HAI TIẾNG THÂN YÊU (Kỳ V)

Trích hồi ký Nguyễn Chí Công

Nguyễn Chí Công

19. XÓM TRẠI CAM ĐƯỜNG

Hè năm 1957 Ba Mợ gửi tôi về quê nội sống chung với mấy người con của chú Ba Nghiêm, liệt sĩ mới hy sinh khi đi dân công vào cuối những năm kháng chiến chống Pháp. Cô Ba cũng đã mất, con gái cả là chị Miễn, lúc ấy còn rất trẻ, nhưng đã biết bảo ban các em chia nhau đảm nhiệm mọi công việc nhà nông thực thụ, từ gieo lúa, cấy, gặt, đến chăn nuôi lợn gà, thả cá, trồng rau, trồng màu. Hai người em trai lớn Xuân Dương, Xuân Xưởng đã bắt đầu học trung cấp kỹ thuật, hai em gái nhỏ Thục, Trần còn đang đi học phổ thông.

Quê nhà xóm Trại Cam Đường. 1957

Hoá ra quê nội khá gần, chỉ như đi vào trường Sư phạm Hà Nội thôi, nhưng vì hồi ấy không có đường về thẳng nên thấy xa. Tôi theo Mợ ngồi xích lô đi hết ngõ chợ Khâm Thiên tới con đê Đại La thì xuống bộ. Mợ dắt tôi đi tiếp từ đầu đến cuối làng Trung Tự theo con đường gạch dài chạy dích dắc giữa những ao vườn. Sau đó lại phải bước nhanh qua một cánh đồng rộng có mấy gò đất đầy mồ mả, đi giữa buổi sáng rực rỡ và nắm chặt tay Mợ mà tôi vẫn sờ sợ. Nhưng xóm Trại kia rồi, lối vào ở ngay bên một dòng sông nhỏ xinh đẹp. Con đường gạch be bé cuối cùng dẫn đến một chiếc cổng xây nho nhỏ nằm lọt giữa hai bụi tre. Mợ bảo đó là nhà mình, đường xóm kết thúc ở đây, trước khi đổ ra cánh đồng nhìn về phía làng Phương Liệt xa xa.

Bước qua chiếc cổng đã bị tháo mất cánh, tôi nhìn thấy một khu vườn bỏ hoang và đầu hồi của những bức tường bị mất mái, cửa sổ trống toang hoác. Đi hết cái ngõ hình thước thợ, Mợ dắt tôi vào một sân gạch rộng. Rồi bước lên một bậc tam cấp khá cao bị bóc hết gạch men, Mợ giải thích đây là di tích của “ngôi nhà trên” gồm 3 gian 2 chái. Phía đối diện bên kia sân có bức tường hoa lượn cong 3 vòng và vươn ra ôm lấy hai bể nước hai bên, dọc theo hai cột vuông có đắp nổi đôi câu đối chữ Nôm của chính Ông nội tôi, cụ cử Nguyễn Hữu Cầu:
“Yêu hoa phải mượn tường che gió
Thích nước nên xây bể cạnh nhà.”
[7]

Ông Bà nội tôi đã mất khi quân Pháp quay lại xâm lược, bàn thờ ở quê chưa lập được do nhà vườn bị cướp phá gần hết trong những năm kháng chiến. Sau Cải cách ruộng đất, gia đình tôi còn có hơn 9 sào vườn, kể cả hai ao nhỏ, ngoài đồng cũng được giữ lại mấy mảnh ruộng để cày cấy. Tôi nhớ những số liệu này được viết trên tờ giấy chứng nhận sở hữu đất đai đứng tên Ba và có chữ ký của bác sỹ thị trưởng Trần Duy Hưng, một trong những người quen cũ của Ba.

Bên phải cái sân rộng là nền căn nhà nhỏ bị đập nát hoàn toàn, song đối xứng ở bên trái sân vẫn đứng nguyên vẹn một căn nhà gạch 2 gian lợp ngói, có máng cau để hứng nước mưa đổ vào bể. Chị em cô Miễn đang sống trong căn nhà dưới này. Phía đông là một sân đất nối với gian bếp lợp mái rạ, vách trát bùn, lưng quay ra một cây khế to mọc bên bờ ao. Liền bếp là chuồng bò, chuồng lợn rồi cuối cùng có một nhà xí gạch nằm cạnh bụi tre rậm rạp.

Mọi người giết gà nấu cơm ăn vui vẻ, dù mâm bát rất tuềnh toàng. Mợ gửi gắm tôi cho cô Miễn, dặn dò xong thì ra đi. Lần đầu tiên phải xa Ba Mợ lâu đến thế, mỗi khi nhớ đến Ba Mợ tôi lại buồn khổ khóc thầm. Mà không hiểu sao hồi ấy Ba Mợ đều bận quá, mỗi tháng chỉ về thăm tôi khoảng một lần.

Sau đó những người khác lục tục kéo đến xem mặt, rồi tôi cũng nhanh chóng làm quen và dần dần phân biệt được mọi già trẻ gái trai trong xóm, ra đường chào hỏi rất đúng vai vế. Chỉ buồn cười vì có những đứa trẻ bé tý mà tôi phải gọi là anh, ngược lại có người lớn lại xưng cháu với tôi. Mấy bà bác họ và các chị tỏ ra quý mến tôi ngay. Tại xóm Trại lúc ấy còn có một số ít bộ đội về đóng trong nhà dân. Các anh thường dạy cho bọn nhỏ chúng tôi những bài hát mới và nhân thể cũng làm quen những thôn nữ trẻ. Sau này có vài đôi đã nên vợ nên chồng.

20. NHỮNG BÀI HỌC NÔNG THÔN

Tôi tiếp tục đi học lớp hai, nhưng lúc này đã chuyển về trường phổ thông cấp 1 Trung Phụng trong một ngách sâu nằm ở phía tây ngõ chợ Khâm Thiên. Ngôi trường này nhỏ bé, cách nhà không xa lắm, nếu trời đẹp đi bộ chỉ mất hơn nửa giờ, nhưng nếu mưa thì cắp guốc bấm ngón chân lội qua đồng là một cực hình. Con đường đồng quê tôi toàn đất sét, rút chân ra khỏi bùn nâu đỏ rất khó, lại còn vương vãi phân trâu bò. May trong xóm Trại còn có hai bạn cùng đi học, cho nên tôi đỡ thấy vất vả phần nào.

Các trải nghiệm của tôi ở ngay sát nội thành Hà Nội thật sự thú vị và bổ ích, giúp tôi hiểu thêm được những nét căn bản của nông dân và văn hoá nông thôn Bắc Bộ. Đó cũng là nơi tôi sống gần hết cuộc đời của mình và chứng kiến mọi sự thay đổi không quay ngược được, mà cũng chỉ có thể kể lại một phần những gì đã biến mất khỏi mảnh đất quê hương.

Lúc đầu sống ở quê nhà tôi sợ đủ mọi thứ lạ lẫm và bị chê cười là “cậu ấm”. Ao sông đều đầy đỉa đói, nước nói chung rất bẩn, điện không có, đèn dầu cũng chỉ dám thắp khi thật cần. Chiều đến muỗi ùa ra như vỡ tổ. Mưa xuống thì ngập, phải vác cuốc khơi nhanh cho lá tre khỏi làm tắc cống. Sau cơn mưa, đường đồng trở nên lầy lội kinh khủng, trâu bò phá hỏng cả, đi không khéo là ngã oạch. Nhiều người dân bị rỗ mặt do một trận dịch đậu mùa khủng khiếp thời Pháp thuộc để lại, v.v..

Làm sao tôi quen nhanh được sự lạc hậu và nghèo khổ của nông thôn Việt Nam sau khi hoà bình lập lại chưa lâu. Từng sống ở Tâm Hư, Nam Ninh rồi nội thành Hà Nội, tôi nhận ra ngay sự khác biệt lớn lao giữa làng quê và đô thị. Tuy nhiên, nếu so sánh với làng Tâm Hư thì xóm Trại đã có một vài điểm tiến bộ hơn, chỉ còn thua về chỗ không có sân bóng. Nếu so với thành phố thì dân xóm rõ ràng được hoàn toàn hít thở không khí trong lành tuyệt vời nhờ sống giữa những khu ao vườn và cánh đồng xanh vời vợi.

Xóm Trại Cam Đường 1957

Và Ba Mợ tính đến cả việc giáo dục thực tiễn cho tôi. Mấy em họ tôi đều trải qua bàn tay dạy dỗ cẩn thận của chú Hai Kha trong kháng chiến, nay đang đi học tiếp trong nội thành Hà Nội nên hiểu biết khá nhiều về vệ sinh và khoa học thường thức. Suốt gần một năm tôi chỉ có hai lần ốm nặng vì thuỷ đậu và “giời leo”, nhưng nhờ kiêng khem đúng nên cũng nhanh khỏi. Lần đầu tiên tôi được biết thế nào là xông nước lá thơm giải độc, đắp táo xanh trộn muối để chữa nhọt hoặc bôi nghệ lên sẹo non cho mau liền da, v.v..

Không những đã dần dà học thêm các kiến thức mới lạ mà tôi còn tự quên đi nhiều thói quen riêng. Dĩ nhiên chẳng ai nấu vừa miệng tôi bằng Mợ rồi, nhưng từ khi ăn cơm chiêm mùa quanh quẩn chỉ có tương cà, rau má, rau muống, rau dền, rau đay, mồng tơi và cua cá... tôi thấy cũng ngon. Những thứ này hồi ấy kiếm được trong vườn và ngoài đồng rất dễ. Bây giờ phải đi xa lắm mới gặp một nơi có thực phẩm tươi sạch như thế.

Vui nhất là khi mùa gặt tới. Lúa được gánh ùn ùn từ ngoài cánh đồng về xếp đầy trên sân và ngõ gạch. Thanh niên kê nghiêng những chiếc cối đá thủng lật úp và thay nhau đập lúa thâu đêm dưới ánh trăng. Rơm và rạ được chất thành những đống riêng, dùng để bện chổi, lợp mái tranh, cho bò ăn, lót chuồng gà, chuồng lợn và làm nhiên liệu nấu bếp.

Thóc phơi khô rồi quây thật kín trong mấy lớp cót buộc chặt chống chuột, lấy ra cối xay dần dần, trấu dành để ủ lửa bếp, còn gạo lức khi nào xay đầy hai thúng mới gánh đi chợ Mơ thuê xát trắng, sàng lấy cám trộn bèo nuôi lợn. Cơm gạo mới ăn thật dẻo thơm, ngon miệng.

Ngoài hai vụ lúa còn có các vụ màu. Thu hoạch xong, ngô, khoai, sắn được bóc vỏ, phơi khô cất kỹ, chủ yếu dùng để nuôi ngan, vịt, gà, lợn, phần nào ngon mới độn vào cơm. Dưới ao có thả cá mè, cá chép, hàng năm vào cuối đông lại tát cạn, bắt cá đem bán lấy tiền mua các thứ khác, còn bùn ao thì dùng thuổng xắn lên, đem đắp vào những gốc cây ăn quả.

Được sống ở quê bên luỹ tre xanh với hàng rào mây đầy gai, tôi bắt đầu thích sau mấy tháng. Chính nhờ sống ở nơi đây tôi đã được chăn bò và xem bê con ra đời như thế nào. Trong vườn nhà có nhiều cây, tôi đã biết trèo cau lấy quả và bắt cồ cộ. Tôi cũng đã biết cách phân biệt các loại cá rô, săn sắt, bông bống, trê, chuối, diếc, thiểu, mại, mè, vền, chắm, chép... nào rắn nước, hổ mang, cạp nong, rắn dáo, rồi chim cắt, quạ khoang, diều hâu, chào mào, vàng anh, chèo bẻo và cóc, nhái, ễnh ương, châu chấu, cào cào...

Mỗi khi có dịp ra đồng, tôi còn được cưỡi trâu, đánh khăng, đánh đáo, khát lại chạy về uống nước vối nấu sẵn trong bếp. Mãi sau tôi mới dám thử tu nước mưa, ngọt thật. Lâu lâu lũ thanh thiếu niên trong xóm lại rủ nhau leo qua cầu khỉ sang bãi làng bên Khương Thượng để xem chiếu phim... Tôi chỉ còn sợ đám chó dữ, những con đỉa đói và nhất là một trận bão lớn hồi đó suýt nữa làm tốc hết mái rạ và xô nghiêng ngôi bếp vách đất liền với chuồng bò.

21. NGÔI NHÀ MỚI

Sau cuộc kháng chiến chống Pháp đằng đẵng chín năm, dân Việt Nam hầu như ai cũng mất mát tài sản, vay được tiền lúc đó khó như lên trời. Không rõ bằng cách nào mà tới dịp nghỉ hè năm 1957 Ba Mợ đã có thể cho sửa ngôi nhà to ở quê hương xóm Trại. Tuy nhiên do không tìm đủ tiền để làm lại gác chống nóng và mái ngói nên ngôi nhà chỉ được lợp bằng lá gồi.

Ông giáo Tảo với chiếc cặp da trâu. Xóm Trại Cam Đường 1957

Tôi nhớ bên cạnh nền móng và tường nhà cũ còn khá nguyên vẹn, phần vật liệu lẽ ra phải chi tiêu nhiều nhất đã được giải quyết với rất ít tốn phí. Thực ra trong làng Trung Tự, hầu như chỉ có gia đình tôi tham gia kháng chiến, trong số những người ở lại có một số khá đông lại bị bắt làm lính của vua Bảo Đại. Ba Mợ đã đánh tiếng xin chuộc từ ngày trở về để một số người ở làng trên từng dỡ mái và vác đồ đạc nhà tôi đi thì bây giờ nể mặt Ba cứ lần lượt mang trả lại.

Thành ra bỗng dưng tôi được sờ mó bộ xà ngang to tướng bằng gỗ trai, đóng đinh không vào, và cả bộ cửa chính với 4 cánh to nhỏ, rồi những chiếc cửa chớp, chiếc bàn lim, tủ lim và trường kỷ đen nhánh, hai bộ ván giường dày cộp nặng chịch. Họ còn đem đến trả mâm đồng, nồi đồng, đôi câu đối gỗ dừa, điếu bát, đồ sứ thời xưa v.v.. thậm chí cả mấy viên gạch hoa cọc cạch và một bộ chày cối dài ngoằng phải mấy đứa trẻ cùng nhún lên mới giã gạo được.

Ba Mợ đã cho chặt những cây tre già, ngâm sẵn trong hai cái ao và đào hố tôi vôi từ mấy tháng trước. Thế là chỉ việc mua thêm cát, gạch gốm lát nền và lá gồi. Những đống gạch vỡ trong vườn cũng được tận dụng. Các tốp thợ mộc, thợ nề lành nghề đều có sẵn trong làng, việc thi công rất thuận tiện và chỉ tới giữa mùa hè ấy ngôi nhà đã hoàn thành.

Ba Mợ dành gian rộng nhất để đặt bàn thờ Ông Bà nội và một bộ bàn ghế tiếp khách ở gần nơi cửa ra vào, hai đôi câu đối được treo vào bốn góc của gian giữa này. Mỗi bên gian phụ kê một bộ ván giường tại ngay góc dưới cửa sổ lớn và cửa sổ đầu hồi. Sách vở được xếp trên những chiếc giá xích-đông treo tường, phía dưới đặt chiếc trường kỷ để Ba ngồi làm việc. Quần áo treo trong chiếc tủ to duy nhất kê ở gian bên kia và mọi đồ đạc khác thì để trong hai chái nhỏ phía sau các gian phụ.

Đêm đầu tiên được ngủ trên bộ ván dày mát rượi trong ngôi nhà mới rộng rãi và thật sự là của gia đình mình, tôi cảm thấy sung sướng lắm. Sung sướng hơn nữa Ba Mợ đã trở về với tôi và cho biết chỉ không đầy một năm nữa thôi các anh từ Khu học xá cũng sẽ về đây sống cùng. Như vậy, Ba Mợ đã tính toán sửa chữa ngôi nhà vào thời điểm rất thích hợp.

Ngưỡng cửa ra vào được lát mấy viên gạch men, gió đông nam thổi qua rất mát, cho nên tôi thường lau sạch để ngả lưng nằm ở đây, mỗi khi trời nóng quá. Mợ trồng một giàn trầu không dưới bức tường hoa. Mợ dạy tôi cách chọn lá già để têm với một chút vôi và miếng cau xanh bổ nhỏ. Mợ còn bảo cho biết mẹo đánh dấu rất bền bằng cách đặt lá trầu xanh trên khăn mặt trắng và châm lên lá tên của mình.

Bên bể nước có hai khóm hoa nhài thơm ngát, tôi vẫn hái ướp trà cho Ba uống. Ba trồng xen hoa mười giờ giữa những bụi tóc tiên xanh mướt, hoa đỏ phớt tím, sau lại trồng thêm một giàn thiên lý hoa vàng nhạt, ong bướm bay đến dập dìu rất vui. Tôi thường trèo lên bức tường hoa để hái thiên lý xuống nấu canh hoặc xào cho Ba ăn. Mợ mua một cái chạn gỗ bịt lưới mắt muỗi và đặt 4 chân chạn trên 4 cái bát nước, bảo tôi thỉnh thoảng rót thêm nước để chống kiến. Mợ còn dạy tôi cách mặc cả mua thực phẩm và nấu các món ăn đơn giản. Ngày chủ nhật tôi thường thay Mợ đi chợ Mơ, chợ Khâm Thiên, chợ Ngã Tư Sở.

Ba Mợ chia cho các cháu hầu hết số ruộng ngoài đồng, một nửa đất vườn và một cái ao. Ngay từ lúc này, Ba đã bắt đầu dạy tôi làm vườn. Thoạt tiên Ba sắm đủ các dụng cụ rồi cuốc đất, đào bới cho tôi nhặt hết gạch vụn, mảnh sành, vỏ trai. Sau đó Ba đập đất gieo vài luống rau và chuẩn bị các hố trồng cây trên nền nhà cũ, dọc các lối đi và bờ ao. Ba sắp xếp khoảng cách giữa các cây ăn quả hợp lý, có những cây phải chặt bỏ, nếu nhỏ thì bứng đi chỗ khác. Ba mua thêm vài cây na và vải thiều về trồng, những cây cau cũ cũng được vun xới, làm cỏ và đắp bùn. Phía sau bức tường hoa Ba ươm hẳn một vườn mía, cạnh ngõ thì trồng cam giấy. Xong xuôi, hàng ngày tôi chẳng phải làm gì nặng nhọc hơn ngoài tưới cây, bắt sâu và nhổ cỏ.

Lần đầu tiên tôi được biết thế nào là giỗ Ông nội. Từ hôm trước Mợ đã đi chợ mua sắm, rồi có những họ hàng ở xa và học trò cũ của Ông nội lục tục kéo đến góp giỗ. Mợ cho căng bạt, trải chiếu làm rạp cho họ nghỉ trên sân, chỉ huy các cháu ngâm gạo đỗ, cắt lá chuối, rửa sạch bát đĩa nồi niêu đi mượn. Sáng sớm, Mợ cho đồ xôi, cắt tiết gà, tiết vịt, lại tự tay nấu các món chính và bày hàng chục mâm cỗ, bổ cau têm trầu cánh phượng. Khách đến rất đông đủ, đại diện cho mọi chi phái nội ngoại. Ba pha trà tiếp khách thân mật, làm lễ xong cũng nhai trầu nhấp rượu như một lão nông thực thụ. Mọi người đều kính trọng gọi Ba Mợ là ông bà giáo. Bàn cỗ tàn thì trời đã xế bóng chiều, mỗi người dự giỗ nhận một gói nhỏ đem về cho già trẻ ở nhà.

Tôi cũng bị ấn tượng mạnh bởi một buổi lễ cầu siêu, nhân 5 năm ngày mất của chú Hai Kha tức cư sĩ Thiều Chửu. Có khá nhiều tăng ni và đệ tử cũ đi từ xa đến dự, họ làm cỗ chay rất sạch sẽ và độc đáo. Hương trầm và hương hoa huệ quyện vào nhau thơm phức. Nhưng sư cụ đọc kinh cứ ê a và dài lê thê làm tôi buồn ngủ díp cả mắt. Nhớ nhất sư Chi đến từ làng Cót, một ni cô hóm hỉnh nhanh nhẹn và khá trẻ. Ni cô ở lại mấy hôm, nhân thể đã dạy tôi chơi tam cúc và đùa phạt bôi nhọ nồi lên má tôi. Sau này nghe Mợ nói sư Chi đã hoàn tục và lấy chồng, có con.

Niên học 1958-1959 khai giảng, Ba trở vào khu tập thể trường Sư phạm Hà Nội, nhưng lần này thì Mợ ở lại xóm Trại với tôi. Tôi đã lên lớp 3, thày giáo chủ nhiệm trông rất già và đúng như một ông đồ: đầu đội khăn xếp, mình mặc áo the đen, tay xách ô đen. Thày vô cùng nghiêm khắc, chỉ có hai hình thức kỷ luật của kẻ phạm lỗi: nhẹ thì phạt quỳ, nặng hơn thì bắt dẫn cả tổ theo về nhà thông báo cho phụ huynh. Chữ thày viết nắn nót, khi giảng văn thày thường nói tới những điển tích xưa khá hấp dẫn. Mỗi khi Ba về nhà lại giảng thêm cho tôi. Trên xích đông của Ba có hai cuốn sách cũ rất hay là Chinh phụ ngâm khúc và Kim Vân Kiều truyện, tôi đọc đến mức thuộc lòng cả phần chú thích, nhờ đó mà tích luỹ vốn từ ngữ Hán-Việt ban đầu để có thể hiểu văn học cổ điển.

Rồi một hôm chú Tư Hàm từ Thái Nguyên về xóm Trại thăm Mợ. Hai chị em thân thiết từ bé, về sau lớn lên chú lại lấy một người em ruột của Ba làm vợ nên quan hệ càng chặt chẽ. Chú vui vẻ hỏi việc học hành của tôi và tặng cho tôi một con gà mái tơ làm vốn. Chú bảo cách chăm sóc cho nó đẻ trứng, ấp nở thì bán lũ gà con mà mua sách vở. Tôi háo hức nghe theo lời chú và quả nhiên đã tự tay làm ra được những đồng tiền đầu tiên trong đời.

Cuộc đời cứ thế trôi yên bình. Mỗi buổi chiều tôi lại ra cầu ao câu cá hoặc trèo lên những cây ổi, cây nhãn, cây bưởi... trong vườn để bói quả và đọc sách. Nhưng cũng có một lần gặp tai nạn nhỏ khi tôi đi học bị chó ở làng trên cắn vào bắp chân. Mợ tức tốc dẫn tôi lên trạm y tế phố Trần Quốc Toản tiêm phòng dại trong suốt mấy tuần liền. May mà không sao vì con chó vẫn sống khoẻ.

Gia đình xum họp. Hà Nội 1957

22. ĐẠI GIA ĐÌNH

Sau khi chị Chi sinh được hai cháu ngoại đầu tiên cho Ba Mợ, tôi lại có dịp được chứng kiến vài sự kiện lớn khác liên tiếp xảy ra, trực tiếp góp phần phát triển đại gia đình. Nhớ lại những đám cưới được tổ chức hồi ấy, tôi càng thấy Ba và Mợ không hề cổ hủ, ngược lại còn tạo mọi điều kiện cho các anh chị lớn tuổi được tự do yêu đương và kết hôn.

Năm 1956 chị Ân từ Hải Phòng đi xe lửa lên xin phép Ba Mợ cho lấy chồng. Anh Huyên ở trong quân đội phải di chuyển liên tục, mãi đến bây giờ mới được nghỉ phép vài ngày để ghé qua Hà Nội và chính thức ra mắt Ba Mợ. Anh quê gốc Thái Bình, vóc dáng nhỏ bé nhưng rắn rỏi, ít nói. Cha mẹ anh đã mất hết nên anh coi Ba như cha và Ba cũng rất quý anh. (Toàn bộ thư Ba Mợ gửi con rể và con gái cho đến nay vẫn được chị Ân giữ gìn cẩn thận, đọc lên thật cảm động). Một đám cưới không theo phong tục cổ truyền đã được chính Ba Mợ đứng ra làm chủ hôn theo phong cách hiện đại và trang trọng, trong một khách sạn nhỏ ở ngay bên phố Huế. Tôi chỉ nhớ quan khách tuy không đông nhưng thân thiết, vui vẻ, và tiệm ăn mang tên là Lục Quốc có đầu bếp giỏi, nấu các món đều ngon.

Lê Huyên - Quốc Ân. Hà Nội 1957

Anh cả là Hải Trừng đôi khi ghé thăm Ba Mợ, anh đeo quân hàm đại uý, đội mũ kê-pi mới, oai lắm. Có một lần, anh cho tôi vào ngủ trong doanh trại Pháp cũ ở đường Hùng Vương, dạy cho cách gấp chăn màn vuông vức. Tôi ra vườn tìm ve sầu, tình cờ nhặt được mấy đầu đạn và các-tút cũ mang về khoe, không ngờ bị anh tịch thu và chỉnh ngay, rất nghiêm khắc.

Anh Trừng đẹp giai, cao lớn song vẫn khó tìm vợ vì ngày ấy sĩ quan bị tổ chức can thiệp rất sâu vào hôn nhân. Một bi kịch thậm chí đã xảy ra với gia đình bác Long Điền. Anh Hải con bác cũng đại uý, không được lấy con gái nhà tư sản, trong một phút quẫn trí anh uống thuốc ngủ quyên sinh, chết rồi quân đội vẫn thi hành kỷ luật, tước sạch quân tịch, huân chương. Chính vì thế mà Ba Mợ quyết định rời ngôi nhà tang thương và dọn đến ở với chị Chi, dù rất chật chội.

Hải Trừng - Hồng Diễm. Hà Nội 1958

Khoảng năm 1958, nhờ sự làm mối của bác Xiển gái, đến lượt anh Trừng lấy vợ. Cô dâu tên là Hồng Diễm, người cháu gái duy nhất của bác Xiển, lúc đó làm trong ngành khí tượng thuỷ văn. Mợ rất hợp tính tình với bà thông gia vốn quê ở Huế, cực kỳ hiền lành ít nói, được gọi là cụ Thị theo tước vị của người chồng mất sớm. Cũng gần như trường hợp của anh Huyên, đám cưới tổ chức đơn giản, sau đó chú rể vẫn tại ngũ, vợ chồng lâu lâu mới gặp nhau.

Mợ thì làm mối cho anh Thuyên, một người cháu họ bên ngoại, lấy cô Miễn. Đó là đám cưới đầu tiên tôi được dự ở quê nhà. Anh làm trưởng phòng gì đó của Bộ Thương binh, cũng rất ít nói. Bởi vì hai em trai của vợ đã đi làm xa, anh Thuyên về xóm Trại ở. Thời trước anh từng học trường trung học Albert Sarraut nên rất giỏi tiếng Pháp. Từ khi mới đến làm quen cô Miễn, anh đã thường xuyên mượn sách và tạp chí văn nghệ cho tôi, thành ra có thể nói tôi đã được đọc hầu hết mọi truyện ngắn và tiểu thuyết xuất bản ở miền Bắc, đúng lúc văn học Nga và Liên Xô bắt đầu được dịch nhiều ra tiếng Việt. Sau này anh lại cho tôi mượn sách khoa học khi về làm ở Nhà xuất bản Đại học và Trung học chuyên nghiệp. Chính anh Thuyên đã dạy tôi chơi cờ tướng. Lớn lên, tôi trở thành một kỳ thủ hạng khá nhưng cũng rất ít khi thắng nổi anh. Hôm vợ chồng tôi kết hôn, cũng chính anh đã tự động đi gánh nước về phục vụ đám đầu bếp làm cỗ cưới.

Đầu mùa hè năm 1958, ba anh Bằng, Bật, Đồng giã biệt Trung Quốc. Khu Học xá Nam Ninh hoàn toàn giải tán sau khi đào tạo được mấy nghìn cán bộ nòng cốt. Đúng hẹn, Ba Mợ và tôi ra ga Hàng Cỏ đón các anh về thẳng xóm Trại. Rồi anh Hoành cũng từ Thượng Hải về nghỉ phép thăm nhà. Lâu lắm mới gặp lại các anh và được nhận quà, tôi vui lắm.

Bốn người anh trẻ của tác giả. Hà Nội 1958

Không khí ở quê bỗng dưng thay đổi hẳn, trước hết do các anh mang đến tinh thần thể thao: chiếc sân trở thành nơi chuyền bóng, ném bóng và đá bóng, chiếc ao trở thành bể bơi. Anh Đồng lại đem nhiều bộ truyện tranh liên hoàn mới về cho tôi xem và giải thích tường tận. Các anh lớn còn tổ chức đi chơi quanh Hà Nội, tôi nhờ đó thỉnh thoảng cũng bám theo. Một số sáng kiến được các anh nghĩ ra và thực hiện hăng hái. Thí dụ việc đóng chuồng nuôi gà và nuôi thỏ khá thành công, nhưng khi ghép mấy thứ cây ăn quả thì chưa thấy có đột biến. Các anh lớn còn thường xuyên sang tận Nhà máy cơ khí Nông Lâm ở Cống Vọng gánh nước máy về dùng. Tôi nhớ một lần anh Huyên nghỉ phép về thăm có cùng anh Bằng, anh Bật cởi trần đứng bên bờ ao chụp ảnh, trông rất vạm vỡ.

Dịp nghỉ hè, Ba và tất cả anh em tôi tham gia vào phong trào bình dân học vụ. Tối tối mọi người lại thay phiên nhau xách đèn dầu đi giúp xoá nạn mù chữ cho nông dân. Làng trên xóm dưới càng kính trọng gia đình ông bà giáo.

Các anh Bằng, Bật học cấp 3 tại trường Chu Văn An, tít tận trên bờ nam Hồ Tây. Hàng ngày hai anh phải dậy sớm đi qua cánh đồng lên nhà bác cả Giảng ở làng trên, lấy chiếc xe đạp gửi tại đấy và đèo nhau đi tiếp. Còn anh Đồng thì cuốc bộ tới một trường cấp 2 ở làng Tương Mai cũng khá xa, cả xóm Trại có mỗi anh Nghi -con trai bà cả Ỷ- đi học cùng. Anh Đồng kết bạn với mấy học sinh cùng lớp ở làng Phương Liệt và các anh thỉnh thoảng lại đến thăm nhau. Ngày ấy học sinh cấp 2 trông đứng đắn gần như người lớn, ăn mặc tề chỉnh, nói năng lễ phép, Mợ không phải lo lắng gì hết.

Bà bế cháu ngoại thứ 3. Nghệ An 1959

Sức khoẻ của Mợ bắt đầu giảm sút, bác sĩ chẩn đoán đau dạ dày, sau mới biết là sa dạ con. Có vài lần tôi được Mợ giao mang đơn lên tận hiêụ thuốc phố Tràng Tiền mua thuốc và thay mắt kính lão. Ba thì tuy vẫn đau dạ dày nhưng có vẻ khoẻ hơn, có thể Ba vui vì các con đã đoàn tụ gần như đầy đủ sau một cuộc kháng chiến lâu dài và không ai bị sứt mẻ, gia đình lại mới tăng thêm dâu, rể.

Năm 1959 đánh dấu bằng việc liên tiếp ra đời một loạt các cháu nhỏ của tôi. Tỷ lệ nam nữ được cân bằng bởi có hai cháu trai là Hồng Vũ con anh Trừng và Duy Thanh con anh Thuyên, đối xứng với hai cháu gái là Thục Anh con chị Ân và Vân Anh con chị Chi. Mợ tiếp tục bận tíu tít với lứa cháu mới, và vất vả nhất là thực hiện chuyến đi vào tận Nghệ An giữa mùa gió Lào nóng như lửa để thăm nom chị Ân, lúc đó đã chuyển về dạy học ở thành phố Vinh cho gần chỗ đóng quân của chồng. Tôi cũng có thể tự hào là biết nuôi trẻ vì đã từng tự tay chăm sóc nhiều cháu thuộc lứa trên và cả những lứa sau này.

Thấy các anh lớn đã trưởng thành có thể đảm đương các việc chính ở Xóm Trại và tôi thì đã biết làm những công việc nội trợ đơn giản, Mợ gửi tôi một mình vào trường Sư phạm Hà Nội phục vụ Ba, để Mợ rảnh tay lo cho các cháu nhỏ. Mùa thu năm 1959 đời tôi như vậy lại có bước ngoặt mới rất đáng kể, chính xác là được ở một "xóm trí thức" khác, khi mình đang sắp kết thúc bậc tiểu học.

(còn nữa)

CHÚ THÍCH

[7] Đôi câu đối trên tường hoa do cụ cử Nguyễn Hữu Cầu viết bằng chữ Nôm để tránh bị thực dân Pháp lại bắt vì tội "ái quốc" (Thích nước).