GALLIANO – NHÀ THIẾT KẾ THỜI TRANG TÀI BA LỖI LẠC

Người tiêu dùng sành điệu trên thế giới không ai không biết cái tên Dior. Các mặt hàng nhãn hiệu Dior luôn luôn nổi tiếng và không thể lẫn với hàng của hãng khác. Dior luôn đứng vững trên đỉnh ngọn kim tự tháp thời trang thế giới.

Dior làm được như vậy có phần do công sức của John Galliano, Tổng Giám đốc (TGĐ) thời trang nữ của hãng, một thiên tài thiết kế thời trang. Con người Galliano có chút ngạo mạn nhưng bạn không thể không yêu thích ông.


Galliano là tập họp của các mâu thuẫn: nóng tính mà tập trung tư tưởng cao, nhạy cảm mà hành động quả quyết, giầu sức tưởng tượng mà trọng thực tế. Hồi đang học tại Học viện thiết kế thời trang St. Matin nổi tiếng Anh quốc, Galliano đã tỏ ra là một tài năng đặc biệt. Trong lễ tốt nghiệp, các sinh viên khóc lóc yêu cầu Galliano cho làm người mẫu buổi biễu diễn Les Incroyables - tên một dòng thời trang hồi Đại cách mạng Pháp nay được thiết kế lại dùng cho thời hiện đại, vừa siêu thoát, vừa nắm bắt được mùi vị cổ xưa. Buổi diễn đó đặt nền móng cho chặng đường vẻ vang Galliano sẽ bước tiếp. Một nhà thiết kế thời trang Anh đã mua toàn bộ mẫu quần áo Galliano thiết kế về đem bày trong tủ kính hàng mẫu và bán hết ngay. Ca sĩ da đen Mỹ Diana Ross hí hửng mua được chiếc áo khoác.

Một năm sau ngày ra trường, Galliano bắt đầu xây dựng thương hiệu của mình bằng buổi diễn Afghanistan từ chối quan niệm của phương Tây, mang đậm chất Á Đông. Năm 1987, ông nhận giải thưởng “Nhà thiết kế xuất sắc nhất trong năm” của Anh quốc. Năm 1996, hãng Dior mời ông làm TGĐ bộ phận thời trang nữ.

John Galliano xuất thân từ một gia đình nghèo ở London, bố làm thợ ống nước, mẹ người Tây Ban Nha. Cha mẹ cố gắng cho 3 con đi học. Bà mẹ còn dạy chúng văn hoá Tây Ban Nha và vũ điệu Flamingo. Galliano ngày bé thường nhảy điệu này trên bàn ăn. Chủ nhật nào bà cũng đưa các con đến nhà thờ để biểu diễn. Tuy người Anh khá bảo thủ thường chê cười các trẻ em biểu diễn tài nghệ tại nơi công cộng, nhưng bà vẫn dạy Galliano làm tất cả các chuyện ấy. Dù là nhảy Flamingo trên bàn ăn ở nhà hoặc tại nhà thờ, Galliano đều tỏ ra là một nghệ sĩ biểu diễn chuyên nghiệp.

“Trang phục của tôi là một bộ phận của tổng thể sáng tác. Tôi không cố ý mặc như thế nào. Trong vài tuần chỉnh lý và thiết kế mỗi một xê ri mới, tôi bỗng dưng có cảm hứng. Khi sắp đến ngày công diễn, tôi không thể nào thay đổi mặc cách khác, không bao giờ vì chụp ảnh mà làm các bộ quần áo đẹp.” - Galliano nói. Mỗi khi xuất hiện ý tưởng thiết kế mới, ông đều mở nhạc to hết cỡ, các thứ trong phòng cũng sắp xếp lại tương ứng với tâm hồn mới xuất hiện. Chẳng hạn tâm hồn phương Đông thì treo đầy phòng các lồng chim Trung Quốc.

Thập niên 80 thế kỷ XX, John Galliano rất bận. Các nhà đầu tư đến rồi lại đi. Đau đầu nhất là các bộ trang phục ông thiết kế tuy được khen nhưng lại ít người mua. Để trốn tránh mâu thuẫn giữa lý tưởng với hiện thực, Galliano lao vào lối sống hưởng lạc, hòng dùng nhịp sống điên cuồng ban đêm để giảm sức ép. Hành động quái dị ấy bị dư luận chê trách. Cuối cùng chính Galliano cũng chán ngấy. Năm 1990, ông rời London đến Paris. Tuy được giới thời trang ở đây hoan nghênh, nhưng ông vẫn nhiều lần suýt phá sản; rất may được bạn bè giúp nên mới thoát được. Trong thời gian từ 1990 đến 1995 (bắt đầu làm cho hãng Givenchy), mỗi ngày ông uống 20 cốc cà phê, buổi tối lại nốc rất nhiều rượu vang đỏ để ngủ được. Cuối cùng Galliano đã chừa hẳn hai thói xấu đó nhưng vẫn chưa bỏ được tật nghiện thuốc lá.

Từ khi làm việc cho Dior, Galliano quyết tâm tập thể thao để có sức khoẻ thực hiện những buổi diễn thời trang căng thẳng, đầy sáng tạo, hút kiệt năng lượng trong người. Ông kể: sau mỗi buổi diễn, người tôi xỉu đi như xác chết; song tôi phải học cách thích nghi; tốt nhất là trốn biệt vào khách sạn nghỉ một thời gian. Hãng Dior dành cho Galliano quyền tự do sáng tạo ở mức cao nhất. Trước mỗi đợt diễn thời trang hàng quý, ông và đồng đội phải làm công tác chuẩn bị hết sức công phu, gian khổ, đầy tính sáng tạo thần kỳ của nhà nghệ sĩ. Galliano thường xuyên về Anh quốc tìm kiếm cảm giác mới. Ông lang thang khắp các chợ trời và câu lạc bộ cổ quái ở London hoặc vào thư viện đọc sách báo nói về thời trang, thăm viện bảo tàng xem các mẫu trang phục cổ. Nhờ vậy các buổi diễn của Galliano luôn luôn mới lạ, cuốn hút người xem; phong cách hài hước, siêu thoát, sức tưởng tượng vô hạn của ông hoàn toàn chinh phục giới sành điệu.

Doanh thu của Dior tăng mạnh. Năm 2003 Dior chiếm 30% cổ phần của tập đoàn LVMH khổng lồ và doanh thu năm 2006 lên tới 1 tỷ USD. Hiện nay Galliano nhảy sang cả lĩnh vực thời trang nam giới. Tuy đã sáng tạo nên những mẫu thời trang có ảnh hưởng lớn nhất trong 20 năm qua, Galliano vẫn nói: “Tôi cảm thấy đây chỉ là khúc dạo đầu của mình. Biết bao sáng tạo mới đang chờ tôi.”

Nguyên Hải