GS Văn Như Cương: “Tôi liều nhưng gặp thời”

“Ước mơ cuối cùng, nếu đủ nguồn lực đầu tư, tôi sẽ thành lập trường trung học phổ thông (THPT) nội trú”, GS. Văn Như Cương, người dám bỏ qua cơ chế ra thành lập trường THPT dân lập đầu tiên ở Hà Nội, tâm sự.
TỰ THOÁT KHỎI CƠ CHẾ
. Thưa, sắp tròn 20 năm thành lập trường THPT dân lập đầu tiên ở Hà Nội, nếu được chọn lại đường đi của mình, GS sẽ bắt đầu như thế nào?
- Ngày 1-6-1989, tôi mở trường Lương Thế Vinh, khi ấy tôi 52 tuổi, vừa rời Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Sau gần 20 năm, bây giờ nếu được bắt đầu từ chỗ... bắt đầu, tôi sẽ đi lại con đường này.
. Vì sao ạ?
- Vào thời điểm đó giáo dục VN tuột dốc không phanh, các trường nợ lương giáo viên, thầy bỏ dạy chạy xe ôm, cô bỏ dạy bán xôi; trò bỏ học lêu lổng. Trong khi Hà Nội có đội ngũ giáo viên tuyệt vời, phần lớn có thâm niên sư phạm cao từ các tỉnh rồi mới được về thủ đô dạy. Tôi tự hỏi, với lực lượng trí thức đó, tại sao giáo dục VN ra nông nỗi ấy? Rồi tự trả lời là vì cơ chế. Vậy chỉ có thể tự mở một ngôi trường của mình mới thoat khỏi nó.
. Nhưng GS có thể chọn cách khác tác động vào cơ chế, như cải tiến nội dung sách giáo khoa, cải tiến chế độ thi cử, tăng lương giáo viên...?
- Vô phương. Những chuyện ấy người ta nói ta nói cả gần nửa thế kỷ. Bây giờ vẫn tiếp tục nói, có lay chuyển được đâu. Tác động vào cơ chế tốt nhất là tìm một cơ chế khác. Khi tôi lập trường, chưa có tiền lệ, chưa có qui định. Tôi tự đề nghị dự thảo qui định rồi lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo ký duyệt. Một vị lãnh đạo còn nói “Chúng ta đã thanh toán được dân lập từ lâu, giờ có người muốn quay lại”. Mở trường, tôi làm hiệu trưởng, vợ làm kế toán trưởng, cũng trái qui định, dù không phải tiền nhà nước. Tôi bảo, vậy chúng tôi sẽ ly dị để không trái với qui định?
KẺ LIỀU GẶP THỜI
. Có vẻ GS hơi bị... “liều”?
- Quá liều, trong hoàn cảnh Nhà nước không mặn mà, gia đình tôi nghèo, phụ huynh học sinh chưa tin. Trông râu tóc đạo mạo, nhưng biết bụng dạ tôi thế nào, người ta ngại chứ? Anh có thể vào hàng phở mới mở ăn thử, nhưng có dám kéo con ra khỏi trường công vào học thử trường tư một năm?
Vậy mà khi đăng báo chiêu sinh tôi bất ngờ, có tới hơn 1.600 đơn xin nhập học. Năm đó tôi nhận 800 em cho cả ba lớp 10,11,12. Tức là không phải chỉ tôi hay một số người làm giáo dục, mà cả xã hội mong muốn có một cái gì đổi mới trong giáo dục. Tóm lại tôi là “kẻ liều gặp thời”, nói văn vẻ thì trường tư là xu thế tất yếu, là đòi hỏi khách quan của xã hội.
. Nếu GS không thành công?
- Nếu tôi thất bại, mô hình này không ra đời. Không ít người chờ đợi kết cục đó. Họ chờ tôi làm, tốt thì đó là “thành tích xã hội hoá giáo dục” của họ, xấu, càng khẳng định trường công là mô hình giáo dục duy nhất đúng. Đến nay Hà Nội đã có gần 60 trường dân lập, mỗi năm thu hút 15.000 học sinh lớp 10. So với 25.000 học sinh quốc lập, tỷ lệ này là 3/5. Sự phát triển rất nhanh hệ thống trường dân lập càng chứng tỏ nhu cầu thực sự của người dân.
. Theo GS, đâu là mặt mạnh của trường dân lập?
- Đa dạng. Nếu cơ chế các trường công lập giống nhau, tạo ra “sản phẩm” giống nhau, thì trường tư không thế. Trường Nguyễn Siêu, Lomonoxop... chẳng hạn, tuyển chọn đầu vào rất kỹ, học phí cao (1,4 triệu/ tháng). Định hướng tuyển chọn, đào tạo nhân tài rất rõ, đó là thế mạnh của họ mà trường công lập không làm được (không có cơ chế để làm). Hay trường Đinh Tiên Hoàng trước đây chấp nhận các em bị loại khỏi trường công lập, học sinh “cá biệt”. Họ có phương pháp riêng, để đào luyện chúng trở thành người tốt.
Góp phần nâng cao dân trí (tạo ra 15.000 chỗ học mỗi năm) là đóng góp vô cùng lớn của hệ thống trường tư. Ta tưởng tượng nếu không có trường tư, 15.000 em sẽ học ở đâu khi công lập không cáng nổi? Hệ thống trường tư Hà Nội đã giúp 70%- 80% các em tốt nghiệp THPT. Nếu chỉ đạt 50% thôi, tôi đã bái phục, vì họ đã “vét” tất cả các em không được trường công nhận học. Thành tích ấy là vĩ đại.
NHỮNG QUY ĐỊNH... KỲ CỤC
. Hiện nay trường tư được Nhà nước hỗ trợ những gì, thưa GS?
- Nhà nước không cho gì, chúng tôi tự bươn chải. Một nhà giáo dục Pháp hỏi tôi được Nhà nước hỗ trợ bao nhiêu phần trăm, tôi bảo zero. Ông ta ngạc nhiên: “Thế thì ông tự do quá nhỉ? Bên ấy Nhà nước hỗ trợ bao nhiêu phần trăm kinh phí giáo dục thì được quản lý nhà trường bấy nhiêu phần trăm” (hai bên ký với nhau). Tôi không được phần trăm nào, nên coi như tự do. Và Nhà nước còn thu 10% thuế thu nhập của trường tư. Thế giới không thế, nhưng ta làm thế, vì vậy 10% đó người đi học trường tư phải chịu.
. Thưa, GS có cho vậy là vô lý ?
- Dạy học tức là tôi đang làm công cho Nhà nước, với ý nghĩa cung cấp “sản phẩm con người” cho Nhà nước. Kháng chiến chống Pháp, chính quyền đưa thóc cho dân xay xát rồi lấy gạo, dân được trả công. Thời bao cấp, nhiều gia đình làm hộp các tông, đan len gia công cho Nhà nước để nhận tiền công. Tôi nói hai thời kỳ kinh tế khó khăn nhất, người làm công vẫn được Nhà nước trả công. Thời nay không khó thế, nhưng những người làm công (như chúng tôi) không hưởng công và còn chịu thuế.
. Nhưng GS lại được tự do?
- Vâng, dạy theo chương trình của Nhà nước, mặc dù biết nó... kỳ cục. Thí dụ Nhà nước qui định giảng bài “Bên kia sông Đuống” môt tiết, nhưng ra đề thi ba tiết. Tôi vượt rào, cho dạy ba tiết. Thanh tra Giáo dục kiểm tra sổ đầu bài, hỏi: Tại sao ba tiết? Tôi “báo cáo”, thực ra bảy tiết, vì đã mời nhà thơ Hoàng Cầm đến nói chuyện với các em bốn tiết nữa. Họ kêu “thế thì gay quá!”. Trời ơi, một tiết làm sao giảng nổi bối cảnh ra đời, xuất xứ của một bài thơ từ thời chống Pháp cho trẻ hôm nay hiểu. Qui định thì nhiều lắm, 30 tháng 5 phải nghỉ hè, 5 tháng 9 phải khai giảng. Muốn làm khác, phải xin phép. Chưa nói kết cấu chương trình không hợp lý, sức tiếp thu của mỗi lớp, mỗi trẻ lại khác nhau. Có em một tiết đã hiểu, em khác phải 2-3 tiết mới hiểu... Tức là thời gian học phải linh hoạt, tuỳ đối tượng tiếp nhận, không thể đóng chặt trong từ 5 tháng 9 năm nay đến 30 tháng 5 năm sau. Đồng bằng sông Cửu Long lũ tháng 10, 11 (đầu năm học), người lớn có thể sống chung với lũ, nhưng trẻ không thể học chung với lũ. Chúng cần một niên học khác để tránh lũ.
. Với quá nhiều quy định bắt buộc đối với giáo viên, GS thấy thế nào?
- Vô vàn tình huống có thể xảy ra trên lớp (các câu hỏi đột ngột của học sinh trên lớp chẳng hạn), giáo án nào lường trước nổi? Còn soạn giáo án cũ theo chương trình, thì sách giáo khoa đủ rồi, cần gì làm?
CHỐNG LẠI SỰ MÉO MÓ TRONG GIÁO DỤC
. Nếu có đủ nguồn lực tài chính, GS sẽ còn làm gì nữa ạ?
- Xây dựng một trường nội trú để các em được sống nhiều bên nhau, trong nhà trường (cả tuần). Tôi muốn dạy kỹ năng sống cho trẻ, chống lại sự méo mó của giáo dục (trong gia đình và xã hội). Một đứa trẻ không biết nấu cơm, giặt giũ, xắp xếp đồ đạc ngăn nắp, đứa trẻ ấy khó trở thành công dân tử tế. Chúng ta đang chứng kiến ngày càng nhiều học sinh nam đánh nhau, trộm cắp, dùng thuốc lắc, giết nhau, nữ sinh nạo thai... Chúng trở nên hung hăng hơn. Chúng tôi sẽ dạy chúng sống thân thiện với đồng loại.
Trường Lương Thế Vinh nổi tiếng 5 năm liền 100% học sinh tốt nghiệp THPT. Nhưng tôi tự hào vừa thôi, vì hiểu rằng sự kỳ vọng lớn hơn của phụ huynh không phải 100% tốt nghiệp, mà chúng trở thành người tốt.
. GS sẽ tạo ra “ốc đảo”?
- Chúng tôi sẽ ở với chúng suốt tuần, dạy từng đứa trẻ từ lớp 1 đến hết lớp 12 một cách toàn diện, thông qua lao động và các mối quan hệ giữa người với người. Không phải “toàn diện” như người ta đang hiểu, và còn định đưa giao thông, giới tính, môi trường... vào chương trình vốn đã quá tải. Chúng tôi không nhăm nhăm dạy kiến thức mà dạy bản chất làm người. Hãy dạy các em phân biệt sai, đúng, tự khắc chúng biết hành động đúng. Đúng là tôi muốn xây dựng một “ốc đảo” nhô lên trên bãi biển giáo dục, xã hội. Nhưng nếu có nhiều người cùng xây “ốc đảo”, mặt bằng giáo dục chắc chắn sẽ cao lên nhiều.
. Xin cảm ơn GS.
Theo PLTPHCM 10-7-08