Fru Peher - Cha đẻ của radar chống máy bay tàng hình

Fru Peher sinh năm 1919 trong một gia đình có truyền thống nghiên cứu khoa học tại tỉnh Pilsen, Czech; cha ông là công trình sư - chuyên gia chế tạo vũ khí tại Nhà máy quốc phòng Scoda, Czech.


Bàn điều khiển radar bị động Vera-E sản xuất tại ERA Pardubice, Czech

Ngay từ nhở, Fru Peher đã được gia đình tạo điều kiện hun đúc tài năng, ông thích đọc sách kỹ thuật và mê công nghệ vũ khí, sau đó đã vào học ngành vô tuyến điện Học viện Công nghệ Brno, Czech.

Năm 1938, Đức Quốc xã chiếm Czech, Fru Peher và nhiều sinh viên ngành vô tuyến điện bị cưỡng chế tốt nghiệp trước kỳ hạn và đưa vào làm việc tại nhà máy quốc phòng do người Đức tiếp quản. Thời gian này, Fru Peher đã bí mật gia nhập tổ chức Cộng sản, phụ trách công tác chuyển đưa tình báo. Tháng 5/1945, liên minh Czech-Slovakia (Tiệp Khắc) được giải phóng, Fru Peher làm việc tại Nhà máy quốc phòng Tesla, tiếp tục nghiên cứu về lĩnh vực vô tuyến điện radar.

Sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, Mỹ đã định ra kế hoạch tiến công hạt nhân đối với Liên Xô: kế hoạch "Dropshoch", muốn dùng 300 quả bom hạt nhân san bằng 200 thành phố của Liên Xô. Cho nên, Mỹ đã đẩy mạnh phát triển hệ thống radar điều khiển tên lửa đạn đạo hành trình, liên tiếp đưa ra các loại tên lửa hành trình "MGM-1", "MGM-13"... loại tên lửa này với sự dẫn đường của radar mặt đất có thể công kích chuẩn xác mục tiêu ở xa trên 1.000km.

Để đối phó với Mỹ, Nguyên soái Malinovski, Tổng tư lệnh Lực lượng vũ trang tổ chức Warsaw (khối Varsava) đã giao một nhiệm vụ tuyệt mật cho Nhà máy quốc phòng Tesla trong thời gian ngắn nhất nghiên cứu chế tạo ra máy truyền cảm có thể sớm phát hiện ra tên lửa do radar dẫn đường của Mỹ (Tiệp Khắc gia nhập tổ chức Warsaw năm 1955).

Lúc đầu, mọi người cho rằng đây là công việc không thể hoàn thành, nhưng Fru Peher đã nhận trách nhiệm và lãnh đạo một số người bí mật tiến hành triển khai nghiên cứu vấn đề này tại Khoa Quân sự Học viện Brno - họ tự xưng là "Nhóm chuột đồng". Lúc này trang thiết bị nghiên cứu rất thiếu thốn, giá trị nhất là tư liệu kỹ thuật tên lửa đạn đạo của Mỹ mà Ủy ban An ninh quốc gia Nga (KGB) lấy được cung cấp. Đây chính là những thứ vô giá giúp cho "Nhóm chuột đồng" hoá giải được cái gọi là "Kỹ thuật chụp đồng hồ vàng" của Mỹ.

Trong quá trình nghiên cứu, Fru Peher nhận thấy: hiện nay, vấn đề phát hiện mục tiêu là dựa vào radar nguồn truyền thống chủ động phát ra sóng điện từ, nhờ vào bản thân định hướng bức xạ để chiếu rọi và tìm mục tiêu trên không trung, đồng thời tiến hành định vị và theo dõi. Từ nhận định này, Fru Peher đã mạnh dạn vứt bỏ mô thức phát hiện của radar truyền thống, chuyển sang sử dụng nguyên lý bị động; ông đã nghiên cứu thiết kế loại radar mà bản thân nó không phát ra bất kỳ tín hiệu điện từ nào, chỉ tiếp thu tín hiệu mục tiêu, sau đó phong toả bao vây, đồng thời ngược hướng đuổi bám theo dõi mục tiêu.

Sau hơn 3 năm đột phá, đến năm 1960, Fru Peher đã đưa ra được một bộ radar phát hiện theo dõi bị động đầu tiên trên thế giới - PRP-1, mật danh là Kopac hay "Copachi". Biết tin này, Khrusov (Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô lúc đó) và 6 nguyên thủ quốc gia của tổ chức Warsaw đã đến Czech quan sát thử nghiệm radar "Copachi". Radar "Copachi" đã vận hành tốt, có thể phát hiện được 2 bộ radar cơ động đang hoạt động xung quanh cách vài chục kilômét, đồng thời chẩn báo chính xác vận hành của hai bộ radar này. Khrusov rất hài lòng đối với kết quả thử nghiệm và khi chia tay đã tháo chiếc đồng hồ "Omega" đang đeo trên tay tặng Fru Peher.

Radar Copachi được coi là radar bị động thế hệ đầu tiên, nhưng mỗi khi hoạt động, chỉ phát hiện được 6 mục tiêu, cho nên muốn đáp ứng được yêu cầu chiến tranh cường độ cao, phải nghĩ cách đặt nhiều trạm radar bị động trên toàn quốc.

Năm 1984, với sự trợ lực của một số sinh viên toán-lý tài năng, Fru Peher đã sáng lập ra bộ thiết bị sử dụng "biểu thức toán học định vị sai số thời gian tín hiệu điện từ đến" (TDOA), khiến "radar bị động" giải quyết có hiệu quả một vấn đề khó còn tồn tại, đó là theo dõi và xác định chính xác vị trí ngược hướng của mục tiêu trong không trung.

Kỹ thuật định vị này không yêu cầu đồng bộ giữa nguồn tín hiệu mục tiêu và trạm tiếp thu, cho nên tính năng rất ưu việt trong điều kiện có sai số, đồng thời có độ chính xác cao, dễ thực hiện và có thể sử dụng vào phương án định vị mạng.

Có "pháp bảo" biểu thức toán học; năm 1987, Nhà máy quốc phòng Tesla lại đột phá chế tạo ra radar bị động đối kháng tình báo điện tử/chiến tranh điện tử thế hệ thứ ba: KRTP-86, mật danh "Tamara" (ảnh dưới).

Radar di động "Tamara" có thể trong phạm vi 250km cùng một lúc phát hiện và theo dõi 23 bộ radar và 48 nguồn bức xạ điện tử trong không trung, bao gồm máy bay tàng hình.

Hệ thống radar bị động “Tamara” được đưa vào sử dụng trong cuộc chiến Nam Tư năm 1999. Nó trở thành vũ khí chiến lược của quân đội Nam Tư. Thành công đầu tiên của “Tamara” là bắn rơi máy bay tàng hình F-117A của Mỹ vào ngày 27/3/1999, cách thủ đô Belgrad 40km về phía tây.

Sau “Tamara” cha đẻ của nó còn nghiên cứu, chế tạo và phát triển loại radar mới - thế hệ radar bị động thứ 4 mang tên “Vera-E” có thể phát hiện ra máy bay tàng hình B-2 của Mỹ ở cách xa 250km. Chính phủ Czech đã từng hủy đơn đặt hàng của Trung Quốc mua 6 hệ thống Vera-E.

Tháng 10/2006, Chính phủ Mỹ lấy hình thức đảm bảo vàng, đã giúp đỡ Công ty Fanok của Mỹ để mua Công ty ERA của Czech. Lúc đó nhật báo Czech đã đưa tin về sự kiện này: "Một nhà máy của Czech chế tạo radar độc nhất vô nhị đã bị công ty Mỹ mua, Lầu Năm Góc đã có thể thở phào nhẹ nhõm"... Nhưng được biết, Fru Peher, đã từ chối sự đãi ngộ hậu hĩnh của Mỹ, tiếp tục sống trong ngôi biệt thự ở quê hương Pilsen, Czech.

Theo QSHĐ