gan cổ trướng bằng cây mai gan không được uống rượu bia, phải ăn nhạt ít muối mắm.

Tôi tìm đọc sách, tài liệu về cây, con thuốc Nam dược của giáo sư, tiến sĩ Đỗ Tất Lợi và của nhiều tác giả khác viết về cây thuốc Việt Nam nhưng không sao tìm ra được lai lịch cây mai gan. Qua tìm hiểu từ thực tế được biết đồng bào dân tộc miền núi gọi cây mai gan là cây ngải xanh. Lật lại tài liệu có cây ngải xanh là tên khác của cây gừng gió (trang 368, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS - TS Đỗ Tất Lợi, NXB Y học, 2004).

Gừng gió còn có tên khác: riềng gió, ngải xanh, ngải mặt trời, riềng dại; khuhet, phtu, brateal, vong atic (Campuchia); gingembre fou (Pháp), phong khương, khinh kèng (Tày), gừng dại, gừng rừng. Tên khoa học: Zingber zerumber (L) sm, thuộc họ gừng: Zingiberaceae.

Cây cao từ 1 mét đến 1,3 mét. Thân rễ dạng củ phân nhiều nhánh, lúc non màu vàng và thơm sau chuyển thành màu trắng và đắng. Lá mọc so le không cuống mặt trên nhặt, mặt dưới có lông rải rác mép lá uốn lượn.

Củ càng già càng to, chắc; trong ruột có màu vàng, có mùi thơm ngọt, dễ chịu. Lá mọc xếp lớp, không cuống, thuôn dài đầu nhọn, phía trên màu xanh lục, hơi nhạt ở phía dưới; bẹ nhẵn, trừ phía trên có lông...; cụm hoa dài 30 - 60 cm, phủ đầy vẩy, mép có mang lông hoa hình trứng mọc thẳng từ thân rễ thường có màu lục, khi già màu hồng đỏ đài và tràng màu trắng cánh môi màu vàng nhạt. Quả nang hình bầu dục, hạt màu đen, có áo hạt mềm màu trắng, mùa có hoa vào tháng 5 - 6. Cây gừng gió mọc hoang ở khắp nơi, chịu đất ẩm ướt - mát, bìa rừng, ven suối, đất núi rậm. Có thể trồng trong chậu kiểng để nơi râm mát ở gia đình, thuộc loại cây cảnh đẹp.

Cây mọc hoang nơi có độ ẩm mát trong rừng và miền núi, được trồng làm cây cảnh và làm thuốc. Trong gừng gió có nhiều tinh dầu, dầu béo và nhựa. Tinh dầu có 13% các monoterpen và nhiều sesquiterpen, trong đó humulen chiếm 27%, monocylic sesquiterpen xeton, zerumbon 37,5%. Các monoterpen gồm pinen, camphen, limonen, cineol và campho.

Một vài công dụng khác của gừng gió

Gừng gió có vị đắng, cay, tính ấm, có tác dụng tán phong hàn, giảm đau, trị ứ huyết chữa trúng gió bị ngất, tay chân lạnh, đau bụng, đau nhức sưng tấy, làm thuốc cầm máu vết thương, tẩy độc chữa trị nôn nao trong người, chóng mặt muốn ngất xỉu, còn dùng cho phụ nữ sau sinh để kích thích ăn uống bồi dưỡng cơ thể.

Zerumbon, thành phần chính của tinh dầu gừng gió, ức chế sự phát triển của Micrococcus Pyorgenes var, auereus và Mycobacterium tuberculosis.

Thường dùng thân rễ thái mỏng ngâm trong rượu với liều 40 - 50g tươi hay sấy khô trong một chai nước 650 ml, ngâm trong thời gian 15 - 20 ngày, gạn xác lấy nước uống mỗi ngày 3 ly nhỏ như khai vị rất tốt với những bệnh nhân suy dinh dưỡng (trừ xơ gan cổ trướng). Thân rễ gừng gió giã nát cùng với lá chàm mèo, đắp làm thuốc cầm máu vết thương.

Củ cây gừng gió có tác dụng trong điều trị xơ gan cổ trướng đơn thuần, nghĩa là không có viêm gan siêu vi B, C dương tính, và loại trừ ung thư gan. Mặt khác trong bệnh lý về nội khoa, ngoài việc chẩn đoán dựa vào lâm sàng, sinh học, siêu âm, nó còn dựa trên cơ địa của mỗi người, có người chịu, có người không. Do đó vẫn phải thận trọng khi tìm chọn cây thuốc, tránh việc dùng thang thuốc thiếu khoa học.

BS Trang Xuân Chi (TN, Sở KHCN Bình Định)