Chuyện giữ hồn xẩm

Từ 26 – 28.10, tại sân bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (Hà Nội) diễn ra chương trình tái hiện xẩm tàu điện, kết hợp giới thiệu ẩm thực Hà thành. Sự kiện này gây tò mò cho những ai mê xẩm, nhưng lại đem đến cho những người bao năm qua vẫn miệt mài giữ xẩm đôi chút ngẫm ngợi…

Những gánh xẩm đầu TK20

Xẩm tàu điện xưa, xẩm tàu điện nay…

Thập niên 70, Xuân Hoạch còn là một nghệ sĩ trẻ măng, từng có không ít bữa bám lỳ tàu điện hàng giờ, chỉ để nghe xẩm. Ngày đó, ông mê mệt giọng hát và tiếng đàn của cụ trùm xẩm Nguyễn Văn Nguyên. Ông bảo: “Cụ Nguyên kéo đàn hồ hay lắm. Tàu điện chạy xình xịch, ồn ã thế mà tiếng đàn vẫn vang rất rõ, bay rất xa”. Cùng với nghệ nhân Nguyễn Văn Nguyên, xẩm tàu điện khi ấy có một “ông trùm” nổi bật khác là nghệ nhân Vũ Đức Sắc, ngoài giọng hát còn lừng danh với tiếng đàn nhị. NSND Xuân Hoạch nhớ rất rõ, những chuyến tàu điện toả đi từ Bờ Hồ suốt một thời đã trở thành sân khấu lưu động của các nghệ sĩ xẩm. Và những người soát vé, phần vì mê xẩm, phần vì cảm thông với hoàn cảnh khó khăn của các nghệ sĩ, thường là bị khiếm thị, nên luôn coi họ như hành khách đặc biệt, không bao giờ thu phí hay gây khó dễ. Tất cả những yếu tố ấy, cộng hưởng với nhau, đã tạo nên một “đặc sản” riêng có cho xẩm Hà Nội: xẩm tàu điện, với cách hát, nhạc cụ và trang phục có những nét riêng so với xẩm chợ và xẩm cô đầu, chủ yếu là để phù hợp với sân khấu lưu động tàu điện.

Chính vì những ký ức còn tươi rói nên với xẩm tàu điện nay, NSND Xuân Hoạch đã mường tượng ngay một không gian biểu diễn, mà theo ông, giúp khán giả cảm nhận rõ nét hơn cái hồn của xẩm tàu điện: Các toa xe điện cũ còn “nằm” ở đường Thuỵ Khê. Nếu sử dụng một toa nhỏ, tái hiện một phần không gian, để người nghệ sĩ ngồi ngay cửa toa vừa hát xẩm vừa kéo đàn thì rất hay… Và giọng ông có chút bần thần khi biết, trong chương trình tái hiện xẩm tàu điện, cái gợi nhớ đến xẩm tàu điện xưa chỉ là tiếng tàu điện leng keng phát ra từ loa. Không gian của xẩm tàu điện nay, ngoài xẩm, còn dành chỗ để giới thiệu về ẩm thực Hà thành, với những món quà quê, những đồ uống dân dã. Thì cũng là một cách làm…

Và chuyện giữ hồn xẩm

Không có gì ngạc nhiên khi giới nghiên cứu đón nhận sự kiện xẩm tàu điện nay với thái độ từ tốn. Bởi trong những năm qua, đã có không ít nỗ lực đổ ra nhằm khôi phục xẩm mà kết quả không phải bao giờ cũng được như mong đợi. Đạt được thành tựu lớn hơn cả, phải kể đến dự án khôi phục xẩm do trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam (trực thuộc hội Nhạc sĩ Việt Nam) thực hiện, với sự góp sức của nhiều tên tuổi lớn như: Thao Giang, Xuân Hoạch, Văn Ty, Thanh Ngoan… Sau bốn năm dốc sức sưu tầm, nghiên cứu, đào tạo, trung tâm đã khôi phục được rất nhiều làn điệu xẩm, đặc biệt là hai điệu xẩm đã hoàn toàn thất truyền: Điệu xẩm tàu điện và Hò bốn mùa. Ngoài ra, một sân khấu xẩm miễn phí cũng liên tục sáng đèn mỗi tối cuối tuần tại chợ Đồng Xuân, suốt từ năm 2006 đến nay…

Nhưng thật bất ngờ khi biết, những người đã có công hồi sinh xẩm ngày ấy nay hầu hết đều rời trung tâm. NSND Xuân Hoạch chia sẻ: “Tôi rút lui, một phần vì thấy… nản”. Hơn nữa, ông có tới ba cái nản. Thứ nhất, những người dám sống trọn vẹn với xẩm, giờ đếm trên đầu ngón tay. Xưa, các nghệ sĩ xẩm vừa hát vừa đàn, không biết đàn thì chí ít cũng phải biết sử dụng bộ gõ, đó là một nguyên tắc bất di bất dịch. Nay, tìm mỏi mắt không ra một người vừa đàn giỏi, vừa hát hay, mà hình ảnh thường thấy là người đàn cứ đàn, người hát cứ hát. Thứ hai, đội ngũ chèo đổ sang hát xẩm nhiều, chưa học xẩm cho tới đã hát khiến xẩm bị chèo hoá quá nhanh. Thứ ba, đạo đức nghề nghiệp càng lúc càng lung lay, mà đỉnh điểm là việc không hiếm nghệ sĩ xẩm chọn cách hát nhép, đàn nhép. Chừng ấy hiện tượng khiến NSND Xuân Hoạch không khỏi lo rằng không lâu nữa cả nghệ sĩ lẫn công chúng rồi sẽ bị lẫn lộn giữa xẩm thật, xẩm giả. Cùng chung suy nghĩ, nhà nghiên cứu Thao Giang bày tỏ, ông cảm thấy buồn khi người ta đưa xẩm ra biểu diễn ở những không gian không phù hợp, hay đem một bài xẩm vốn dành cho cặp đôi nghệ sĩ là vợ chồng “nhét” vào miệng một cô bé đang được xem như một gương mặt triển vọng của xẩm….

Chính vì nóng ruột trước những phương thức khôi phục xẩm như thế, nên năm ngoái, ông đã tìm cách liên kết với học viện Âm nhạc Huế, mở lớp đào tạo (bậc đại học) nghệ nhân cho năm loại hình nghệ thuật: hát xẩm, trống quân, quan họ, ca trù, hát văn. Khoá đầu tiên, chỉ chọn được 16 sinh viên đủ tiêu chuẩn. Đầu vào phải “tinh”, vì nội dung học chắc chắn rất vất vả. Để đảm bảo khi ra trường, với việc tinh tường cả hát, đàn, và phương pháp luận, đây sẽ là lứa nghệ sĩ có khả năng đi đến cùng với xẩm và quan trong nhất, đó là giữ được hồn xẩm.

Hương Lan (SGTT)