Dự báo ba kịch bản trên biển Đông 10 năm tới

Tranh chấp biển Đông đã trở thành chủ đề nóng trong năm 2012 và năm 2013 sẽ là thời điểm thích hợp để bàn đến viễn ảnh tương lai của biển Đông, theo ghi nhận của chuyên gia Angguntari C. Sari, giảng viên khoa Quan hệ quốc tế, ĐH Công giáo Parahyangan ở Bandung, Indonesia, trên báo Jakarta Post số cuối năm 2012.

Ông nhận định trong 10 năm tới có thể diễn ra ba kịch bản cho tương lai biển Đông. Đó là tận diệt, mơ ước và nguyên trạng. Tận diệt là viễn cảnh tồi tệ nhất khi xung đột giữa các bên tranh chấp xảy ra và lôi kéo Mỹ vào.

Với kịch bản này, Mỹ sẽ không còn duy trì thế trung lập. Xung đột quân sự quy mô lớn sẽ xảy ra. Các kênh đối thoại trong khu vực sụp đổ hoàn toàn. Các bên tranh chấp gạt bỏ các quy tắc quốc tế và thái độ cân nhắc lâu nay vẫn giữ.

Tàu khu trục tên lửa của Trung Quốc

Mơ ước là viễn cảnh khó xảy ra nhất khi vấn đề tranh chấp được giải quyết triệt để và hòa bình theo giải pháp các bên cùng thắng. Muốn đạt được điều này, các bên phải bỏ qua quan điểm thực dụng và thực hiện sáu yếu tố quyết định:

  • Phải có một sức mạnh lãnh đạo đủ khả năng và động cơ thiết lập trật tự ổn định.
  • Sức mạnh được phân bổ đồng đều và tránh hành động hiếu chiến thái quá.
  • Giữ thái độ tôn trọng các quy tắc quốc tế trong giải quyết tranh chấp hòa bình.
  • Ưu tiên duy trì các quan hệ kinh tế quốc tế và phát triển.
  • Có các cơ quan phụ trách đối thoại và hợp tác.
  • Đoàn kết các tổ chức bên trong cùng có chủ trương giải quyết tranh chấp hòa bình và các bên cùng thắng.

Nguyên trạng là viễn cảnh có nhiều khả năng xảy ra nhất trong 10 năm tới khi các bên đều chưa đi đến cùng trong giải quyết tranh chấp. Chuyên gia Angguntari C. Sari nhận định với diễn biến hiện tại, xung đột lớn sẽ không thể xảy ra vì:

  • Các nhà phân tích quân sự tại công ty tình báo và phân tích quốc phòng, an ninh IHS Jane’s (Mỹ) đã ghi nhận chi tiêu quốc phòng của các nước Đông Nam Á trong năm 2011 tăng 13,5% lên mức 24,5 tỉ USD và dự báo con số này sẽ tăng lên 40 tỉ USD vào năm 2016. Đây là yếu tố sẽ ngăn chặn Trung Quốc sử dụng vũ lực chèn ép các bên tranh chấp khác hoặc chiếm đóng các vùng biển tranh chấp.
  • Từ năm 2009, Mỹ thực hiện chính sách hướng về châu Á-Thái Bình Dương với cam kết sẽ quan sát hành động của các bên tranh chấp vì với Mỹ, biển Đông có giá trị chiến lược và kinh tế cao. Thái độ này của Mỹ sẽ giúp cân bằng tình hình biển Đông.
  • Phát biểu với các nước ASEAN gần đây, Chủ tịch Trung Quốc tương lai Tập Cận Bình đã cam kết tìm kiếm giải pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp trong khu vực. Thêm vào đó, các bên tranh chấp đều mong muốn duy trì hòa bình và ổn định.

Tuy nhiên, chuyên gia Angguntari C. Sari ghi nhận các yếu tố nêu trên có thể không đủ để bảo đảm ổn định trong tương lai và điều quan trọng là các chính phủ phải có năng lực thuyết phục các cơ quan, tổ chức và công dân thống nhất một giải pháp cùng thắng, toàn diện, hòa bình để giải quyết tranh chấp.

Chuyên gia Angguntari C. Sari ghi nhận trong năm 2012, chính quyền Trung Quốc đã rất khó khăn khi thuyết phục các tổ chức và công dân cổ xúy chủ nghĩa dân tộc nhận thức được tầm quan trọng của công cuộc bảo vệ hòa bình và ổn định để phục vụ cho phát triển kinh tế.

(Theo PLTPHCM)

TIN MỚI NHẬN

Theo hãng AFP, tin tức ngày 31.12 cho hay Trung Quốc đã chuyển giao hai tàu khu trục và chín tàu cũ khác của hải quân cho đội tàu hải giám của nước này, trong bối cảnh Bắc Kinh đang nỗ lực tăng cường vị thế của mình trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ gay gắt với Nhật Bản và các nước láng giềng khác.