Giống người Denisovan

Họ được gọi là người hang động hay Denisovan. Việc phát hiện hóa thạch 41.000 năm tuổi của họ đã chứng minh rằng, người Cro-Magnon, Neanderthal và người hiện đại không phải là 3 giống người duy nhất từng có trên Trái đất chúng ta.

Người Denisovan cổ đại (phục dựng)

Tháng 12 năm 2010, một nhóm nhà khoa học quốc tế đã khám phá ra giống người lạ sau khi nghiên cứu nhiều mẫu ADN từ xương răng và xương ngón tay được tìm thấy trong một cái hang tại Siberia của nước Nga. ADN ti thể (mtDNA) của người Denisova khác với mtDNA của người Neanderthal và con người hiện đại.

Theo các nhà khoa học, giống người bí ẩn này đã sống cùng với tổ tiên của chúng ta vào khoảng 41.000 năm trước. Những mẩu xương ngón tay đó thuộc về một bé gái ở độ tuổi 5-7 tìm thấy ở hang Denisova trong dãy Altai, miền nam Siberia năm 2008 cùng với các đồ trang trí và đồ trang sức. Bé này được đặt biệt danh là X-woman.

Ngoài ra còn nhiều xương răng và xương tay được tìm thấy trong hang thuộc về những người Denisovan khác. Kết quả phát hiện này đã từng được tiết lộ vào hồi tháng 3 năm 2010, nhưng cho tới cuối năm các nhà khoa học mới có đủ bản phân tích ADN của họ.

Các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy dấu vết của người Denisovan có trong nhiều người hiện đại đang sinh sống tại Melanesia - quần đảo nằm ở phía bắc và phía đông nước Úc, trong đó có New Guinea. Điều đó có thể nói lên rằng người Denisovan đã lai với người Melanesia và có thể đã từng sinh sống rất phổ biến tại châu Á.

Tiến sĩ Richard Green từ Đại học California, Santa Cruz tin rằng, người Denisovan và người Neanderthal có chung nguồn gốc từ châu Phi, cái nôi của nhân loại. Họ cùng rời châu Phi khoảng 300.000 và 400.000 năm trước và nhanh chóng chia tay. Một nhánh phát triển thành người Neanderthal sống phổ biến tại châu Âu cổ đại, trong khi các nhóm khác di chuyển về phía đông và trở thành người Denisovan.

Kết quả kiểm tra ADN của giống người Denisovan đã tuyệt chủng, mới được phát hiện gần đây và là họ hàng gần của người tiền sử Neanderthal, cũng hé lộ những chi tiết mới về cộng đồng từng “quan hệ giao phối khác chủng tộc” với người hiện đại này. Hệ gene của người Denisovan được giải mã thuộc về một bé gái có làn da sẫm màu, tóc nâu và mắt nâu. Khi so sánh các hệ gene, các nhà nghiên cứu nhận thấy đã có khoảng 100.000 thay đổi gần đây trong hệ gene của chúng ta kể từ khi phân tách với người Denisovan. Số lượng lớn những thay đổi này đã ảnh hưởng tới các gene liên quan tới chức năng não và sự phát triển của hệ thần kinh, dẫn đến phỏng đoán rằng người hiện đại có thể tư duy khác người Denisovan.

Khoảng 70.000 năm trước cũng xuất hiện một làn sóng di cư của tổ tiên chúng ta khi họ cùng rời bỏ châu Phi. Và có thể, họ đã gặp gỡ với những người Neanderthal và để lại mã di truyền của người Neanderthal ở tất cả những người không phải là người châu Phi đang sống hiện nay.

Tuy nhiên, cũng có một nhóm người sau này đã tiếp xúc với người Denisovan và để lại dấu vết của người Denisovan trong ADN của họ, đó là những người định cư tại vùng Melanesia. Theo các nhà khoa học, họ sống trên Trái đất vào thời kỳ cuối của Kỷ băng hà, khi tổ tiên chúng ta đã phát triển các công cụ bằng đá tinh xảo, đồ trang sức và nghệ thuật.

Nói về việc lai tạo, các xét nghiệm DNA cũng chứng minh rằng người Tây Tạng hiện nay có thể là hậu duệ của người Denisovan. Điều này không có nghĩa, người Tây Tạng là người Denisovan mà họ là người Homo sapiens, do một tổ tiên nào đó của người Homo sapien đã tình cờ giao phối với một người Denisovan. Các nhà khoa học phát hiện thấy điều này khi so sánh bộ gien được chiết xuất từ người Denisova 11 với bộ gien của 40 người Tây Tạng. Kết quả, gien EPAS1 của Tây Tạng tương tự như gien của EPAS1 của người Denisova 11. EPAS1 chịu trách nhiệm quản lý phản ứng tự nhiên của cơ thể con người khi sống trong môi trường oxy thấp.

NCCong (tổng hợp từ các nguồn tin quốc tế)