Giấc mơ Trung Quốc đã thay thế giấc mơ Mỹ

Nhân dịp Thế vận hội Olympic Bắc Kinh 2008 sắp bế mạc, báo The Times (Anh Quốc) số ra ngày 23-8 có bài “Giấc mơ Trung Quốc đã thay thế giấc mơ Mỹ” (The Chinese Dream has replaced America’s) của Martin Fletcher.

Bài báo viết: trong hai tuần qua, tại Thế vận hội Olympic Bắc Kinh, đoàn Trung Quốc (TQ) đã vượt hơn đoàn Mỹ 16 huy chương vàng, chấm dứt địa vị bá chủ toàn cầu của các vận động viên Mỹ kể từ sau ngày Liên Xô sụp đổ.

Tác giả nhận định: kinh tế TQ có thể tụt sau Mỹ nhưng tinh thần lạc quan về tương lai, sức sống xã hội và nhiệt tình yêu nước của TQ thì vượt xa Mỹ. Kết quả đó chỉ làm tăng tâm lý lo sợ hiện nay của người Mỹ. Các chuyên gia sẽ so sánh sự trỗi dậy tất nhiên của TQ với sự suy thoái của Mỹ và nghiên cứu vấn đề bao giờ thì xảy ra sự hoán đổi địa vị của hai nước.

Câu trả lời là: điều đó không cần thời gian lâu lắm. GDP năm 2007 của Mỹ bằng 13.800 tỷ USD, hơn hẳn TQ với 3200 tỷ USD; GDP bình quân đầu người của Mỹ bằng 46.000 USD, của TQ – 5300 USD. Mỹ có 11 trong số 30 công ty lớn nhất thế giới, TQ chỉ có 3. Nhưng các du khách tới TQ đều ngạc nhiên trước tâm trạng của người dân nước này: họ lạc quan, đầy sức sống, yêu nước, có chí tiến thủ và quyết tâm để cho thế hệ sau sống sướng hơn mình.

Trong 3 tuần thăm các nơi ở TQ, tôi thấy đây là một đất nước đầy tự tin. Ngược lại, nước Mỹ đang suy thoái kinh tế: giá nhà đất sụt giảm, nhiều nhà băng phá sản, chưa kể sự lãnh đạo của chính phủ tỏ ra tồi tệ chưa từng thấy. Phản ứng của người Mỹ đối với cơn bão Katrina cho thấy họ hoàn toàn không có tinh thần, nghị lực và ý chí tự lực cánh sinh như người TQ thể hiện khi xảy ra trận động đất Tứ Xuyên. Tại đây, tôi thấy các binh sĩ, nhà doanh nghiệp và những người tình nguyện ráng sức thu dọn đống đổ nát, phục hồi các dịch vụ và dựng nhà tạm. Các nạn nhân hoàn toàn không có tâm trạng tuyệt vọng hoặc ngồi chờ chính quyền giúp đỡ; họ hăng hái xây dựng lại quê hương với tốc độ nhanh nhất. Huoyong Bin mất bố và vợ trong nạn động đất, thế nhưng bây giờ anh đã khai trương hiệu cắt tóc của mình ngay trong căn lều ở chợ làng.

Tại một làng nhỏ ở tỉnh Hà Nam, tôi gặp anh Zhou Shouheng 27 tuổi, qua anh tôi thực sự hiểu được giấc mơ TQ đã thay thế giấc mơ Mỹ. Zhou là một trong hàng triệu nông dân TQ bỏ quê nhà lên thành phố tìm kiếm cuộc sống tốt hơn. Anh làm cho một công trường xây dựng, mỗi tuần làm 7 ngày, mỗi ngày 10 tiếng đồng hồ, mỗi năm chỉ về thăm nhà hai lần. Anh phải chịu khó chịu khổ như vậy chỉ vì muốn để hai đứa con mình được vào đại học, vì chỉ có thế thì họ mới được phân hưởng sự phồn vinh của đất nước. “Tôi mong các con tôi sẽ thiết kế những toà nhà hùng vĩ chứ không chỉ làm một thợ xây như tôi” – Zhou nói và cho biết khi nhìn thấy cảnh người Bắc Kinh ở những căn hộ tiện nghi, đi xe hơi sang trọng, anh càng nung nấu quyết tâm cần cù lao động. Tôi cũng gặp mấy chàng trai Mỹ đang bắt đầu kinh doanh tại TQ, đơn giản chỉ vì họ thấy đây là một mảnh đất đầy cơ may.

Dường như người TQ đã tán thành câu nói của Tổng thống Kennedy “Chớ nên hỏi đất nước đã làm gì cho bạn mà nên hỏi bạn có thể làm gì cho đất nước.”

Nguyên Hải