Cuộc đời các nghệ sĩ Geisha

Nhật

Các cô geisha là một trong những biểu tượng văn hoá của nước Nhật. Thế nhưng văn hoá nghệ thuật geisha chỉ được biết đến rộng rãi với quần chúng Nhật và thế giới sau thế chiến thứ hai.

GeishaTrước đây chỉ có giới thượng lưu, các nhà quý tộc, tài phiệt, doanh gia, chính trị gia "lớn" mới có đủ khả năng thưởng thức nghệ thuật đắt tiền này. Thời nay các hội đoàn, công ty có thể tổ chức những buổi tiệc liên hoan có mặt của các cô geisha. Từ đó các cô geisha được quần chúng biết đến rộng rãi. Nhiều cô geisha nổi danh được chiêm ngưỡng, ái mộ ngang hàng các siêu sao màn bạc bây giờ, tuy vậy đời sống của các cô vẫn là môt bí mật. Geisha là một thế giới riêng, cách biệt, có quy luật, hệ thống điều hành riêng rẽ, và quần chúng Nhật tôn trọng sự cách biệt này. Không có điều luật nào ngăn cấm các cô kể chuyện, nhưng như được hiểu ngầm, các cô geisha sau khi về hưu, chôn chặt quá khứ, giữ im lặng cho đến hết đời.

Năm 1998, Arthur Golden, một người Hoa Kỳ, đã viết quyển tiểu thuyết có tựa là “Memoirs of a Geisha”, “Hồi Ký của một nghệ sĩ Geisha”. Quyển sách rất lôi cuốn, với nhiều chi tiết tỉ mỉ tả đời sống của xã hội geisha, và trở thành cuốn sách nóng hổi bán chạy tại Hoa Kỳ. Trong trang Tạ Ơn, Arthur Golden dành những lời ưu ái tới cô geisha nổi danh tên là Mineko Iwasaki, thế nhưng cô Mineko lại đâm đơn kiện tác giả, lý do là Golden đã không giữ lời giao hẹn, là không được đề tên cô vào quyển sách, độc giả có thể hiểu sách dựa theo đời tư cô. Vụ kiện đã được dàn xếp, sách xuất bản tại Nhật đã lấy tên cô ra khỏi trang Tạ Ơn. Nghĩ rằng đã đến lúc thế giới bên ngoài cần biết rõ hơn về cuộc sống của các nàng geisha, cô Mineko Iwasaki đã cho ra đời cuốn hồi ký của mình, Geisha, Một Cuộc Đời. Mineko là người đầu tiên viết hồi ký, tả nghiệp cuộc sống mình đã trải qua, mở ra cánh cửa bí mật của cuộc sống các nàng geisha. Sau đó cũng có thêm vài người viết hồi ký nữa.

Bài viết sau đây ghi nhận những chi tiết lý thú về cuộc sống geisha, từ khi đọc quyển chuyện của Arthur Golden, đồng thời người viết cũng phối kiểm lại nhiều dữ kiện qua quyển hồi ký của Mineko Iwasaki, cũng như những tài liệu khác về cuộc đời geisha, kể cả phim tài liệu của đài truyền hình PBS. Mời độc giả bước vào thế giới các cô geisha.

Thế giới của đoá hoa cành liễu

Nước Nhật có những khu dành hoàn toàn cho giải trí nghệ thuật, gọi là karyukai, nơi các nghệ sĩ geisha sống và làm việc. Karyukai có nghĩa là “thế giới của đoá hoa cành liễu”. Mỗi nghệ sĩ geisha được ví như đoá hoa, đẹp, yêu kiều, nhưng vững chãi như cây liễu. Nước Pháp có Jean de La Fontaine với bài ngụ ngôn để đời, Le chêne et le Roseau, cây sồi nhạo báng cây liễu, chỉ cần một cơn gió nhẹ thổi qua, cây liễu đã phải nghiêng mình theo gió, trong khi đó cây sồi đứng vững vàng, oai nghiêm. Thế nhưng khi bão cuồn cuộn nổi dậy thì cây sồi bị đánh bật tung cả rễ, và cây liễu vẫn nghiêng mình lả lướt theo gió. Lúc gió bão ngừng hẳn, nàng liễu chỗi dậy nhẹ nhàng, đón chào một ngày mới. Tại đất Phù Tang, các cô geisha nhỏ nhắn, xinh xinh cũng được ví như cây liễu. Các cô không chỉ là đoá hoa để khách ngắm, mà còn là nghệ sĩ trình diễn nghệ thuật cổ truyền. Một điều quan trọng mà các cô cần nắm vững là khoa giao tế, để các cô chuyện trò với khách hàng, giúp cho các buổi gặp gỡ giữa các nhà doanh thương thêm phần sống động, cởi mở. Như cành liễu trước ngọn gió, mềm mỏng, chìu chuộng những khách khó tính nhất, tâm các cô phải vững chải vì các khách hàng geisha thường là những người có địa vị trong xã hội. Đôi khi các vị đụng độ nhau tại các nhà khách tân với những ý muốn lạ lùng! Tránh cho các vị khỏi “choảng” nhau há phải là một nghệ thuật?

Danh từ geisha chính ra là chỉ cả nghệ sĩ đàn ông cũng như đàn bà, và những người geisha đầu tiên, thuộc thế kỷ 13, là đàn ông, còn được gọi là taikomochi. Ngoài trình diễn nghệ thuật như đàn, vũ, ca hát, họ còn là bạn trà, và có khi là quân sư cho các vị lãnh chúa nữa. Người đàn bà geisha đầu tiên, một onna geisha, một nữ nghệ sĩ, xuất hiện vào năm 1751 tại một buổi tiệc, làm cho quan khách mê mẩn tài nghệ của nàng. Từ đó nhiều phụ nữ gia nhập nghề, dần dần chiếm luôn lãnh vực này. Ngày nay nói đến geisha người ta nghĩ đến đàn bà, còn các chàng nghệ sĩ taikomochi còn rất ít, chỉ khoảng năm, sáu người trên toàn nước Nhật.

Danh từ Geisha gồm hai phần: Gei có nghĩa là thuộc về nghệ thuật, Sha: người, vậy geisha là người của nghệ thuật. Geisha là những người trình diễn nghệ thuật cổ truyền của Nhật, gồm có: nibon-buyoh, vũ cổ truyền, ca hát âm nhạc cổ truyền được phụ hoạ bởi tiếng đàn của nhạc cụ shamisen, một loại đàn ba dây. Họ còn học đánh trống cổ truyền, học sadoh, nghệ thuật dâng trà, ikebana, nghệ thuật cắm hoa, shodoh, bút pháp, ngâm thơ, và đặc biệt là cách trang phục áo kimono. Bận áo kimono là cả một công trình nghệ thuật! (áo kimono phụ nữ bận thường ngày là loại áo giản tiện hơn). Các cô geisha còn học phương cách trò chuyện để thích ứng với mọi loại khách hàng. Từ thập niên 60 các cô geisha bắt đầu còn học ngoại ngữ để tiếp xúc với khách ngoại quốc. Thế nên muốn trở thành một geisha chuyên nghiệp phải mất mấy năm để luyện tập những nghệ thuật này.

Tại con phố Gion Kobu thuột tỉnh Kyoto, thời thịnh hành là nơi có nhiều geisha nhất nước Nhật, còn có danh từ geiko. Geisha là nghệ sĩ, geiko là người đàn bà của nghệ thuật. Cô Mineko dùng danh từ này trong cuốn hồi ký của mình, nhưng danh từ geisha thông dụng hơn đối với thế giới bên ngoài.

Nhiều cô geisha xuất thân từ bà mẹ là geisha trước đây, nhưng có nhiều cô cũng từ gia đình khá giả, sau vì sa sút, cha mẹ đồng ý cho con gái vào học tập nghệ thuật geisha. Cha mẹ ký hợp đồng với các nhà okiya, và như bất kỳ các hợp đồng doanh thương khác, hai bên đồng ý khoảng thời gian mà cô phải sống và làm việc cho nhà okiya. Sau thời gian đó, cô geisha có toàn quyền quyết định đời mình, các cô có thể theo hẳn nghiệp geisha hay chuyển sang nghề khác. Các cô thường vào tập sự lúc còn rất bé, tới tuổi đi học, các cô vẫn đến trường học, nhưng sau giờ học thì đến các trường nghệ thuật để học thêm về các môn nghệ thuật cổ truyền mà geisha trình diễn.

Vì sao cha mẹ lại muốn con trở thành geisha? Xã hội Nhật ngày xưa rất ít việc làm dành cho đàn bà, geisha là một nghề nghiệp vững vàng, tạo cho phụ nữ cơ hội được độc lập về tài chánh, ngoài ra các cô còn có dịp mặc những bộ áo kimono đắt tiền, và theo học những nghệ thuật cổ truyền rất tốn kém. Các gia đình xuất thân khá giả, quan tâm đến việc cho con gái được học những nghệ thuật này, cũng như được bận áo kimono, được tiếp xúc với giới thượng lưu trí thức. Muốn được vậy các cô phải trải qua những năm tháng dài luyện tập công phu. Không phải ai cũng thích hợp với nghiệp geisha, tùy theo sự tiến triển và khả năng, các cô có thể chuyển nghề, làm những công việc thích hợp hơn, như giữ kế toán cho gia đình geisha, hay tập sự để cai quản các trà đình, hay có thể trở thành cô giáo dạy đàn, vũ, hay vũ công chuyên nghiệp v.v..

Tại thành phố Kyoto, khu vực Gion và Pontacho, trước khi được gọi là geisha hoặc geiko, các cô gái trẻ, khoảng 5-11 tuổi trong thời kỳ thực tập được gọi là maiko. Phục sức, trang điểm của các cô maiko khác cô geisha rất nhiều, mà chúng ta sẽ đi sâu hơn vào đoạn kế tiếp. Hiện nay tại thành phố Kyoto, hai con phố kể trên Gion và Pontocho là nơi có nhiều geisha nhất, và tại thành phố Tokyo với các khu phố Shimbashi, Akasaka and Yanagibashi.

Học nghề và trang phục

Các cô geisha tượng trưng cho sắc đẹp mỹ miều của một người đàn bà Nhật bước ra từ một bức tranh vẽ của thế kỷ 11. Muốn được vậy các cô sửa soạn kỹ lưỡng, từ khuôn mặt đến y trang và với sự giúp đỡ của nhiều bàn tay khéo léo chuyên nghiệp!

Bắt đầu với mái tóc. Mái tóc phải được bới từ sáng sớm hay từ ngày hôm trước. Các cô tới một chuyên viên bới đầu cho geisha. Tóc được gội kỹ càng, da đầu được chà xát thật mạnh để không còn gầu. Sau đó tóc được bôi bằng dầu hoa trà, cho nước tóc láng lảy, mượt mà. Rồi chuyên viên lại bôi một chất sáp, có tác dụng như keo, để kiểu tóc được giữ lâu dài. Mỗi lần làm đầu là một khó khăn, cho nên các cô cố gắng giữ tới bốn, năm ngày mới tới hiệu tóc lại. Khi ngủ các cô không dùng gối, mà đặt đầu trên một tấm takamakura, hình dáng thẳng, hai đầu tròn, độn cứng, được đặt sau gáy cổ. Lúc đầu ngủ rất khó khăn, nhưng sau cũng quen dần đi. Ngày nay thì đỡ nhọc, mỗi cô thường có vài bộ tóc giả.

Căn bản của kiểu tóc geisha là hình trái đào chẻ ra làm ba, với cục bối chính giữa, hai cánh hai bên, một sợi dây đỏ được buộc vào chính giữa tóc, kiểu tóc này gọi là momoware. Theo lời giảng của Arthur Golden, thì kiểu quả đào chỉa này có ý nghĩa sâu xa, gợi hình. Phải nói, trên phương tình dục, người Nhật thích tạo các hình ảnh gợi cho trí tượng tượng làm việc.

Có nhiều kiểu bới đầu cho các cô maiko, mỗi kiểu tóc phản ánh thời gian cô đang luyện tập. Các cô geisha mang kiểu tóc giản dị hơn. Cái gì của các cô maiko đều rườm rà, màu mè hơn các cô geisha hết, từ tóc cho đến đai obi, áo kimono.

Tóc được cài bằng những cái trâm rất đẹp, đủ hình thể, hình hoa đi đôi với áo, có vài sợi dây lòng thòng chảy dài như bông tai. Trâm gắn ngọc trai, trâm làm bằng xà cừ, đồi mồi, chạm ngọc vân vân, và có loại trâm đặc biệt các cô maiko chỉ cài ba ngày đầu tiên của nghiệp maiko, rồi được cất lại trong tủ trang sức của giòng họ. Các cô còn làm đẹp thêm đầu tóc với những cây kẹp tóc đâm vào mái tóc. Một mái tóc được trang sức như một bàn tay, mang hai ba cái nhẫn, cộng thêm vòng đeo.

Tiếp đến phần trang điểm khuôn mặt. Lý tưởng ra thì một khuôn mặt đẹp hình trái xoan, thế nhưng không phải ai sinh ra cũng được vậy, thành ra phải trang điểm sao cho người nhìn có ấn tượng đó là một khuôn mặt trái xoan. Lông mày kẻ vòng cung bằng một cây bút chì đúc từ loại gỗ quý của Nhật. Mặt thoa một lớp kem mỏng, sau đó thoa một lớp phấn trắng xoá. Lớp phấn này được trộn với nước thành chất sền sệt. Cổ cũng được phết với phấn trắng bằng cây bút lông, cuối cổ được vẽ thành hình thể ba chân, tất nhiên đàng sau cổ phải có người trang điểm dùm. Cổ áo trễ xuống rất sâu, nhất là với các cô maiko, để hở một cần cổ dài. Đối với người Nhật cổ là phần gợi cảm nhất của người đàn bà. Đoạn da không có phấn tạo cho cảm giác nửa kín nửa hở, làm cho người đàn ông tưởng tượng phần da tự nhiên của người đàn bà sau lớp phấn trắng xoá đó. Môi được thoa son đỏ, nhưng có cô chỉ thoa môi dưới, tạo ấn tượng môi dầy hơn. Má thoa phấn hồng, và chung quanh mắt cũng thoa một đường hồng hồng đo đỏ. Lớp phấn trắng trên khuôn mặt có tác dụng như mặt nạ, làm cho khuôn mặt mang chất kịch tính, tựa như mặt nạ của Noh, một loại kịch cổ truyền Nhật bản.

Trước khi bận áo kimono, các cô bận áo lót, cái áo lót này dài tới đùi, màu hợp với áo kimono, vì lúc vũ, hay quỳ gối ngồi xuống, cô geisha giở tà áo cho khỏi vướng và lòi một phần áo lót ra.

Áo kimono của các cô maiko màu sắc sặc sỡ, với những hình thiết kế, bắt mắt, vui tươi, còn áo kimono của các cô geisha thường trang nhã hơn. Ngày xưa, các cô bận áo kimono phản ảnh với mùa đang thời, vào mùa hè vải nhẹ và mát, mùa đông vải dầy hơn. Theo cổ truyền xưa của Nhật một năm có đến 28 mùa, mỗi mùa có một biểu tượng riêng, cuối tháng ba là mùa của chim hoạ mi, tháng hai cũng mùa xuân nhưng là mùa hoa anh đào, đầu tháng mười một là mùa hoa cúc, tháng mười cảnh lá phong đổi màu vv.. Áo kimono như bức tranh, có khi cả một phong cảnh được hoạ trên áo. Ngoài ra ngực áo lúc nào cũng có thêu hình thể huy hiệu của giòng họ. Tay áo kimono của các cô maiko dài, có khi xuống tới tà áo.

Cổ áo của các cô maiko màu đỏ, cổ áo của geisha màu trắng. Cổ áo là phần rời, mỗi ngày phải có người đính cổ áo vào với cái áo lót. Sau thời kỳ thực tập, các cô maiko sẽ trở thành geisha qua buổi lễ được gọi là eriage, nghĩa là “thay đổi cổ áo”. Cổ áo của các cô geisha bây giờ chỉ có màu trắng, từ đây cô không còn bé bỏng nữa, cô đã trở thành một geisha chuyên nghiệp.

Đi đôi với áo là đai obi. Đai áo cô geisha được cột tươm tất thành một cái hộp ngang lưng, màu sắc hợp với áo kimono cô đang bận, trong khi đó đai obi của các cô maiko dài thòng lòng, được cột thành từng vòng, kẹp cho ngay bằng những cái móc, đuôi dây thòng xuống tà áo. Về bề ngang, đai áo được buộc lên tới ngực, và đoạn cuối xuống tới rốn. Vải đai obi dầy hơn vải áo kimono, hàng lụa, thêu kim tuyến, màu sắc lúc nào cũng sáng và tươi thắm hơn màu áo. Ngắm một cô maiko, không phải chỉ thấy vẽ đẹp của cái áo kimono mà còn ở cái đai obi nữa. Cả áo và đai nặng trên 40lbs. Vào thời kỳ đầu tập sự, các cô maiko khoảng 15 tuổi, Mineko cho biết lúc đó cô cân nặng 79 lbs, mà cái áo kimono của cô nặng tới 44 lbs. Thế nên phải có người giúp cô bận áo kimono vào.

Mỗi chiều, trước khi ra cổng, các cô đã trang điểm sẵn sàng. Theo lịch trình định sẵn, người bận áo kimono chuyên nghiệp sẽ đi một lượt tới các nhà okiya để giúp bận áo cho các cô geisha. Bận áo kimono là nghề gia truyền, thường gia đình đó cũng sản xuất áo kimono. Đây là những người đàn ông duy nhất được phép có mặt trong nhà okiya vào lúc chiều sẩm. Áo kimono hình chữ T, có độ dài bằng nhau, thế nên trừ người rất cao, áo đứng dễ dàng, không bị sỗ, không bị nhăn, bổn phận người bận áo kimono phải kéo áo cho thật kỹ càng, thẳng thớm, túm một khúc áo bỏ vào đai, khúc kia gấp lại vào nơi khác cho thật gọn gàng để cô geisha giữ được thăng bằng, và quân bình khi đi đứng. Những phụ nữ Nhật không bận áo kimono quen, cần phải có phần đai độn bên trong cho áo được ngay ngắn, còn các cô geisha bận áo kimono hàng ngày, nên ít khi phải dùng đai độn, trông dáng áo mềm mại, dịu dàng hơn.

Chân các cô geisha, maiko, mang tất trắng tabi. Tất tabi cũng giống như giầy có kích thước, các cô cần mang tất số nhỏ hơn guốc một kích để tất ôm vào chân và bám vào guốc dễ hơn. Tất tabi may chìa ra như găng tay có hai phần, phần cho ngón chân cái, và tất cả ngón kia bỏ vào phần còn lại. Tất được gài lại bằng nút. Các cô maiko mang đôi guốc okobo cao tới 6 inches, các cô geisha mang guốc geta thấp hơn. Guốc bằng gỗ, có coi bằng xà cừ. Với guốc cao như thế, thì các nàng phải đi những bước chân nhỏ nhắn, từ tốn, tà áo kimono quấn quít nơi gót chân tựa những ngọn sóng lăn tăn trên bãi biển.

Chỉ nội phần trang phục thôi, các cô cũng phải luyện tập để có khả năng đỡ từng đó sức nặng trên người, thoải mái di chuyển từ trà đình này qua trà đình đến các buổi hẹn, chưa kể những lúc trình diễn các màn vũ điệu dân tộc! Bởi thế, người viết mạn phép gọi là văn hoá nghệ thuật geisha.

Tổ chức trong gia đình và hội đoàn geisha

Các cô geisha sống chung trong những căn nhà, gọi là okiya, nghĩa là nhà của các nghệ sĩ geisha. Mỗi nhà là thuộc một giòng họ, người đứng đầu là một bà mẹ, okami, trước đây cũng là geisha, nay bà có bổn phận dìu dắt các cô trong gia đình, lo việc hành chính, giao tiếp với các chủ trà đình, tửu quán, giới thiệu các cô con gái mới vào nghề, để tất cả mọi người được biết đến cô, như thế các cô mới có cơ hội thăng tiến trong nghề, cũng như đem lợi tức về cho gia đình. Các nhà okiya tài trợ cho các cô con gái mọi chi phí học tập, lệ phí của các lớp học nghệ thuật, các phí tổn như sắm áo kimono, đai obi v.v.... Mỗi cô đều có một sổ kế toán riêng, ghi lại những chi phí cũng như tiền công cô tạo được, chi phí sẽ được trừ đi hàng tháng khi cô bắt đầu kiếm ra tiền. Tất cả là một hệ thống rất trật tự và chặt chẽ.

Sau một thời gian, bà mẹ okami sẽ đề nghị nhận nhận cô maiko là con nuôi, cô từ bỏ họ của gia đình và lấy họ của nhà geisha đó. Có cô còn được đặt tên mới cho phù hợp với cá tính của cô, hay tránh sự trùng hợp nếu có trong gia đình mới. Từ thế kỷ 20, thủ tục này được chính thức hoá tại toà án, và quan toà lúc nào cũng đòi hỏi sự đồng ý của các cô bé, mới tán thành cho cô đổi họ.

Chủ gia đình là mẹ, người lớn cùng thế hệ với mẹ là các dì, những người tới sau là em gái, tới trước là chị. Trong mỗi nhà bà mẹ chọn một người nối dõi, một cô atotori, cô mang họ của nhà okiya đó, trong tương lai trở thành chủ gia đình cho đến khi cô kiếm người thừa kế, luyện tập người đó, rồi về hưu, chấm dứt nghiệp geisha. Trong thời kỳ tập sự, mỗi cô maiko đều có một bà chị đỡ đầu, gọi là onesan, chị onesan có bổn phận dìu dắt cô em, giới thiệu với khách hàng, truyền cho cô em những phép giao tế với khách hàng. Các cô geisha ở trong nhà okiya cho đến khi hết hợp đồng, và sau khi trả xong các nợ mà gia đình đã tốn cho sự học tập của cô, rồi các cô có quyền ra riêng sống tự lập. Đối với các cô geisha có tài và chịu khó thì sự việc trả nợ không là điều khó khăn. Trừ khi có người bảo trợ, nhiều cô thích sống với "gia đình" hơn, như cô Mineko ra đi rồi trở lại nhà vì đời sống của cô quá bận rộn, sống riêng phải tự lo lấy, cô không kham nổi.

Tại phương Tây các Mạnh Thường Quân giàu có thường bảo trợ cả một đoàn hát, nhưng tại đất Phù Tang, thì người bảo trợ gọi là danna chọn bảo trợ một cô geisha, giúp cô trang trải mọi chi phí nhà cửa, cũng như tặng cho cô các quà đắt tiền như áo kimono. Bù lại lúc nào cô cũng sẵn sàng có mặt tại những buổi tiệc do ông danna của cô tổ chức. Vào thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, trước thế chiến thứ II, danna chứng tỏ địa vị khá giả của nhân vật đó nữa! Danna không có ý nghĩa là người tình của cô geisha, như tác giả Arthur Golden đã ngầm cho độc giả hiểu, tuy rằng tình cảm giữa đàn ông và đàn bà khó tránh khỏi, nhất là người này lại trả mọi phí tổn cho cô geisha. Hơn nữa vào thời đó người vợ được gia đình chọn theo môn đăng hộ đối, còn các cô geisha là những nghệ sĩ mà đàn ông dễ dàng xiêu lòng vì tài, vì sắc.

Nước Nhật là nước nhiều thủ tục kiểu cách. Các cô maiko hết thời gian tập sự có buổi lễ thay cổ áo, lúc cô có người chị đỡ đầu, onesan cũng có buổi lễ nối tình hai chị em, và nếu cô có người danna bảo trợ cũng có một buổi lễ nho nhỏ với sự có mặt của nhân chứng cùng hai nhân vật chính.

Những nhà okiya, nơi các cô sống có luật lệ rất nghiêm ngặt. Đàn ông, những thương gia và ngay cả người thân của các cô chỉ được vào nhà sau 10 giờ sáng. Tới chiều, khi các cô geisha bắt đầu sửa soạn tắm, bận áo ra đi, nhà okiya đóng hẳn cửa không cho người ngoài vào, trừ ông dresser, người tới giúp bận áo kimono mà chúng ta có nói ở trên. Những người này cũng chỉ được vào một nơi đã chỉ định, và tuyệt đối không có đàn ông vào nhà ban đêm. Tiết hạnh của các cô geisha là một điều rất quan trọng mà những gia đình okiya có tiếng luôn giữ gìn.

Trong quyển sách của Golden có nói đến tục “mizuage”, trong đó trinh tiết của maiko được đấu giá cho người trả nhiều tiền nhất. Điểm này cũng là lý do cô Mineko kiện tác giả Arthur Golden, vì cô đã vui miệng tiểt lộ một tục lệ mà thế giới geisha giữ kín. Các cô geisha khác giận cô Mineko vì thế giới bên ngoài nhìn các cô geisha như một món hàng có giá cả, mà quên đi tính chất nghệ sĩ của họ. Các cô đã dầy công luyện tập để giữ gìn văn hoá Nhật, mà không phải ai cũng có tài, khả năng và kiên nhẫn để thực hiện được điều này, có nhiều người vào được một thời gian rồi bỏ ngang. Mineko không đề cập đến vấn đề này trong quyển sách của cô. Không biết thực hư ra sao, có điều chắc là tới thế kỷ này thì tục lệ không còn thông dụng nữa, vì luật pháp đã thay đổi rất nhiều để bảo vệ cũng như để tỏ lòng tôn trọng phụ nữ.

Các cô nàng maiko và geiko trình diễn và gặp gỡ khách hàng tại các nhà ochaya, trà đình, hay tại các tiệm ăn, khách sạn ryokan hay ryokei có nhà khách tân lớn. Khách tân là một phòng lớn, trải thảm tatami. Chủ ochaya sẽ cho trang hoàng phòng khách tân khác tuỳ theo thành phần khách hàng, từ chậu hoa, tranh ảnh treo tường, cho đến những con búp bê nho nhỏ bầy trong tủ kiếng... Khi xong tiệc, phòng sẽ được trưng bày lại phù hợp với khách sắp tới. Người Nhật rất kỹ, chú trọng những chi tiết tỉ mỉ, với tinh thần phục vụ khách một cách tích cực. Trong các buổi tiệc liên hoan, tuyệt đối các cô geisha không dùng bữa ăn chung với khách hàng, bổn phận của cô là giúp vui khách hàng. Cuối buổi liên hoan, nếu khách hàng mời cô đi ăn riêng thì lúc đó cô mới ăn. Thường các cô ăn một tí và uống rất ít nước trước khi ra đi, khi cô về nhà, thường là sau nửa đêm, cô sẽ tắm rửa và ăn chút đỉnh trước khi đi ngủ.

Tất cả các cô geisha từ lúc mới vào thời kỳ tập sự đã phải tới ghi danh tại văn phòng hành chánh của hội đoàn geisha gọi là yataka. Muốn mời các cô geisha tới các buổi hội, tiệc phải có người trung gian giới thiệu với các chủ trà đình ochaya hay các ryokan. Các nơi này sẽ liên lạc đến văn phòng yakata, và văn phòng này sẽ báo cho các nhà okiya biết. Yataka có bổn phận làm hoá đơn chi phí, gởi tới khách hàng sau mỗi buổi tiệc liên hoan. Lệ phí geisha tính theo từng 15 phút theo thời gian cô có mặt trong buổi tiệc. Mỗi tiệc tuỳ lớn nhỏ, có tới mấy cô geisha, chia ra trò chuyện với khách. Phần trình diễn văn nghệ phải có hai người, người vũ và người đàn shamisen. Sau đó họ có thể bày trò chơi chung, giúp tất cả mọi người trong buổi tiệc thoải mái tham gia trò chơi. Chi phí cho sự có mặt của các cô geisha cho một buổi tiệc là một chi phí lớn, cho nên thường là những doanh gia giàu có, các chính trị gia hạng lớn và ngày nay thì các hội đoàn, công ty tổ chức cho công nhân trong những dịp đặc biệt. Với hệ thống chặt chẽ như thế, cả hội đoàn geisha đều biết rõ ràng, ai là người làm ra nhiều tiền nhất, người có tăm tiếng được mọi người vời tới nhất.

Ngoài ra mỗi năm các geisha thường xuất hiện trước công chúng qua những buổi trình diễn vũ cổ truyền đặc biệt, được tổ chức hàng năm tại các nhà Hát nổi danh của thành phố.

***

Quyển sách Hồi ký của nàng geisha đã được thực hiện thành một phim hoành tráng. Đây là một quyển tiểu thuyết với nhiều tình tiết ly kỳ, bi thương, trong đó có một câu chuyện tình cảm động. Thế nhưng điều lôi cuốn độc giả chính ra là những chi tiết lý thú của cuộc sống geisha được tác giả trình bày tỉ mì, những tập tục, những công trình khó nhọc để duy trì văn hoá cổ truyền Nhật Bản. Thế nên các cô geisha của đất Phù Tang quả là những đại diện ngoại giao quan trọng của Nhật với thế giới bên ngoài. Vào thời hưng thịnh có tới 10,000 geisha trên toàn nước Nhật, hiện nay chỉ còn khoảng 1000 thôi. Cũng như nhiều nhà okiya tại Tokyo và Kyoto, cô Mineko Iwasaki, cô atotori cuối cùng của dòng họ Iwasaki đã đóng cửa nhà okiya của cô, cô bảo: Xã hội geisha phải thay đổi để thích hợp hơn với thế kỷ mới. Chính tôi với bao nhiêu năm luyện tập nghề vũ mà không được trình bày điệu vũ một cách tự do theo ý tôi. Nghệ thuật geisha muốn được bảo tồn thì cũng như mọi điều khác phải có những thay đổi để thích hợp với nền văn minh của thế kỷ mới.

Điều người viết học hỏi được sau khi đọc các cuốn sách về geisha, là cá tính cần mẫn, tuân theo kỹ luật của các cô. Các cô geisha hãnh diện là những người duy trì và phát biểu nghệ thuật cổ truyền Nhật Bản nên không quản ngại khó nhọc. Một ngày làm việc của cô geisha bắt đầu từ sáng sớm, tới trường học, rảnh rỗi tìm những tài liệu về những người danh tiếng mà mình phải tiếp xúc để có thể trò chuyện một cách thích hợp. Những người có bổn phận giáo dục, từ các bà okami đến các cô giáo dạy đàn, vũ là những người đòi hỏi nghệ thuật phải được học một cách kỹ càng, chính xác. Tất cả đã tạo nên một xã hội đặc biệt, mà biết đến là một điều lý thú. Điều lý thú nhất mà người viết muốn chia sẻ với bạn đọc là cá tính sạch sẽ, cần mẫn của người Nhật. Đối với họ làm việc là một điều đẹp và cần thiết, nhất là quét dọn nhà cửa cho ngăn nắp, sạch sẽ. Một cô bé sáu tuổi bước vào nhà ngày hôm sau được giao phó ngay cho việc làm, việc làm đó là quét sân và sau đó là chùi nhà xí. Đến khi cô bé lớn lên, những khi cô buồn, cô chùi dọn đồ đạc cho nhà được láng coóng. Chùi quét những dơ bẩn trong nhà là quét đi những muộn phiền của đời sống. Ý tưởng đó được truyền từ đời này sang đời khác, tạo được một xã hội trật tự, cảnh trí ngăn nắp sạch sẽ mà không cần những luật lệ sắt đá!

Trần Viết Minh Thanh