Cổ Nguyệt Đường và mối tình Hồ Xuân Hương - Nguyễn Du (1)

Hồ Xuân Hương

Nguyễn Du viết Kiều chủ yếu do thương thân. Cha là đại quan nhà Chúa, mẹ phận thiếp gốc ca kỹ Bắc Ninh. Chàng con thứ ND văn võ kiêm toàn, đầy tham vọng kế nghiệp chính trị, đang làm Đốc đồng Thái Nguyên thì Lê-Trinh sụp đổ, rồi trốn sang TQ, trở thành sư, phiêu bạt 10 năm đất khách, nhân đọc Thanh Tâm tài nhân mà cảm tác (giả thiết viết sớm). Sau được anh ruột và anh vợ làm quan Tây Sơn che đỡ, lại vỡ mộng về Gia Long... nên bản Kiều với giả thiết viết muộn thì càng phản ánh đúng số phận đa số người tài ko gặp thời, điều mà đến hôm nay vẫn đúng ở VN. Ai đó cho rằng copy Tàu ko hay thì hãy nhớ phần lớn kịch của Shakespeare đều lấy tích Roma cổ đại. Đó là cách lấy xưa nói nay dùng để tránh cường quyền, có gì đáng xấu hổ?

I. Ba năm vẹn mối tình Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương

I.1 Mùa hè 2011, sau một chuyến du hành khắp nước, tôi dành 5 ngày về ở tại Làng Nghi Tàm trên đường Xuân Diệu. Suốt 5 ngày dù trời mưa gió, hay nắng tốt tôi cũng đi khắp làng Nghi Tàm, khắp các đình, chùa, vườn hoa kiểng quanh Hồ Tây, hỏi thăm, trò chuyện cùng các cụ già, thăm dấu vết từng di tích ghi dấu trong thơ Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du, Phạm Đình Hổ và nhất là 31 bài thơ của Tốn Phong Nham Giác Phu, viết ca tụng nữ thi sĩ: Tao đàn xuất hiện vị thơ thần và cũng là người đẹp Phi Mai xuân sắc nhất kinh thành, mà hai trăm năm qua cả nước tốn không biết bao nhiêu bút mực tìm kiếm về nàng.

Hồ Xuân Hương, tên thật là Hồ Phi Mai, con cụ Hồ Phi Diễn, chánh quán tại Quỳnh Lưu, Hà Tĩnh, và bà mẹ họ Hà quê Hải Dương, nhưng sinh ra và lớn lên tại làng Nghi Tàm, nơi nổi tiếng nghề dệt lụa, làm giấy, dệt lĩnh đen. Thăng Long từng có « Tây Hồ Bát Cảnh ». Một thi xã nhà Lê đời Vĩnh Hựu (1735-1739) đã ca tụng 8 cảnh đẹp quanh Tây Hồ:

  • Bến trúc Nghi Tàm: bến tắm chúa Trịnh Giang dưới dãy trúc ngà làng Nghi Tàm.
  • Rừng bàng Yên Thái: khu rừng bàng trên núi đất làng Bưởi do chúa Trịnh Giang bắt trồng.
  • Đàn thề Đồng Cổ: Đàn do vua Lý Thái Tông (1028-1054) xây để hàng năm quần thần đến đây, để hàng năm quần thần đến thề để tỏ lòng trung hiếu.
  • Phật say làng Thụy. Chùa làng Thụy Chương có pho tượng Phật chống gậy, người thợ điêu khắc sai trông giống như dáng người say rượu, lại hoá ra một kiệt tác, ai xem cũng thích thú.
  • Sâm cầm rợp bóng: Nghề săn chim sâm cầm ở các làng quanh Hồ Tây.
  • Đồng hoa Nghi Tàm: Làng Nghi Tàm làm nghề trồng hoa có những vườn hoa rất đẹp.
  • Chợ đêm Khán Xuân: Chúa Trịnh thường họp hội chợ đêm cùng các cung nữ, thái giám tại đền Khán Xuân để mua vui. Phạm Đình Hổ trong Tang Thương ngẫu lục bài chuyện cũ trong vương phủ có tả cảnh hội chợ: nội thị, cung nữ bắt chước việc mua bán ngoài đời làm trò vui. Chợ đêm vào dịp Trung Thu, hàng ngàn chiếc đèn lồng do các cung nữ chế tạo bằng gấm trong cung, treo khắp nơi. Các quan nội thị chít khăn như đàn bà ngồi bán đủ các thứ hàng, các cung nữ đi lại vừa mua vừa tranh cướp, bắt chước những tiếng thường dùng nơi chợ búa. Nửa đêm Chúa Trịnh ngự xuống thuyển rồng, thuyền bơi qua bơi lại đàn sáo, người hát xướng hoà cho đến khi gà gáy.
  • Tiếng đàn hành cung: Tiếng đàn các cung nữ nơi hành cung chúa Trịnh nay là chùa Trấn Quốc.

I.2 Cổ Nguyệt Đường nơi đâu ? Tôi đi nhiều lần trên con đường nhỏ không tên từ chùa Kim Liên đến đình Nghi Tàm và đọc lại thơ các danh sĩ. Nhà nàng là một khu đất rộng trên đường này, nằm bên Bến trúc Nghi Tàm. Tốn Phong gọi nhà nàng là đình, hay viện. Thơ Tốn Phong : Ai đến đình mai hỏi chủ nhân (Bài 3), Chủ nhân trước viện trắng mai hoa (Bài 5), Riêng tựa đình mai một ánh trăng (Bài 7), Đình nguyệt tròn xoe sáng ánh rằm (Bài 23).

Cổ Nguyệt Đường là một ngôi nhà lớn, khi cụ Hồ Phi Diễn thọ 80 tuổi (1783), học trò cụ lớn, bé, kẻ làm quan đỗ đạt đã chung góp tiền lại xây nhà cho thầy; năm ấy vì bận rộn xây cất, Xuân Hương Hồ Phi Mai được gửi về Quỳnh Lưu quê cha một thời gian. Đó là tục lệ mừng thượng thọ bát tuần cho thầy ngày xưa, cụ sống đến 83 tuổi. Bà mẹ Xuân Hương họ Hà sống đến năm 1814, năm 1813 Tốn Phong còn gặp. Năm 1814 Trần Phúc Hiển cưới Xuân Hương, nhưng vì cư tang mẹ một năm, nên năm sau mới về Vịnh Hạ Long. Đình làng Nghi Tàm xưa là một khu đất rất rộng, có Đài Khán Xuân của Chúa Trịnh, nay chỉ còn một cái đình nhỏ trên khu đất hẹp lại. Cạnh đài Khán Xuân từng có ngôi gác tía của Nguyễn Khản, anh Nguyễn Du, ông thường ra đây đi câu cùng Chúa Trịnh. Từ năm 1790 đến 1793, Nguyễn Du về với anh Nguyễn Nễ ở Bích Câu, dinh thự cha anh ở Bích Câu bị kiêu binh phá hủy, Nguyễn Nễ khi ra làm quan Tây Sơn có lẽ đã cho xây dựng lại một ngôi nhà trên đất này, nhưng Nguyễn Du thì thường ở nơi ngôi gác tía cạnh đền Khán Xuân.

Cổ Nguyệt Đường cạnh chùa Kim Liên, cho nên Phạm Đình Hổ đã viết: Từ thuở làm thân khách Cố kinh. Kim Liên qua lại đã bao lần, chàng từng là học trò cụ Đồ Diễn, nên biết Xuân Hương từ thuở còn thiếu nữ. Trong Vũ Trung tùy bút, tr 42 cho biết năm 1798-1799 chàng có dạy học tại thôn Khánh Văn, hạ lưu sông Tô Lịch không xa nhà Xuân Hương. Trong Tang Thương Ngẫu lục, q 2 tr 231 có bài ký tả cảnh chùa Kim Liên. « Mùa thu năm Đinh Tỵ (1797) tôi cùng các ông Nguyễn Thạch Hiên, Nguyễn Kính Phủ, Hoàng Hy Đỗ đến vãn cảnh chùa Kim Liên ở làng Nghi Tàm, nơi trụ trì của Hoà Thượng Huệ (nội thị của chúa Uy Vương) » Phạm Đình Hổ đến thăm Xuân Hương cùng các bạn nhân đó ra về thăm chùa Kim Liên. Qua Vũ Trung Tùy bút ta biết Phạm Đình Hổ nhà ở phố Hàng Buồm và Nguyễn Kính Phủ (Nguyễn Án) ở cạnh đền Lý Quốc Sư bên Hồ Gươm.

Quang cảnh chung quanh Cổ Nguyệt Đường thế nào ? Theo thơ Tốn Phong, người viết tựa cho Lưu Hương Ký :

  • Phía trước nhà có trồng một cây bàng lớn: Cội bàng trăng khuất chiếu mai đình (bài 6).
  • Chung quanh nhà có trồng nhiều cây mai (mơ) Chủ nhân trước viện trắng mai hoa (Bài 5), Bên quán người hoa chỉ thích mai (Bài 9) Tiết hàn mai tự nở ngàn hoa (bài 26).
  • Nhà nàng cạnh bến trúc làng Nghi Tàm: Vàng bay lá trúc ngõ chuyền oanh (Bài 6), Phượng cầm tự khóm trúc vang thanh (bài 14), Khóm trúc đình mai ta với ta (bài 21), Bến trúc mừng vui gặp mỹ nhân (bài 25).
  • Trên bến có trồng vài cây liễu: Bến nước đìu hiu liễu rủ cành (bài 6).
  • Trong vườn có trồng cây vông và cây mận: Ngô đồng lá cũ mơ hồn phượng, ngõ hạnh lạnh tàn chuyển bóng oanh (bài 17).
  • Nhà Xuân Hương có trồng nhiều hoa, hoa đào, để bán như các nhà khác trong làng Nghi Tàm: Nàng đây đối mặt giữa hoa ngàn (bài 7). Gió mát từng cơn quét ngấn hồng [hoa đào] (bài 8). Muôn tía ngàn hồng xuân sắc tới (bài 9). Hoa trời khai nở rộ đình xuân (bài 25).
  • Hồ Xuân Hương có nuôi một con chim phượng hoàng đất do người bà con từ Quỳnh Lưu gửi cho: Biếc rụng cành ngô sân phượng múa (bài 6). Thơ thời niên thiếu Hồ Xuân Hương có bài Vịnh ông cắn đánh nhau, tả hai con chim phượng hoàng đất (bài 35 phần C văn bản Landes).
  • Nhà nàng quay mặt về hướng Đông nhìn ra Hồ Tây: Đối mặt trời xanh, mưa móc thuận (Bài 1).
  • Nhà được xây cất theo hình chữ khẩu: Có tả viện làm nơi tiếp khách, bán giấy, mực, sách. Hoa đơm tả viện hương còn ẩm (bài 22). Hữu viện là nơi dạy học, tiền viện là nhà thờ, hậu viện là khuê phòng Hồ Xuân Hương. Chính giữa, sân trống có hòn non bộ và chậu kiểng: Chim hót non hàn khói biếc dâng (bài 22).

I.3 Cổ Nguyệt Đường cũng không xa Đền Khán Xuân, nay là khu đình làng Nghi Tàm, nơi đó cha, anh Nguyễn Du có ngôi nhà mát để câu cá. Nguyễn Du sau ba năm (1787-1790) chu du Vân Nam, Trường An, Hàng Châu gặp anh Nguyễn Nễ và Đoàn Nguyễn Tuấn tại Hàng Châu, trở về Thăng Long ở với anh Nguyễn Nễ. Trong bài Mộng đắc thái liên, Nguyễn Du gọi Xuân Hương là lân nữ (cô hàng xóm) và hẹn hò cùng nàng hái sen. Mối tình ba năm (1790-1793) (Chữ tình chốc đã ba năm vẹn, thơ Hồ Xuân Hương, bài Cảm Cựu Kiêm Trình Cần Chánh học sĩ Nguyễn Hầu, Nghi Xuân, Tiên Điền nhân).

Mơ thấy hái sen

I. Xắn gọn quần cánh bướm,
Chèo thuyền nan hái sen.
Nước hồ dâng lai láng,
Bóng người soi nước trong.

II. Tây Hồ, hái, hái sen,
Hoa, gương chất mạn thuyền,
Hoa tặng người mình kính,
Gương tặng người mình thương.

III. Sáng nay đi hái sen.
Hẹn láng giềng đi với.
Nàng đến tự bao giờ ?
Cách hoa nghe cười nói.

IV. Hoa sen ai cũng yêu,
Cọng sen nào ai thích,
Trong cuống có tơ bền.
Vấn vương hoài không dứt.

V. Lá sen màu xanh xanh,
Hoa sen đẹp xinh xinh,
Hái chớ làm lìa ngó,
Năm sau sen chẳng sinh.

(Thơ chữ Hán Nguyễn Du, Nhất Uyên dịch thơ)

Bài Mộng đắc thái liên, Nguyễn Du làm khoảng năm 1804-1805, sau khi được triệu vào kinh đô Huế thăng chức Đông Các Học Sĩ, chức vụ thân cận vua Gia Long, hàng ngày dâng sách cho vua đọc, bàn luận cùng vua về trị nước, thảo các chiếu biểu cho vua. Nhìn hồ sen hồ Tịnh Tâm, Nguyễn Du không khỏi nhớ đến những ngày mơ mộng hơn mười năm xưa đã cùng nàng cô hàng xóm, hẹn nàng đi hái sen,nàng đã đến trong lòng chàng từ lúc nào, tiếng nàng vọng từ sau khóm hoa. Nguyễn Du kín đáo ví von tình mình như sợi tơ bền vấn vương hoài không dứt. Xắn gọn chiếc quần ống rộng có dây thun phiá dưới, phùng ra như cánh bướm, chèo thuyền đi hái sen, nước hồ lai láng, dưới nước in bóng hai người. Hái sen Hồ Tây, hái hoa và hái gương, hoa tặng người mình kính, gương tặng người mình thương. Hôm ấy đi hái sen, hoa Nguyễn Du tặng cho bà Hà, mẹ của Xuân Hương và anh Nguyễn Nễ, và gương có lẽ tặng hết cho Phi Mai để nấu chè hột sen ! Sáng sớm đi hái sen, hẹn với nàng láng giềng, nàng đến không biết tự lúc nào, sau khóm hoa đã nghe nàng cười nói ròn rã.. Ai cũng thích hoa sen, nhưng mấy ai thích thân hoa sen, có những sợi tơ bền, vấn vương không bao giờ dứt. Nguyễn Du đã kín đáo ví lòng mình, mối tình với nàng không bao giờ dứt. Lá sen màu xanh xanh, hoa sen đẹp xinh xinh, vì đâu ai hái đã làm lìa ngó, mà năm sau chẳng có hoa sen ?

I.4 Trong bài Chơi Tây Hồ nhớ bạn, Hồ Xuân Hương trả lời bài Độc Tiểu Thanh Ký có câu: Trấn Quốc rêu phong vẫn ngấn thơ. Lời thơ đề chùa Trấn Quốc rêu phong cổ kính còn vang vọng. Bài Đề Trấn Quốc Tự Hồ Xuân Hương chép trong Hương Đình Cổ Nguyệt thi tập, tập thơ này gồm những bài ngâm vịnh rất đứng đắn, có lẽ Đại Thần Trương Đăng Quế, Tùng Thiện Vương đã đọc tập này nên sánh Mai Am Công Chúa với Hồ Xuân Hương và Phạm Lam Anh (Thế kỷ 19, các nhà thơ đương thời nhìn Hồ Xuân Hương là một nhà thơ đứng đắn, lãng mạn, không có chuyện là một nhà thơ dâm tục)

Ai là người đến đó khách đài trang, dòng dõi quyền quí, cơn gió nam nhẹ lướt êm êm, trăng nước sóng lồng cánh sen vừa mới nở, non nõn tinh khiết. Khói hương chùa như chiếc tàng lộng quý báu, lại bay lên, như cánh cò cánh hạc nối mây. Đoá hoa sen mới nở như nụ cười hàm tiếu nhẹ nhàng rửa tan niềm tục, cỏ xanh mùa xuân như gợi tỉnh niềm mơ. Đến cảnh muốn nhìn lại hỏi chàng. Nguyễn Du lòng đang muốn về quê Hồng Lĩnh, tung tay áo vẫy gọi đàn hồng nhạn bay về phía Đông Nam.

Đề chùa Trấn Quốc

Ai người đến đó, khách đài trang,
Nhẹ lướt êm êm cơn gió Nam.
Trăng nước sóng lồng sen nõn cánh,
Khói hương tàn báu hạc bay ngàn.
Rửa niềm trần tục hoa hàm tiếu,
Gợi tỉnh niềm mơ cỏ thấm xuân.
Đến cảnh quay đầu người muốn hỏi,
Đông Nam tay vẫy nhạn tung đàn.

(Thơ chữ Hán Nguyễn Du, Nhất Uyên dịch thơ)

I.5 Bài Hỏi Trăng trong thơ truyền khẩu Hồ Xuân Hương, văn bản Landes do Lê Quý chép năm 1882 từ một bản của con cháu Tử Minh, học trò Xuân Hương ghi lại tâm sự một người con gái mới biết yêu. Yêu Nguyễn Du rồi Xuân Hương tự hỏi với lòng mình. Hỏi vầng trăng muôn thuở, mấy thu qua vẫn tròn, câu hỏi vu vơ cớ sao trăng tròn lại khuyết, hỏi thỏ trên cung trăng bao nhiêu tuổi. Hỏi chị Hằng Nga vợ Hậu Nghệ đã mấy con rồi. Đêm tối cớ chi soi duyên nàng đến với Nguyễn Du con nhà quyền quí ở gác tía lầu son. Khiến cho ngày xanh gặp nhau thẹn với mặt trời đang lên. Năm canh lơ lửng trằn trọc nhớ ai, hay đã có tình riêng với nước non, với chàng.

Hỏi trăng

Trải mấy thu nay vẫn hãy còn,
Cớ sao khi khuyết lại khi tròn ?
Hỏi con Bạch Thố đà bao tuổi ?
Hỏi chị Hằng Nga đã mấy con ?
Đêm tối cớ chi soi gác tía ?
Ngày xanh còn thẹn với vừng son.
Năm canh lơ lửng chờ ai đó,
Hay có tình riêng với nước non.

I.6 Bài Duyên kỳ ngộ trong văn bản Landes. Xuân Hương tin rằng gặp Nguyễn Du là duyên kỳ ngộ. Vì dinh thự cha anh ở Bích Câu bị kiêu binh đốt phá, nên Nguyễn Du mới ra ở nơi gác tía câu cá của Nguyễn Khản và có dịp gần gũi với Xuân Hương. Hồ Phi Mai tin ở duyên số, dù có xa nhau ngàn dậm, có duyên thì sự cũng thành, sẽ cưới nhau. Xin đừng lo lắng mà phí cả tuổi xuân xanh. Gặp nhau nói chuyện thơ văn, thơ hoạ nhau không dứt; tình trong sáng nguyên vẹn, dù có ai giương cung đe doạ hay nói xấu việc gì, mình cũng như lá lành, cung tên bắn gần lá trợt lớt, chẳng sao. Sẵn bút đề thơ, chúng ta cứ đàng hoàng, chỉnh tề cư xử chẳng sợ ai. Không cần thả lá đề thơ như cung nữ Hàn Thúy Tần với chàng Vu Hựu. Lòng ta như chim tới vườn đào, tình sẽ đẹp tươi.

Duyên kỳ ngộ

Nghìn dậm có duyên sự cũng thành,
Xin đừng lo lắng hết xuân xanh,
Tấc gang tay hoạ thơ không dứt,
Gần gụi cung giương lá vẫn lành.
Tên sẵn bút đề đường chỉnh chiện,
Trống mang dùi cắp đã phanh phanh,
Tuy không thả lá trôi dòng ngự.
Chim tới vườn đào thế mới xinh.

I.7 Rồi một ngày cuối mùa hạ năm Quý Sửu 1793, mối tình đúng ba năm vẹn. Mùa Xuân 1790 hẹn gặp Đoàn Nguyễn Tuấn ở Thăng Long, Nước nhà hẹn gặp lại xuân sang Thơ Đoàn Nguyễn Tuấn tặng bạn văn chương họ Nguyễn tại Hàng Châu, Trung Quốc, mùa hạ sen nở, gần đến cuối hạ mới đi hái sen hái gương quen Hồ Phi Mai. Nguyễn Du báo tin cho Hồ Phi Mai biết chàng trở về Hồng Lĩnh cùng em Nguyễn Ức, xây dựng lại từ đường, đình chùa, cầu Tiên cùng làng Tiên Điền đã bị tướng Tây Sơn Lê Văn Dụ làm cỏ, đốt phá năm 1790 do cuộc khởi nghĩa Nguyễn Quýnh.

Anh Nguyễn Nễ sau khi đi sứ về, làm quan ba năm tại Bắc Hà, Vua Quang Trung mất năm 1792, nay được Vua Cảnh Thịnh thăng Đông Các Đại học sĩ, gia thăng Thái Sử, Thự tả Nghị lang, được lệnh về Phú Xuân trông coi văn thư Cơ Mật Viện. Chức vụ gần như thường trực, thầy dạy bên cạnh vị vua trẻ mới lên mười. Nguyễn Nễ không thể trông coi việc xây cất nên giao việc này cho hai em là Nguyễn Du và Nguyễn Ức, nhất là Nguyễn Ức có tài kiến trúc, vẽ kiểu, tính toán, chỉ huy thợ, về sau cung điện Phú Xuân thời Gia Long Minh Mạng đều do ông chỉ huy xây cất.

Biết tin này Hồ Xuân Hương đau đớn viết bài Tưởng đáo nhân tình minh nhiên hạ lệ tẩu bút phụng trình. Nghĩ đến tình đời sụt sùi rơi lệ, nhân đó cầm bút viết nhanh thơ đưa Nguyễn Du để gửi trình bày tỏ nỗi lòng mình. Mối tình đầu thắm thiết Xuân Hương thệ nguyện ba kiếp hẹn nghĩa non vàng với Nguyễn Du, buồn man mác lòng mình nên thổ lộ cùng chàng. Em chẳng vượt đèo mây Tam Điệp cùng chàng về Hồng Lĩnh, nhưng lời thề nguyền hương lửa ngỡ cũng lên đường theo chàng. Lời nào mình thề hẹn với nhau cùng nước non, chàng có vì trăng gió mà chán chường lòng em chăng ? Dù em có đầy đoạ tấm thân em chẳng tiếc. Mình thương nhau làm sao cho trọn tấm lòng. Bài thơ chữ nôm, tựa chữ Hán, chép trong Lưu Hương ký.

Tưởng đáo nhân tình minh nhiên hạ lệ tẩu bút phụng trình

Ba sinh tự hẹn nghĩa non vàng
Man mác lòng riêng lại ngỡ càng.
Lối bước đèo mây đành chẳng đã,
Mảnh nguyền hương lửa ngỡ lên đường.
Nước non lời nọ nào chuông chắn,
Trăng gió lòng kia mãi chán chường.
Đày đoạ thân này thôi chẳng tiếc.
Thương sao cho trọn tấm lòng thương.

Chú thích:
Ba sinh: ba kiếp sống, tích ba sinh hương hoả, Sách Quần Ngọc chú chép: Tỉnh Lang tới thăm chùa Nam Huệ, nằm chơi ngủ quên thấy mình đi chơi non Bồng, gặp một ông thầy ngồi niệm kinh trước mặt có cây hương đang cháy. Tỉnh Lang hỏi, ông thầy đáp: khi trước có một người đi chùa thắp cây nhang này, khấn nguyện, nhang hãy còn cháy, mà người ấy đả trải qua ba kiếp rồi.: Kiếp đầu làm quan Phủ Sứ đất Kiến Nam thời Đường Huyền Tôn, kiếp sau làm quan Tây Thục đời Đường Hiến Tôn. Và kiếp thứ ba tên Tĩnh Lang. Tĩnh lang nghe tên giật mình tỉnh dậy, nửa tin nửa ngờ.

I.8 Bài Giang nam phụ níp kiêm lưu biệt hữu nhân, Lưu biệt bạn khăn gói sang sông Nam, Hồ Xuân Hương viết năm 1793 để tiễn Nguyễn Du về Hồng Lĩnh. Cuộc tiễn đưa nơi trường đình phía Nam sông Hồng, tên gọi là sông Vị Hoàng, Nam Định ngày nay. Nguyễn Du, Nguyễn Ức mang một số tiền khá lớn, có lẽ là tiền thưởng Nguyễn Nễ sau khi đi sứ về, đi thuyền kín đáo, an toàn hơn đi đường bộ. Ngày xưa chưa có va-li, người Việt xưa dùng một tấm khăn vải lớn, bọc hết đồ đạc, hai đầu cột chặt để giữ hành lý, hai đầu kia thắt dây dài mang trên vai. Khăn gói bây giờ chia tay nhau vạn dậm, vạn dậm đây chỉ là một cách nói đi xa xăm, vì từ Vị Hoàng về đến Hồng Lĩnh chỉ vài trăm dậm. Nơi trường đình rót chén rượu đặt trên khay mời trao nhau. Cánh buồm sẽ căng lên đôi cánh vì sầu làm thuyền nghiêng nặng. Chàng đi vì nặng việc gia đình. Em cố nén lòng như nước sông sâu để nước mắt chẳng trào. Nhìn lại cây cỏ cũ mùi hương chửa mất. Xa quê bóng lại núi non Hồng Lĩnh cao ngất. Xa nhau rồi còn sẽ có ngày chúng ta gặp lại nhau. Nếu lỗi lời thề non hẹn biển thì thà chết đi trên ngọn sóng đào.

Lưu biệt bạn khăn gói sang sông Nam

Khăn gói bây giờ vạn dặm nao,
Trường đình rượu tiễn chén mời trao.
Buồm căng đôi cánh sầu nghiêng nặng.
Sầu nén sông sâu nước chẳng trào.
Cỏ cũ lặng nhìn hương chửa mất.
Xa quê quay ngóng núi quê cao.
Xa nhau còn có ngay gặp lại,
Thề biển tha cho ngọn sóng đào.

(Thơ chữ Hán Hồ Xuân Hương, Nhất Uyên dịch)

Chú thích:
Giang Nam: Dữu Tín người đời Nam Bắc Triều, làm quan xa nhà lâu ngày không về, có làm bài Ai Giang Nam phú tỏ lòng nhớ thương quê hương, từ đó chữ Giang Nam còn có nghĩa là lòng nhớ thương quê hương.

I.9 Thạch đình tặng biệt. Trường đình nơi sông Vị Hoàng là một cái đình bằng đá, xây chắc chắn vì ven biển nhiều gió bão lớn, nên còn gọi là thạch đình. Đình đá Vị Hoàng là một bến cảng lớn trên đường đi thuyền vào Phú Xuân, các cuộc đi sứ đi thuyền đến đây, có lẽ sợ đường bộ có truông nhà Hồ và phá Tam giang nguy hiểm. Bản Lưu Hương ký thiếu chữ biệt nên các ông Trần Thanh Mại, Đào Thái Tôn lầm tưởng là một người tên Thạch Đình làm thơ tặng Hồ Xuân Hương. Nguyễn Du đã ứng khẩu bài thơ tặng Hồ Xuân Hương.

Bài thơ chữ Nôm của Nguyễn Du
Bấy lâu nay ta đã quen biết nhau, có tình có nghĩa với nhau nhiều kỷ niệm, nay nặng lòng với việc nhà, việc nước anh phải về quê hương. Khúc phượng cầu kỳ hoàng, lời tỏ tình anh chưa nói cùng em, lòng em đã mơ màng giấc chiêm bao. Có chắc ta yêu nhau chưa cho lửa tình bén cháy, những giọt lệ tình tiếc mùa xuân đi qua. Tình như lá xanh hoa vàng nếu chẳng phụ lòng nhau, thì rồi đây chúng ta sẽ có ngày sum họp.

Bài thơ khá chua chát, hay Nguyễn Du muốn thử lòng nàng có thật yêu mình không ? hay Xuân Hương yêu tha thiết Nguyễn Du, nhưng chàng có lẽ vì bận hoài bão công danh, muốn đi vào Nam theo chúa Nguyễn Ánh, nên lòng còn hờ hững Tròn trặn gương tình cũng có khi.

Thạch đình tặng biệt

Đường nghĩa bấy lâu trót vẽ vời,
Nước non sầu nặng muốn đi về.
Cung hoàng dịu vợi đường khôn lọt,
Đường nguyệt mơ màng giấc hãy mê.
Đã chắc hương đâu cho lửa bén,
Lệ mà hoa lại quyến xuân đi.
Xanh vàng chẳng phụ lòng ân ái,
Tròn trặn gương tình cũng có khi.

(Thơ chữ Nôm Thanh Hiên Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương chép trong Lưu Hương ký.)

I.10 Bài thơ này Nguyễn Du xứng đáng bị một tát tai, nếu gặp phải người yêu ngày nay. Nhưng Hồ Xuân Hương đã chua xót hoạ lại bằng bài Hoạ Thanh Hiên nguyên vận. Văn bản chép là hoạ Thanh Liên nguyên vận, nhưng Thanh Liên là bút hiệu thi hào Lý Bạch. Bút hiệu Thanh Hiên từ khi về Quỳnh Hải cưới vợ năm 1797 mới dùng, năm 1796 Nguyễn Du còn dùng bút hiệu Chí Hiên. Có lẽ lúc này Nguyễn Du dùng bút hiệu Thanh Liên Chí Hiên chăng ?

Bài thơ Hồ Xuân Hương viết: Tay em còn chờ chàng dạy khúc Phượng cầu kỳ hoàng, chờ chàng ngỏ lời cưới em, chàng như cánh phượng đường mây, chàng có tài cao, đường công danh thênh thang đã vội chi. Chua xót đọc bài thơ chàng viết để lại cho em, sao chàng hững hờ duyên em bấy lâu nay mà nỡ bỏ đi. Thử vàng đá, em treo giá ngọc mà đợi chàng, dù hoa có quý báu như phong gấm, hoa nở cũng có thời gian, em là gái chưa chồng, tuổi xuân nở cũng có lúc, lòng như đào thắm mận xanh còn nhiều niềm vui, chàng ơi, sao đành nỡ dứt ra đi.

Hoạ Thanh Liên Chí Hiên nguyên vận

Khúc hoàng tay nguyệt còn chờ dạy,
Cánh phượng đường mây đã vội chi.
Chua xót lòng xem lời để lại,
Hững hờ duyên bấy bước ra đi.
Thử vàng đá nọ treo từng giá,
Phong gấm hoa kia nở có thì,
Đào thắm mận xanh còn thú lắm,
Xuân ơi đành nỡ đứt ra về.

(Thơ Hồ Xuân Hương chép trong Lưu Hương ký)

Nguyễn Du có dạy đàn cho Hồ Xuân Hương. Trong thơ Phạm Đình Hổ bài Sở hữu cảm có câu: Buông đàn cười chẳng gảy. Ngại làm ai chạnh lòng.

Tốn Phong từ xa đi ngựa đến, đã nghe tiếng nàng đàn: Phượng cầm tự khóm trúc vang thanh (bài 14). Tốn Phong đã từng thổi sáo và Hồ Xuân Hương đánh đàn: Thần vào sáo ngọc tung sao đẩu, Hứng nhập ly quỳnh chén cổ kim. Đàn chuyển tiếng thu vang tỉnh viện, Mộng chuyền xuân bướm ngát thơm chăn (bài 7).

Thuyền Nguyễn Du ra khơi, để lại một mình Xuân Hương Hồ Phi Mai trên thạch đình khóc nức nở...

Phạm Trọng Chánh