HAI TIẾNG THÂN YÊU (Kỳ VI)

Trích hồi ký Nguyễn Chí Công

Nguyễn Chí Công

23. KHU TẬP THỂ SƯ PHẠM

Trường Sư phạm Hà Nội trông vẫn nguyên vẹn gần như hồi 1955, hầu hết là nhà một tầng mái lá, kể cả cái hội trường to tướng cũng lợp lá. Chỉ có Khu tập thể bây giờ được tách riêng, lui hẳn về phía sau, cách đường quốc lộ non nửa cây số, có lẽ vì lũ trẻ con em giảng viên và công nhân viên đã kéo về khá đông, dễ gây lộn xộn.

Tôi sống cùng Ba trong một căn buồng rộng chỉ khoảng 16m vuông, nằm ở đầu phía tây ngôi nhà lá mang số 3, thuộc khối C, bên tay phải lối vào Khu tập thể. Mấy năm sau trường mới bắt đầu có kinh phí xây nhà gạch cao tầng, nhưng trước tiên chỉ dành cho các lãnh đạo, phòng thí nghiệm và sinh viên nội trú.

Gia đình GS H.N.Cang trước gian buồng đầu C3 Khu tập thể ĐHSP Hà Nội 1958

Láng giềng C3, dãy nhà duy nhất có nền gạch, bao gồm gia đình các bác, các chú: Hoàng Ngọc Cang, Nguyễn Cảnh Toàn, Lê Khả Kế, Hồ Điềm, Nguyễn Cửu Cúc, Đỗ Bỉnh Trị, v.v.. Tôi tìm lại được trong Khu tập thể một số những bạn cũ từ thời Khu Học xá Nam Ninh và nhanh chóng làm quen các bạn mới.

Hoàng Đình Cường bạn tôi từ thuở Việt Bắc vừa gửi cho bức hình gian buồng tôi từng ở và cho biết trước kia nó được chia cho nhà bạn. Tấm ảnh do GS Nguỵ Như Kon Tum, lúc ấy là hiệu trưởng trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, chụp nhân khi cùng con là anh Công Tâm đến thăm gia đình GS Hoàng Ngọc Cang.

Suốt 5 năm liền sau đó (1959-1964) chúng tôi cùng chơi, cùng học một lớp: lớp 4 học ở thôn Dịch Vọng Hậu ngay xế trước cổng Đại học Sư phạm Hà Nội, cấp 2 học ở thôn Dịch Vọng Tiền gần Cầu Giấy, lên lớp 8 học trường Yên Hoà bên làng Hạ Yên Quyết ven sông Tô Lịch, cách Khu tập thể gần 3km, nơi có ngôi chùa Cót rất đẹp.

Ngoài một ngôi nhà to cao đứng riêng và chia thành các phòng tập thể thao khá rộng rãi, Khu tập thể lúc đó bao gồm khoảng hai chục dãy nhà gần giống hệt nhau, mái tranh nền gạch hoặc nền đất, chia thành các căn hộ nhỏ chỉ gồm một hoặc hai gian ngăn bằng vách vôi mỏng hoặc cót liếp rất tuềnh toàng. Để chống bão, cứ cách mấy thước lại có một sợi dây thép khá to buộc chặt vì kèo và kéo căng xuống cây cọc cắm sâu dưới đất. Biết bao người lạ nếu đi qua sân mà vô ý là bị vấp bởi những sợi dây này.

Khách đến, Ba pha trà tiếp chuyện ở chiếc bàn viết duy nhất cạnh cửa ra vào, tôi thường ngồi ghế con làm bài tập bên cái giường cá nhân kê dưới cửa sổ đầu hồi, chiếc tủ đứng và xe đạp để ở cuối phòng. Trước hiên nhà là một bể nước công cộng với các ô vuông có vòi nước để giặt, rửa, bên cạnh là chiếc cống lộ thiên đầy bùn đen với các con thuỷ tức và cá săn sắt lượn lờ. Dãy nhà vệ sinh công cộng thì nằm xa xa ven phía hàng rào, lấp ló sau hàng chuối tiêu.

Trong trường Sư phạm Hà Nội có nhạc sĩ Phan Nhân phụ trách dàn hợp xướng. Tôi rất nhớ các vở chèo và kịch nói từng được diễn ở đây. Diễn viên và nhạc công không thiếu vì Khu văn công Mai Dịch ở ngay làng bên cạnh. Hồi đó bố chị Trà Giang rất mê bóng đá nên thường dẫn cô con gái đẹp tuyệt này đến sân vận động SP. Nhớ đến các nghệ sĩ tiền bối nay đã quy tiên gần hết, lòng tôi lại buồn man mác.

Trước cổng Khu tập thể là một sân vận động rất rộng, tôi đã học đá bóng ở đây nhưng không thành công vì thân hình bé nhỏ và kém khéo léo, thậm chí một lần còn bị các anh sinh viên vô ý xô ngã vào gạch, chảy mất bao nhiêu máu đầu. Bên cạnh sân vận động còn có một khu vườn trường rất phong phú với các loài cây, những nhà sinh vật học trẻ tuổi sau này nổi tiếng như Phan Nguyên Hồng, Phan Cự Nhân và Lê Quang Long thường xuyên làm việc ở đây.

Ngôi nhà lớn với các phòng tập thể thao nằm ngay sau cái sân bóng chuyền có thể thấy từ xa ngoài cổng Khu tập thể. Khi phòng bóng bàn rảnh, tôi và các bạn thường vào đánh ké ở đây, nếu bàn bận thì cả bọn ngồi xem các sinh viên tập đấm box, cử tạ, v.v..

Bạn Cường và anh Cửu Việt là hai người chơi bóng bàn giỏi nhất đám thiếu niên, đánh ngang tài với các tuyển thủ ĐHSPHN. Ngày ấy có được cây vợt Đường Sắt của chú Tạ Đình Đề đã là ước mơ lớn của cả lũ, còn vợt Song Hỷ thì cao vời vợi. Những tay mê chơi đành phải tự tìm cách lột mặt gai rồi dán thêm mút và úp gai để tăng độ xoáy. Những bài học sáng tạo có lẽ là từ cảnh khó mà ra.

Ban đầu, Ba và tôi ăn cơm tháng tại một quán cơm gần đấy, giá rẻ mà ngon, chỉ có cậu Trinh bưng bê bị dị tật thừa một ngón trên mỗi bàn tay và mặt loang lổ do bạch tạng làm tôi hơi sợ. Từ những năm 1960, Ba đau dạ dày nặng hơn nên tôi phải nấu cơm nếp cho Ba ăn riêng. Ba hướng dẫn tôi trồng được một vườn rau khá rộng, mỗi khi thu hoạch dư ra lại mang bán xu hào, cải bắp, bí ngô, bí đao cho nhà bếp tập thể.

Cái bếp tập thể này đáng nhớ vì trong nhiều năm tôi thường mang phích đến đây lấy nước sôi và ăn cơm với các chú giảng viên sống độc thân, nghe được khối chuyện họ bàn tán về Ba. Nào “ông cụ” giỏi Hán văn và Trung văn nhưng chỉ giải nghĩa những từ khó cho các chú ở bộ môn này, chứ không bao giờ chịu viết sách. Nào “ông cụ” nhiều năm là chủ tịch hội đồng kỷ luật mà chủ yếu đi bênh vực, xin giảm nhẹ tội cho sinh viên. Rồi “ông cụ” tuy không giao du rộng rãi với lãnh đạo nhưng luôn luôn lịch sự và nghiêm túc làm việc, được hiệu trưởng Phạm Huy Thông và rất nhiều người kính trọng, mặc dù cũng không ít kẻ cơ hội lại cho là không thức thời, v.v..

Thầy Tảo và Bộ môn Tâm lý-GD học cùng hiệu trưởng P.H.Thông. HN 1961

Sống trong Khu tập thể, tôi đã trực tiếp thấy Ba chăm chỉ giúp đỡ tận tình các sinh viên và họ yêu mến Ba như thế nào. Ba thường xuyên thức khuya chấm bài và soạn giáo án. Buổi sáng Ba dậy rất sớm, cứ ngồi toạ hoa sen đọc sách trong màn. Ban ngày, Ba lên lớp giảng bài và thảo luận, họp hành. Buổi tối, các anh chị sinh viên thường hay đến hỏi bài hoặc trình bày những việc thậm chí rất riêng tư.

Thói quen tập thể dục và lau mình bằng nước nóng, Ba vẫn giữ nguyên như hồi ở Nam Ninh, nhưng lúc này tóc Ba đã bạc nhiều, lưng hơi còng và sức lực cũng giảm đi. Ba tiếp tục giữ chức tổ trưởng bộ môn Tâm lý - Giáo dục học cho đến khi về hưu (sau đó bộ môn này nâng lên thành khoa), tổ phó là bác Nguyễn Lân. Cán bộ đông hơn chục người, trong đó tôi nhớ nhất cô Hoài và một số chú như Phạm Minh Hạc, Vũ Văn Thái, Phạm Hoàng Gia, Nguyễn Đức Minh, Hà Thế Ngữ, Phạm Tất Dong, v.v.. Lần lượt nhiều cán bộ trẻ của bộ môn đã được cử đi Liên Xô để làm nghiên cứu sinh và phần lớn sau này họ nắm giữ các trọng trách khoa học và chức vụ quản lý ngành giáo dục.

24. DỊCH VỌNG HẬU

Ngày ấy Dịch Vọng Hậu là một thôn nhỏ và đẹp với những con đường gạch trồng hai hàng cây sòi hai bên. Đến mùa thu lá sòi đỏ rực, mọi người xung quanh được ăn món cốm Vòng mới giã, tươi ngon hơn cốm mua từ các gánh hàng rong trên hè phố nội thành. Năm 1960, chị Nguyễn Hiến Chi vào học tiếp tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội nên phải chuyển cả gia đình từ phố Thợ Nhuộm về đây và ở tạm trong nhà một chị có chồng làm nghề lái xe lu, luôn phải đi xa theo các đội xây dựng hoặc sửa chữa đường xá giao thông.

Cổng đình làng Hậu mới xây trên đường Trần Thái Tông

Rất tiếc khi tôi quay lại thăm làng Hậu đã không tìm ra dấu vết nào đúng như ngày xưa. Đại lộ Trần Thái Tông và khu phố mới xây nuốt gần hết mọi di tích. Đình chùa đều bị bê tông hoá và mất đi vẻ cổ kính riêng biệt. Những cột to bằng gỗ vàng tâm khá mềm khắc đầy tên chúng tôi đã vĩnh viễn không còn.

Lớp 4C của tôi gồm 48 đứa, chủ yếu là trẻ nông thôn từ các làng Dịch Vọng, Mai Dịch, Phú Diễn, Mỹ Đình, Mễ Trì đến đây học hàng ngày, ngay trong đình. Trong lớp có những học sinh rất lớn so với tôi, thậm chí một số đã lấy vợ, thế mà chúng tôi vẫn nghịch những con sâu sòi to tướng, đùa nhau và làm đổ biết bao mực tím trên những bộ bàn ghế gỗ lim dài nặng chịch. Nhờ có thày Vị, thày Hồi và thày Phạm Gia Thoan chủ nhiệm lớp phát hiện năng khiếu và bồi dưỡng mà tôi trở thành một học sinh giỏi toàn diện. Cho đến nay bạn Cường vẫn thuộc làu làu bài điểm danh của thầy Thoan, thật là trí nhớ siêu việt.

Phía sau trường Đại học Sư phạm Hà Nội, gần đường đi vào Khu tập thể có một ngôi chùa cổ toàn ni cô, tên là chùa Thánh Chúa. Tương truyền mẹ con vua Lê Thánh Tông thời hàn vi đã từng giả trang lẩn tránh và trú ngụ ở nơi đây. Tôi thường câu cá ao chùa, trèo lên gác chuông của cổng tam quan để hóng gió, hoặc ngồi trong chiếc sân rộng rãi học bài, nơi đây yên tĩnh lại mát mẻ vì có hai cây muỗm rất to. Bạn Tuý từng sống trong rừng núi Nghệ An, phát hiện ra ở bờ rào nhà chùa có một cây gỗ sưa và đã trót chặt về đẽo làm hàng chục con quay to cho cả bọn trẻ chơi. Đó chính là nơi lần đầu tiên tôi trở thành kẻ tiêu thụ hàng ăn trộm, đã bị Ba quở trách và phạt nặng, nhớ đến suốt đời.

Năm 1961, chị Chi một lần nữa lại chuyển nhà vì chồng là anh Nguyễn Hanh đã được từ Lai Châu về làm việc ở Hà Nội. Cả gia đình gồm 5 người sống trong một căn nhà nhỏ 2 gian cạnh sông Tô Lịch, bên tay phải Cầu Giấy nếu đi từ Thủ Lệ. Ba vẫn ghé qua đây thăm hỏi và tôi thỉnh thoảng cũng đến giúp trông bế cháu Vân Anh.

Thầy cô và học trò lớp 6C trường cấp 2 Dịch Vọng. HN 1961

25. DỊCH VỌNG TIỀN

Trong những năm tiếp theo, tôi may mắn có được sự quan tâm của một loạt giáo viên giỏi như thày Dũng, thày Tiến, thày Ngọc, thày Phiếm, cô Phượng v.v. đã tình cờ hội tụ về trường phổ thông cấp 2 Dịch Vọng và táo bạo áp dụng những phương pháp khuyến khích sự tự tin của học trò. Đám con em giảng viên các trường Đại học Sư phạm Hà Nội, trường Tuyên giáo và trường Nguyễn Ái Quốc trung ương đã được chú trọng đào tạo và trở thành những học sinh hạt nhân đưa ngôi trường ngoại thành từ vô danh trở thành một điển hình tiên tiến về giáo dục của thủ đô.

Nghe nói khi lứa chúng tôi lên cấp 3 (Yên Hòa) các thầy cô nói trên lại lần lượt bị thuyên chuyển và trường cấp 2 Dịch Vọng cũng mất dần danh tiếng của mình.

Trường phổ thông cấp 2 Dịch Vọng toạ lạc tại thôn Tiền, đường đi học cũng quanh co giữa hai hàng sòi duyên dáng. Tôi không bao giờ quên những người bạn cùng trường. Chúng tôi đã chung tay xây dựng một vườn sinh vật xinh đẹp. Tan học về bọn con trai thường rẽ vào vườn chơi hoặc vùng vẫy bơi trong cái hồ ngoài cánh đồng phía trước ngôi chùa Hà, ngày ấy vắng ngắt và nằm ở rìa làng. Sau này, những kỷ niệm quý báu dưới mái trường xưa thường được chúng tôi hào hứng ôn lại mỗi khi có dịp gặp nhau.

Bạn cũ từ vườn trẻ Tâm Hư và trường cấp 1-2 Dịch Vọng, HN

Ba hay hỏi chuyện học hành của tôi hơn, đôi khi rảnh rỗi còn giảng giải cho về văn học cổ điển Đông, Tây. Tôi để ý Ba thường đọc đi đọc lại các tác phẩm thơ và tiểu thuyết in bằng Pháp văn và Trung văn như Chinh phụ ngâm khúc (Đặng Trần Côn), Hoàng Lê nhất thống chí (Ngô gia văn phái), La petite Fadette (George Sand), Les misérables (Victor Hugo), Madame Bovary (G. Flaubert), Émille (J.-J.Rousseau), Crime et Châtiment (Fédor Dostoïevski), Anna Karénine (Léon Tolstoï), Thạch đầu ký (Tào Tuyết Cần), Thuỷ hử (Thi Nại Am), v.v.. Trong những bộ sách đó có một số minh hoạ rất ấn tượng. Đặc biệt, Ba thích ngâm thơ chữ Hán của Đào Tiềm, Đỗ Phủ, Viên Mai. Ba đặt mua dài hạn nhiều tạp chí, tôi nhớ một tạp chí Pháp văn hình như là Littérature Soviétique (Văn học Liên Xô) có minh hoạ phong phú. Nghĩ lại kỹ mới thấy Ba là một người vừa cổ điển vừa hiện đại và rất cảm thông với những số phận éo le.

Từ khi chuyển về môi trường giáo dục thuận lợi là Khu tập thể của trường Đại học Sư phạm Hà Nội, tôi luôn luôn ở trong nhóm những học sinh mang lại vinh dự cho cha mẹ. Thậm chí tôi đã tốt nghiệp cấp 2 với vị trí thủ khoa Hà Nội, được ông giám đốc Sở Giáo dục tặng bằng khen. Ba đã cố gắng tìm những cuốn sách cho tôi tự học thêm, bên ngoài hệ chương trình phổ thông. Tôi học được phần nào tính kín đáo và không màng danh vị của Ba, do đó trừ một vài bạn thân nhất còn không ai đoán được tôi thích những gì và đã đọc đến những gì.

Họp mặt Hội đồng môn cấp 2 Dịch Vọng

Ngoài việc học là chính, tôi giúp Ba giặt là quần áo, đánh giày và lau xe đạp. Ba vẫn cắt tóc ngắn và giữ lối ăn mặc đạo mạo. Vào khoảng năm 1961-1962, Ba mua một đôi giày Tiệp và may bộ complet len màu nâu sẫm, diện với cravatte lụa Pháp và mũ dạ xứ Basque trông rất sang trọng. Cứ chiều thứ bảy, Ba đạp xe về quê, chiều hôm sau lại quay vào trường. Tranh thủ những giờ tự do quí giá, bạn bè tôi thường kéo đến căn phòng đầu nhà C3 và bày ra đủ thứ trò vui nhộn của tuổi thiếu niên.

26. TỪ BIỆT ĐẠI HỌC SƯ PHẠM

Đức tính cực kỳ khiêm tốn kín đáo là một nét cố hữu ở Ba. Điều này làm cho mọi người xung quanh, kể cả Mợ và anh chị tôi, biết rất ít những suy nghĩ của Ba và không hiểu hết được tầm vóc của Ba. Tôi may mắn là người con duy nhất được sống hầu như liên tục và lâu dài tới 16 năm bên cạnh Ba mà cũng như thế, vừa do trẻ quá và vừa do vô tâm, bị xã hội miền Bắc cuốn hút theo lối sống của một thời đại không chú ý mấy đến thân phận cá nhân. Mãi sau khi Ba mất, dần dần tôi mới chắp nối ký ức với các tư liệu khác nhằm dựng lại hình ảnh của Ba mà những nét chủ yếu đang được ghi chép trong hồi ký này.

Trong các bức ảnh chụp chung với lãnh đạo chính trị, nếu không bị mời ép thì Ba bao giờ cũng đứng ở góc khuất. Ba không cho ghi tên mình lên bìa các giáo trình và sách in do Ba soạn ra hoặc hiệu đính giúp người khác, trừ trường hợp bắt buộc phải tuân theo quy định. Cả trong bản khai sinh của tôi, Ba cũng chỉ ghi mình là “cán bộ phụ giảng”. Tờ giấy này tôi vẫn giữ gìn cẩn thận gần 60 năm qua cùng những bút tích và kỷ vật khác của Ba.

Xưa kia nhờ việc không đăng hình và ký tên trên các sách báo về Đông Kinh Nghĩa thục mà cụ cử Nguyễn Hữu Cầu đã thoát án tử hình của Pháp. Phải chăng Ba thừa kế tính khiêm tốn từ Ông nội tôi ? Mãi sau này một số đồng nghiệp và học trò cũ của Ba đã tìm hiểu và xác minh được phần nào hoạt động trước tác của Ba.

Trên trang web của trường Đại học Sư phạm Hà Nội có đăng tải bài viết “Chân dung Nhà giáo tiêu biểu: GS NGUYỄN HỮU TẢO - LƯƠNG SƯ PHÚC HẬU GƯƠNG MÔ PHẠM”, trong đó tác giả Nguyễn Như An tóm tắt như sau (trích nguyên văn):
’Giai đoạn sôi nổi nhất là giai đoạn Thầy tập trung nghiên cứu giảng dạy về khoa học giáo dục ở khu học xá Việt Nam đặt tại Nam Ninh ( Trung Quốc) từ năm 1951 đến năm 1954 và giảng dạy làm tổ trưởng tổ Tâm lý - Giáo dục học thuộc ĐHSP Hà Nội (1955 -1965). Giai đoạn này Thầy đã dịch cuốn “Giáo dục học” của Viện sĩ Cairốp (Liên Xô) dịch qua bản Trung văn, quyển “Nguyên lý đạo đức cộng sản chủ nghĩa” của Sitxkin (Liên Xô), quyển “Mẹ dạy con” dịch từ tập sách của một tập thể tác giả Liên Xô. Thầy chủ biên “Sơ thảo giáo dục học đại cương”, giáo trình đầu tiên ở Việt Nam dùng cho ĐHSP, và thầy soạn giáo trình “Giáo dục học”, bản thảo tặng khoa Tâm lý - Giáo dục học ĐHSP Hà Nội trước khi nghỉ hưu.’ [8]

Cho đến giữa những năm 1960, trừ anh Hải Hoành học chuyển tiếp thẳng từ Khu học xá lên Đại học Giao thông Thượng Hải và ra trường được công tác ở Hà Nội, hầu hết các anh chị khác của tôi đều phải vất vả đi xa tới những nơi khó khăn, mãi sau này mới dần dần được về quê. Đối với cán bộ tổ chức ngày ấy thì quả thật lý lịch gia đình quan trọng hơn thành tích học tập cá nhân. Trong nhiều mặt, đạo đức xã hội bắt đầu có biểu hiện xuống cấp, các tệ móc ngoặc, cửa quyền, bè phái, địa phương tiếp tục lan tràn. Tuy quen biết rộng rãi nhưng Ba không hề xin ai can thiệp cho con cái bao giờ, rất nhiều người vì thế đã coi Ba là một ông già gàn dở.

Lúc này mâu thuẫn Trung-Xô càng ngày càng gắt gao và ảnh hưởng rất xấu đến Việt Nam, xu hướng thân Trung Quốc có vẻ thắng thế. Đài Bắc Kinh phát thanh ra rả ở Hà Nội và được nhiều cán bộ lắng nghe, tán đồng. Những cán bộ được đào tạo từ Liên Xô và các nước Đông Âu tuy hiếm nhưng cũng không được thật sự quý trọng, thậm chí bị dò xét và nghi ngờ là lũ “xét lại”. Anh Vũ Huyên từ học viện quân sự Voroshilov bị gọi về và ngay năm sau phải đi chiến trường Khu Năm gian khổ, may rằng còn để lại một đứa con trai duy nhất là cháu Ngọc Anh. Ba không hề tham gia chính trị nhưng cuối đời Ba có nghe theo các học trò cũ, trong đó có Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh, gia nhập Đảng Lao động Việt Nam trước khi về hưu, phải chăng là để cho các con đỡ bị thiệt thòi?

Lên cấp 3 tôi bắt đầu có những suy nghĩ “người lớn” và tỏ ra bướng bỉnh hoặc phản ứng trước những bất công trong trường, đặc biệt từ khi bị thầy hiệu trưởng dạy chính trị trù úm. Mặc dù tiếp tục học giỏi và được thày Mạnh, thày Hảo, cô Thanh và nhiều bạn ủng hộ ngầm, vụ lùm xùm này đã làm tôi chán ngán. Mùa hè năm 1964, cuối cùng Ba được nhận sổ hưu ở tuổi 65 và tôi theo Ba rời trường Đại học Sư phạm Hà Nội về hẳn xóm Trại.

(còn nữa)


CHÚ THÍCH

[8] http://hnue.edu.vn/Trangtintuc/Tintuc-Sukien/tabid/260/news/389/ChandungNhagiaotieubieuGSNGUYENHUUTAO-LUONGSUPHUCHAUGUONGMOPHAM.aspx