Chứng suy tĩnh mạch chân

Triệu chứng dễ thấy là tê mỏi chân, nổi gân xanh ngoằn ngoèo ở bắp chân hoặc vùng mắt cá. Bệnh khá nguy hiểm, có thể dẫn đến việc bị tắc hoặc viêm tĩnh mạch. Nguyên nhân thì có nhiều và được tóm tắt trong hình sau đây:

Các ngành nghề có tính chất công việc phải đứng lâu, ngồi nhiều dễ gặp chứng suy tĩnh mạch chân. Tỷ lệ nữ mắc bệnh thường nhiều hơn nam. Nhóm đối tượng có nguy cơ cao nhất, gồm:

  • Nhân viên văn phòng: Suy tĩnh mạch chân vốn là bệnh nghề nghiệp của dân công sở. Trung bình, họ phải ngồi 8 tiếng mỗi ngày và ít có cơ hội vận động. Thói quen ngồi vắt chéo chân khi làm việc khiến máu huyết lưu thông kém và cũng góp phần tăng khả năng mắc bệnh.
  • Giáo viên, giảng viên: Họ phải đứng nhiều giờ liên tiếp để giảng dạy, tạo ra áp lực lên đôi chân, dẫn đến chứng phù nề, suy giãn tĩnh mạch.
  • Giới trẻ bận làm thêm: Bệnh có xu hướng trẻ hóa, thường gặp ở các nữ nhân viên tiếp thị (PG), khánh tiết, người mẫu ảnh, nhân viên bán hàng… Thời gian đứng lâu và đi giày có gót quá cao sẽ khiến chân bị phù nề, tê bì.

Trên thực tế, đứng và ngồi trong thời gian dài sẽ cản trở máu lưu thông về tim, gây ra tình trạng ứ đọng huyết, khiến tĩnh mạch chân bị giãn ra và yếu dần. Lâu ngày sẽ dẫn đến suy giãn tĩnh mạch chân. Người bệnh có thể cảm thấy mỏi chân, tê bì khi ngồi lâu, dễ bị chuột rút vào buổi tối, cảm thấy bứt rứt khó chịu ở cẳng chân vào ban đêm.

Nhiều bệnh nhân thường chủ quan không đi thăm khám, do triệu chứng thường diễn ra vào buổi chiều tối, biến mất vào buổi sáng. Một số người tự ý sử dụng thuốc giảm đau làm bệnh không thuyên giảm và trở nên phức tạp.

Càng về giai đoạn sau, chân sẽ càng phù nề, các mạch máu nổi lên rõ ràng. Tình trạng ứ đọng huyết nếu kéo dài sẽ gây ra biến chứng nguy hiểm, khó trị, như loét chân, tắc hoặc viêm mạch…

Việc bạn chủ động thăm khám định kỳ và chữa trị kịp thời sẽ giúp tăng cơ hội khỏi bệnh. Nhiều trường hợp chủ quan, không điều trị ngay từ khi xuất hiện triệu chứng khó chịu ở cẳng chân, đến khi tĩnh mạch suy giãn nổi lên rõ ràng thì sẽ khó chữa.

(Hội Tĩnh mạch)