HAI TIẾNG THÂN YÊU (Kỳ III)

Trích hồi ký Nguyễn Chí Công

Nguyễn Chí Công

11. PHÁC HOẠ ĐẦU TIÊN

Bên cạnh người chồng nghiêm trang, Mợ có lẽ rất phù hợp với phong thái của các bà nội trợ “cổ điển” chín chắn trước tuổi. Mợ chỉ nói về mình rất ít và thường kể chuyện cũ của Ba cho tôi nghe với vẻ tự hào ngầm. Mặc dù không thích phong cách “mô phạm” ít biểu lộ tình cảm của Ba, tôi thấy Mợ luôn luôn kính trọng Ba. Thời trẻ Mợ có buồn vì Ba ngay từ khi xin dâu đã không chịu dập đầu tế sống Bà ngoại theo phong tục. Rồi Mợ dần dần quen với “mưa Âu gió Mỹ” và bị “nhiễm” ảnh hưởng của Ba, một người dạy khoa học tự nhiên suốt 17 năm ở trường Thành chung Bonnal Hải Phòng. Mợ nói hồi ấy Ba đặt mua nhiều sách báo tiếng Tây, tiếng Tàu cho mình, đôi khi còn cho bạn bè và học trò mượn. Ba cũng không quên chọn một số tạp chí tiếng Việt cho Mợ xem, tuy vậy Mợ chỉ còn nhớ có hai tờ tạp chí của các ông chủ bút Phạm Quỳnh và Nguyễn Công Tiễu, viết hấp dẫn, dễ hiểu và có nhiều hình minh hoạ.

Mợ sau khi sinh con thứ 6. Hải Phòng 3/1937

Sau thời kỳ thiếu thốn mọi thứ tại chiến khu Việt Bắc, dĩ nhiên cuộc sống ở Khu học xá dễ thở hơn rất nhiều. Mợ nói Ba đã trở lại phong cách sinh hoạt của một thầy giáo kiêm thủ lĩnh đoàn Hướng đạo (Scout) vốn có từ giai đoạn trước 1945. Tại Khu học xá, Ba đã già đi hàng chục tuổi nhưng không để râu như Ông nội. Ba vẫn húi tóc ngắn và mặc quần áo là lượt phẳng phiu mỗi khi đi họp hoặc lên lớp giảng bài.

Một hôm, mấy bà vợ giáo sư bỗng hốt hoảng đến thì thào với Mợ về việc trong hội nghị vừa rồi Ba đứng lên phê phán tệ quan liêu hách dịch của một số lãnh đạo. Tối đó tôi có nghe thấy Mợ khe khẽ cằn nhằn nhưng Ba bảo rằng không phải sợ bất cứ ai khi nói ra sự thật vì công việc chung của tập thể, nếu họ có trù úm thì cũng chỉ đến nước lại phải chuyển đi trường khác thôi, mà vẫn làm nghề dạy học viết sách là đúng như ý thích rồi. Tới khi Ba được các đồng nghiệp bầu là Chiến sĩ thi đua và Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến [5] thì Mợ mới hơi bớt lo.

Hồi ở Khu học xá Mợ đã gần ngũ tuần, mái tóc hầu như còn đen nhánh, thường tết thành hai bím nhỏ, búi cao và kẹp cặp ba lá gọn gàng. Mở mắt dậy, tôi đã được Mợ chuẩn bị sẵn một thau nước nóng rửa mặt đặt ngay trước hiên (ngày ấy khu tập thể chưa có toalet riêng, bể nước và nhà tắm đều là công cộng, có lúc phải xếp hàng chờ). Mợ cho tôi ăn sáng, rồi vội đưa đến lớp mẫu giáo. Buổi chiều Mợ đón tôi về, vừa tắm rửa vừa hỏi chuyện và bảo ban uốn nắn, trước khi lại lăn vào những việc vặt trong nhà. Mợ có đầu óc sắp xếp thời gian và công việc gia đình rất hợp lý. Tuy nhiên do không hề được đào tạo để làm công nhân và cũng đã cao tuổi nên Mợ gặp đôi chút khó khăn ở cơ quan mới là xưởng in rô-nê-ô.

Năm 1965 tôi dọn đồ đạc chuẩn bị cho Ba Mợ đi sơ tán tránh Mỹ ném bom Hà Nội, tình cờ thấy trong đống sổ sách một bản kiểm điểm công tác của Mợ, giở ra đọc toàn thấy Mợ tự phê bình và nhận lỗi về phần mình. Hỏi Ba mới biết: từ khi về Nam Ninh, Mợ phải đi làm công nhân vì đã bán gần hết tư trang trong mấy năm tản cư ở Việt Bắc. Từ vị trí nàng dâu trưởng rồi bà nội tướng chỉ huy đại gia đình, Mợ trở thành nhân viên dưới quyền anh Nguyễn Ngọc Ngoạn, một người lúc ấy còn quá trẻ và hơi khó tính. Năm 1983, tình cờ tôi được tháp tùng anh Ngoạn đi họp một hội nghị của khối SEV ở Liên Xô cũ. Lúc này anh đã trở thành Tổng giám đốc Liên hiệp các xí nghiệp điện tử Việt Nam và tỏ ra khá cởi mở với thuộc cấp duy nhất trong đoàn công tác là tôi. Nhờ thế tôi mới biết khi anh Ngoạn sang Khu học xá đã từng phụ trách tổ chiếu phim và xưởng in rô-nê-ô. Hình như anh vốn là một Sói con cho nên sau được lấy đi theo phụ việc cho Huynh trưởng Hướng đạo Tạ Quang Bửu trong cuộc đàm phán Hiệp định Geneva.

Bên cạnh việc cơ quan, Mợ còn chăm chỉ học thêm tiếng Trung. Lúc nào tôi cũng thấy Mợ đang làm một việc gì đó. Ở nhà, đồ đạc được Mợ sắp xếp gọn gàng. Gia đình đông đúc, Mợ thường xuyên phải nhường nhịn, dè sẻn dành dụm cho tôi, cho Ba và cho các anh chị lớn hơn. Tan lớp mẫu giáo quay về căn phòng nhỏ, chỉ đôi khi tôi mới được sai bảo việc vặt, mà Mợ nói rất ngắn, dễ nghe, ví dụ như: con xâu kim cho Mợ nhé, hoặc: con lấy kính cho Mợ nhé, v.v..

Gia đình tác giả. Khu học xá Nam Ninh 1954

Tại Khu học xá, Mợ tuy đã bỏ kiểu để tóc với vành khăn truyền thống nhưng có lẽ là người phụ nữ duy nhất không chịu cạo răng trắng. Hàm răng Mợ nhỏ yếu, không chắc khoẻ như của Ba, nhưng nhờ hồi nhỏ được Bà ngoại cho nhuộm đen nhánh như hạt na nên dù đẻ nhiều vẫn giữ được nguyên vẹn, chưa cái nào bị rụng. Trong khi đó, mấy chiếc răng cửa của tôi do thích ăn kẹo nên sún sứt nham nhở, trông rất buồn cười.

Nhờ mắt tinh, tôi có đặc quyền được nhổ tóc sâu cho Mợ. Tóc sâu là những sợi tóc quăn quăn rất ngắn nhưng đã chớm bạc và lẩn quất giấu mình dưới những lọn tóc dài. Mợ bày cho tôi cách nhổ chúng, nói là để khỏi bị ngứa đầu. Trước hết tôi mở chiếc lọ thuỷ tinh lấy ra một vài hạt thóc thật chắc, vỏ trấu vẫn còn ram ráp (chiếc lọ này Mợ dùng để đựng những hạt sạn nhặt ra trước khi vo gạo, khi Mợ quá bận thì Ba hoặc tôi làm thay việc này). Sau đó Mợ ngồi gần cửa sổ cho sáng để tôi chải đầu, vạch tìm tóc sâu. Chỉ việc đặt sợi tóc kẹp chặt giữa hai ngón tay và hạt thóc rồi rứt nhanh theo đúng hướng là chắc chắn tóc bật lên cả rễ mà không đau. Mợ bảo tóc sâu sẽ mọc lại nếu rễ vẫn còn.

Quần áo, chăn màn rách được Mợ khâu lại rất khéo, nguyên nhân quan trọng là nhà nghèo đi nhiều quá và bản tính của Ba và Mợ là tiết kiệm. Sau này anh Đồng khi đi bộ đội còn để lại cho tôi dùng chiếc áo trấn thủ trần ô trám màu vàng chanh và chiếc màn tuyn nhuộm củ nâu từ hồi ở Việt Bắc, cả hai thứ đều đã được Mợ vá đi vá lại nhiều lần.

Tuy nhiên chẳng có vải gì bền được mãi mãi với khí hậu ẩm ướt, và để dùng chiếc màn này mỗi khi đi ngủ tôi vẫn phải soi đèn dầu đốt muỗi. Cả kỹ thuật này nữa cũng do Mợ truyền cho: khi phát hiện muỗi đậu ở thành màn ta phải từ từ đưa đèn dầu vào phía dưới chỗ đó, vừa đủ xa để không bị cháy màn hoặc đánh động muỗi. Giờ thì chỉ việc đưa nhanh đèn lên cao sao cho luồng khí nóng bốc thẳng vào muỗi là nó sẽ bị cháy cánh rơi xuống và nổ bốp.

12. NGƯỜI THẦY MẪU MỰC

So với đa số các giáo sư của Khu học xá, Ba tôi trông vạm vỡ và phong trần. Mắt Ba hiền hậu, mũi sư tử, trán có nhiều nếp nhăn, tai to, lưng vuông, dáng hơi cao, tóc cắt ngắn. Ba ra ngoài luôn luôn mặc chỉnh tề, đi đứng khoan thai, lặng lẽ; khi nói thì rõ ràng, chậm rãi. Tuy nhiên ở nhà Ba lại hay đùa với tôi, cho trèo lên vai lên cổ và cù vào nách, vào rốn thoải mái. Ba quả thật không có "máu buồn", còn tôi chỉ cần Ba dứ dứ ngón tay vào bụng đã bật cười như nắc nẻ. Ba dạy tôi lau mình bằng cách kéo hai đầu chiếc khăn mặt vắt nước nóng, chính Ba thường xuyên làm như thế để lấy lại sự tỉnh táo mà không mất thời gian.

Cha và mẹ tác giả. Nam Ninh 6/1954

Ba sống điều độ, bữa chính không bao giờ ăn quá ba bát cơm. Ba thích rau, cá, đậu phụ luộc chấm tương hoặc rán ướp hành lá. Hôm nào ngon miệng, Ba ăn thêm một miếng cháy chấm muối vừng. Rất hiếm khi thấy Ba dùng rượu, bia và nước lạnh. Nếu lên cơn đau dạ dày thì Ba chọn cơm nếp. Hàm răng Ba rất trắng, đều đặn, chắc khoẻ. Ba không uống trà đặc, không thích đồ ngọt. Hàng ngày Ba có thể làm việc từ sáng sớm đến nửa đêm, buổi trưa cũng chỉ ngả lưng độ mươi phút. Nhưng khi ngủ Ba thường ngáy rất to, rung cả giường.

Nhờ mắt tinh, tôi cũng lại có thêm một đặc quyền khác các anh chị là được lấy ráy tai cho Ba. Ba vót mỏng đoạn giữa một cái tăm tre cật và gấp nhè nhẹ để không bị gẫy. Tôi chỉ việc đưa nó vào lỗ tai Ba và nhẹ nhàng cạo ráy, kéo ra, lấy bông nhúng cồn lau sạch và làm tiếp tai kia...

Nhờ việc này, tôi phát hiện nơi vành tai Ba có một vết sẹo mờ mờ. Hỏi thì Ba nói hồi bé ra đồng đùa chơi, không may bị liềm của chị gái cứa phải. Giọng Ba bỗng buồn bã kể sang chuyện bác ấy về sau khổ sở vì đường chồng con và bị lao phổi đã chết sớm. Dần dần Ba còn kể cho tôi biết việc bị mất gần hết tất cả các em ruột, bây giờ chỉ còn sống mỗi mình cô em út nhưng lại theo chồng vào Sài Gòn từ trước chiến tranh, chưa được gặp lại.

Ba thuận tay trái, hầu như chẻ củi xách nước đều dùng tay trái, nhưng viết trên giấy hay trên bảng đều bằng tay phải, theo đúng quy định nhà trường. Ba không bao giờ quên tuân thủ làm việc theo một thời biểu chính xác, nếu rảnh rang Ba lại lấy sách ra đọc và ghi chép cẩn thận vào các cuốn sổ to nhỏ, dán nhãn khác nhau. Tôi nhớ rằng những cuốn sổ tay của Trung Quốc thường rất đẹp và Ba không bao giờ viết ngoáy hoặc để dây mực ra giấy. Trên bàn, Ba xếp ngăn nắp đủ thước kẻ, hai lọ mực xanh đỏ, giấy thấm, tẩy và bút chì vót nhọn. Ba ngồi thẳng lưng trên chiếc ghế cứng, viết chữ chỉ hơi nghiêng một chút, đều đặn và đủ nét. Trong khi đó chữ của 10 anh chị em tôi đều nhỏ tí, không thẳng và thiếu nét, người lạ khó có thể đọc được dễ dàng.

Thầy Nguyễn Hữu Tảo năm 1955

Ba có tác phong khác với nhiều bậc trí thức ở Khu học xá, thí dụ ngày nào Ba cũng tập thể dục và lao động chân tay, tắm nước lạnh... Nhờ những thói quen tốt này mà Ba luôn luôn giữ được cơ thể khoẻ mạnh, rắn chắc và dáng vẻ bình tĩnh, điềm đạm. Tôi chưa từng thấy Ba bị ốm dài ngày ở Khu học xá, ngoài việc thỉnh thoảng bị cơn đau dạ dày và tái phát sốt rét hành hạ. Lúc ấy thuốc men vừa thiếu vừa không tốt như ngày nay, Ba chịu biết bao khổ sở vì những tàn dư bệnh tật có từ trước. Riêng Mợ phải nấu cơm thật dẻo cho Ba, tôi dần dần đâm ra quen ăn cơm nát cho đến tận bây giờ. Sau này những năm 1980 phải ăn bo bo và đạp xe đi làm xa tôi cũng bị đau dạ dày hệt như Ba, khi đó mới thấu hiểu những dày vò thể xác đối với một người cần làm việc trí óc là như thế nào.

Buổi tối, các giáo sinh rất hay đến nhà hỏi Ba về bài vở, đôi khi kể lể những thứ chuyện vớ vẩn hoặc riêng tư mà tôi không hiểu nổi. Nép mình trên góc chiếc giường con, tôi nghe tiếng Ba kiên nhẫn giảng giải trong căn phòng ngoài chật chội, một điều anh, hai điều chị và không bao giờ nặng lời với học trò. Các giáo sinh nam cũng rất chiều tôi, họ kể những đêm lạnh, Ba thường xuống ký túc xá kiểm tra và đắp lại chăn cho những anh có thói quen mặc phong phanh, thậm chí ngủ cùng họ để lắng nghe tâm sự.

Cũng theo các giáo sinh kể lại, đầu thập kỷ 1950 ở Khu học xá, Ba là một trong số ít những nhà giáo đã bước qua tuổi "tri thiên mệnh". Với vốn liếng khoa học tự nhiên, Pháp văn và Trung văn uyên thâm tích luỹ từ ba mươi năm trước, Ba được phân công phụ trách biên soạn sách và dạy tâm lý-giáo dục học, một bộ môn hoàn toàn mới được du nhập. Vì vậy học trò (kể cả những cán bộ lớn tuổi đi học) sau khi xem bộ phim "Bài ca sư phạm" của Liên Xô, đã gọi Ba là "Thầy Makarenko", bên cạnh danh xưng đặc biệt thân yêu: "Ba Tảo". Chỉ có bác Khang cũng được họ gọi là “Ba Khang”.

Dù đã tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Đông Dương rồi đi dạy học, lương rất cao, Ba vẫn sống giản dị, không vào “làng Tây” và không màng danh lợi, khác với nhiều người. Tuy vô cùng kính trọng người em ruột là cư sĩ Thiều Chửu nhưng Ba chủ yếu tin ở lý trí và nghiên cứu Phật giáo như một triết học chứ không phải tôn giáo. Đặc biệt, Ba đã nhìn ra rất sớm vai trò quan trọng hàng đầu của kỹ nghệ đối với một nước nông nghiệp mà vẫn đói ăn như Việt Nam. Ba khuyên mấy anh em tôi đang học phổ thông quan tâm đến khoa học tự nhiên, nhờ đó hầu hết chúng tôi sau này đã tốt nghiệp đại học và trên đại học ở những chuyên ngành kỹ thuật.

Hồi ký của Thế Lữ do Xuân Diệu ghi năm 1974 có một đoạn kể lại về Ba thời kỳ ở trường Bonnal Hải Phòng như sau: "Từ năm 1924-1925 tinh thần ái quốc nhóm lên trong học sinh qua báo Việt Nam hồn từ bên Pháp gửi về, cộng thêm ảnh hưởng tốt của các thầy giáo: Trịnh Đình Rư, Hoàng Ngọc Phách, Nguyễn Hữu Tảo. Thầy Nguyễn Hữu Tảo dạy khoa học, khuyên học sinh thành nhà khoa học giỏi để sau này giúp nước, cuối năm học trò đến thăm thầy, thầy nói tâm sự, thầy trò tâm đắc với nhau".

Thế Lữ và bạn bè bên 2 thầy N.H.Tảo, H.N.Phách. 1964

Sau này một học trò cũ nhiều tuổi của Ba cho tôi biết: “ông cụ” nhà cậu vốn có khí chất nhà nho không biết cúi đầu trên con đường hoạn lộ đầy bọn hãnh tiến. Khi Hồ Chủ tịch ghé qua Khu học xá, “ông cụ” đã từng cùng mấy nhân sĩ cao niên như Nguyễn Xiển, Trần Văn Khang... phản ánh việc thiếu coi trọng trí thức. Một số lãnh đạo có bị nhắc nhở nhưng sau khi Hồ Chủ tịch ra đi thì đâu lại vào đấy như trước. Trải qua thăng trầm “ông cụ” cứ bình thản, không bao giờ nhắc đến lợi ích nào của cá nhân mình ngoài việc học và dạy học. Không ít học trò cũ trở thành lãnh đạo muốn giúp thầy chuyển sang vị trí cao hơn, nhưng “ông cụ” luôn luôn từ chối, chỉ thích dạy học.

Khi thấy tôi tỏ ra thích xem những sách báo có tranh ảnh thì Ba bắt đầu dạy chữ quốc ngữ cho tôi. Ba lấy những tờ giấy loại nhưng còn trắng một mặt và đóng thành mấy quyển gọi là "vở tiết kiệm". Ba kẻ dòng rồi viết bằng bút chì những chữ to, nghiêng nghiêng và đều đặn, lại có râu nên trông rất đẹp. Tôi tô lên bằng bút lá tre, mực dây ra đầy tay. Nhưng rồi Ba sớm phải đi công tác vài tháng trong nước vào lúc tôi chỉ mới biết đọc bập bõm và viết như gà bới. Chị Ân cách đây mấy năm có trao lại cho tôi một lá thư viết nguệch ngoạc đầy lỗi chính tả của tôi gửi đến người anh rể tương lai đang chiến đấu ở Điện Biên Phủ. Anh là người rất cẩn thận, chinh chiến suốt mấy mươi năm từ Bắc đến Nam vẫn không quên dặn vợ giữ gìn mọi kỷ vật, trong đó có bút tích đầu đời của tôi.
.

13. HÒA BÌNH TRỞ LẠI

Như đã nói Khu học xá được trang bị một mạng lưới loa phóng thanh nội bộ. Ngày ấy các bài hát tiếng Việt không có nhiều bằng các bài hát tiếng Trung, tiếng Nga mà bọn nhóc chúng tôi không hề hiểu lời, nhưng nghe mãi thành quen, cũng nhớ một số giai điệu. Ngoài ra còn được xem phim “phe ta”. Phần lớn các bộ phim được chiếu đi chiếu lại nhiều lần cho nên những cái tên như "Bài ca sư phạm", “Công phá Bá Linh”, “Chiến hạm Pô-tem-kin”, “Tinh cầu”, “Bạch Mao Nữ”, “Thượng Cam Lĩnh”, v.v. đã tự nhiên từ từ khắc sâu vào trí nhớ của trẻ con.

Tháng 5-1954, một tin vui chưa từng có bay đến Khu học xá: tiền đồn đại binh viễn chinh Pháp đã đầu hàng quân ta vô điều kiện. Bài ca “Giải phóng Điện Biên...” hùng tráng bắt đầu thường xuyên vang trên loa phóng thanh. Bọn trẻ con vỗ tay hét vang khi xem phim thời sự có tin Việt Nam thắng lợi trên nhiều mặt trận, mặc dù chẳng hiểu hết được ý nghĩa của bước ngoặt lịch sử vĩ đại này. Đã lõm bõm đọc được báo chí nhưng tôi chủ yếu vẫn chỉ biết nhận thông tin qua hình ảnh.

Mấy tháng liền, cả Khu học xá bỗng hầu như quên cả cuộc sống hiện tại. Hy vọng được sớm trở về Tổ quốc và gặp lại quê hương, đoàn tụ gia đình tràn ngập khắp nơi. Người lớn bàn tán, tiên đoán đủ kiểu, nhưng phải chờ đến khi Hiệp định Geneva được ký kết rồi Hội nghị Trung Giã thành công thì mới biết rõ những điều kiện liên quan đến ngừng bắn, tập kết lực lượng, trao trả tù binh hai bên và chuyển giao chính quyền. Bên cạnh niềm vui to lớn, những lo lắng thực tiễn cũng bắt đầu xuất hiện ở các bậc phụ huynh, nhất là những người có thân nhân ở miền Nam.

Cuối mùa thu 1954, quân ta tiến về thủ đô và miền Bắc hoàn toàn được giải phóng. Trước đấy, trong những đợt phải quay về Việt Nam tham gia cuộc Cải cách Ruộng đất, rồi Sửa sai Cải cách Ruộng đất, Ba đều cố gắng tìm kiếm tin tức các người thân và quê nhà. Khi quay lại Ba chỉ bàn bạc riêng với Mợ, không cho các con biết tý gì, tuy nhiên nhìn vẻ ngoài buồn bã của Ba và nét mặt âu lo của Mợ chúng tôi cũng cảm thấy có điều gì không ổn đã xảy ra.

Mợ và 2 chị Ân, Sơn Liên. Khu học xá Nam Ninh 1955

Hoà bình lập lại, theo kế hoạch chị Ân sẽ về dạy học ở Hải Phòng, anh Hoành sẽ đi Thượng Hải học đại học. Trong đợt hồi hương đầu tiên chỉ có tôi được theo Ba Mợ về Hà Nội. Các anh Bằng, Bật, Đồng phải tiếp tục ở lại học phổ thông cho đến khi nào hoàn toàn giải tán Khu học xá.

Nhớ lại hồi ấy, tôi thấy có một sự thực quan trọng đã đem lại may mắn đối với các anh chị của tôi là nhiều dịch vụ văn hoá giáo dục trong Khu học xá được cung cấp miễn phí. Thói quen thụ hưởng bao cấp tuy thế đã ngấm sâu vào cán bộ và học sinh, mãi khi ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế cuối thập niên 1980 tôi mới hiểu thêm mặt trái của nó. Tôi chợt nghĩ nếu không có truyền thống thực tiễn của phụ nữ Việt Nam thì xã hội ta có lẽ đã bao lần phải sụp đổ nhanh chóng. Từ năm 1954 Mợ đã cho tôi xem kỹ và dạy phân biệt các loại tiền giấy và tiền kim loại của Trung Quốc, cả cách gẩy bàn tính còn bập bõm của Mợ, tuy nhiên vì ít được thực hành nên tôi đã nhanh chóng quên những kiến thức đó. Hơn mười năm sau tôi mới có dịp đầu tiên để tiêu đồng Nhân dân tệ trên con tàu hoả chạy qua Trung Quốc sang Đông Âu du học.

14. GIÃ TỪ NAM NINH

Đầu năm 1955, Ba Mợ đã chuẩn bị xong xuôi, đóng các hòm gỗ đầy sách vở và chăn bông, áo bông... sẵn sàng rời Nam Ninh về nước.

Một buổi tối, Ba Mợ dắt tôi đi xe đến một đại tửu lầu của thành phố Nam Ninh để dự tiệc chia tay do Biện sự sứ Nguyễn Lưu và ông Đăng Minh Trứ chiêu đãi riêng. Lần đầu tiên tôi được ăn một bữa tiệc Tầu ngon đến thế. Nhớ nhất là chiếc nồi lẩu chạm rồng rất lớn, chứa than hồng ở giữa, lại có nhiều ngăn riêng người ăn có thể tự xoay và chọn được dễ dàng. Theo yêu cầu, nhân viên phục vụ gắp thực phẩm tươi sống vào muôi và dìm trong ngăn chứa loại nước dùng thích hợp đang sôi, sau đó đổ vào bát cho khách ăn nóng, vị nào ra vị ấy hoàn toàn được giữ nguyên vẹn, khác hẳn những thứ lẩu mà tôi từng biết sau này. Còn có những món lạ lùng nhưng đẹp đẽ như thịt nhồi trong một quả bí đao to chạm thành hình con cá chép, đôi mắt là hai quả trứng chim, và đĩa quả đốt cồn thơm phưng phức sáng lên trong ngọn lửa xanh kỳ ảo... Sau khi ăn uống no nê tôi còn được chở ô tô đi xem đoàn xiếc tỉnh Quảng Tây biểu diễn với nhiều tiết mục tung hứng, nhào lộn, đu bay, uốn dẻo, quay đĩa... và ảo thuật rất tài tình. Trên đường về tôi đã ngủ thiếp đi ngon lành trên cánh tay Ba.

Vui nhiều buồn ít, nhìn lại hơn 60 năm qua, có thể nói những tháng ngày ấu thơ kể trên là quãng đời đẹp nhất của tôi, mặc dù có những đợt Ba phải vắng nhà và chính anh em tôi đã từng gây ra bao đau khổ, lo lắng cho cả Ba Mợ.

(còn nữa)

CHÚ THÍCH

[5] Ba chưa bao giờ treo bằng khen. Sau khi Ba mất, tôi mới nhìn thấy các văn bằng tặng Ba hai Huân chương Kháng chiến với chữ ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh.