Hà Nội đẹp vì Hà Nội có linh hồn*

So với 1000 năm Thăng Long - Hà Nội thì một thế kỷ kiến trúc Hà Nội chỉ là một đoạn ngắn, nhưng là đoạn vô cùng quan trọng bởi hầu hết kiến trúc đô thị - đi cùng với nó là văn hoá đô thị, lối sống đô thị, được hình thành và phát triển trong giai đoạn này. Một phần kiến trúc ấy, văn hoá ấy, lối sống ấy vẫn còn đang sống với chúng ta trong thế kỷ 21, nhưng nhiều phần, rất nhiều phần đã và đang mất đi, vĩnh viễn, hoặc đang biến dạng dữ dội…

Đổi thay là quy luật của sự phát triển. Nhưng da thịt có thể đổi thay, hồn cốt là vĩnh viễn.

Những câu chuyện tâm huyết của các kiến trúc sư, các nhà nghiên cứu lịch sử trong chuyên đề Một thế kỷ kiến trúc Hà Nội - Hồn phố, nói như KTS TrầnThanh Vân, “không định ca ngợi những cái đã mất, để thở dài, để ngậm ngùi trong chốc lát”. Mà để tìm ra một con đường phát triển bền vững, đổi thay mà vẫn giữ được “linh hồn của phố” của một Hà Nội “lắng hồn núi sông ngàn năm”…

Các bài viết trong chuyên đề trích từ tham luận tại Hội thảo "Về bản sắc văn hoá Hà Nội trong văn học nghệ thuật thế kỷ XX" do Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam và NXB Tri thức phối hợp tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Tham luận 1: Hà Nội đẹp vì Hà Nội có linh hồn

Hà Nội quá khứ

Tôi sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, đối với tôi Hà Nội rất đẹp. Trong ký ức tuổi thơ, mọi kỷ niệm đều ghi đậm trên từng gốc sấu, từng hàng me, từng hàng phượng vĩ khoe sắc đỏ tươi trong ngày Hè hay hàng hoa sữa kín đáo toả hương thơm hăng hắc trong những ngày đầu đông…, tất cả để lại trong tôi một tình cảm không sao tìm thấy ở bất cứ nơi nào khác. Lớn lên xa Hà Nội, đi du học, đi thực tập tham quan ở nước ngoài, đi công tác ở nhiều thành phố khác trong nước, tôi càng thấy Hà Nội của tôi đáng yêu hơn, đẹp một cách bình dị, kín đáo và sâu lắng.

Thật ra không phải chỉ riêng tôi, hầu như tất cả những ai đã qua Hà Nội một đôi lần, ai đã từng sống ở Hà Nội, dù chỉ một thời gian ngắn, đều có cảm giác như vậy. Sức hấp dẫn mãnh liệt đó có được trong lòng mọi người không phải vì thành phố này lộng lẫy, giàu sang. Hà Nội quyến rũ lòng người, chính bởi Hà Nội có một vẻ đẹp duyên dáng, một linh hồn đẹp đáng trân trọng.

Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây,
Đây lắng hồn núi sông ngàn năm…

(Người Hà Nội - Nguyễn Đình Thi)

Tượng Lý Thái Tổ. Click các mũi tên để xem panorama ©Thang Bui 2010

Hà Nội hôm nay

Những nét đẹp đó của Hà Nội hôm nay còn lại rất ít. Thành phố đang được mở rộng ra, được xây cao lên, toà ngang dãy dọc lộng lẫy hơn, nhưng nhà cửa chen chúc hơn, kệch cỡm hơn và cây xanh, mặt nước đang mất dần, xe cộ, khói bụi, rác rưởi xâm lấn mọi nơi và… Hà Nội đang trở nên vô hồn. Thật buồn và xót xa khi ai đó lên câu cảm thán “Bao giờ cho đến ngày xưa?”

Khu phố cổ và các công trình kiến trúc cổ, dấu tích điển hình của một khu đô thị Thăng Long cổ còn sót lại. Cùng với những công trình kiến trúc cổ này là cây xanh hồ nước. Đó là nét đặc trưng của Phong thủy Thăng Long. Trong Chiếu dời đô, vua Lý Thái Tổ đã dùng cụm từ “Rồng cuộn Hổ chầu” để chỉ rõ cấu trúc sông hồ cuộn lại có núi kề bên tạo nên một thế đất rất quý hiển. Ngày nay 80% mặt hồ đã bị lấp, sông Thiên Phù chỉ còn một đoạn ngắn ở Ải Xuân La, sông Tô Lịch bị chặt làm đôi… Long mạch bị triệt trầm trọng và những câu thơ cổ vang lên ai oán như nuối tiếc một cảnh thần tiên ở một nơi xa lơ xa lắc:

"Sông Tô nước chảy trong ngần,
Con thuyền buồm trắng lúc gần, lúc xa"

Hay

"Nước sông Tô vừa trong vừa mát
Thuyền em đỗ sát thuyền anh
Ngập ngừng muốn tỏ tâm tình
Sông bao nhiêu nước, thương mình bấy nhiêu"

Nhân đây tôi muốn giải thích một chút về Phong thủy ở góc cạnh thẩm mỹ: Phong là gió, thủy là nước, ngoài ý nghĩa huyền bí không thể đo đếm được do một sức mạnh vô hình mang lại, một ngôi nhà có phong thủy tốt vì nó giải quyết tốt vấn đề thông hơi, thoáng gió, một ngôi nhà có bố cục cổng ngõ, vườn trước, sân sau, gian thờ, phòng khách… hợp lý và sáng sủa. Xưa kia gần như 100% nhà phố cổ Hà Nội đều đạt tiểu chuẩn về phong thủy như vậy. Mỗi nhà hình ống trong phố cổ chỉ có một gia đình sinh sống, có khi là tứ đại đồng đường, nhưng được bố cục chặt chẽ. Gian ngoài cùng tiếp giáp với mặt đường là cửa hàng buôn bán, gian tiếp theo là phòng khách có sập gụ, tủ chè, bộ tràng kỷ gỗ gụ đen bóng, kế tiếp là sân trời có bể cảnh và hòn non bộ, một ít cây xanh… Khu nhà bếp, phòng ăn và xí tắm ở phía sau và cũng từ sân giữa này có cầu thang lên các phòng ngủ ở trên gác. Vào một ngôi nhà phố cổ, khách tham quan cảm nhận về một nếp sống trật tự, ngăn nắp thể hiện ngay trong bố cục ngôi nhà. Hiện nay mỗi ngôi nhà phố cổ này đã có hàng chục gia đình sinh sống. Tình trạng sống chen chúc, chật chội, bẩn thỉu và rất nhiều bất hợp lý đang tồn tại. Làm cách nào đưa được dân đi bớt khỏi nơi đây và giữ phố cổ này như một Di sản Thăng Long là một vấn đề rất có ý nghĩa.

Ngoài Hà Nội, chúng ta có hai thành phố mà kiến trúc cổ đang là một tài sản quý để nuôi sống thành phố: Hội An và Huế. Những năm gần đây, Hội An và Huế được coi là thành phố du lịch đáng mến mộ. Phố cổ Hà Nội chiếm một tỷ lệ không lớn, nhưng rất cần được đưa lên bàn cân để làm bản phân tích luận chứng kinh tế, để có những quyết sách thoả đáng. Đã có rất nhiều dự án tôn tạo phố cổ của Nhật, của Pháp, nhưng có lẽ chúng ta cần có ý thức chiến lược kinh tế hơn nữa và chúng ta phải tự làm.

Ta có ông bạn hàng xóm là nước Trung Hoa, họ rất coi trọng việc khai thác di sản văn hoá cổ. Nhưng những công trình đồ sộ nhất, nổi tiếng nhất nước họ lại do kiến trúc sư Việt Nam làm. Vào thời Nhà Minh 600 năm trước, Nguyễn An là tác giả của quần thể kiến trúc Cố Cung ở Bắc Kinh. Ngày nay, thành phố Thượng Hải hiện đại và năng động vào bậc nhất thế giới vừa cải tạo thành công khu phố cổ Xintiandi, chùa Dự Viên, chùa Phật Ngọc… một khu đô thị cổ từng nhiều năm tồn tại vất vưởng cạnh khu đô thị mới thì nay đã trở thành nơi có thu nhập GDP rất cao, lại nhờ sự nghiên cứu đóng góp của KTS Việt Nam, Ngô Viết Nam Sơn. Ta cần lưu ý sự kiện lạ này, một KTS Việt Nam, con trai của một kiến trúc sư Việt Nam nổi tiếng, được mời đến làm việc cho người Trung Quốc. Ngược lại khu phố cổ ở Hà Nội lại nhờ KTS nước ngoài, nhưng họ giúp mãi vẫn chưa thành công. Tất nhiên sự đóng góp của KTS không phải là tất cả, cái chính là quyết sách của chính quyền và các nhà đầu tư. Theo thiển nghĩ của tôi, tìm một nhà đầu tư không khó, khó là tìm ra chính sách đầu tư.

Một đặc trưng nổi bật khác của không gian Hà Nội là khu phố Pháp với những biệt thự kiểu Pháp thế kỷ thứ 19 nhưng đã được các KTS tài năng như Arthur Kruze, Ernest Hébrard và các cộng sự nghiên cứu, nhiệt đới hoá, tạo ra một nền Kiến trúc Đông Dương không có ở Pháp và cũng không có ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Những ngôi biệt thự xinh xắn có mái hiên, cửa kính cửa chớp có thể coi là một “đặc sản” của Hà Nội. Phụ trợ cho những kiến trúc nhỏ nhắn xinh đẹp này là những hàng cây xanh rợp bóng. Đó là những nét đẹp rất Hà Nội mà người Hà Nội phải ý thức được là sẽ “hái ra tiền” nhờ nó. Hiện nay, trừ một số tuyến phố có cơ quan ngoại giao đang sử dụng thì hình dạng công trình còn được giữ gần như nguyên trạng. Phần đông nhà cửa trong phố Pháp xưa đã bị cơi nới, lên tầng, có chỗ tệ hại hơn đã bị đập đi xây lại thành nhà cao tầng. Thật đáng tiếc! Nhìn từ Bờ Hồ hôm nay, ai cũng thất vọng và đau lòng khi thấy không xa khu biệt thự Pháp cũ là toà cao ốc màu đỏ của Ngân hàng Vietcombank và Trung tâm tài chính chứng khoán. Hồ Hoàn Kiếm thơ mộng xinh đẹp bị thu nhỏ lại, trông càng giống cái ao làng! Nếu Hà Nội còn tiếp tục xây trung tâm thương mại và khách sạn cao tầng ở nơi đây thì mọi giá trị độc đáo của khu phố Pháp với đặc trưng kiến trúc Đông Dương sẽ bị mai một, chưa nói đến ách tắc giao thông và việc sụt lún trầm trọng do nền móng nơi đây nguyên là lòng sông Nhị Hà cũ, nền đất rất yếu, tốc độ sụt lún đang xảy ra rất nhanh.

Chúng ta ý thức được cái đẹp không thể mài ra để ăn. Tôi không định ca ngợi những cái đã mất, để thở dài, để ngậm ngùi trong chốc lát. Tôi muốn thành phố quyết tâm bảo tồn khu phố cổ và khu phố Pháp cũ. Chỉ cần ta ý thức được làm như vậy là bảo vệ giá trị văn hoá của Hà Nội và làm như vậy Hà Nội sẽ có khu du lịch hấp dẫn và người Hà Nội sẽ kiếm được nhiều tiền hơn.

Theo KTS Trần Thanh Vân (TT&VH)